Khoa quản trị

UEH tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thương mại Nông sản và Phát triển Bền vững: Bài học và Giải pháp cho một Mekong Bền vững hơn”

Ngày 15/5/2025, tại UEH Mekong, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Agri-Food Trade and Sustainability: Lessons and Solutions for a More Sustainable Mekong”. Hội thảo cũng nằm trong khuôn khổ dự án TRADE4SD được tài trợ bởi Liên minh châu Âu. Đây là một trong những hoạt động học thuật trọng điểm hướng đến thúc đẩy các sáng kiến và giải pháp phát triển thương mại nông sản bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời, có sự tham dự của Lãnh đạo Sở, Ban, Ngành, các trường, các doanh nghiệp, ngân hàng đến từ tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh Khu vực ĐBSCL. Về phía UEH, có sự tham dự của GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH; TS. Trần Thị Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng CELG, UEH; Ban Giám đốc, Lãnh đạo các đơn vị, giảng viên và sinh viên tại UEH Mekong. Về phía thành viên là đoàn chuyên gia quốc tế đến từ nhóm nghiên cứu dự án TRADE4SD, có GS. TS. Attila Jambor - Viện trưởng Viện Phát triển bền vững, Đại học Corvinus; GS.TS. Benkhira ép. Fort - Chuyên gia tại Viện Nông nghiệp Montpellier, Pháp; cùng các chuyên gia đến từ Hội đồng nghiên cứu Nông nghiệp và Kinh tế nông nghiệp, Rome, Ý, bao gồm: TS. Federica Demaria - Trưởng Nhóm nghiên cứu Kinh tế; TS. Roberto Henke - Giám đốc nghiên cứu; TS. Maria Rosaria Pupo D'Andrea - Nhà nghiên cứu cao cấp; TS. Ilenia ManettiTS. Massimo Fusillo - Nhà nghiên cứu tại Hội đồng; và TS. Hoàng Văn Việt - Trưởng nhóm nghiên cứu dự án TRADE4SD tại Việt Nam.

Hội thảo đã vinh dự đón tiếp tổng cộng hơn 120 đại biểu tham dự. Sự hiện diện đông đảo và đa dạng của các đại biểu đã góp phần tạo nên không khí trao đổi học thuật sôi nổi, đồng thời mở rộng mạng lưới kết nối giữa các bên liên quan trong lĩnh vực thương mại nông sản và phát triển bền vững tại khu vực.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH cho rằng: “Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất chiến lược về phát triển nông nghiệp, thực phẩm và xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, di cư lao động và áp lực từ các thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe. UEH Mekong được xác định là trung tâm học thuật chiến lược của UEH tại khu vực này, với mục tiêu kết nối tri thức toàn cầu với thực tiễn địa phương, hướng đến phát triển bền vững. Hội thảo hôm nay là một phần trong nỗ lực đó, nằm trong khuôn khổ Dự án TRADE4SD do Liên minh châu Âu tài trợ. Chúng tôi kỳ vọng rằng, thông qua diễn đàn này, những sáng kiến và giải pháp thiết thực sẽ được chia  sẻ,  được lan toả và kết nối, đóng góp vào quá trình tái cấu trúc chuỗi giá trị nông sản và chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng xanh, bao trùm và bền vững.

GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH phát biểu khai mạc Hội thảo

Chương trình Hội thảo được triển khai xuyên suốt trong ngày với 02 phiên làm việc buổi sáng và buổi chiều. Mỗi phiên mang đến những góc nhìn đa chiều và thảo luận chuyên sâu xoay quanh chủ đề thương mại nông sản và phát triển bền vững tại khu vực Mekong.

Tại Phiên tổng thể (buổi sáng): Dưới sự chủ trì của GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH; TS. Trần Thị Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng UEH và TS. Hoàng Văn Việt - Trưởng nhóm dự án TRADE4SD tại Việt Namcùng chia sẻ từ thực tế của cộng đồng doanh nghiệp, phiên sáng đã diễn ra với nhiều tham luận có hàm lượng học thuật cao và giá trị thực tiễn sâu sắc.

Với chủ đề “Tổng quan về mục tiêu, phương pháp và phát hiện chính của dự án TRADE4SD tại Việt Nam”, GS.TS. Attila Jambor - Viện trưởng Viện Phát triển bền vững, Đại học Corvinus, Hungary đã giới thiệu những định hướng chiến lược và kết quả ban đầu của dự án TRADE4SD do Liên minh châu Âu tài trợ. Tham luận phân tích các cách tiếp cận nghiên cứu tích hợp, đánh giá mối quan hệ giữa thương mại nông sản và phát triển bền vững, từ đó đưa ra các đề xuất nhằm cải thiện chất lượng thể chế và khuyến khích áp dụng các mô hình sản xuất - thương mại có trách nhiệm tại Việt Nam

GS.TS. Attila Jambor - Viện trưởng Viện Phát triển bền vững, ĐH Corvinus trình bày tại hội thảo

Tiếp theo đó, TS. Ilenia Manetti - Chuyên gia nghiên cứu Kinh tế tại Hội đồng nghiên cứu Nông nghiệp và Kinh tế, Rome, Ý đã mang đến chủ đềThương mại và Bền vững: Nghiên cứu về chuỗi giá trị Gạo, Trà và Thanh Long tại Việt Nam”. Tham luận mang đến góc nhìn thực tiễn về cách 03 mặt hàng nông sản đặc trưng của Việt Nam đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời phản ánh những thách thức trong việc cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng thương mại và yêu cầu phát triển bền vững. Thông qua phân tích vai trò của thể chế, tiêu chuẩn xuất khẩu và mức độ liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi, tham luận đặt ra vấn đề cần thiết phải tái cấu trúc chuỗi giá trị theo hướng minh bạch, bao trùm và có trách nhiệm hơn, để từ đó nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sau phần trình bày, TS. Federica Demaria - Trưởng nhóm nghiên cứu Kinh tế đã tiếp tục mang đến một chuyên đề khác “Tác động của sự không đồng nhất về bối cảnh đến mối quan hệ giữa thương mại và tính bền vững: Bài học từ các nghiên cứu điển hình tại Việt Nam và Ghana”. Tham luận nhận được sự quan tâm đặc biệt từ đông đảo đại biểu, khi nhấn mạnh rằng thương mại nông sản bền vững không thể xây dựng trên một mô hình chung, mà cần thích ứng theo điều kiện từng quốc gia, vùng miền. Những khác biệt trong hệ thống quản trị, cơ chế hỗ trợ nông dân, và đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương là những nhân tố then chốt quyết định hiệu quả triển khai chính sách thương mại bền vững.

TS. Ilenia Manetti - Chuyên gia nghiên cứu Kinh tế và TS. Federica Demaria - Trưởng nhóm nghiên cứu Kinh tế lần lượt trình bày tại hội thảo

Tiếp nối phần trình bày của các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp địa phương đã mang đến những tham luận thực tiễn, phản ánh trực tiếp các nỗ lực và sáng kiến đang được triển khai trong lĩnh vực thương mại nông sản bền vững.

Mở đầu là tham luận với chủ đề “Đổi mới trong sản xuất và liên kết: Thức ăn đầu vào cho chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững” do ông Nguyễn Tấn Thụ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi PUTIN trình bày. Ông Nguyễn Tấn Thụ đã chia sẻ mô hình sản xuất thức ăn chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, gắn kết chặt chẽ với các đối tác trong chuỗi cung ứng. Tham luận nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp địa phương hiện nay trong việc đổi mới công nghệ, tiêu chuẩn hóa chất lượng và hợp tác doanh nghiệp - nông dân nhằm hướng đến phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả, thân thiện với môi trường. Tiếp theo đó, Bà Nguyễn Kim Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm SA KỲ, đã có những chia sẻ về góc nhìn với chủ đề “Những thách thức và khuyến nghị nhằm thúc đẩy thương mại bền vững: Tình huống tại Công ty XNK SAKY FOODS”. Tại đây, bà Nguyễn Kim Thanh đã nêu bật các rào cản mà doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm hiện đang đối mặt, bao gồm chi phí chứng nhận bền vững, biến động thị trường cũng như những yêu cầu khắt khe từ các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, bà cũng đề xuất các giải pháp như hỗ trợ về pháp lý, tăng cường liên kết vùng và xúc tiến thương mại theo định hướng bền vững.

Bài tham luận cuối cùng của phiên sáng được trình bày bởi TS. Hoàng Văn Việt - Cố vấn Công ty CP TMDV Xây dựng Kinh doanh nhà Vạn Thái (chủ đầu tư PARC MALL) với chủ đề “Tác động của thương mại bền vững và giá trị cao đối với kinh tế địa phương”. Tại Hội thảo, TS. Hoàng Văn Việt  đã có những đóng góp quý báu và chia sẻ về kinh nghiệm phát triển mô hình trung tâm thương mại PARC MALL gắn với tiêu chí xanh - sạch - bền vững, tạo ra chuỗi giá trị không chỉ về thương mại mà còn thúc đẩy việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương. Ông nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc chuyển hóa các tiêu chuẩn bền vững thành hành động thực tiễn thông qua đầu tư hạ tầng và hệ sinh thái tiêu dùng có trách nhiệm. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung trao đổi, phân tích những phát hiện nghiên cứu mới nhất, cũng như các điển hình thực tiễn xoay quanh thương mại nông sản và phát triển bền vững. Thông qua việc đánh giá các mô hình liên kết, các yếu tố thể chế và bối cảnh địa phương, hội thảo đã cung cấp cơ sở quan trọng để dự báo xu hướng, nhận diện cơ hội – thách thức, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thương mại nông sản trong thời kỳ hội nhập, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực Mekong và quốc gia nói chung.

Đại diện các doanh nghiệp địa phương trình bày tham luận

Đại diện UEH trao tặng quà lưu niệm cho các diễn giả

Tại phiên chiều: Dưới sự điều phối của GS.TS. Attila Jambor; TS. Federica Demaria; TS. Roberto Henke và TS. Hoàng Văn Việt, phiên thảo luận đã mở ra diễn đàn trao đổi cởi mở giữa các chuyên gia quốc tế và học giả trong nước. Tâm điểm của phiên chiều là thảo luận bàn tròn xoay quanh chủ đề “Làm thế nào để thương mại và các hiệp định thương mại trở nên bền vững hơn, đặc biệt đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Phiên thảo luận thu hút sự tham gia tích cực của GS.TS. Attila Jambor cùng các đại biểu, tập trung phân tích vai trò của thể chế địa phương, yêu cầu về sự minh bạch trong quản trị thương mại, cũng như các nhu cầu cấp thiết về hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho nông dân và doanh nghiệp quy mô nhỏ – những mắt xích quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa thương mại bền vững tại khu vực này.

Ban chủ tọa điều hành thảo luận bàn tròn 

Khép lại phiên thảo luận, TS. Hoàng Văn Việt đã trình bày chủ đề “Sự quan trọng của các sắp xếp thể chế địa phương khác nhau đối với sự tham gia của nông dân và thương nhân vào các hoạt động bền vững tại Việt Nam”. Qua tham luận, có thể thấy rằng thể chế địa phương đóng vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của thương mại bền vững. Việc thiết kế các chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng vùng sẽ khuyến khích sự tham gia tích cực từ các chủ thể sản xuất - kinh doanh, từ đó đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển bền vững chung.

TS. Hoàng Văn Việt - Trưởng nhóm nghiên cứu dự án TRADE4SD tại Việt Nam trình bày tại hội thảo

 Quý đại biểu tham dự thảo luận và trao đổi với các diễn giả 

Hội thảo Khoa học với chủ đề: “Agri-Food Trade and Sustainability: Lessons and Solutions for a More Sustainable Mekong” đã diễn ra thành công tốt đẹp, mang đến không gian học thuật cởi mở, đa chiều và giàu giá trị thực tiễn. Thông qua các tham luận chuyên sâu và phiên thảo luận bàn tròn, hội thảo đã góp phần làm rõ mối quan hệ giữa thương mại nông sản và phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với nhiều thách thức về môi trường, kinh tế và xã hội. Những kết quả nghiên cứu và trao đổi tại Hội thảo đã mang lại các đóng góp thiết thực, góp phần định hướng chính sách và giải pháp phát triển bền vững cho Việt Nam nói chung, đặc biệt là đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng - vùng đất giữ vai trò chiến lược trong an ninh lương thực và kinh tế nông nghiệp của quốc gia.

Quý đại biểu chụp hình lưu niệm cuối chương trình

Một số hình ảnh của Hội thảo:

Tin, Ảnh: Khoa Quản trị UEH Mekong và Dự án TRADE4SD

Mô hình văn phòng ảo thế hệ mới UEH Green Office được vinh danh “Best Premier In-house Team” tại VNPR Awards 2025 với chủ đề “For the Future of Earth/Us”

Tiên phong, đổi mới, sáng tạo và bền bỉ - mô hình văn phòng trao quyền cho thế hệ trẻ hành động bền vững - UEH Green Office (UEH GO) đã được xướng tên tại giải thưởng danh giá do VNPR Awards 2025, với chủ đề “For the Future of Earth/Us”. Danh hiệu là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực vận hành dự án UEH Green Campus của văn phòng “xanh” và “trẻ” này trong nhiều năm qua.

Chương trình “Phóng viên Glo-cal xuất sắc”: Ai sẽ lan tỏa phong cách giáo dục “Glo-cal Education” xuất sắc nhất?

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) chính thức triển khai Chương trình “Phóng viên Glo-cal xuất sắc” – kêu gọi và truyền cảm hứng sáng tạo cho mỗi sinh viên UEH trở thành một “phóng viên hiện trường” thực thụ, lan tỏa phong cách giáo dục “Glo-cal Education” tại từng lớp học UEH với cộng đồng. Vậy ai sẽ đồng hành cùng UEH để lan tỏa phong cách giáo dục “Glo-cal Education” xuất sắc nhất?

Nhìn lại hành trình ấn tượng năm 2023 và năm 2024 - Sẵn sàng bứt phá cùng UEH Summer Camp 2025 tại UEH Mekong

Tiếp tục lan tỏa những dấu ấn khó quên của hai mùa UEH Summer Camp năm 2023 và năm 2024, cũng như chào đón mùa hè năm 2025 đầy hứng khởi, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại những khoảnh khắc tuyệt vời mà chương trình đã mang lại. Chính những kỷ niệm đầy cảm xúc, nhiệt huyết và gắn kết ấy sẽ trở thành nguồn cảm hứng bất tận, thôi thúc chúng ta viết tiếp câu chuyện mùa hè ý nghĩa tại UEH Mekong Summer Camp năm 2025.