Khoa Tài chính - Ngân hàng

Sinh viên tình nguyện giúp người dân làm đường nông thôn

[Báo Tiền Phong] Giữa tháng 7, hàng chục sinh viên tình nguyện của Đại học Kinh tế TPHCM không ngại khó ngại khổ góp sức xây dựng nông thôn mới trên vùng quê Vĩnh Long. Những con đường nông thôn cũ kỹ, xuống cấp đã và đang được sức trẻ làm mới, để việc đi lại, giao thương của người dân an toàn, êm thuận hơn.

“Có đường mới dân mừng lắm”

Trưa nắng gay gắt, gần 30 sinh viên tình nguyện Đại học Kinh tế TPHCM miệt mài làm đường nông thôn tại Khóm 4, xã Cái Nhum, tỉnh Vĩnh Long. Các bạn nhận nhiệm vụ làm 650m đường (rộng 1,5m) trong 20 ngày. Dù không phải những người thợ chuyên nghiệp, nhưng các bạn sinh viên phối hợp nhịp nhàng, mỗi người một việc từ dựng khuôn, khuân vác vật liệu, đẩy bê tông, chà láng mặt... trong không khí nhộn nhịp tiếng máy, tiếng cười nói giữa đồng quê.

Sinh viên tình nguyện giúp dân làm đường nông thôn tại Vĩnh Long. Ảnh: Hòa Hội

Bạn Trần Song Hà - đội trưởng đội tình nguyện có nhiệm vụ đẩy xe rùa chở hồ từ cối trộn đến nơi đổ mặt đường khoảng 50m. Gần nửa ngày làm việc, mồ hôi ướt đẫm áo, nhưng Hà vẫn tươi cười nói: “Trong sáng, cả đội cố gắng làm xong khoảng 100m để tránh chiều mưa không làm được. Cũng cố làm xong sớm giúp bà con có đường mới đi lại thuận tiện, an toàn. Buổi chiều, nhóm sẽ dạy phổ cập cho các em học sinh”.

Hà học năm 2 ngành Kế toán, hè này lần thứ hai cô tham gia chiến dịch tình nguyện tại Vĩnh Long. Với Hà, mỗi lần tham gia tình nguyện hè lại mang đến những trải nghiệm mới mẻ, cảm xúc khác nhau. Cô và nhiều bạn sinh viên khác đều thấy vui, ý nghĩa khi được góp sức mình làm nên những công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới cho địa phương, giúp ích được cho người dân.

Cùng làm với các bạn sinh viên còn có người dân địa phương, những thợ xây chuyên nghiệp hơn. Ông Nguyễn Văn Tám (ở khóm 4, xã Cái Nhum) cùng một số người khác đã bỏ thời gian, công việc khác để cùng các bạn tình nguyện làm đường qua xóm mình. “Có con đường mới sạch đẹp, khang trang mừng lắm, vì đường cũ làm mấy chục năm đến giờ xuống cấp nghiêm trọng, đi lại khó khăn, nguy hiểm, đặc biệt với các em nhỏ, học sinh vào mùa mưa. Có đường mới, bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa, máy móc cũng thuận lợi hơn”, ông Tám nói.

Ông Sáu Em (cùng khóm 4) dù đã thấm mệt sau gần buổi làm việc dưới nắng, nhưng vẫn vui, không ngại tham gia làm cùng. "Không chỉ riêng tôi, quanh xóm, thấy việc làm ý nghĩa này ai không bận đều tham gia phụ cùng các bạn sinh viên tình nguyện để sớm hoàn thành con đường", ông Sáu Em nói thêm.

Minh Châu (bên trái) cùng đồng đội hỗ trợ làm đường nông thôn. Ảnh: Hòa Hội

Bạn Bùi Ngọc Minh Châu, sinh viên năm nhất ngành Tài chính quốc tế (Đại học Kinh tế TPHCM), chia sẻ, quê tận Đắk Lắk, nên thấu hiểu sự khó khăn của người dân trong đi lại trên những con đường xuống cấp, chật hẹp, vì quê bạn cũng vậy. Lần đầu Châu tham gia chiến dịch tình nguyện hè tại miền Tây. “Những ngày tham gia làm đường nông thôn, tuy cực nhưng rất vui, vì được góp sức mình làm mới con đường khang trang, sạch đẹp mang lại giá trị lâu dài cho bà con”, Châu nói. Những ngày đầu từ phố về quê làm đường, thời tiết nắng nóng, vận động chân tay nhiều, cả đội ai cũng mệt, tối về tay chân ê ẩm, ăn và ngủ đều khó. Sau vài ngày, cơ thể quen dần với nhịp độ công việc, nên cảm thấy bình thường, thậm chí vui vẻ với công việc.

Bạn Huỳnh Hồng Ngọc, sinh viên năm nhất ngành Kiểm toán (Đại học Kinh tế TPHCM) cũng có lần đầu tham gia chiến dịch tình nguyện hè. Ngọc kể, hôm đầu làm không quen nên phải cố vượt qua chính mình. Lấy việc được đóng góp cho người dân làm động lực để cùng đồng đội sớm hoàn thành con đường. “Em muốn trải nghiệm và xem cuộc sống người dân nơi đây ra sao, không bài học nào bằng trực tiếp tham gia chiến dịch hè tình nguyện để tự mình cảm nhận, học hỏi”, Ngọc bày tỏ.

Đội trưởng nhóm tình nguyện Trần Song Hà đẩy xe chở bê tông làm đường. Ảnh: Hòa Hội

Cống hiến sức trẻ cho cộng đồng

Anh Nguyễn Hữu Tiến - Chỉ huy trưởng chiến dịch tình nguyện hè tại tỉnh Vĩnh Long của Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, năm nay trường có trên 250 bạn sinh viên tham gia chiến dịch. Các bạn tình nguyện hỗ trợ địa phương tại xã Nhơn Phú, xã Tân Long Hội và xã Cái Nhum, trong thời gian 20 ngày (trong tháng 7).

Theo anh Tiến, các công trình thanh niên là một trong những mục tiêu trọng tâm của chiến dịch, được tập trung nguồn lực về kinh phí, nhân sự để phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ đóng góp thiết thực cho người dân địa phương. Đặc biệt, các công trình sẽ được triển khai theo hướng bền vững, phù hợp với thực tiễn từng địa phương, tạo ra giá trị tích cực và bền vững trong cộng đồng.

Ngoài việc làm đường nông thôn, các bạn sinh viên còn thực hiện nhiều công trình ý nghĩa khác, như: Tặng học bổng cho thiếu nhi, chăm lo cho hộ gia đình chính sách, người có công; thực hiện 8 công trình “Thắp sáng tuyến đường quê” đèn năng lượng mặt trời (tổng chiều dài hơn 10,8km)...

Sinh viên tình nguyện cùng người dân làm đường nông thôn. Ảnh: Hòa Hội

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất, chiến dịch còn phát huy tính năng động, sáng tạo và tri thức của sinh viên thông qua các hoạt động Ngày cao điểm hưởng ứng tuần lễ dành cho thanh thiếu nhi địa phương; Thứ 7 tình nguyện, Chủ nhật xanh; các hoạt động văn nghệ, trò chơi cho thiếu nhi. Trong đó, các chiến sĩ sẽ trao tặng học bổng, quà, tập sách và dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các trẻ em khuyết tật; tổ chức các lớp ôn tập hè, sinh hoạt hè, hướng dẫn kỹ năng mềm cho thiếu nhi...

“Chiến dịch tình nguyện hè không đơn thuần một chuyến đi dài, nhiều trải nghiệm, còn mang tới các hoạt động công ích cho xã hội, mang ý nghĩa lớn và tính nhân văn sâu sắc tới cộng đồng. Qua đó Sẽ mang đến nhiều công trình, phần việc ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con và thay đổi diện mạo quê hương Vĩnh Long thêm giàu đẹp”, anh Tiến nói.

Sinh viên tình nguyện dạy học cho trẻ em.

Sinh viên tình nguyện giúp dân làm đường nông thôn tại xã Cái Nhum, tỉnh Vĩnh Long.

Chiến sĩ tình nguyện đổ cát vào trộn bê tông.

Các bạn trẻ nhiệt tình cùng người dân làm đường nông thôn.

Nụ cười vui vẻ của chiến sĩ tình nguyện tại công trường.

Phút thư giãn của chiến sĩ tình nguyện sau giờ làm việc. Ảnh: Hòa Hội

Nguồn: Báo Tiền Phong

 

Cùng nhìn lại hành trình Industry Immersion Project 2025: Kết nối Đại học - Doanh nghiệp qua chủ đề "AI for Sustainability"

Vừa qua, sinh viên Trường Kinh doanh (COB) và Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (CELG), Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã tham gia chương trình học tập mùa hè “AI for Sustainability” – một sáng kiến đào tạo ngắn hạn gắn kết giữa đại học và doanh nghiệp (Industry Immersion Project – IIP). Chương trình lần đầu tiên được tổ chức với sự hợp tác giữa UEH và các đối tác quốc tế: Đại học Padjadjaran (Indonesia), Đại học Kỹ thuật King Mongkut Thonburi (Thái Lan), Future Ready Academy (Singapore) và doanh nghiệp Bobobox (Indonesia). Chương trình mang đến cho sinh viên cơ hội học tập gắn với thực tiễn trong môi trường kinh doanh đa văn hóa, góp phần thúc đẩy quốc tế hóa và tăng cường năng lực nghề nghiệp khu vực cho sinh viên UEH.

UEH Mekong - Thông báo Thời khóa biểu chính thức Học kỳ cuối năm 2025 các khóa 49, 50 - Hệ ĐHCQ

Căn cứ kế hoạch đào tạo năm 2025 và tiến độ triển khai các chương trình đào tạo của Hệ ĐHCQ, Phòng Đào tạo UEH Mekong thông báo TKB chính thức HKC 2025, cụ thể :

[UEH Day 2025] Ra mắt Sổ tay hành trình 3 ngày 2 đêm: UEH Day Handbook 2025 “Together We Share”

Chứa đựng những thông tin quan trọng và ghi chú chi tiết cho cuộc hành trình ba ngày hai đêm sắp tới, UEH Day Handbook 2025 hé lộ những hoạt động hấp dẫn, những điều cần lưu ý, những hành trang cần thiết nhất. Quý Thầy, Cô hãy tải hoặc cập nhật App UEHer để nhanh chóng tra cứu thông tin cần thiết.