Tự đánh giá trong các trường đại học là một công việc thường xuyên của các đại học trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển. Báo cáo tự đánh giá là kết quả của một quá trình nhà trường tự xem xét, nghiên cứu dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để báo cáo về tình trạng chất lượng giáo dục, hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất, cũng như các vấn đề liên quan khác, từ đó tiến hành điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở chu kỳ 1 năm 2009 và được đoàn công tác đánh giá ngoài công nhận là cơ sở giáo dục đạt chuẩn ở mức độ 2 (mức độ chất lượng cao hơn tiêu chuẩn yêu cầu). Trải qua 5 năm thực hiện các kế hoạch cải tiến đã đề ra ở chu kỳ 1 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của trường, Trường tiếp tục thực hiện hoạt động tự đánh giá chất lượng hoạt động giáo dục và đào tạo của mình nhằm giúp nhà trường tự rà soát, xem xét, đánh giá thực trạng của mình sau quá trình thực hiện các kế hoạch cải tiến từ chu kỳ 1, lập và triển khai các kế hoạch hành động cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó điều chỉnh mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo theo định hướng chiến lược của nhà trường. Ngoài ra, báo cáo tự đánh giá của trường là cơ sở để các cơ quan đánh giá ngoài tiến hành kiểm định. Kiểm định để tự khẳng định và để được công nhận đạt chuẩn chất lượng đại học Việt Nam (theo Bộ tiêu chí kiểm định chất lượng đại học của Bộ GD&ĐT). Trên cơ sở đó, Trường tiếp tục thực hiện báo cáo tự đánh giá chu kỳ 2 (giai đoạn 2009-2014).

Sau khi hoàn thiện báo cáo Tự đánh giá chu kỳ 2 (giai đoạn 2009-2014), Đại học Kinh tế TP.HCM tiếp tục thực hiện đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở đối với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia TP.HCM trong năm 2016.

Trong tháng 12/2016, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã thực hiện hoạt động tự đánh giá chất lượng hoạt động giáo dục cấp cơ sở giáo dục chu kỳ 2 giai đoạn 2011-2016 theo bộ tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia TP.HCM đến đánh giá chất lượng giáo dục cấp Trường (với tỷ lệ: 88.52%) có giá trị đến ngày 03/5/2022

Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Danh sách các cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (Dữ liệu cập nhật đến ngày 31/01/2021)

Giới thiệu bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Ngày 23 tháng 5 năm 2013, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KTKĐCLGD) đã ban hành công văn số 527/KTKĐCLGD-KĐĐH về việc hướng dẫn sử dụng tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục để các nhà trường sử dụng trong công tác tự đánh giá từ năm 2013. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học mới được Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 01/11/2007 (so sánh với Bộ tiêu chuẩn cũ năm 2004). Bộ tiêu chuẩn mới đã không đặt ra các mức đạt được như Bộ tiêu chuẩn cũ trước đây, (tức là không đặt mục tiêu ra trước để các trường sẽ tự đánh giá về khả năng của mình đã đạt được đến đâu, như vậy sẽ tránh được tình trạng đối phó hay cố gắng tạo minh chứng để trường đạt mức cao). Bộ tiêu chuẩn mới này đã đưa ra các tiêu chí rõ ràng, cụ thể hơn và luôn gắn kết với điều lệ trường đại học, Sứ mạng và hướng nghiên cứu của trường. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học mới này gồm 10 tiêu chuẩn - 61 tiêu chí (thay bộ tiêu chuẩn cũ 10 tiêu chuẩn - 53 tiêu chí) trong đó có một số tiêu chuẩn đã đưa thêm tiêu chí, một số tiêu chí cũ đã được tách ra hoặc gộp lại làm cho các tiêu chí cụ thể hơn.

  • Tiêu chuẩn 1: Sứ mạng và mục tiêu của trường đại học
  • Tiêu chuẩn 2: Tổ chức và quản lý
  • Tiêu chuẩn 3: Chương trình giáo dục
  • Tiêu chuẩn 4: Hoạt động đào tạo
  • Tiêu chuẩn 5: Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên
  • Tiêu chuẩn 6: Người học
  • Tiêu chuẩn 7: Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ
  • Tiêu chuẩn 8: Hoạt động hợp tác quốc tế
  • Tiêu chuẩn 9: Thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác
  • Tiêu chuẩn 10: Tài chính và quản lý tài chính

Các tiêu chí Kiểm định chất lượng Cấp Cơ sở giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành:

Ngày 19 tháng 5 năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 12/2017/TT-BGDÐT về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học để các trường sử dụng trong công tác tự đánh giá kể từ năm 2017. Thông tư này thay thế các văn bản trước đây quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học, quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đối với các đại học, học viện, trường đại học.

Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học mới được ban hành dựa trên cơ sở tiệm cận với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục AUN-QA.

Bộ tiêu chuẩn mới đã không đặt ra các mức đạt hoặc không đạt được như Bộ tiêu chuẩn cũ trước đây, (tức là không đặt mục tiêu ra trước để các trường sẽ tự đánh giá về khả năng của mình đã đạt được đến đâu, như vậy sẽ tránh được tình trạng đối phó hay cố gắng tạo minh chứng để trường đạt mức cao) mà sử dụng thang đo 7điểm để đánh giá tương tự như AUN-QA. Bộ tiêu chuẩn mới này đã đưa ra các tiêu chí rõ ràng, cụ thể hơn và luôn gắn kết với điều lệ trường đại học, Sứ mạng và hướng nghiên cứu của trường và yêu cầu cải tiến chất lượng liên tục trong từng tiêu chuẩn. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học mới này gồm 25 tiêu chuẩn - 111 tiêu chí (thay bộ tiêu chuẩn cũ 10 tiêu chuẩn - 61 tiêu chí) trong đó có một số tiêu chuẩn đã đưa thêm tiêu chí, một số tiêu chí cũ đã được tách ra hoặc gộp lại làm cho các tiêu chí cụ thể hơn.

 Nội dung các tiêu chuẩn:

TT

Lĩnh vực/ Tiêu chuẩn/ Tiêu chí

I

Lĩnh vực 1. ĐBCL về chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí)

I.1

Tiêu chuẩn 1. Tầm nhìn, sứ mạng và văn hóa (05 tiêu chí)

I.2

Tiêu chuẩn 2. Quản trị (04 tiêu chí)

I.3

Tiêu chuẩn 3. Lãnh đạo và quản lý (04 tiêu chí)

I.4

Tiêu chuẩn 4. Quản trị chiến lược (04 tiêu chí)

I.5

Tiêu chuẩn 5. Các chính sách về đào tạo, NCKH và phục vụ cộng đồng (04 tiêu chí)

I.6

Tiêu chuẩn 6. Quản lý nguồn nhân lực (07 tiêu chí)

I.7

Tiêu chuẩn 7. Quản lý tài chính và cơ sở vật chất (05 tiêu chí)

I.8

Tiêu chuẩn 8. Các mạng lưới và quan hệ đối ngoại (04 tiêu chí)

II

Lĩnh vực 2. ĐBCL về hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí)

II.9

Tiêu chuẩn 9. Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong (06 tiêu chí)

II.10

Tiêu chuẩn 10. Tự đánh giá và đánh giá ngoài (04 tiêu chí)

II.11

Tiêu chuẩn 11. Hệ thống thông tin ĐBCL bên trong (04 tiêu chí)

II.12

Tiêu chuẩn 12. Nâng cao chất lượng (05 tiêu chí)

III

Lĩnh vực 3. ĐBCL về thực hiện các chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí)

III.13

Tiêu chuẩn 13. Tuyển sinh và nhập học (05 tiêu chí)

III.14

Tiêu chuẩn 14. Thiết kế và rà soát chương trình dạy học (05 tiêu chí)

III.15

Tiêu chuẩn 15. Giảng dạy và học tập (05 tiêu chí)

III.16

Tiêu chuẩn 16. Đánh giá người học (04 tiêu chí)

III.17

Tiêu chuẩn 17. Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ người học (04 tiêu chí)

III.18

Tiêu chuẩn 18. Quản lý NCKH (04 tiêu chí)

III.19

Tiêu chuẩn 19. Quản lý tài sản trí tuệ (04 tiêu chí)

III.20

Tiêu chuẩn 20. Hợp tác và đối tác NCKH (04 tiêu chí)

III.21

Tiêu chuẩn 21. Kết nối và phục vụ cộng đồng (04 tiêu chí)

IV

Lĩnh vực 4. Kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí)

IV.22

Tiêu chuẩn 22. Kết quả đào tạo (04 tiêu chí)

IV.23

Tiêu chuẩn 23. Kết quả NCKH (06 tiêu chí)

IV.24

Tiêu chuẩn 24. Kết quả phục vụ cộng đồng (04 tiêu chí)

IV.25

Tiêu chuẩn 25. Kết quả tài chính và thị trường (02 tiêu chí)