Skip Menu

10:00 - 31/08/2016

Tâm thư của một sinh viên Đại học Kinh tế nhắn nhủ tới các em Tân sinh viên

Chia sẻ xúc động từ một bạn sinh viên Đại Học Kinh Tế về môi trường học đại học đã gây sốt cộng đồng mạng trong suốt mấy ngày gần đây... Hãy đọc ngay những gởi gắm từ tận trái tim của một cô gái UEHer

 Đại học có gì? Đó là những câu hỏi muôn thuở của những cô cậu nhóc ngây ngô khi vừa trải qua xong kì thi đại học. Nhưng tôi dám chắc với bạn, đại học là một vùng đất mới mẻ nếu không hết mình "vun xới" cho nó bạn sẽ phải cảm thấy hối hận. 

EBIV là cộng đồng tin cậy cho mọi người có thể tìm kiếm, đánh giá, bình luận các đơn vị đào tạo hàng đầu Việt Nam

“…là bầu trời của việc học thực sự - tự học…”

Có lẽ bạn đã quá quen với những ngày tháng học hành bận rộn của năm cấp 3, những đêm “cày” để học cho kì kiểm tra, những áp lực điểm số và thi cử mà gia đình và nhà trường đặt lên vai bạn.

Vậy lên đại học thì sao?

Mọi thứ sẽ khác đi rất nhiều…

Bạn sẽ sống dưới một bầu trời mới mà chính bạn là người làm chủ, không có áp lực của gia đình và bạn bè, không có những buổi học thêm dày đặc,…Bạn trở thành người tự chủ cho việc học của mình.

Tại sao vậy?

Bởi vì bạn là người đăng kí số lượng buổi học của mình theo qui chế tín chỉ, các buổi học trên trường đều rất ít, nếu bạn muốn giỏi bạn phải đọc trước tài liệu ở nhà, tự làm bài tập mà không có thầy cô kiểm tra, những điều không hiểu đôi khi phải tự tìm hiểu lấy hoặc hỏi bạn bè,…

Có nhiều bạn học hành sa ngã ở đại học khi rời xa sự kìm kẹp của ba mẹ.

Đi học trễ hả? Chuyện bình thường.

Cúp học hả? Vô tư.

Rớt môn và học lại ư? Chuyện xảy ra như cơm bữa.

Đây thực sự là một tình trạng đáng buồn vì nhiều bạn tôi quen, tôi biết trước kia học rất giỏi nhưng từ khi lên đại học lại học hành xuống dốc rất nhiều. Tôi hi vọng các bạn sắp bước chân vào môi trường Đại học nói chung và ĐH Kinh tế nói riêng, sẽ không lặp lại những việc làm không đẹp ấy nữa. Hãy học tập vì mục tiêu kiến thức chứ không phải là điểm số và đừng bỏ lỡ khoảng thời gian tươi đẹp của bạn chỉ để ăn, ngủ, tiêu khiển.

Nhưng bạn không cần lo lắng nhiều đâu, bạn vẫn có thể dễ dàng vượt qua kì thi nếu bạn cố gắng bằng 50% sức lực khi bạn học ở cấp 3. Thực sự để học giỏi ở ĐH Kinh tế không quá khó, bạn chỉ cần lên lớp đầy đủ, chăm chú nghe thầy cô giảng bài kết hợp với việc hăng hái phát biểu, làm bài tập về nhà. Bạn sẽ phát triển được kĩ năng làm việc nhóm và thấy hiệu suất làm bài tập nhanh đến mức kinh ngạc.

Nhiều đứa bạn của tôi bị mất kiến thức căn bản nhưng chỉ cần 2 tuần trước kì thi, “cày” với nhóm học tập là qua môn và đạt những số điểm bất ngờ. Và đây phần thưởng cho những con người siêng năng là những phần học bổng có giá trị: 50% học phí cho học bổng loại khá, 100% cho học bổng loại giỏi và 120% cho học bổng loại xuất sắc.

 Bạn có thể dễ dàng vượt qua kì thi nếu bạn cố gắng bằng 50% sức lực như khi bạn học ở cấp 3

 “…là bầu trời của những chuyến đi thiện nguyện, những niềm đam mê ngoài việc học kiến thức…”

Đến với UEH, bạn sẽ  thấy hàng chục câu lạc bộ, đội nhóm đang chờ đón bạn. Đây cũng là nơi tôi tìm ra bầu trời của mình khi tham gia những hoạt động tình nguyện của đội Công tác Xã hội. Với những lần tham gia tình nguyện tại mái ấm tình thương, những ngôi trường dành cho những đứa trẻ khuyết tật, tôi cảm thấy mình may mắn biết bao, thấy mình rộng lượng hơn, biết cảm thông và thấu hiểu nhiều hơn.

Ở trong một câu lạc bộ, bạn sẽ tìm thấy cho mình một mái nhà nho nhỏ và dễ dàng để quen thêm những người bạn mới, cùng chung suy nghĩ và sở thích. Tôi có thể không cần search trên Google mà có thể kể ra vanh vách mấy chục Câu lạc bộ(CLB), đội nhóm của trường mình đấy:  các Clb Tiếng anh như Bell Club, Apple Club, Clb Kế toán-Kiểm toán, Clb truyền thông S-com, Clb nghiên cứu kinh tế trẻ,… tha hồ cho bạn lựa chọn và trải nghiệm.

 Thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện, bạn sẽ thấy mình rộng lượng hơn, biết cảm thông và thấu hiểu nhiều hơn.

Đừng nói với tôi là sau khi lên đại học, bạn chỉ biết học và học, hãy dành thời gian cho một câu lạc bộ yêu thích và bạn sẽ khám phá ra nhiều điều hay ho khi bạn hòa mình vào môi trường ấy. Có thể bạn sẽ tìm ra đam mê của mình hay quen được những con người thú vị, những đứa bạn mà có thể sau này là người “ chung vai chung sức” với bạn trong nhiều năm tiếp chẳng hạn.

Không có gì là không thể phải không. Sẽ ấn tượng hơn nhiều khi sau này trong CV xin việc của bạn sẽ lấp lánh những dòng chữ đã tham gia sự kiện này, đã tổ chức chương trình kia,… trong câu lạc bộ x,y,z nọ. Dù chỉ là những cuộc thi hay chương trình nhỏ mang qui mô toàn trường hay một vài trường, bạn cũng sẽ thấy mình trở nên chuyên nghiệp và năng động hơn nhiều so với những bạn chỉ biết học và học, bạn sẽ thấy thời gian là một sự quí giá và đôi khi cần chạy đua với nó.

 Kỹ năng mềm quyết định 75% thành công của cuộc sống.

>>5 Điều Bạn Nên Biết Khi Học Tại Đại Học Kinh Tế TP.HCM

“…là bầu trời của sự trưởng thành bằng cách trải nghiệm việc làm thêm…”

”Thật nhiều cảm xúc khó tả. Một năm trước cũng ngày hôm nay, mình bắt đầu bước vào đây làm, lúc đó chỉ là con nhóc vừa thi xong đại học, còn không biết đậu rớt thế nào. Ngày hôm nay, mình đã trưởng thành chững chạc hơn rất nhiều. Một năm học hỏi, một năm cố gắng trải nghiệm, một năm thành công.

Từ những ngày đầu đi làm thêm, mình bắt đầu học được cách nhẫn nhịn, kìm chế cảm xúc, rồi cách chia sẻ, hợp tác với đồng đội,... Mình học được một ít về kinh doanh, tư duy quản lí, về nhân tâm,... Cũng nhờ vậy mà đỡ ngây thơ hơn trước nhiều, cũng không dễ bị kích động nữa, có làm gì cũng suy nghĩ thấu đáo hơn. Và mình biết được một điều:" Nếu mình không có tài năng thiên phú, chỉ cần mình không ngừng cố gắng, nhất định mình sẽ thành công". Kim Yến – ĐH Kinh tế TP.HCM

Những cảm xúc ấy của Yến, tôi cũng đã từng trải qua và tôi biết nhiều bạn bè, anh chị của mình cũng vậy. Khi chỉ là một đứa sinh viên mà bạn biết đi làm thêm, bạn đã có bản lĩnh và cứng cỏi hơn nhiều so với bạn bè của mình rồi. Có thể bạn không thể tự nuôi được chính bản thân mình, nhưng bạn có thể san sẻ một ít gánh nặng cho ba mẹ, như thế bạn đang dần làm chủ cuộc sống của mình.

Vậy nên đừng lười biếng, sau những ngày vùi đầu vào sách vở, đừng chỉ biết cắm đầu vô facebook, phim ảnh, những buổi đi chơi thả ga,…mà hãy tìm cho mình một việc làm thêm thích hợp. Hãy thử nhiều việc nhất có thể, bởi đó cũng là cách bạn đi tìm con người mình, làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng, làm gia sư, làm nhân viên bán hàng, làm cộng tác viên cho một shop online,…

tất cả mọi việc mà bạn nghĩ mình có thể làm được. Là sinh viên năm nhất, đó là những công việc phù hợp với bạn. Đến năm hai trở lên, khi đã có kiến thức chuyên ngành kinh tế, hãy thử sức mình với những việc làm trong một công ty về ngành đó. Bạn sẽ học hỏi được nhiều thứ hơn bên ngoài những kiến thức có trong sách vở.

Có hoài bão, không lo chao đảo

Những điều trên đây chỉ là những suy nghĩ chủ quan của tôi nhưng có cân nhắc và chọn lọc về cuộc sống ở năm nhất đại học Kinh tế, có lẽ bạn sẽ còn học hỏi được nhiều điều hơn nữa từ những khó khăn mà một môi trường mới đặt ra. Nhưng tôi vẫn luôn hi vọng bạn chọn được ngành học và trường học mà bạn yêu thích, ở nơi đó bạn có thể đốt cháy bốn năm tuổi trẻ của mình một cách rực rỡ nhất.

Steven Job – cố CEO của APPLE đã từng để đời một câu nói mà thế hệ chúng ta đáng phải suy ngẫm: ”Thời gian của bạn không nhiều, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều – đó là sống với kết quả suy nghĩ của người khác. Đừng để âm thanh của những quan điểm khác lấn át đi giọng nói bên trong bạn.

Và quan trọng nhất, hãy giữ lấy sự can đảm để đi theo trái tim và trực giác. Chúng biết bạn thực sự muốn trở thành con người như thế nào. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.”

Chúc bạn có một sự lựa chọn hợp lí và luôn cảm thấy mãn nguyện với sự lựa chọn của mình!

An Quyên /EBIV Team

 

Top