“Tôi muốn được đi học!”

26 tháng 09 năm 2018

[Báo Tuổi trẻ - Ngày 25/09/2018] - “Gia cảnh khó khăn, học xong cấp III tôi đi làm công nhân phụ giúp gia đình. Cũng nhủ rằng đi làm rồi vừa học vừa làm. Nhưng đời công nhân phải tăng ca, đầu tắt mặt tối còn chưa đủ ăn, sao có thời gian học hành”. Đó là tâm sự của một cô công nhân trẻ luôn khao khát nhưng chưa thực hiện được ước mơ tiếp tục đến lớp.

[Báo Tuổi trẻ - Ngày 25/09/2018] - “Gia cảnh khó khăn, học xong cấp III tôi đi làm công nhân phụ giúp gia đình. Cũng nhủ rằng đi làm rồi vừa học vừa làm. Nhưng đời công nhân phải tăng ca, đầu tắt mặt tối còn chưa đủ ăn, sao có thời gian học hành”. Đó là tâm sự của một cô công nhân trẻ luôn khao khát nhưng chưa thực hiện được ước mơ tiếp tục đến lớp.

Bước vào tuổi 48, anh Nguyễn Anh Vũ - công nhân đóng gói ở môt xí nghiệp in - mới chạm đến ước mơ được học đại học. Anh đang học hệ vừa làm vừa học do Liên đoàn Lao động TP.HCM liên kết với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh mở ra cho công nhân. Công ty ở Hóc Môn (TP.HCM) cũng tạo điều kiện để anh có thể được hai giờ đi xe máy kịp đến lớp học ở quận 1. Lớp học cứ vắng dần đã nói lên tất cả. Tăng ca, làm thêm giờ, còn đâu giờ lên lớp. Nếu công nhân làm lương khoán theo sản phẩm, thu nhập teo tóp theo những buổi lên lớp. Chưa kể bị thúc ép “cho kịp tiến độ giao hàng” và những việc không tên ở gia đình sau giờ làm cứ dần “bắt cóc” những học viên công nhân cần mẫn…

Có rất ít công nhân thành công khi đeo đuổi con đường học hành. Anh Trần Cao Phước (31 tuổi) đang làm cho một công ty về y tế đã mất 13 năm để lấy được tấm bằng điện tử viễn thông. Học xong cấp III, anh chọn học trung cấp ngành điện tử. Ba năm đi làm, anh mới có đủ tiền để tiếp tục học liên thông cao đẳng, tiếp đó là học tiếp hệ đại học. Đi làm cả thứ bảy, chủ nhật và bạc đầu với học phí, anh Phước tưởng mình chẳng bao giờ có được tấm bằng đại học. Giờ đây anh đã là kỹ sư, mức lương 10 triệu đồng/tháng, cuộc sống không còn vất vả như trước. Làm được như anh Phước là chuyện hiếm. Chuyện đi học để đổi đời với phần lớn công nhân chỉ là mơ ước.

Nhưng không thể cứ mãi để những công nhân ham học nuôi giấc mơ trở lại giảng đường. Đất nước đã hội nhập, chưa lúc nào yêu cầu phải nâng cao năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp, của nền kinh tế quốc gia lại gay gắt như hiện nay. Vì thế chuyện học, tiếp tục được đến lớp, được đào tạo lại, trở thành lao động có tay nghề… không chỉ là chuyện riêng của từng công nhân, mà là của cả xã hội, trong đó doanh nghiệp và Nhà nước có vai trò chính. Công nhân được học hành, đào tạo bài bản không chỉ giúp họ thăng tiến, cải thiện cuộc sống của chính gia đình, mà cũng chính là tăng sức cạnh tranh quốc gia.

Hãy giúp công nhân có cơ hội được học hành, được trang bị đầy đủ hành trang để đứng được khi công nghệ thâm nhập mọi ngõ ngách của cuộc sống. Nhưng muốn công nhân nuôi dưỡng và thực hiện giấc mơ được đi học, hãy giúp họ quẳng bớt gánh lo. Các cam kết từng bước cải thiện đời sống công nhân đã được đưa ra. Đó là cải thiện thu nhập, chăm lo nhà ở, trường lớp cho con em công nhân, không gian văn hóa thể thao… cần sớm được thực hiện. [Vũ Thủy]

* Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) và Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh đã ký kết Thỏa thuận hợp tác đào tạo hệ Đại học vừa làm vừa học dành cho đối tượng là công nhân, viên chức, người lao động thuộc Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh. Đây là mô hình đào tạo vừa làm vừa học đầu tiên trong cả nước dành cho đoàn viên công đoàn là công nhân trực tiếp sản xuất. Khóa đầu tiên đã khai giảng vào tháng 11/2017 với 60 học viên tham gia, thời gian đào tạo là 3,5 năm và hiện nay, UEH đang tiếp tục tiến hành tuyển sinh khóa đào tạo thứ hai.

Nhận thức sâu sắc sự khó khăn của công nhân lao động trong việc học tập cũng như trong đời sống, để tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân lao động có thể tham gia được các chương trình đào tạo đại học vừa làm vừa học của Trường, UEH đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như: thiết kế chương trình học hợp lý với lịch học linh động theo điều kiện thực tế (Buổi tối, thứ 7, chủ nhật) theo học chế tín chỉ; Giảm ít nhất 30% học phí so với chương trình đào tạo đại trà; Đem trường học đến với công nhân bằng cách đặt lớp ngay tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để giảm tối đa khoảng cách mà công nhân phải di chuyển để tham gia lớp học. Chương trình này tiếp tục đang triển khai lần đầu tiên tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước - Nhà Bè. Bên cạnh đó, Trường còn phát động chương trình "Người bạn đồng hành" với một sinh viên chính quy của trường sẽ hỗ trợ, hướng dẫn một công nhân để công nhân tự tin hoàn thành chương trình học của mình…

Đây là một trong các hoạt động nhằm thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của Nhà trường, trong đó nhấn mạnh đến lực lượng công nhân lao động là đối tượng cần được quan tâm hỗ trợ, xuất phát từ ý tưởng tổ chức những chương trình đào tạo phù hợp, tạo môi trường cho công nhân lao động có điều kiện học tập và nâng cao trình độ, góp phần nâng cao năng suất lao động cũng như đời sống.

Cán bộ công đoàn và công nhân lao động tham dự hỏi về các chương trình đào tạo, sự hỗ trợ khi tham gia lớp học

Tin, bài viết liên quan:

Tin, ảnh: Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng.

Chia sẻ