[CELGS _03/11/2023] - Khoảng cách giới và thị trường lao động: Nobel Kinh tế 2023 và tiềm năng nghiên cứu ở Việt Nam
Kính gửi Quý Thầy, Cô và Quý học viên,
Khoảng cách giới trong thị trường lao động là một vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến cả nam giới và phụ nữ. Ở nhiều quốc gia, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để tham gia và phát triển trong thị trường lao động, chẳng hạn như định kiến giới, phân biệt đối xử và cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo hạn chế.
Năm 2023, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Kinh tế cho Giáo sư Claudia Goldin của Đại học Harvard vì những đóng góp của bà cho nghiên cứu về khoảng cách giới trong thị trường lao động.
Ở Việt Nam, kinh tế học về giới là một lĩnh vực nghiên cứu còn tương đối mới mẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có một số nghiên cứu được thực hiện về vấn đề này. Các nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, ở Việt Nam, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để tham gia và phát triển trong thị trường lao động, chẳng hạn như định kiến giới, phân biệt đối xử và cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo hạn chế. Việc nghiên cứu về kinh tế học về giới ở Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế xã hội và xây dựng một xã hội công bằng hơn.
Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH-CELG trân trọng kính mời quý Thầy, Cô và quý học viên đến tham dự và chia sẻ kinh nghiệm tại Sinh hoạt học thuật định kỳ của Trường (CELG seminar) với:
- Chủ đề: Khoảng cách giới và thị trường lao động: Nobel Kinh tế 2023 và tiềm năng nghiên cứu ở Việt Nam
- Thời gian: 9.00 sáng ngày 03/11/2023
- Địa điểm: Hội trường B1.302, UEH cơ sở B 279 Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP. HCM
Chương trình chi tiết:
9:00 - 9:15: Khai mạc
9:15 - 10:15: Nobel kinh tế 2023 về Giới và thị trường lao động
Diễn giả: TS. Đặng Đình Thắng, Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Sinh sản và Sức khỏe, Trung tâm Nghiên cứu Xuất sắc Na Uy tại Viện Y tế Công cộng Na Uy (NIPH), Nghiên cứu viên Trung tâm Môi trường cho Phát triển Việt Nam tại Đại học Kinh tế TP.HCM
10:15 - 11:15: Tiềm năng nghiên cứu kinh tế học về giới ở Việt Nam
Diễn giả: TS. Nguyễn Phúc Cảnh, Giảng viên khoa Tài chính Công và Viện Nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH
11:15 - 11:45: Thảo luận
11:45 - 12:00: Bế mạc
Thông tin tóm lược nội dung trình bày và diễn giả:
Bài trình bày 1: Nobel kinh tế 2023 về Giới và thị trường lao động
Bài trình bày sẽ bao gồm các nội dung (1) Giới thiệu tổng quan về giải Nobel Kinh tế 2023 và các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng của GS Claudia Goldin về kinh tế học về giới trên thị trường lao động, (2) Các chủ đề nghiên cứu quan trọng về kinh tế học về giới, (3) Tiềm năng phát triển nghiên cứu kinh tế học vi mô ứng dụng về giới ở Việt Nam.
TS. Đặng Đình Thắng: Lĩnh vực nghiên cứu của TS. Đặng Đình Thắng là kinh tế học lao động và các chủ đề kinh tế học vi mô ứng dụng khác như giáo dục, sức khỏe, và gia đình. Nghiên cứu hiện tại của TS Thắng bao gồm đánh giá tác động của chương trình đào tạo ngôn ngữ cho người tị nạn đến khả năng hòa nhập xã hội tại quốc gia cư trú, tác động của các chính sách cải cách giáo dục đến thành tựu kinh tế và tiến triển xã hội liên thế hệ, tác động của cải cách phúc lợi đến sức khỏe tinh thần, và tác động của văn hóa đến thành công giáo dục. TS Thắng đã xuất bản một số nghiên cứu trên các tạp chí học thuật như Labour Economics. TS Thắng nhận bằng TS Kinh tế học tại Đại học York, Vương quốc Anh, ThS Kinh tế học tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, và Cử nhân Kinh tế lao động và Quản lý nguồn nhân lực tại Đại học Kinh tế TP.HCM.
Bài trình bày 2: Tiềm năng nghiên cứu kinh tế học về giới ở Việt Nam
Bài trình bày này tóm lược ba vấn đề chính liên quan đến nghiên cứu chính dựa vào hiểu biết hạn chế của tác giả. Một, bài trình bày đưa ra một số thông tin về khoảng cách giới của thế giới và Việt Nam. Trong đó, những vấn đề nổi bật và cấp thiết sẽ được thảo luận. Hai, bài trình bày tóm tắt lại một nghiên cứu theo dạng tổng hợp lý thuyết về bất bình đẳng giới trong 20 năm qua. Từ đó, những hướng nghiên cứu chính và những hướng mới nổi lên gần đây cũng như những khoảng trống cần được nghiên cứu được nêu ra. Cuối cùng, bài trình bày này đưa ra một số góc nhìn của tác giả về các xu hướng nghiên cứu về khoảng cách giới của Việt Nam liên quan chủ yếu đến các lĩnh vực kinh tế, chính sách, và luật pháp cùng với một vài kinh nghiệm nhỏ của tác giả trong quá trình nghiên cứu chủ đề này.
TS. Nguyễn Phúc Cảnh: Tiến sĩ Nguyễn Phúc Cảnh là giảng viên cao cấp tại Khoa Tài chính Công và Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ông nhận bằng Cử nhân và Thạc sĩ Ngân hàng và Tài chính, và Tiến sĩ Kinh tế từ UEH với vị trí thủ khoa. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục theo học chương trình nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học RMIT vào năm 2019. Ông cũng là Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Nâng cao Leicester (LIAS), Đại học Leicester (Anh Quốc) từ tháng 02 năm 2020 đến tháng 05 năm 2020.
Tiến sĩ Cảnh là Phó Tổng biên tập của Tạp chí Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế Châu Á (JABES) từ tháng 09 năm 2017 đến tháng 12 năm 2020, được xuất bản bởi Emerald, tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện ông là Biên tập viên mảng Kinh tế - Heliyon (Cell, Elsevier). Ông đã tích cực tham gia nghiên cứu, tổ chức hội thảo, hội nghị tại UEH cho cả giảng viên và sinh viên. Tiến sĩ Cảnh tham gia vào nhiều ủy ban khác nhau trong và ngoài Đại học.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Cảnh là kinh tế ứng dụng, tập trung vào phương pháp tiếp cận liên ngành với mục tiêu hướng tới 17 Mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể, các chủ đề thuộc các lĩnh vực chính sách kinh tế vĩ mô (chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa), kinh tế thể chế, kinh tế môi trường, kinh tế năng lượng, kinh tế sinh thái, kinh tế du lịch.
Ông hiện có hơn 120 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học được bình duyệt – peer review journals (SSCI, SCI, SCIE, Scopus, danh sách ABDC). Một số ấn phẩm được đăng trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu như Journal of Travel Research, Annals of Tourism Research, Economic Modelling, Energy Economics, Energy Policy, Land use policy. Ông đang là thành viên ban biên tập của một số tạp chí. Ông cũng nhận được một số khoản tài trợ nội bộ và bên ngoài từ UEH và các khoản tài trợ bên ngoài (NAFOSTED, Ministry of Education and Training Vietnam, the British Academy).
Đăng ký tham dự và nhận thông tin hội thảo tại link
Trân trọng,
CELG