Văn phòng Phân hiệu

Nửa thế kỷ UEH: Từ hạt giống sau thống nhất đến Đại học tầm vóc quốc tế, Đơn vị tiêu biểu, chủ lực của TP. Hồ Chí Minh

Ngày 30/4/1975 đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập, thống nhất. Trong dòng chảy lịch sử ấy, năm 1976, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) chính thức ra đời, mang trên vai sứ mệnh "kiến quốc bằng tri thức". Nửa thế kỷ trôi qua, UEH không chỉ kiên định với lý tưởng ban đầu mà còn vươn mình trở thành một trong những đại học trọng điểm quốc gia, có tầm ảnh hưởng quốc tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Ra đời từ những ngày sau thống nhất đất nước 1975 và thành lập chính thức ngày 27.10.1976, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) khởi đầu là trường đại học khối ngành kinh tế, quản lý đầu tiên của Miền Nam sau giải phóng với sứ mệnh cấp bách: đào tạo đội ngũ cán bộ kinh tế - tài chính - quản lý phục vụ công cuộc tái thiết và phát triển miền Nam.

Song hành với 50 năm thống nhất và phát triển đất nước, chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao của UEH đã linh hoạt chuyển mình theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung. Cụ thể: 

  • Từ 1975 - 1976: Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để nhanh chóng ổn định tình hìnhtriển khai công tác giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp ở miền Nam, Trung ương Cục đã chỉ thị dành cả năm học 1975-1976 cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác cải tạo và tổ chức lại nền giáo dục đại học. Nên sau khi tiếp quản trường Đại học Luật khoa, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này là tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị đầu tiên cho giáo chức và nhân viên cũ của trường và các sinh viên đến đăng ký học lại. Trường cũng là điểm tập hợp, tiếp nhận và tiếp tục đào tạo cho các sinh viên đang học ngành Luật, Kinh tế và Quản trị kinh doanh của các trường đại học công lập cũng như tư thục ở phía Nam như: Đại học Kinh thương Minh Đức, Đại học Vạn Hạnh, Đại học Tri Hành, Đại học Minh Trí, Đại học Hòa Hảo, Đại học Phương Nam, Đại học Cửu Long (đây là lớp sinh viên các khóa A, B, C của trường Đại học Kinh tế TP.HCM trước khi chính thức tuyển sinh khóa 1),… Có thể nói, trong một khoảng thời gian tuy ngắn, nhưng với sự nỗ lực làm việc và sự giúp đỡ của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Viện Đại học Sài Gòn, Ban phụ trách Đại học Luật khoa Sài Gòn đã làm tốt công tác sáp nhập 9 trường đại học kinh tế cũ và Đại học Luật khoa thành một mối, dần đưa nhà trường đi vào ổn định, bước đầu cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, hình thành sơ bộ hệ thống tổ chức quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, thay đổi nội dung, mục tiêu, chương trình đào tạo để nhà trường mau chóng đi vào hoạt động, khôi phục lại hoạt động giảng dạy. Sau đó trường đã tổ chức tuyển sinh khóa đầu tiên - Khóa 1 hệ đại học dài hạn chính quy 4 năm căn cứ theo thông báo tuyển sinh của Viện Đại học Sài Gòn được công bố ngày 20/10/1975 với 516 sinh viên nhập học. Đến ngày 27.10.1976, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 426/TTg chính thức thành lập Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế phục vụ yêu cầu cấp bách tái thiết đất nước sau chiến tranh.
  • Từ 1977 - 1985, trong giai đoạn “Xây dựng nền tảng” này, UEH đóng vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, tư vấn theo yêu cầu Nhà nước, phục vụ cho quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh, đồng thời tham gia hoạt động hoạch định chính sách phát triển của đất nước.
  • Cùng với đường lối Đổi mới của đất nước, UEH đã có giai đoạn “Đổi mới và Phát triển” (từ 1986 - 2000), tham gia đào tạo nhân lực, đóng góp chính sách cho công cuộc Đổi mới của Việt Nam. 
  • Giai đoạn 2000 - 2010, gắn với chủ trương quốc tế và hội nhập của đất nước, UEH “Khẳng định thương hiệu” là một trường đại học công lập trọng điểm quốc gia, có uy tín, chất lượng, từng bước hội nhập tri thức toàn cầu thông qua: chương trình đào tạo tiệm cận thế giới, hoạt động NCKH gắn liền với tăng cường công bố quốc tế; triển khai nhiều hoạt động hợp tác các cấp, gắn liền với tư vấn chính sách.
  • Với các thành quả quan trọng trong Xây dựng, Đổi mới, Phát triển và Khẳng định thương hiệu, UEH đã thực hiện quá trình “Tự chủ và quốc tế hóa” trong 10 năm kế tiếp (2011 – 2020) bằng những đột phá trong các hoạt động Giáo dục toàn diện – Nghiên cứu vượt trội, thực hiện triết lý “giảng dạy những gì các trường hàng đầu trên thế giới đang dạy và dạy theo phương pháp của chính những trường này đang thực hiện”, khẳng định được vai trò tiên phong của một trường đại học có uy tín hàng đầu trong giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư vấn khoa học kinh tế, quản trị và luật ở Việt Nam và khu vực. Trường cũng đã từng bước tham gia các bảng xếp hạng thế giới như Top 601+ các trường ĐH tốt nhất Châu Á, 1000 trường đào tạo kinh doanh tốt nhất thế giới, thứ 5 trường ĐH Việt Nam công bố quốc tế nhiều nhất,...
  • Năm 2021 đến nay, đứng trước kỷ nguyên công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, UEH đã chủ động chuyển mình theo hướng Đại học Đa ngành và Bền vững nhằm cung ứng đội ngũ nhân lực thế hệ mới, gắn với công nghệ, máy tính, kỹ thuật ứng dụng và các kỹ năng hội nhập quốc tế. Năm 2023, UEH chính thức trở thành 1 trong 10 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hoạt động theo mô hình “Đại học đa ngành, đa lĩnh vực”.

Năm 1975, UEH nhanh chóng tiếp nhận cơ sở vật chất của Trường Đại học Luật khoa và đi vào hoạt động

50 năm sau ngày giải phóng, UEH đã trở thành một đại học trọng điểm quốc gia với các cơ sở tại TP.HCM, Vĩnh Long và Nha Trang, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước

Hành trình 50 năm gắn bó cùng Thành phố, UEH đã khẳng định vị thế của một đại học công lập trọng điểm quốc gia, đóng vai trò trung tâm đào tạo, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực; cung cấp đội ngũ nhân lực có trình độ cao - nhân tố đóng vai trò quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam và cả nước. 

Là đơn vị đóng góp tích cực vào quá trình hoạch định chính sách và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM qua các đề tài nghiên cứu ứng dụng, chương trình hợp tác với các sở - ngành và doanh nghiệp. Và là cái nôi đào tạo nhiều thế hệ chuyên gia kinh tế, nhà quản lý cấp cao, nhà khoa học có ảnh hưởng tại Việt Nam và khu vực.

Từ những thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển, UEH đã được vinh danh là Đơn vị tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Thống nhất Đất nước (theo Quyết định số 1408/QĐ-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2025), được Chủ tịch nước trao tặng các phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Danh hiệu Anh hùng Lao động,...  Kiến trúc và công trình các cơ sở của UEH cũng góp phần thay đổi bộ mặt của địa phương nơi có UEH tọa lạc, trong đó, campus cơ sở Nguyễn Văn Linh với mô hình đại học xanh tiên phong, thúc đẩy phát triển khu vực Nam Sài Gòn và kết nối vùng Tây Nam Bộ trong tổng thể chiến lược phát triển của Thành phố đã được UBND TP.HCM công nhận là công trình xây dựng tiêu biểu của Thành phố nhân dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), theo Quyết định số 1590/QĐ-UBND ngày 24 tháng 04 năm 2025. 

Cùng với đó là những vị thế cao trên bảng xếp hạng hàng đầu thế giới: Top 136 Đại học tốt nhất Châu Á, Top 501-600 Đại học thế giới (Times Higher Education 2025), Top 301+ Đại học tốt nhất Châu Á (QS Asia 2024), Top 650 Đại học thế giới về Bền vững (QS World University Ranking Sustainability 2025), Top 301-400 Đại học đóng góp cho 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (THE Impact Rankings 2023),…

Thành quả của hành trình vừa qua là kết tinh của trí tuệ, sự nỗ lực, đoàn kết và tình yêu thương của tất cả lãnh đạo, giảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động, sinh viên và người học qua các thời kỳ, sự hỗ trợ của các đối tác của UEH trong và ngoài nước cùng với các giá trị được đúc kết qua thời gian. Đó là “Giáo dục toàn diện - Nghiên cứu vượt trội - Gắn với nhu cầu xã hội” trong xây dựng các chiến lược; luôn “Chăm lo đội ngũ - Trách nhiệm xã hội”, “Đoàn kết, đồng lòng, sống có nghĩa tình” trong nhận thức và văn hóa UEH, “Tiên phong đổi mới - Tự chủ - Hội nhập quốc tế”, “Dân chủ - Minh bạch - Công bằng” trong quản trị và điều hành; “Hiệu quả - Phù hợp thực tiễn” trong mục tiêu thực hiện hoạt động.

Chia sẻ về hành trình 50 năm của UEH, GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Đại học, xúc động nhấn mạnh:

“50 năm qua, UEH không chỉ là nơi ươm mầm tri thức mà còn là ngọn lửa giữ vững khát vọng cống hiến cho đất nước. Mỗi bước tiến của UEH đều gắn liền với sự đổi mới của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và một Việt Nam thịnh vượng nói chung. Trong hành trình tương lai, chúng tôi cam kết tiếp tục đổi mới sáng tạo, hội nhập toàn cầu, và tiên phong hành động bền vững, giữ vững sứ mệnh phục vụ cộng đồng, phụng sự đất nước.”

50 NĂM KIẾN TẠO VÀ ĐÓNG GÓP CHO ĐẤT NƯỚC

*Đào tạo những thế hệ kiến quốc

UEH có quy mô đào tạo hơn 30.000 người học các bậc hệ mỗi năm. Với hơn 280.000 cựu sinh viên đang góp mặt trong các cơ quan nhà nước, tập đoàn kinh tế, tổ chức quốc tế và cộng đồng khởi nghiệp, UEH tự hào là cái nôi của những nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nhân tiên phong phát triển xã hội và đất nước.

Từ năm 1975 đến nay, UEH đã:

  • Đào tạo hơn 250.000 cử nhân các lĩnh vực kinh tế, quản trị, tài chính, luật, công nghệ, thiết kế…;
  • Đào tạo hơn 30.000 thạc sĩ và tiến sĩ đã và đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương;
  • Đến nay, UEH đã triển khai hơn 60 chương trình đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực từ Kinh tế, Kinh doanh, Quản lý, Luật, Công nghệ, Thiết kế,… theo xu hướng của thị trường.
  • Các chương trình đào tạo của UEH được xây dựng và thiết kế theo giáo trình của Top 200 đại học hàng đầu thế giới; 
  • Liên tục đẩy mạnh hoạt động kiểm định cấp cơ sở và chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế: được công nhận đạt chuẩn cấp cơ sở giáo dục và thực hiện kiểm định thành công 19 chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế FIBAA (Châu Âu), 7 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA (Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN) và là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam đạt kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục của FIBAA. 
  • Hợp tác với 117 đối tác từ 32 quốc gia, mở rộng cơ hội học tập và nghiên cứu quốc tế cho sinh viên, giảng viên.
  • Đồng hành với mạng lưới 500 doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu là đối tác thân thiết của nhà trường, đến nay, UEH đã đào tạo hơn hàng ngàn khóa đào tạo ngắn hạn nhằm cập nhật kiến thức Kinh tế, Kinh doanh, Quản lý, Công nghệ, Thiết kế… cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhân sự của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, các định chế tài chính,… của gần 30 tỉnh/thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên, và Nam Bộ.
  • Thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học trong khu vực công ở Việt Nam, triển khai giảng dạy các chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ khu vực công (Chương trình cử nhân Quản lý công, Chương trình cử nhân song bằng tích hợp Quản lý công – Luật và Quản trị địa phương, Chương trình Thạc sĩ Quản lý công, Chương trình Thạc sĩ Quản lý công – Hệ điều hành cao cấp, và Chương trình Thạc sĩ Chính sách công – Hệ điều hành cao cấp) cho các địa phương như: Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TPHCM, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau,… 

*Nghiên cứu: Lan tỏa tri thức, phục vụ phát triển

Ngay từ những ngày đầu thành lập, UEH đã xác định rõ sứ mệnh đồng hành cùng sự phát triển của Thành phố thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn, đóng góp vào hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, UEH đã trở thành một trong những đơn vị nghiên cứu học thuật hàng đầu của cả nước.

  • UEH đã công bố 3.149 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục Scopus/ISI/ABDC; 
  • Triển khai hơn 100 đề tài nghiên cứu các cấp, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách và tư vấn phát triển doanh nghiệp, đô thị bền vững;
  • Trong vòng 10 năm gần đây (2014-2024), UEH đã triển khai 144 đề tài cấp nhà nước, bộ, tỉnh/thành và tương đương; mỗi năm có khoảng 100 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được triển khai thực hiện;
  • Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước và Thành phố, UEH luôn nắm bắt kịp thời những yêu cầu mới, điều chỉnh định hướng nghiên cứu phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội. Chẳng hạn, trong giai đoạn đất nước mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, UEH đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu cho TP. Hồ Chí Minh có giá trị thực tiễn, như: Đề tài “Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng trong hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”; Đề tài “Hoạt động nhượng quyền thương mại (franchise) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh – Thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển”...
  • Trong vòng 10 năm gần đây (2014-2024), UEH có 13 đề tài đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh xác nhận triển khai kết quả, tài trợ in ấn cẩm nang, tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp và cá nhân.
  • Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, UEH đã nhanh chóng tổ chức chuỗi tọa đàm khoa học trực tuyến như: “Chính sách lao động – việc làm trong điều kiện bình thường mới”, “Chuỗi cung ứng bán lẻ thích ứng trạng thái bình thường mới: Chính sách và công nghệ”, nhằm cung cấp luận cứ khoa học, hỗ trợ Thành phố đề ra giải pháp ứng phó, phục hồi và thích nghi hiệu quả trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu.
  • Trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo ở những năm gần đây, UEH tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm tri thức học thuật và tư vấn chính sách:

+ Năm 2023, UEH tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Động lực phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ: Tiềm năng và thách thức” và khởi động chương trình “UEH Đông Nam Bộ 2030”, hỗ trợ hoạch định chính sách và đào tạo cán bộ cho các địa phương, trong đó có TP.HCM.
+ Năm 2024, UEH phối hợp với Cục Thống kê TP.HCM công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên TP.HCM, cung cấp luận cứ phục vụ công tác xây dựng và điều hành chính sách, đồng thời là nguồn thông tin tin cậy cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
+ Cùng năm, UEH tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đóng góp đường lối phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn 2025–2030”, đóng góp ý kiến khoa học cho chiến lược phát triển Thành phố và cả nước trong giai đoạn mới.
+ Năm 2025, UEH tổ chức chuỗi tọa đàm khoa học quốc gia về triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, tọa đàm diễn ra tháng 2 năm tại TP.HCM tập trung thảo luận về khu vực Đông Nam Bộ, với TP.HCM làm trung tâm, cùng với về các tỉnh Tây Nguyên và khu vực cực Nam Duyên hải miền Trung.
+ Song song đó, đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của UEH không ngừng thực hiện các công trình nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tri thức cho cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn bằng cách tiếp cận khoa học, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững của TP. Hồ Chí Minh.
Những nỗ lực trên khẳng định vai trò tiên phong của UEH trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn và phản biện chính sách, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố trong suốt quá trình phát triển và hội nhập.

*Tiên phong thực thi Chiến lược hành động bền vững, tích hợp toàn diện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc vào các hoạt động của UEH

Chiến lược phát triển bền vững của UEH được triển khai toàn diện trên 5 trụ cột. Cụ thể:

  • Đào tạo: UEH duy trì việc học tập suốt đời và nền tảng huấn luyện Glocal thông qua các môn học, khóa học ngắn hạn và dài hạn cho các đối tượng khác nhau để đóng góp cho SDG 4 – Đảm bảo chất lượng giáo dục. Trang bị cho người học khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt, cân bằng và toàn diện. Đồng thời, Nhà trường cũng chú trọng cung cấp những kiến thức nền tảng vững chắc về phát triển bền vững như một môn học bắt buộc của tất cả ngành học, giúp người học không chỉ hiểu mà còn có thể tạo nên thay đổi tích cực cho môi trường, xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững. Mở mới các chương trình đào tạo đa ngành đáp ứng xu thế hiện đại và nhu cầu nhân lực cho thế hệ tương lai như: Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện, Kế toán tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, Công nghệ tài chính (Fintech), Công nghệ Marketing (Martech), Kinh doanh số (Digital business), Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI), Kỹ sư Công nghệ Logistic và chuỗi cung ứng (Logtech), An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, ArtTech, Điều khiển thông minh và tự động hóa. Gần 100 hoạt động giáo dục ngoại khóa, cuộc thi, tọa đàm, sự kiện có chủ đề liên quan đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, công nghệ xanh, kinh tế xanh, đại học xanh, kinh tế tuần hoàn, đô thị bền vững,... đã diễn ra.
  • Nghiên cứu: UEH đã có hơn 500 bài nghiên cứu của giảng viên, viên chức và hàng trăm bài nghiên cứu của sinh viên liên quan đến chủ đề lối sống xanh, kinh tế tuần hoàn,… đóng góp cho các SDG 7 – Năng lượng sạch với giá thành hợp lý, SDG 13 – Hành động về khí hậu, SDG 14 – Tài nguyên và môi trường biển. 
  • Quản trị: Thực hiện nguyên tắc nhất quán “Dân chủ - Công khai - Công bằng”, mọi thành viên tại UEH đều bình đẳng, được bảo đảm quyền lợi, được tham gia thường xuyên vào việc ra quyết định, thực hiện các chính sách, hoạt động, chương trình. Bên cạnh đó, UEH tích hợp các hoạt động bền vững vào hoạt động quản trị trường học và xây dựng văn hóa xanh như một hoạt động thường ngày góp phần cho SDG 12 – Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, SDG 15 – Tài nguyên và môi trường trên đất liền, SDG 16 – Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ. 
  • Vận hành: Trong quá trình vận hành khuôn viên xanh với dự án UEH Green Campus, đến nay 5 tấn rác thải chôn lấp đã được giảm thiểu nhờ vào việc áp dụng mô hình phân loại rác tại nguồn một cách triệt để, góp phần gia tăng vòng đời rác thải và tiêu dùng có trách nhiệm theo SDG 12, 15. 
  • Kết nối cộng đồng: UEH không ngừng kết nối với các tổ chức, cộng đồng quan tâm đến lĩnh vực bền vững để cùng nhau chia sẻ, thảo luận nhằm giải quyết các thách thức về môi trường, trong đó phải kể đến diễn đàn Quốc tế Bền vững (IFS) đóng góp nhiều cho SDG 17 – Hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu.

Để duy trì và phát triển chiến lược đại học bền vững gắn với quốc tế hóa, hàng năm, UEH tiến hành tích hợp 17 SDGs vào mọi hành động của nhà trường. Theo đó, các tiêu chí của một Đại học bền vững từ 3 bảng xếp hạng liên quan gồm QS Sustainability, THE Impact, và UI Green Metrics được nhà trường tổng hợp, phân công tích hợp vào mục tiêu năm của từng đơn vị (OKRs).

Tin, ảnh: Ban Truyền thông và Phát triển đối tác

Những hình ảnh tự hào tại giải bán Marathon Vĩnh Long - Hành trình trái tim Mekong

[Báo Tiền Phong] - Sáng 27/4, tại Vĩnh Long diễn ra giải chạy bán Marathon Vĩnh Long năm 2025 - Hành trình trái tim Mekong, một trong nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hội nghị Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Lãnh đạo các trường THPT các tỉnh Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long năm 2025

Trong hai ngày 25/4 và 26/4/2025, “Hội nghị Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Lãnh đạo các trường THPT các tỉnh Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long năm 2025” đã diễn ra tại Phân hiệu Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long (UEH Mekong). Chương trình là dịp để UEH được gặp gỡ, chia sẻ những định hướng trong hướng nghiệp, tuyển sinh Đại học chính quy, những chính sách dành cho người học tại cơ sở TP.HCM và học tại Vĩnh Long (UEH Mekong), cũng như tập huấn, chuyển giao miễn phí các chương trình bồi dưỡng kỹ năng cần thiết nhằm nâng cao năng lực quản trị, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiệu quả cho thành viên Ban giám hiệu và cán bộ tuyển sinh, đội ngũ Giáo viên các trường Trung học phổ thông (THPT).

[Video phóng sự - Unbox Glo-cal Class] Boardgame Rạng rỡ Việt Nam: Hành trình lan tỏa giá trị văn hóa, di sản dân tộc từ trái tim của người trẻ Việt hướng về Tổ quốc

Dự án tốt nghiệp độc đáo và khác biệt của sinh viên khoa Du lịch UEH. Kết tinh của những trải nghiệm, niềm đam mê và lòng tự hào về văn hóa dân tộc. Hành trình lan tỏa giá trị văn hóa, di sản dân tộc từ trái tim của người trẻ Việt hướng về Tổ quốc. Một sản phẩm Boardgame kết hợp giữa truyền thống và hiện đại với các hoạt động tương tác thú vị lồng ghép văn hóa, địa lý, lịch sử và nét đẹp của đất Việt.