Vừa qua, sinh viên Trường Kinh doanh (COB) và Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (CELG), Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã tham gia chương trình học tập mùa hè “AI for Sustainability” – một sáng kiến đào tạo ngắn hạn gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp (Industry Immersion Project – IIP). Chương trình lần đầu tiên được tổ chức với sự hợp tác giữa UEH và các đối tác quốc tế: Đại học Padjadjaran (Indonesia), Đại học Kỹ thuật King Mongkut Thonburi (Thái Lan), Future Ready Academy (Singapore) và doanh nghiệp Bobobox (Indonesia). Chương trình mang đến cho sinh viên cơ hội học tập gắn với thực tiễn trong môi trường kinh doanh đa văn hóa, góp phần thúc đẩy quốc tế hóa và tăng cường năng lực nghề nghiệp khu vực cho sinh viên UEH.
Với chủ đề chính của chương trình trong năm 2025 - Trí tuệ nhân tạo cho mục tiêu Phát triển bền vững, mục tiêu chính của IIP 2025 giúp gia tăng cơ hội trao đổi văn hóa, học tập liên ngành giữa kinh doanh, robotic và trí tuệ nhân tạo (AI) hướng đến giải quyết các vấn đề thực tế cho các doanh nghiệp quốc tế. Bối cảnh doanh nghiệp trong năm 2025 sẽ tập trung vào du lịch bền vững, trong đó Bobobox - công ty công nghệ thành lập vào năm 2017 nay đã trở thành một trong những công ty hàng đầu của Indonesia trong ngành dịch vụ khách sạn của Indonesia đã được lựa chọn.
Khi tham gia chương trình IIP 2025, sinh viên nhận được nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, các bạn được cấp giấy chứng nhận tham gia từ Ban tổ chức, bao gồm các đơn vị danh tiếng như UEH, UNPAD, KMUTT và Viện FRA. Giấy chứng nhận này ghi nhận sự tham gia của sinh viên vào chương trình chú trọng trang bị kiến thức về du lịch sinh thái và phát triển bền vững, đồng thời mang đến cơ hội trải nghiệm trong môi trường làm việc đa ngành và đa văn hóa. Bên cạnh đó, sinh viên còn được nhận chứng chỉ đào tạo quốc tế về Robotics do Carnegie Mellon Robotics Academy (Hoa Kỳ) cấp, giúp nâng cao kỹ năng công nghệ và tư duy sáng tạo. Một điểm nổi bật khác của chương trình là cơ hội thực tập có trả lương trong thời gian từ 3 đến 6 tháng tại các công ty khởi nghiệp ở các quốc gia như Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, với các suất thực tập được đảm bảo cho những ứng viên xuất sắc.
Ngày 1 – Khởi đầu: AI & Nghề nghiệp trong tương lai
Chương trình chính thức khai mạc với phiên thảo luận “Future of AI & Jobs” cùng ba diễn giả: ông Mr. Jeffrey Nah (CEO/Nhà sáng lập của JN Advisory Co. và của Future Ready Academy); PGS. TS. Phan Chung Thủy (Phó Trưởng khoa Ngân hàng – Trường kinh doanh COB, UEH), và ông Anton Budiono (Phó Chủ tịch phụ trách Kỹ thuật – Bobobox). Buổi chia sẻ xoay quanh tác động của AI đến thị trường lao động, cơ hội việc làm trong kỷ nguyên số, và những năng lực thiết yếu người trẻ cần trang bị để thích nghi.
Tiếp nối là chuyên đề “Bobobox Sustainability: Pathway to Building a Meaningful Company” do ông Satria Gundara – Giám đốc bộ phận ESG của Bobobox trình bày, tập trung vào hành trình phát triển doanh nghiệp gắn với trách nhiệm môi trường – xã hội. Qua đó, sinh viên được truyền cảm hứng để suy nghĩ về cách doanh nghiệp có thể tạo ra giá trị lâu dài, không chỉ cho lợi nhuận mà còn cho cộng đồng. Trong buổi chiều cùng ngày, các bạn bắt đầu làm quen với các nhóm dự án, cùng nhau thảo luận chủ đề, phân chia nhiệm vụ, chuẩn bị cho hành trình học tập và trải nghiệm sắp tới.
Phiên thảo luận về “Tương lai của AI và việc làm”
Ngày 2 – Du lịch bền vững & những sự thật khắc nghiệt về khởi nghiệp
Trong ngày thứ 2 của chương trình, các bạn sinh viên đã tham gia một cuộc hành trình lý thuyết và thực tế, bắt đầu bằng câu chuyện phát triển bền vững trong ngành du lịch và kết thúc bằng những bài học thực tế từ giới startup. Phiên buổi sáng với chủ đề “Balancing Profitability and Sustainability in the Hospitality Industry” do TS. Nguyễn Đức Trí - Trưởng khoa Du lịch, COB-UEH trình bày, đã mang đến nhiều góc nhìn sâu sắc về tác động của du lịch sinh thái tại Đông Nam Á. Thầy tập trung vào các nội dung như tác động kinh tế của du lịch sinh thái tại Đông Nam Á, các mô hình kinh doanh bền vững trong ngành du lịch, cùng với những case study thành công về du lịch gắn với bảo tồn và cộng đồng.
Nối tiếp đó, phiên thảo luận đã đưa mọi người đến với câu chuyện khởi nghiệp thực tế qua chia sẻ của ông Jeffrey Nah, ông Harland Agus (CEO - Eresto) và ông Arun Singh (CEO - Kris@Work). Những khó khăn trong hành trình khởi nghiệp, áp lực từ thị trường và bài học về kiên trì được kể lại một cách chân thành, không hào nhoáng - nhưng rất truyền cảm hứng. Sau đó, các bạn tiếp tục làm việc nhóm, các nhóm đào sâu hơn vào phân tích vấn đề, xác định đối tượng vấn đề, và phát triển giải pháp gắn với vấn đề của doanh nghiệp Bobobox. Bên cạnh việc trao đổi nội bộ trong nhóm của các bạn, sinh viên cũng bắt đầu nhận phản hồi từ các mentor của chương trình nhằm cải thiện ý tưởng sớm từ giai đoạn đầu.
Các diễn giả tham gia chia sẻ tại phiên thảo luận về chủ đề “Balancing Profitability and Sustainability in the Hospitality Industry”
Ngày 3 – Kiến trúc thông minh và bền vững cho du lịch sinh thái
Ngày thứ ba bắt đầu với chuyên đề “Smart Architecture for Sustainability” do PGS.TS. Chanen Munkong - Giảng viên Lịch sử Kiến trúc, KMUTT - Thái Lan trình bày. Thầy giới thiệu những ứng dụng thực tế của kiến trúc bền vững trong ngành du lịch, như những bản thiết kế tiết kiệm năng lượng tại Bobobox, sử dụng AI và IoT trong hạ tầng lưu trú thông minh, và cách vật liệu thân thiện môi trường, đặc biệt là thiết kế mô-đun, có thể giảm thiểu tác động đến tự nhiên mà vẫn đảm bảo công năng.
Sau đó, là phiên thảo luận “Why Eco-Tourism is Both Good & Sustainable Business” quy tụ các diễn giả: ông Jeffrey Nah, PGS.TS. Phan Chung Thủy (COB-UEH), PGS.TS. Chanen Munkong (KMUTT) và ông Indra Darmawan (Giám đốc chiến lược – Bobobox). Tại đây, các khách mời cùng bàn luận về lý do du lịch sinh thái không chỉ là giải pháp bảo vệ môi trường, mà còn là một mô hình kinh doanh hiệu quả và lâu dài. Từ góc nhìn học thuật đến kinh nghiệm thực tiễn, phiên thảo luận đã mang đến những minh chứng rõ ràng về khả năng kết hợp giữa trách nhiệm xã hội và hiệu quả kinh tế trong ngành du lịch. Trong buổi chiều cùng ngày, các bạn sinh viên tiếp tục cùng nhau thảo luận về dự án nhóm với sự hỗ trợ từ các mentor của chương trình.
Sinh viên hào hứng tham gia học tập
Ngày 4 – Đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và công nghệ trong nông nghiệp bền vững
Ngày thứ tư tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng trong hành trình phát triển bền vững: giáo dục nghề cho thế hệ tương lai và ứng dụng công nghệ trong ngành nông nghiệp thực phẩm. Trong phiên sáng, PGS. TS. Kurniawan Saefullah – Trưởng khoa đa ngành liên kết DN, ĐH Padjadjaran (UNPAD – Indonesia) đã trình bày chủ đề “Future Workforce through Vocational Training”. Thầy nhấn mạnh vai trò của giáo dục kỹ năng nghề nghiệp trong các ngành liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt là du lịch sinh thái. Ngoài ra, thầy cũng chia sẻ cách AI có thể hỗ trợ quá trình đào tạo, nâng cao kỹ năng và thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai.
Tiếp theo trong buổi chiều, ông Ahmad Syaifulloh - Đồng sáng lập và CTO của Chickin – giới thiệu về cách doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào chuỗi giá trị chăn nuôi. Với chủ đề “How Chickin Leverages Technology to Promote Sustainability for Better Food, Better Life”, ông đã chia sẻ giải pháp tích hợp AI, dữ liệu và hệ thống giám sát nhằm tối ưu hóa sản xuất, giảm lãng phí và cải thiện chất lượng thực phẩm – hướng đến một mô hình nông nghiệp thông minh và bền vững cộng đồng. Trong buổi chiều cùng ngày, các nhóm tiếp tục hoàn thiện dự án, rà soát nội dung và chuẩn bị cho ngày trình bày ý tưởng. Không khí làm việc sôi nổi, gấp rút nhưng cũng đầy năng lượng và quyết tâm
Ngày 5 và 6 – Trình bày sơ bộ & nhận phản hồi
Đây là cột mốc quan trọng trong hành trình dự án khi các nhóm trình bày bản đề xuất sơ bộ trước giảng viên và mentor. Mỗi nhóm có cơ hội giới thiệu phạm vi vấn đề, đối tượng hưởng lợi, ý tưởng, giải pháp và tính bền vững trong dự án của mình. Không khí nghiêm túc nhưng tích cực, là tiền đề để các nhóm tiến gần hơn tới sản phẩm trình bày chính thức. Chiều cùng ngày, buổi Pre-trip briefing giúp cả đoàn chuẩn bị tinh thần, hành trang cho chuyến đi thực tế tại Bandung (Indonesia).
Ngày 7 và 8 – Đặt chân đến Bandung: Diễn đàn kỹ năng & nghề nghiệp
Ngày đầu tiên của tuần onsite tại Bandung đã diễn ra nhiều hoạt động học tập và định hướng nghề nghiệp quan trọng. Buổi sáng, các bạn sinh viên được giới thiệu cũng như làm quen với CMRA Robotics Integration. Vào buổi chiều, các bạn sinh viên UEH đã được hòa mình vào không khí sôi động của diễn đàn “Kỹ năng & nghề nghiệp tương lai” với sự tham gia của các diễn giả: ông Jeffrey Nah (FRA), PGS.TS. Phan Chung Thủy (COB, UEH), TS. Risna Resnawaty (Phó trưởng khoa, đa ngành liên kết DN, UNPAD), ông Fajar Kurniadi (Giám đốc nhân sự, Chickin Indoensia), và ông Ali Kusumah (Giám đốc nhân sự và văn hóa – Bobobox Indonesia). Diễn đàn xoay quanh những chủ đề thiết thực như kỹ năng mềm và kỹ thuật cần thiết trong thời đại AI và phát triển bền vững, sự khác biệt giữa thị trường việc làm toàn cầu và địa phương, cũng như những chiến lược học tập suốt đời để thích nghi trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng. Các diễn giả cũng nhấn mạnh vai trò của sinh viên trong việc chủ động phát triển năng lực khi còn ở giảng đường - qua đó mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Đây là một ngày khởi động hiệu quả, giúp kết nối lý thuyết với thực hành và định hình rõ hơn hành trình nghề nghiệp trong tương lai.
Vào buổi chiều, các nhóm tiếp tục chuẩn bị cho dự án giải quyết vấn đề của doanh nghiệp Bobobox (Industry Project Group Discussion), đánh dấu bước đầu tiên của quá trình làm việc trực tiếp cùng mentor và teammates tại Indonesia. Đây là giai đoạn quan trọng để xây dựng hướng triển khai, chia việc và phản hồi thực tiễn từ các bên liên quan.
Ngày 9 - Không ngừng học hỏi và cố gắng
Trong ngày thứ chín, các hoạt động học tập tại Bandung tiếp tục với trọng tâm là CMRA Robotics Integration. Suốt buổi sáng và đầu giờ chiều, sinh viên được tham gia sâu hơn vào nội dung liên quan đến tích hợp robot – từ lý thuyết đến ứng dụng thực tiễn, giúp tăng cường hiểu biết về vai trò của công nghệ trong giải quyết các thách thức xã hội hiện nay. Buổi chiều, các nhóm dự án quay lại với phần Industry Project Group Discussion, tiếp tục trao đổi ý tưởng, hoàn thiện nội dung và nhận góp ý từ các mentor. Các bạn đã dần xác định rõ hướng đi cho dự án, củng cố tinh thần làm việc nhóm, đồng thời nâng cao kỹ năng trình bày và phản biện. Bên cạnh đó, việc học tập và sinh hoạt trực tiếp cùng nhau cũng giúp các thành viên trong chương trình gắn kết hơn, tạo nên không khí vừa nghiêm túc vừa gần gũi.
Hình ảnh đoàn tham gia các hoạt động học tập, tham quan doanh nghiệp
Ngày 10 – Phát triển tài năng & tinh thần khởi nghiệp
Ngày 25/6 tiếp tục là một ngày học tập và phát triển năng lực toàn diện của sinh viên tại Bandung. Buổi sáng diễn ra các phiên học CMRA Robotics Integration, nơi sinh viên được tiếp tục tìm hiểu chuyên sâu về ứng dụng của robot trong công nghiệp và đời sống. Những nội dung thực tiễn cùng hoạt động tương tác giúp người học hình dung rõ hơn về cách công nghệ có thể được tích hợp để giải quyết các vấn đề xã hội một cách bền vững và hiệu quả.
Buổi chiều là phiên “Student Forum: Talent & Entrepreneurship Development”, tập trung vào các chủ đề phát triển bản thân, khởi nghiệp và tư duy đổi mới. Chương trình tiếp tục với diễn đàn “Talent & Entrepreneurship Development” cùng các diễn giả: ông Jeffrey Nah (CEO, FRA), PGS.TS. Phan Chung Thủy (COB, UEH), TS. Risna Resnawaty (UNPAD), anh Harland Agus (CEO - Eresto), và ông Indra Darmawan (Giám đốc chiến lược, Bobobox Indonesia). Diễn đàn tập trung vào các chủ đề chính, bao gồm cách sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm thực tế từ sớm, xây dựng thương hiệu cá nhân, tạo dựng mối quan hệ nghề nghiệp, cũng như đưa ra góc nhìn rõ ràng giữa việc chọn con đường đi làm tại doanh nghiệp hay theo đuổi con đường khởi nghiệp. Những chia sẻ thực tế từ phía doanh nghiệp giúp sinh viên nhìn rõ hơn yêu cầu tuyển dụng và cách để nổi bật khi ra trường. Sau đó, các nhóm tiếp tục quay lại với phần “Industry Project Group Discussion”, áp dụng các kiến thức và tư duy đã học để điều chỉnh, hoàn thiện và chuẩn bị cho phần trình bày cuối kỳ. Không khí nhóm làm việc tích cực, năng động và bắt đầu định hình rõ bản sắc dự án của mình.
Ngày 11 – Làm việc nhóm & mentoring trực tiếp
Trong buổi học này, các bạn sinh viên không chỉ tổng kết lại những kiến thức cốt lõi đã tiếp thu, mà còn cùng nhau thảo luận sâu hơn về ứng dụng thực tiễn của Robotics trong giải quyết các vấn đề xã hội. Từ giáo dục, y tế, đến môi trường - công nghệ không còn là lý thuyết mà trở thành một công cụ thiết thực khi được gắn với tư duy nhân văn và mục tiêu bền vững.
Những ngày này, các nhóm tiếp tục hoàn thiện dự án, làm việc trực tiếp cùng mentor. Đến với sự kiện các bạn sinh viên đều được trải nghiệm bầu không khí gắn kết giữa các thành viên và sự thân thiện từ cả bạn bè quốc tế lẫn đội ngũ tổ chức. Trong môi trường đa văn hóa, họ không chỉ học từ chương trình mà còn học từ chính lẫn nhau. Đây là dịp để phát triển các kỹ năng then chốt như: Tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, Giao tiếp và làm việc nhóm trong môi trường quốc tế, lãnh đạo và lập kế hoạch dự án.
Không chỉ là nơi trình bày ý tưởng, đây còn là không gian nơi mỗi bạn trẻ được lắng nghe, được phản biện, và được trưởng thành trong sự kết nối với những người đi trước
Ngày 12 – Chung kết dự án: Khép lại hành trình – Mở ra chân trời mới
Toàn thể sinh viên trình bày dự án nhóm đã ấp ủ suốt 2 tuần, nhận phản hồi từ những người cố vấn đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Các nhóm trình bày dự án trước hội đồng ngay tại trụ sở chính của Bobobox. Dù hồi hộp, ai cũng tự hào khi nhìn lại chặng đường đã qua: từ những ý tưởng ban đầu đến giải pháp thực tiễn, từ sự rụt rè đến tự tin thể hiện bản thân. Buổi chiều là hoạt động tham quan Tangkuban Perahu – miệng núi lửa nổi tiếng. Buổi tối, Gala Farewell Dinner tổ chức tại Sindang Reret khép lại hành trình AI & Sustainability với những khoảnh khắc đáng nhớ. Sau đó, các bạn sinh viên được trải nghiệm một đêm vui chơi và nghỉ ngơi tại Bobocabin.
Hình ảnh của đoàn sinh viên UEH, KMUTT và UNPAD chụp cùng nhau sau buổi trình bày dự án tại văn phòng công ty Bobobox
Các bạn sinh viên UEH trở về với hành trang là kiến thức, kỹ năng, tình bạn quốc tế và khát vọng tạo nên sự thay đổi tích cực cho cộng đồng. Chương trình tập huấn kết nối doanh nghiệp mang tên AI for Sustainability đã mở ra cánh cửa mới, giúp sinh viên UEH tự tin vươn tầm quốc tế.
"AI for Sustainability 2025” không chỉ đơn thuần là một chương trình đào tạo ngắn hạn, mà là một hành trình học tập liên ngành đầy cảm hứng – nơi sinh viên được hòa mình vào môi trường quốc tế, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, nâng cao năng lực công nghệ, tư duy bền vững và tinh thần khởi nghiệp. Thông qua sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa học thuật và thực tiễn, các bạn trẻ đã không chỉ mở rộng tri thức mà còn khai phá tiềm năng bản thân, xây dựng kỹ năng nghề nghiệp và kết nối với cộng đồng toàn cầu. Đây là bước đệm vững chắc để sinh viên UEH sẵn sàng thích ứng, hội nhập và tạo ra giá trị tích cực cho xã hội trong tương lai.
Hình ảnh khác của chương trình:
Trụ cột: Đào tạo, Kết nối cộng đồng
Tin, ảnh: COB-UEH, CELG-UEH
UEH đón tiếp đại diện cấp cao từ Bosch Digital đến thăm và làm việc, mở ra các cơ hội hợp tác chiến lược giữa nhà trường và doanh nghiệp toàn cầu
Chiều ngày 11 tháng 7 năm 2025, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã vinh dự đón tiếp đoàn đại diện từ phía Bosch Digital Global đến thăm và làm việc tại UEH cơ sở V, trao đổi các cơ hội hợp tác giữa UEH và Tập đoàn BOSCH.
UEH Mekong - Thông báo Thời khóa biểu chính thức Học kỳ cuối năm 2025 các khóa 49, 50 - Hệ ĐHCQ
Căn cứ kế hoạch đào tạo năm 2025 và tiến độ triển khai các chương trình đào tạo của Hệ ĐHCQ, Phòng Đào tạo UEH Mekong thông báo TKB chính thức HKC 2025, cụ thể :
[UEH Day 2025] Ra mắt Sổ tay hành trình 3 ngày 2 đêm: UEH Day Handbook 2025 “Together We Share”
Chứa đựng những thông tin quan trọng và ghi chú chi tiết cho cuộc hành trình ba ngày hai đêm sắp tới, UEH Day Handbook 2025 hé lộ những hoạt động hấp dẫn, những điều cần lưu ý, những hành trang cần thiết nhất. Quý Thầy, Cô hãy tải hoặc cập nhật App UEHer để nhanh chóng tra cứu thông tin cần thiết.