[Saigon tiếp thị] “Được cho là ‘ngành công nghiệp không khói’ nhưng du lịch vẫn có thể xấu đến môi trường tự nhiên. Rác thải, tiếng ồn, tác động xấu văn hóa địa phương… là những tác nhân trực tiếp có thể dẫn đến hủy hoại môi trường, xáo trộn đời sống cộng đồng địa phương”, chia sẻ của ThS. Dương Ngọc Thắng - Giảng viên Khoa Du lịch, Trường Kinh doanh UEH khi nhắc đến những tiêu cực của du lịch, tại tọa đàm ‘Đi tìm diện mạo du lịch có trách nhiệm trong doanh nghiệp lữ hành’ .
Nhìn thấy những tác động tiêu cực từ ngành du lịch có thể gây ra, việc hành động để giảm thiểu những điều này là cần thiết. Tại tọa đàm “Đi tìm diện mạo du lịch có trách nhiệm trong doanh nghiệp lữ hành” diễn ra tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) vào ngày 9/3/2024, các khách mời đã có buổi thảo luận, chia sẻ góc nhìn trong việc thực hiện trách nhiệm đối với du lịch hiện nay.
Tọa đàm “Đi tìm diện mạo du lịch có trách nhiệm trong doanh nghiệp lữ hành” được tổ chức tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 9/3/2024. Ảnh: Gia Nghi
Một số ý kiến cho biết, thực hiện du lịch có trách nhiệm không chỉ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và văn hóa con người, mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc định hình và nâng cao uy tín của các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức xung quanh việc thực hiện du lịch có trách nhiệm, khiến cho nhiều doanh nghiệp đang do dự.
Điều này cũng dễ dàng hiểu được, theo ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Image Travel & Events, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn: “Sự hiểu không đúng về du lịch có trách nhiệm, cũng như sự đẩy trách nhiệm về phía nhà nước là vấn đề chính khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành còn e ngại. Hiểu thiếu nên không làm vì nghĩ không liên quan. Hoặc cho rằng đó là việc mà nhà nước phải làm rồi doanh nghiệp mới làm theo và kết quả là không ai làm”.
Ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Image Travel & Events, trình bày tham luận tại tọa đàm sáng ngày 9-3.
Ông Toản cũng nói thêm, nhận thức về du lịch có trách nhiệm của du khách trong nước chưa cao nên sức ép không đáng kể. Một vài hoạt động từ thiện vốn không đại diện cho du lịch có trách nhiệm cũng đủ hài lòng những du khách.
Một bạn trẻ giao lưu, chia sẻ tọa đàm. Ảnh: Gia Nghi
Tại sự kiện, các khách mời và diễn giả đã cùng nhau đánh giá và định hình về “du lịch có trách nhiệm” trên thế giới và tại Việt Nam. Theo TS. Đoàn Đức Minh - Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường Kinh doanh UEH: “Du lịch bền vững không chỉ khai thác môi trường, văn hóa bản địa mà còn đề cao việc tái tạo. Những việc như nhặt rác, trồng cây chỉ là những hành động nhỏ trong chuỗi hoạt động du lịch bền vững gồm việc xây, dùng rồi tái tạo lại, việc thực hiện du lịch có trách nhiệm phải là vừa xây, vừa dùng và tái tạo”.
Và việc tham gia hành động thể hiện trách nhiệm đối với du lịch không chỉ là những người làm du lịch mà còn là người dân du khách cùng thực hiện, TS. Đoàn Đức Minh nói thêm.
TS. Đoàn Đức Minh - Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường Kinh doanh UEH chia sẻ trong tọa đàm. Ảnh: Gia Nghi
Đại diện Cộng đồng du lịch có trách nhiệm WAFORT – đơn vị tổ chức buổi tọa đàm, ông Hoàng Trọng Quyền cho hay: “Các chiến lược toàn diện để hướng tới mục tiêu bền vững dựa trên chính sách, chiến lược, chiến thuật quản lý và cả tiềm lực về tài chính để có thể thực hiện du lịch bền vững… Du lịch có trách nhiệm là người làm du lịch có trách nhiệm, điểm đến có trách nhiệm và du khách cũng phải có trách nhiệm”.
Xoay quanh câu chuyện thực hiện du lịch có trách nhiệm, các nhà tổ chức và chuyên gia du lịch cũng đề cập đến vấn đề truyền thông lan tỏa. “Nhiều người cho rằng nhặt rác không phải là nhiệm vụ của mình, công việc đó đã có các đội vệ sinh môi trường thực hiện nên mình không có trách nhiệm làm việc đó. Và nếu có nhặt rác cũng chẳng được bao nhiêu vả lại tốn thời gian. Tuy nhiên, tuy lượng rác được thu gom không nhiều nhưng hành động này lại có sức truyền thông làm thay đổi nhận thức, khiến những người nhìn thấy có ý thực hơn. Ít nhất là không xả rác”, một khách mời tham dự chia sẻ ý kiến tại tọa đàm.
Cũng nói về điều này, ông Võ Hồng Văn - Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cũng có những trao đổi về vai của truyền thông đối với du lịch có trách nhiệm. Theo ông, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa các thông điệp, giá trị mà du lịch có trách mang tới cho không chỉ du khách, công ty lữ hành mà còn các điểm đến, cộng đồng địa phương.
Ông Võ Hồng Văn - Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cũng có những trao đổi về vai của truyền thông đối với du lịch có trách nhiệm tại sự kiện.
“Nếu những hành động xanh, hành động có trách nhiệm được truyền thông, kết nối thì sẽ lan tỏa đến cộng đồng nhiều hơn. Làm việc này không chỉ nâng cao uy tín cho đơn vị tổ chức, đồng thời định hình trong tâm trí người đọc, biết đến và hiểu rõ đơn vị nhiều hơn”, ông Võ Hồng Văn cho biết.
Tọa đàm không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu du lịch mà còn thu hút nhiều bạn trẻ, sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố. Ảnh: Gia Nghi
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events cũng cho biết doanh nghiệp cần thực hiện các yêu cầu của “du lịch có trách nhiệm” trên cả ba mặt tác động bền vững, gồm kinh tế, môi trường và xã hội.
Ngoài chia sẻ và thảo luận, buổi tọa đàm còn tổ chức các hoạt động trao đổi bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là “forum theatre” (kịch diễn đàn). Đây là một buổi diễn đưa ra các các tình đề cập các vấn đề liên quan đến du lịch có trách nhiệm thông qua các tình huống bất ngờ. Các diễn viên đã dẫn dắt, điều phối các tình huống, khán giả được phép tham gia, đóng góp vào vở diễn, đưa ra những biện pháp cho từng tình huống.
Kịch diễn đàn tại tọa đàm: “Đi tìm diện mạo du lịch có trách nhiệm trong doanh nghiệp lữ hành”. Ảnh: Gia Nghi
Tọa đàm “Đi tìm diện mạo du lịch có trách nhiệm trong doanh nghiệp lữ hành” được tổ chức tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 9/3/2024, do Khoa Du lịch, Trường Kinh doanh UEH phối hợp với Cộng đồng du lịch có trách nhiệm WAFORT và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn thực hiện. Tọa đàm không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu du lịch mà còn thu hút nhiều bạn trẻ, sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố.
Nguồn: Saigon tiếp thị
UEH và tỉnh Khánh Hòa thống nhất kế hoạch khởi công UEH Nha Trang vào ngày 19/8/2025 và mở rộng thêm 2ha để triển khai dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo
Chiều 16/5/2025, đoàn công tác Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã có buổi làm việc quan trọng với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đồng thời trao đổi về kế hoạch xây dựng và phát triển Phân hiệu UEH tại Nha Trang với định hướng trở thành trung tâm giáo dục và nghiên cứu hiện đại, hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chuyên gia bàn 10 xu thế nghề nghiệp định hình kỷ 5.0
Phó giám đốc UEH và chủ tịch Hội Tin học TP HCM bàn về những ngành nghề sẽ bùng nổ trong kỷ nguyên "siêu thông minh 5.0", tại tọa đàm 20h ngày 17-18/5. Giữa làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là chất xúc tác mạnh mẽ, tác động mọi lĩnh vực, từ kinh doanh, kỹ thuật, khoa học, nghiên cứu học thuật, y tế, văn hóa đến thị trường giáo dục hoặc bất cứ mô hình nào. Đơn cử ở lĩnh vực chuỗi cung ứng, AI có thể xử lý toàn bộ khâu kho vận, trong khi con người tập trung điều phối hệ thống và thiết lập, duy trì mối quan hệ với các đối tác.
Chủ động xây dựng cộng đồng bền vững, chung tay vượt qua thách thức thiên tai
Thiên tai đã và đang diễn biến phức tạp và khó lường. Từ bão lũ, giông lốc đến sạt lở, động đất,... Những hiểm họa đó không chỉ gây tổn thất nặng nề về người và của, mà còn để lại những mất mát kéo dài về tinh thần, sinh kế và phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2025 với chủ đề “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai”, nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho từng UEHers. Việc chủ động ứng phó với thiên tai là cách mỗi người bảo vệ bản thân, gia đình và góp phần bảo vệ cộng đồng.