Thuế hồng – khoản chi phí phụ thêm dành cho phái nữ

17 tháng 04 năm 2024

Mỗi khi nhắc đến sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, những câu chuyện xoay quanh chế độ tuyển dụng, thu nhập, cơ hội việc làm thường xuyên được đặt lên bàn cân. Ít ai biết được rằng, thuế, một lĩnh vực tưởng như luôn công bằng đối với tất cả mọi giới tính, lại khiến cho phái nữ phải chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm tương đương như nam giới. Đó là bởi sự hiện diện của một thứ thuế mang trong mình cái tên đầy rực rỡ “Thuế hồng”.

“Nghĩa vụ” khi bạn là phái nữ

Mặc dù được gọi là “thuế” nhưng thuế hồng (pink tax) không hề xuất hiện chính thức trong luật pháp và được chính phủ các nước quy định rõ ràng như các loại thuế khác. Tên gọi “thuế hồng” ra đời bởi màu hồng vốn được coi là màu sắc thường đại diện cho phái nữ (các sản phẩm, vật dụng dành cho phụ nữ có xu hướng sử dụng màu hồng trong mẫu mã, bao bì) (theo Hợp tác xã NOI). Khi kết hợp với “thuế”, pink tax đề cập đến khoản chi phí vô lý mà nữ giới cần phải trả thêm cho các sản phẩm tiếp thị đặc biệt dành cho phụ nữ so với sản phẩm tương đương dành cho nam giới. Đơn giản hơn, thuế hồng dùng để chỉ khoản chi phí chênh lệch nhằm vào các sản phẩm và dịch vụ dành cho phái nữ so với phái nam. 

Theo một nghiên cứu của Cơ quan tư vấn tiêu dùng New York (CDCA) diễn ra trên 800 loại sản phẩm vào năm 2015, phụ nữ phải trả nhiều tiền hơn cho hầu hết các sản phẩm trong suốt cuộc đời của họ, từ quần áo trẻ em đến các mặt hàng chăm sóc sức khỏe tại nhà. Có thể kể đến như quần áo nữ đắt hơn 8% so với phái nam, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe dành cho nữ đắt hơn nam khoảng 13% hay thậm chí là đồ chơi dành cho các bé gái đắt hơn 7% so với bé nam. Nếu cùng là sản phẩm dao cạo, nam giới chỉ phải chi trả $4.99 thì nữ giới phải trả đến $5.39.

Không chỉ dừng lại ở những mặt hàng thông thường, thuế hồng còn đề cập đến phần chi phí phụ thêm đối với những sản phẩm tiêu dùng mà nữ giới bắt buộc phải sử dụng như băng vệ sinh, cốc nguyệt san, … ,

Tuy có cùng số lượng và hình dáng so với nam giới, chỉ khác màu sắc nhưng nữ giới phải trả mức giá cao hơn. (Nguồn: Tạp chí Đẹp)

Thuế hồng xuất hiện từ khi nào?

Những tưởng thuế hồng chỉ được mọi người quan tâm trong khoảng thời gian gần đây nhưng thực ra, thuế hồng đã có mặt từ rất sớm thông qua các cuộc nghiên cứu về tiêu dùng ở Mỹ. Vào năm 1994, một báo cáo từ bang California, Mỹ cho biết 64% cửa hàng ở nhiều thành phố tính thêm phụ phí khi giặt, hấp áo nữ cho thấy hiện tượng thuế hồng đã tồn tại ít nhất từ những năm 1990. Tuy nhiên vào thời điểm đó, cụm từ “thuế giới tính" (gender tax) thường được sử dụng hơn thay vì thuế hồng. Bẵng đi khoảng hai thập kỉ, đến năm 2015, sự xuất hiện của thuế hồng đã trở thành tâm điểm và nhận được sự quan tâm của cộng đồng nhiều hơn bao giờ hết khi hạ nghị sĩ đảng Dân chủ tại California, Jackie Speier, đã giới thiệu về Đạo luật bãi bỏ thuế hồng. Làn sóng ủng hộ đến từ nữ giới về Đạo luật trên trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Ảnh hưởng của thuế hồng đến “nửa kia của thế giới”

Những ảnh hưởng của thuế hồng đến phái nữ đầu tiên hiển nhiên sẽ là làm sức mua của phụ nữ giảm sút. Khi giá sản phẩm cao hơn, phái nữ sẽ phải chi nhiều hơn cho các sản phẩm mà mình sử dụng. Như vậy, với cùng mức lương giữa nam và nữ giới thì phái nữ mua được ít sản phẩm hơn, dẫn đến sức mua của nữ giới sẽ giảm đi so với nam. Điều này vô hình chung sẽ làm cho phái nữ bị gắn mác “khó tính, khó chiều” dẫu cho nguyên nhân không thực sự đến từ phía họ.

Không chỉ vậy, theo World Economic Forum, thuế hồng còn đem lại gánh nặng tài chính trên đôi vai của “nửa kia”. Đặc biệt, trong bối cảnh mà sự bình đẳng ở mức lương giữa nam và nữ giới vẫn còn là một câu hỏi, thuế hồng lại càng khiến cho sự chênh lệch trong mức lương của 2 giới càng gia tăng. Tại Việt Nam, vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về thuế hồng. Tuy nhiên, báo cáo của UN Women về Bình đẳng giới và thuế ở Việt Nam (2016) đã chỉ ra rằng, thu nhập giữa nam và nữ có sự chênh lệch lớn. Nhưng lại có một nghịch lý khi nữ giới dù có thu nhập trung bình thấp hơn nhưng lại ít nhận được ưu đãi về thuế tiêu dùng hơn. Đặc biệt khi thuế giá trị gia tăng lại thường áp dụng nhiều lên những mặt hàng thiết yếu của họ. Có thể kể đến như sản phẩm băng vệ sinh hiện vẫn bị áp dụng thuế nhập khẩu từ 15 đến 22.5% và thuế GTGT 8%, một sản phẩm mà phụ nữ bắt buộc phải tiêu dùng hàng tháng mà đàn ông không bao giờ phải trả trong suốt cuộc đời của họ. 

Một vài phương pháp để tránh “thuế hồng”

Mặc dù là một khoản thuế “không chính thức”, nhưng khoản chi vô lý này lại xuất hiện phổ biến ở đa dạng các danh mục sản phẩm và dịch vụ bởi chưa có quy định pháp luật chính thức nào đề cập đến vấn đề trên. Tuy nhiên, vẫn có một vài giải pháp hữu hiệu sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn trước “thuế hồng” 

Đầu tiên, với những sản phẩm tương đương giữa cả 2 giới hoặc không có nhiều sự khác biệt về chức năng, hãy cân nhắc về việc lựa chọn sản phẩm với giá tốt hơn mà vẫn có chất lượng tương đương.

Lựa chọn mua máy tính màu đen với tính năng tương đương thay vì màu hồng với giá cao hơn (Nguồn: Sàn thương mại điện tử Shopee)

Tiếp đến, khi mua sắm quần áo, hãy quan sát và kiểm tra cẩn thận sự chênh lệch giá giữa các cửa hàng và thương hiệu, đồng thời so sánh những cửa hàng và thương hiệu nào đang đặt ra giá cao hơn đối với các sản phẩm dành cho nữ giới. Việc này sẽ giúp cho phái nữ nhận ra và chi tiêu hợp lý hơn, mua được sản phẩm với mức giá tốt hơn.

Sau cùng, hãy lựa chọn các sản phẩm mang tính bền vững. Khi sử dụng những sản phẩm bền vững, số tiền chi tiêu sẽ được giảm đi bởi khả năng tái sử dụng lâu dài của các sản phẩm này. Đặc biệt đối với UEHers, việc sử dụng các sản phẩm mang tính bền vững lại càng đơn giản hơn bao giờ hết. Những sản phẩm lưu niệm của UEH luôn đề cao tính bền vững, các sản phẩm còn có màu trung tính phù hợp cho cả 2 giới.

“Thuế hồng” đã, đang và sẽ còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, dù cho đây là một khoản chi ẩn mình đằng sau những định kiến ngầm trong xã hội. Thông qua những chia sẻ này, mong rằng các UEHer sẽ có thêm nhiều nhận thức mới để có thể chủ động tìm kiếm các phương pháp hạn chế mức chi tiêu cho “thuế hồng” với ví tiền của mình. Ngoài ra, các UEHer cũng có thể chia sẻ điểm kiến thức mới này cho bạn bè xung quanh để góp phần nâng cao nhận thức cộng về “thuế hồng”. 

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

Chia sẻ