Phòng Tài chính - Kế toán

UEH tổ chức Tọa đàm khoa học “Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại UEH Mekong

Khẳng định vai trò của một đại học trọng điểm quốc gia tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu và kiến tạo tri thức phục vụ phát triển bền vững, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) tiếp tục thực hiện sứ mệnh đồng hành cùng các địa phương trên cả nước trong quá trình đổi mới và chuyển mình mạnh mẽ. Tiếp nối thành công của chương trình tọa đàm được tổ chức tại cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 04/4/2025 đóng góp cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung; sáng ngày 17/4/2025, UEH tổ chức Tọa đàm khoa học “Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đóng góp cho các tỉnh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại UEH Mekong. Mục tiêu của tọa đàm nhằm tăng cường trao đổi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất các giải pháp đột phá, khả thi để thực hiện hiệu quả cho các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Tham dự Tọa đàm, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có sự tham dự của TS. Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Về phía Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long có sự tham dự của: TS. Nguyễn Thị Quyên Thanh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cùng các đại diện Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành các tỉnh, thành thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Về phía UEH có sự tham dự của: GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng UEH; GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH; TS. Đinh Công Khải - Phó Giám đốc UEH; PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược và chính sách UEH; TS. Trần Anh Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh UEH; TS. Trần Thị Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; TS. Thái Kim Phụng - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế UEH; TS. Nguyễn Kim Đức - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng UEH; TS. Nguyễn Thị Thý Liễu - Phó Giám đốc thường trực UEH Mekong, ThS. Hồ Thiện Quyền - Phó Giám đốc UEH Mekong, ThS. Nguyễn Đức Vinh - Phó Giám đốc UEH Mekong; cùng Thầy, Cô các Trường thành viên, Phòng, Ban UEH và sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị, giảng viên, viên chức của UEH Mekong.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm khoa học

Phát biểu khai mạc Tọa đàm khoa học, GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH chia sẻ: "Tọa đàm khoa học "Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long" là một hoạt động học thuật có ý nghĩa quan trọng nhằm kết nối tri thức hàn lâm với thực tiễn, hỗ trợ các tỉnh thành ĐBSCL xây dựng các chính sách phù hợp và hiệu quả. Các tham luận sẽ đi sâu vào vai trò của bộ ba, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và hoàn thiện thể chế số, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm triển khai nghị quyết, thảo luận về mô hình liên kết nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, và học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Tất cả hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP bền vững cho vùng và cả nước. UEH tin tưởng tọa đàm sẽ hiện thực hóa Nghị quyết 57 một cách hiệu quả tại ĐBSCL, đặc biệt trong bối cảnh các địa phương đang tái cấu trúc và số hóa mạnh mẽ, với sự đồng hành của UEH trong quá trình này, góp phần vào việc xây dựng chính sách và phát triển chung của đất nước."

GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH phát biểu khai mạc Tọa đàm khoa học

Tọa đàm thu hút sự quan tâm, chia sẻ và gửi bài tham luận từ các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương liên quan đến chủ đề, tạo ra diễn đàn chia sẻ và trao đổi quan điểm về chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.  

Tham luận của TS. Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, với chủ đề: “Khoa học & Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số - Yếu tố quyết định để Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045: Nghiên cứu trường hợp Đồng bằng sông Cửu Long” nêu bật về nhận thức và quan điểm về bộ ba Khoa học và Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số (STID) đối với phát triển kinh tế, xã hội quốc gia. Mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa vào Khoa học và Công nghệ, Đổi mới sáng tạo tại địa phương (PII) - Nghiên cứu vùng ĐBSCL. Hàm ý cho vùng ĐBSCL trong phát triển kinh tế - xã hội dựa vào Khoa học và Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số.

TS. Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày tham luận

Tiếp theo, PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược và Chính sách UEH, trình bày bài tham luận: “Chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: Đánh giá dựa trên các trụ cột của chỉ số đổi mới sáng tạo”. Tham luận đã đề xuất chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo tinh thần của Nghị quyết số 57/NQ-TW năm 2024 do Bộ Chính trị ban hành về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Với bộ dữ liệu về các tiêu chí kinh tế - xã hội và đổi mới sáng tạo của 63 tỉnh/thành, bài viết đưa ra hai vấn đề: (i) điểm mạnh và điểm yếu trong từng trụ cột của chỉ số đổi mới sáng tạo phân theo khu vực; và (ii) tác động của đổi mới sáng tạo đối với các nhóm thu nhập và sự chênh lệch giàu nghèo tại mỗi địa phương. Tham luận đã đề xuất những hàm ý chính sách liên quan đến liên kết vùng và liên kết ngành để tối ưu hóa tính hiệu quả của chiến lược đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Những đề xuất này được kỳ vọng là nền tảng cho các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình, với mục tiêu hướng đến năm 2030 và tầm nhìn hướng đến năm 2045.

PGS.TS. Phan Thị Bích Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược và chính sách UEH trình bày tham luận

Đến từ Trường Công nghệ và Thiết kế UEH, TS. Thái Kim Phụng - Phó Hiệu trưởng Trường đã có tham luận với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả thực thi chiến lược chuyển đổi số trong khu vực công”. Tham luận nhằm tổng quan về chuyển đổi số, cơ sở lý thuyết về hiệu quả của chuyển đổi số khu vực công, thực trạng chuyển đổi số thời gian qua, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chiến lược chuyển đổi số trong khu vực công. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Chuyển đổi số không chỉ mang lại những tiện ích cho người dân mà còn nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu hóa tài nguyên và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Về các yếu tố có ảnh hưởng, qua lược khảo lý thuyết và phân tích thực tế, nhóm nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng về sự ảnh hưởng đến 5 nhóm yếu tố, đó là (1) Chính sách và chiến lược; (2) Hạ tầng công nghệ; (3) Nguồn nhân lực; (4) Công dân số và (5) Quản trị vận hành chuyển đổi số. 

TS. Thái Kim Phụng - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận

Đề ra những giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ và chuyển đổi số đến từ bài tham luận của PGS.TS. Lâm Văn Tân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre với chủ đề: “Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 03/NQ-CP: Giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ và chuyển đổi số tại Bến Tre”. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tác giả đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng, trong đó đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới cho tỉnh Bến Tre như: Tỉnh cần phải chủ động xây dựng các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp và cộng đồng để họ có thể làm chủ các công nghệ mới và sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cần phải thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, và phát triển các mô hình ứng dụng thực tiễn trong đời sống; tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của địa phương gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo ra được sản phẩm có giá trị thiết thực, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường; khuyến khích liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam,…

PGS.TS. Lâm Văn Tân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre trình bày tham luận

Xác định Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ở các địa phương đã mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, một số địa phương còn lúng túng trong nhận thức và triển khai các kế hoạch hành động để đưa nghị quyết vào thực tiễn. Trong khuôn khổ bài viết này sẽ đánh giá xu hướng phát triển của công nghệ trong thời gian tới để từ đó đưa những đề xuất về nhân lực cho ngành công nghệ số của Việt Nam đến năm 2030, đặc biệt vào nhóm ngành công nghệ ABB (AI - Blockchain - Big Data). Nhận định đó đến từ tham luận của Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại TP.HCM, với tham luận: “Một số ý kiến đề xuất phát triển nhân lực công nghệ số Việt Nam đến năm 2030”. Tác giả đưa ra những dự báo 5 xu hướng công nghệ chủ đạo đến 2030. Đồng thời phân tích, để giải quyết bài toán nhân lực công nghệ số đến năm 2030, cần phải phá bỏ 5 rào cản một cách triệt để. 

Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại TP.HCM trình bày tham luận

Tiếp theo là tham luận của TS. Nguyễn Kim Đức - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tư vấn và Phát triển vùng UEH trình bày tham luận: “Kinh nghiệm quốc tế và khát vọng vươn mình của Việt Nam hướng đến tăng trưởng GDP hai con số giai đoạn 2026 - 2030”. Tác giả tham luận đã đề xuất một số định hướng nhằm hướng đến tăng trưởng hai con số và bền vững tại Việt Nam. Các định hướng trong bài viết này được dựa trên cơ sở (1) lược khảo các nghiên cứu trên thế giới về các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế; (2) phân tích đặc điểm của Việt Nam trong mối tương quan của khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia nổi bật của Châu Á; và (3) bài học kinh nghiệm của các quốc gia và tập trung vào các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ việc lược khảo các công bố quốc tế về các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong khu vực, kết hợp với đặc thù trong chiến lược phát triển của Việt Nam, bài viết đã định hướng giải pháp cho 8 nhóm yếu tố: (1) Điều kiện thể chế; (2) Vốn nhân lực; (3) Điều kiện lao động và dân số học; (4) Công nghệ, đổi mới sáng tạo, và thay đổi cơ cấu; (5) Điều kiện kinh tế vĩ mô; (6) Thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài; (7) Tài nguyên thiên nhiên và địa lý; và (8) Phát triển và liên kết vùng. Bài viết nhận thấy Việt Nam hiện tại có nhiều đặc điểm tương đồng với một số quốc gia trước khi bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh và cất cánh. 

TS. Nguyễn Kim Đức - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tư vấn và Phát triển vùng UEH trình bày tham luận

Qua 6 bài tham luận, chương trình tiếp nối với phần trao đổi và thảo luận, đây một nội dung quan trọng nhằm tiếp tục làm rõ các vấn đề thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp khả thi cho việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 ở các địa phương. 

GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng UEH và TS. Đinh Công Khải - Phó Giám đốc UEH chủ trì và điều phối phần thảo luận

Mở đầu phần trao đổi thảo luận là phát biểu của Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy -  Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp. Trao đổi về kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển đổi số tại tỉnh Đồng Tháp như phát triển kinh tế số ở Đồng tháp còn gặp nhiều khó khăn, là một tỉnh thuần nông lĩnh vực nông nghiệp chiếm 59%, có 15 doanh nghiệp cấp chứng nhận về đổi mới sáng tạo. Từ đó đề xuất một số kiến nghị để nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển đổi số tại tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, UEH có một vai trò quan trọng, đẩy mạnh các đề tài về chuyển đổi số tại tỉnh này.

Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy -  Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp thảo luận

Phần trao đổi thảo luận tiếp theo là phát biểu của Ông Nguyễn Thành Duy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, xác định tầm quan trọng của việc phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số tại địa phương và đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp bộ máy đơn vị hành chính các cấp, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị trong có có liên quan đến cơ chế, chính sách, và có những nghiên cứu hướng dẫn đánh giá tác động để nâng cao hoạt động và đóng góp từ tác động của nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển đổi số tại tỉnh Sóc Trăng. 

Ông Nguyễn Thành Duy - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Sóc Trăng thảo luận

Ông Vũ Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ trao đổi thảo luận kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và chuyển đổi số tại TP. Cần Thơ đạt được một số kết quả nhất định như thành lập Khu Công nghệ cao; Vườn Ươm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn có một số khó khăn nhất định về vốn, nguồn nhân lực con người làm công tác khoa học công nghệ,…

Ông Vũ Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ thảo luận

Để đóng góp cho các tỉnh trong khu vực thúc đẩy nhanh việc thực hiện triển khai thành công Nghị quyết 57-NQ/TW, TS. Đinh Công Khải - Phó Giám đốc UEH giới thiệu các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, bồi dưỡng và tập huấn gắn với Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Đây là những nội dung thiết thực, góp phần triển khai hiệu quả các định hướng lớn mà Nghị quyết đã đề ra. Qua đây UEH đã đưa ra những kết quả nghiên cứu về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số cụ thể cho các địa phương. Đề xuất một số đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ như: Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm phát triển nhanh hai con số và bền vững trong kỷ nguyên mới; Chiến lược cải thiện chỉ số Đổi mới sáng tạo (PII) địa phương; Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số cho địa phương; Xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực số của đội ngũ cán bộ công chức trong khu vực công,…

TS. Đinh Công Khải - Phó Giám đốc UEH phát biểu 

Tổng kết tọa đàm GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng UEH nhận định: Buổi tọa đàm nhận được nhiều bài tham luận có chất lượng cao về đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số với một số vấn đề quan trọng như: vai trò của đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số tại Việt Nam trong khu vực công; xây dựng chiến lược, chính sách chuyển đổi số; tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số tại tỉnh Bến Tre và các tỉnh thành khác; những nội dung cần chú trọng trong thời gian tới, đề xuất kiến nghị giải pháp như điều kiện thể chế, vốn nhân lực. Có nhiều ý kiến thảo luận đề xuất nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số đóng góp cho phát triển địa phương và phát triển vùng. Buổi tọa đàm hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn. 

GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng UEH tổng kết Tọa đàm

Tọa đàm khoa học tại UEH Mekong một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) trong việc kết nối tri thức, lan tỏa tư duy đổi mới và thúc đẩy các hành động thiết thực vì sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với sứ mệnh "Vì một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững", UEH cam kết tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trong nghiên cứu, tư vấn chính sách, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo – chuyển đổi số, góp phần tạo nên những bước đột phá chiến lược cho vùng đất giàu tiềm năng này, hướng tới một tương lai thịnh vượng, xanh và bền vững.

Đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Một số hình ảnh khác của buổi Tọa đàm:

Tin, Ảnh: Ban Nghiên cứu - Phát triển và Gắn kết toàn cầu UEH; UEH Mekong (Khoa Cơ bản, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Phòng Tuyển sinh - Truyền thông)

Cơ quan, báo chí đưa tin:

1. Chuyên trang thông tin của Thông tấn xã Việt Nam:

2. Báo Nhân dân: Chính sách phát triển khoa học, công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long

3. Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long: 

UEH ghi nhận cột mốc lịch sử: Top 136 các Đại học tốt nhất Châu Á theo BXH Times Higher Education 2025

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế với vị trí 136 trong Bảng xếp hạng các đại học châu Á năm 2025 do Times Higher Education (THE) công bố. Đây là một dấu mốc mang tính đột phá của UEH - chính thức đạt được mục tiêu trọng tâm giai đoạn 2025-2045.

UEH thúc đẩy hợp tác toàn diện với các đối tác học thuật Vương quốc Anh: Mở rộng mạng lưới quốc tế, hướng tới phát triển bền vững

Từ ngày 09 đến 19/4/2025, đoàn công tác Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) do PGS.TS. Bùi Quang Hùng - Phó Giám đốc UEH làm trưởng đoàn, đã có chuyến công tác thành công tại Vương quốc Anh. Mục tiêu chính của chuyến đi là tăng cường hợp tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh và thúc đẩy hợp tác toàn diện với các đối tác học thuật uy tín gồm London South Bank University, Bournemouth University, University of Leicester và University of Lincoln.

UEH Mekong - Thông báo xét tốt nghiệp các Khóa Đại học chính quy, Vừa làm vừa học Đợt 1 năm 2025

Căn cứ kế hoạch đào tạo năm 2025 các Khóa Đại học chính quy, Vừa làm vừa học.