Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao kết quả hoạt động của UEH sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW

29 tháng 08 năm 2018

"Cách tiếp cận của UEH trong việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiến tiến quốc tế, sử dụng giáo trình nước ngoài, chuyển giao công nghệ đào tạo từ các nước tiến tiến, gắn với thị trường. Đây là hướng đi đúng đắn, đạt được nhiều kết quả rõ nét thông qua số lượng sinh viên có việc làm, được xã hội đánh giá rất cao.", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

"Cách tiếp cận của UEH trong việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng quốc tế, sử dụng giáo trình nước ngoài, chuyển giao công nghệ đào tạo từ các nước tiên tiến, gắn với thị trường. Đây là hướng đi đúng đắn, đạt được nhiều kết quả rõ nét thông qua số lượng sinh viên có việc làm, được xã hội đánh giá rất cao.", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Bước tiến vượt bậc đáng tự hào của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW

Trong buổi làm việc với Đoàn khảo sát liên ngành - Ban Tuyên giáo Trung ương, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ làm Trưởng đoàn, khảo sát kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tại UEH (ngày 07/8/2018), GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng UEH đã báo cáo với Đoàn khảo sát liên ngành về việc thực hiện thành công thí điểm tự chủ đại học với nhiều kết quả nổi bật trên các mặt hoạt động

Hầu hết mọi hoạt động của trường luôn hướng về cái mới và cải tiến liên tục; văn hóa UEH đã được cán bộ, viên chức, người học ngày càng thấu hiểu và thực hiện. 

GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng UEH báo cáo Sơ kết 5 năm nhà trường thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW

Về đổi mới trong đào tạo, kiểm định chất lượng

Quốc tế hóa chương trình và sách giáo khoa

Từ năm 2015, ở bậc Đại học và Cao học, Trường giảng dạy theo bộ Chương trình tiên tiến quốc tế UEH trên cơ sở tham khảo chương trình đào tạo của hơn 200 trường đại học hàng đầu trên thế giới. 

Đối với bậc nghiên cứu sinh, các chương trình chuyển hẳn sang hướng nghiên cứu hàn lâm để có thể hội nhập với các nước trong khu vực theo Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT.

UEH khuyến khích học viên viết và bảo vệ luận văn, luận án bằng tiếng Anh với hội đồng có tham gia của các giáo sư nước ngoài. Một số nghiên cứu sinh đã tham gia các hội thảo quốc tế, công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus…

Giáo trình, sách hoàn toàn nhập khẩu từ các nước phát triển với tổng số tiền đầu tư mua sắm trên 6 tỷ đồng bằng ngân sách của trường và trên 6 tỷ cho bộ cơ sở dữ liệu phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.

Thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ, tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực

Trong chương trình chính thức, sinh viên phải học tiếng Anh liên quan đến lĩnh vực chung trong kinh tế, quản trị, marketing, ngân hàng… Riêng Viện Đào tạo quốc tế đã và đang đào tạo bằng tiếng Anh cho các ngành và chuyên ngành: Kinh doanh quốc tế, Ngoại thương, Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính cho các chương trinh cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Trong số các điều kiện trước khi tốt nghiệp, sinh viên hệ chính quy phải đạt chứng chỉ TOEIC 500 (tiếng Anh) trở lên hoặc tương đương (đối với Chương trình Chất lượng cao, trình độ TOEIC 600 trở lên). Về tin học, sinh viên phải đạt chứng chỉ tin học quốc tế IC3 (Internet and Computing Core Certification) và chương trình tăng cường công nghệ thông tin chuyên ngành (ERP, Data science, Blockchain) nhằm đáp ứng yêu cầu làm việc trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục

Hàng năm,Trường thực hiện 2 đợt  khảo sát, lấy ý kiến của sinh viên về chất lượng hoạt động đào tạo, cơ sở vật chất… Kết quả khảo sát được xử lý, phân tích và tổng hợp thành các báo cáo ở cấp bộ môn và cấp khoa, viện.

Về kiểm định chất lượng đào tạo, Trường đã được công nhận tỷ lệ đạt 88.52% tiêu chí kiểm định trong nước theo tiêu chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường đã kiểm định 03 chương trình theo tiêu chuẩn AUN-QA và 04 chương trình theo tiêu chuẩn FIBAA. Đáng chú ý, Trường đã trở thành thành viên liên kết (Associate Member) của Tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục đại học mạng lưới các trường đại học ASEAN; Trường được tổ chức U-Multirank xếp hạng là 25 trường đại học hàng đầu đạt tiêu chuẩn “Đóng góp cho sự phát triển nghề nghiệp suốt đời” về lĩnh vực chuyển giao tri thức năm 2016, 2017. Từ năm 2008 đến nay, Trường được tổ chức Eduniversal xếp hạng trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam, nằm trong top 1000 trường đào tạo kinh doanh tốt nhất thế giới.

Chất lượng đào tạo được thể hiện rõ nét qua tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp ngày càng cao, năm 2017 đạt tỷ lệ gần 94%.

GS.TS. Nguyễn Đông Phong và Ông Heinz-Ulrich Schmidt trao Giấy chứng nhận và hoa chúc mừng cho các chương trình đào tạo đạt kiểm định FIBAA (Thụy Sĩ)

Về nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và mở rộng hợp tác quốc tế

Với cơ chế hỗ trợ hợp lý của trường, nghiên cứu khoa học có bước tiến đáng kể, tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Giai đoạn 2013 - 2018 thực hiện nghiên cứu 629 đề tài cấp Trường; 57 đề tài cấp Bộ, tỉnh, thành phố; đang thực hiện 2 đề tài cấp Nhà nước. Từ 2013 đến nay, bên cạnh 933 bài báo đăng trên tạp chí trong nước, Trường đã công bố 245 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế (trong đó có 148 bài được đăng tải trên các tạp chí ISI và Scopus). Số bài báo quốc tế tăng dần qua từng năm, từ 20 bài năm 2013 lên đến 79 bài năm 2017. 

Một số đề tài nghiên cứu và tư vấn chính sách đã được Trường thực hiện thành công và chuyển giao, công bố kết quả nghiên cứu. Báo cáo đối thoại chính sách thường niên là một trong những hoạt động học thuật của Trường. Trong giai đoạn 2013 - 2018, Trường đã tổ chức thành công 497 hội thảo khoa học, trong đó có 77 hội thảo quốc tế và báo cáo chuyên đề.

Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á phiên bản tiếng Anh (Journal of Asian Business and Economic Studies - JABES) chính thức hiện diện trên cơ sở dữ liệu của Nhà xuất bản quốc tế EMERALD từ tháng 5 năm 2018. Đây là tạp chí thuộc lĩnh vực kinh tế đầu tiên của Việt Nam được xuất bản bởi EMERALD. Sự kiện này là bước tiến quan trọng trong tiến trình giúp JABES đảm bảo đủ tiêu chuẩn để được xếp hạng vào hệ thống tạp chí đạt chuẩn Scopus (Scopus List).

Quan hệ quốc tế ngày càng sâu rộng; đa dạng, phong phú trong các lĩnh vực hoạt động, từ đào tạo, nghiên cứu đến quản trị trường đại học. Chương trình đào tạo của Trường hệ tiếng Việt đã đươc công nhận bởi 7 đối tác uy tín quốc tế thông qua liên thông 2+2, công nhận tín chỉ. Trường đã phát triển 17 chương trình liên kết hợp tác đào tạo từ cử nhân đến tiến sĩ. Trung bình mỗi năm, các chương trình liên kết quốc tế tuyển sinh đạt trên 500 học viên.

Hội nhập quốc tế về đào tạo thông qua các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên là điểm nổi bật từ năm 2013 đến nay, Trường đã cử 397 sinh viên đi học tập, thực tập tại các trường đối tác và đón nhận 1.559 sinh viên quốc tế đến học tập. Hàng năm, Trường đón nhận gần 80 giảng viên quốc tế tham giảng dạy, trao đổi học thuật, tư vấn nghiên cứu…

Nổi bật trong 02 năm gần đây, UEH tăng cường phân quyền cho các khoa, viện chủ động thực hiện hợp tác với các đối tác nước ngoài. Đến nay, chủ trương này thể hiện rõ tính ưu việt trong việc mở rộng và quốc tế hóa quan hệ hợp tác.

Năm 2016, UEH đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế thường niên INFINITY Châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên tại châu Á, thu hút các giáo sư, nhà nghiên cứu từ 20 quốc gia trên thế giới tham dự

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài  - Phó Hiệu trưởng UEH trao quà lưu niệm cho 2 keynote speakers của Hội nghị quốc tế ICUEH 2017 diễn ra tại UEH

Về cơ cấu tổ chức, cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo

Cơ cấu tổ chức của Trường phát triển theo hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chiến lược đề ra. Với những chính sách hợp lý và hiệu quả về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực… đội ngũ giảng viên của Trường có những chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng. Giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm 34,87% và tỷ lệ này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cao trong giai đoạn kế tiếp. Hiện nay, có 122 chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài đang làm việc, giảng dạy và nghiên cứu tại Trường.

Trường đang cử 158 viên chức đi học tại các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước và hơn 2.000 lượt viên chức được cử tham gia nhiều nội dung đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn trong và ngoài nước.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huy Nhựt - Phó Hiệu trưởng UEH trao Bằng khen của Bộ trưởng cho Quý Thầy Cô tại sự kiện UEH Awards Lần VI năm 2017

Về triển khai tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học

Giai đoạn triển khai thực hiện tự chủ, Trường đã đạt được rất nhiều thành công trong các lĩnh vực hoạt động. Những thành công nổi bật gồm có: Tăng nguồn lực để hỗ trợ bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế; Phát triển quan hệ hợp tác trong và ngoài nước; Xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo xu thế hội nhập; Chủ động in và cấp phôi bằng kịp thời cho người học; Xây dựng và hoàn thiện quy định phù hợp yêu cầu tự chủ; Thực hiện tốt chế độ học bổng, chính sách; Ổn định nguồn thu và thu nhập của người lao động; Tăng cường trang thiết bị và phát triển cơ sở vật chất; và Thực hiện hiệu quả chiến lược bồi dưỡng, đào tạo và thu hút người tài.

Về tài chính

Thực hiện tự chủ đại học, Trường đã trích lập quỹ tăng gấp 02 lần so với trước tự chủ, đặc biệt là Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và ưu tiên cho đầu tư cơ sở vật chất. Với nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tích lũy, Trường đã tiến hành Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng 11,1 ha cho cơ sở mới tại khu đô thị Nam thành phố với số tiền 230 tỷ đồng (100% từ Quỹ phát triển sự nghiệp của trường) và cơ bản đã hoàn thành trong năm 2017. Trường cũng đang sử dụng nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp làm vốn đối ứng để triển khai thực hiện dự án 15 tầng tại cơ sở 279 Nguyễn Tri Phương (vốn đầu tư 290 tỷ, đối ứng 85 tỷ) và Dự án xây dựng cơ sở mới tại Nam Sài Gòn (253 tỷ, đối ứng 200 tỷ) trong năm 2017.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã cấp cho Trường 50,6 tỷ trong nguồn vốn vay phát triển giáo dục của Ngân hàng Thế giới. Khoản kinh phí này đã đóng vai trò quan trọng, chiếm 20% trong 253 tỷ vốn đầu tư giai đoạn 1 Dự án xây dựng cơ sở mới tại khu Nam Thành phố.

Lãnh đạo UEH thăm quan công trình đang thi công tại Lễ Đổ sàn Tầng 1 Cơ sở Nam Thành phố tháng 06/2018

Lễ Khởi công Dự án cơ sở B của UEH

Phát huy những thành quả đã đạt được trong 5 năm qua, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, căn cứ vào tình hình thực tiễn hoạt động, nhà trường đề ra các mục tiêu, chiến lược và giải pháp thực hiện cụ thể:

Về mục tiêu: Xây dựng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và tư vấn về khoa học kinh tế, quản trị kinh doanh, luật… cho lĩnh vực công và tư có uy tín ngang tầm với các cơ sở đào tạo đại học chất lượng cao trong khu vực Châu Á.

Về chiến lược:

Giữ vững và ngày càng phát huy vị thế là trường đại học trọng điểm quốc gia, từng bước chuyển sang đa ngành;

Chủ động hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường; 

Định hướng phát triển theo đại học nghiên cứu; 

Đảm bảo đào tạo chất lượng cao, đáp ứng tốt thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Từ đó, UEH đã đề ra những giải pháp cụ thể về đào tạo, kiểm định chất lượng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên; nghiên cứu khoa học, hợp tác trong và ngoài nước; Quản trị nhà trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao kết quả hoạt động của UEH

Trên cơ sở báo cáo tóm tắt: Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao kết quả hoạt động của UEH. Đặc biệt, từ sau khi được thí điểm thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động tự chủ, Trường đã có nhiều đổi mới; với tốc độ nhanh, mạnh và nổi trội so với các trường đại học khác. Nổi bật ở các mặt hoạt động sau:

Bộ trưởng đánh giá cao cách tiếp cận của UEH trong việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiến tiến quốc tế, sử dụng giáo trình nước ngoài, chuyển giao công nghệ đào tạo từ các nước tiên tiến, gắn với thị trường. Đây là hướng đi đúng đắn, đạt được nhiều kết quả rõ nét thông qua số lượng sinh viên có việc làm (94% năm 2017), được xã hội đánh giá rất cao.

Chất lượng đội ngũ của Trường cao hơn so với mặt bằng chung các trường đại học trong cả nước, trình độ tiến sĩ chiếm 34,87%.

Công tác quản lý tài chính thực hiện hiệu quả, minh bạch, đúng quy định; tài chính phát triển phục vụ cho đổi mới cơ sở vật chất, chương trình đào tạo.

Nội bộ nhà trường ổn định, đoàn kết, thống nhất; Trường có uy tín rất lớn đối với Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam và cả nước.

“UEH cần phải hoạch định lộ trình, hướng đi cụ thể; hình thành ngành khoa học cơ bản, đào tạo liên ngành...”

Với mục tiêu chiến lược của UEH đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra những gợi ý sâu sắc, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển bền vững của UEH trong thời gian tới. Bộ trưởng đề xuất những nội dung xoay quanh việc hoạch định lộ trình phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển đa ngành, đa lĩnh vực; Đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học vì hoạt động nghiên cứu tạo nên thương hiệu, uy tín của Trường; Hình thành các Nhóm nghiên cứu mạnh, chương trình nghiên cứu để nâng chất đội ngũ vươn tầm khu vực, quốc tế; Huy động, thu hút đa dạng các nguồn lực phát triển, đặc biệt quan tâm đến mạng lưới cựu sinh viên; Đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo;...

Nghị quyết số 29-NQ/TW và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo nền tảng cho UEH thực hiện đổi mới toàn diện trên các mặt đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị, xây dựng cơ sở vật chất... Những kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc phần nào cho thấy những nỗ lực vượt bậc của UEH trong thời gian qua và những thách thức của UEH trong tiến trình quốc tế hóa và thực hiện các mục tiêu chiến lược của Nhà trường trong thời gian tới. Toàn thể lãnh đạo, viên chức UEH cùng đồng lòng, quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện các mục tiêu, chiến lược và giải pháp đã đề ra để UEH từng bước trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu và hội nhập quốc tế có uy tín trong khu vực và thế giới.

Tin, Ảnh: Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng, Văn Phòng Trường.

 
Chia sẻ