Tọa đàm “Nhân lực khu vực công cho ĐBSCL” và giới thiệu chương trình “UEH Mekong 2030” đào tạo nhân lực khu vực công chất lượng cao tầm nhìn 2030

27 tháng 08 năm 2022

Ngày 27/8/2022 tại Phân hiệu Vĩnh Long, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức tọa đàm “Nhân lực khu vực công cho Đồng bằng Sông Cửu Long” và chính thức ra mắt Chương trình “UEH Mekong 2030” với mong muốn đào tạo nhân lực khu vực công chất lượng cao dành riêng cho 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ngày 18/6/2022, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 78 - Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 của ĐBSCL đạt khoảng 6,5-7%/năm, quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập trên địa bàn (GRDP) khoảng 20%, công nghiệp - xây dựng khoảng 32%, dịch vụ khoảng 46%, thuế và trợ cấp khoảng 2%. Thu nhập trên địa bàn bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng và Nhà nước đã xác định cụ thể một trong những nhiệm vụ quan trọng của vùng ĐBSCL là “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, năng động, sáng tạo, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu; bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức”.

Thấu hiểu những thách thức của ĐBSCL, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) với trách nhiệm xã hội của mình, đồng thời với vai trò là trường đại học công lập trọng điểm của Việt Nam mong muốn đóng góp một phần công sức trong việc thúc đẩy phát triển bền vững cho ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung thông qua việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho khu vực công của ĐBSCL.

Hiện thực hóa trách nhiệm của mình, ngày 27/8, UEH đã chính thức tổ chức Tọa đàm “Nhân lực khu vực công cho Đồng bằng Sông Cửu Long” nhằm chia sẻ những nghiên cứu, tham luận, trao đổi về nhu cầu cấp thiết nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, phát triển đô thị, đổi mới sáng tạo ở ĐBSCL. Từ đó, xác định trách nhiệm và phối hợp thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khu vực công giữa UEH và các địa phương. Với tính cấp thiết này, tọa đàm đã được hưởng ứng nhiệt tình với sự tham dự của hơn 40 đại biểu Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng các đại biểu Sở, Ban, Ngành.

Toàn cảnh tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường chia sẻ: “Để đồng hành cùng các tỉnh vùng ĐBSCL triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, phát triển đô thị, đổi mới sáng tạo góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị, UEH đã tổ chức toạ đàm “Nhân lực khu vực công cho Đồng bằng Sông Cửu Long”. Trường rất vui và vinh dự đón tiếp các đồng chí lãnh đạo đến tham dự toạ đàm tại Phân hiệu Vĩnh Long để cùng trao đổi, thảo luận về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công. Đây cũng là Toạ đàm đầu tiên về đào tạo sau khi có Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị. Và đặc biệt là nhận được sự đồng thuận cao của các địa phương cử lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao khu vực công tầm nhìn 2030 cho vùng ĐBSCL nhằm phối hợp thực hiện triển khai thành công chương trình này. Ngoài đào tạo, UEH còn có chương trình nghiên cứu và tư vấn phát triển vùng. Trường rất mong được hợp tác với các địa phương trong vùng để nghiên cứu và tư vấn phát triển.”

GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc tọa đàm

Đánh giá cao về tọa đàm, ông Lữ Quang Ngời - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh: Tọa đàm là một bước khởi đầu xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng ĐBSCL. Tôi trân trọng cảm ơn Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phân hiệu Vĩnh Long đã chủ động tổ chức toạ đàm này để cùng nhau tìm ra giải pháp phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công. Vĩnh Long sẽ cùng với các tỉnh trong vùng quyết tâm cao thực hiện các giải pháp làm cơ sở để xây dựng, thúc đẩy và phát huy chất lượng đội ngũ khu vực công một cách hữu hiệu nhất cho chiến lược phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Ông Lữ Quang Ngời - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Tại tọa đàm, đại biểu và lãnh đạo các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã tập trung thảo luận xoay quanh 3 vấn đề chính: (1) Phân tích thực trạng nguồn nhân lực ở ĐBSCL, đặc biệt nguồn nhân lực quản lý nhà nước; (2) Trong tương lai ĐBSCL sẽ chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế xã hội theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nền kinh tế thông minh và hội nhập quốc tế. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho quản lý nhà nước và khu vực công sẽ như thế nào? Cần số lượng và chất lượng trong những khu vực cụ thể nào? (3) Các hướng tiếp cận và giải pháp gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với đặc trưng của vùng ĐBSCL nhằm tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đề ra trong Nghị quyết 13/NQ-TW của bộ Chính trị.

Các đại biểu trình bày tham luận và đóng góp ý kiến

Đặc biệt, trong khuôn khổ tọa đàm, UEH đã chính thức ra mắt chương trình “UEH Mekong 2030” - chương trình đào tạo nguồn nhân lực dành riêng cho 13 tỉnh ĐBSCL nhằm cung cấp nguồn đội ngũ cán bộ quản lý trung, cao cấp có chất lượng cao; với tư duy đổi mới, sáng tạo, tích hợp công nghệ, hướng đến phát triển bền vững, là các nhân tố quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình được thiết kế dựa trên cơ sở những chương trình đào tạo tiên tiến của UEH trong khu vực công, gắn với thực tiễn và định hướng phát triển ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với 05 trụ cột đào tạo, gồm:

(1) Hoạch định và thực thi chính sách phát triển bền vững cho Vùng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khai thác hiệu quả những lợi thế cạnh tranh của Vùng.

(2) Hoạch định và triển khai thực hiện chiến lược phát triển Vùng, tổ chức và quản lý điều hành các tổ chức công nhằm thực thi các nhiệm vụ chiến lược phát triển địa phương.

(3) Quy hoạch và phát triển đô thị thông minh - bền vững phù hợp với xu thế phát triển của Vùng, đảm bảo sự phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước.

(4) Hoạch định và thực thi các chính sách môi trường gắn với phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

(5) Hoạch định chiến lược cạnh tranh dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.

Dựa trên 5 trụ cột này, “UEH Mekong 2030” sẽ triển khai 05 chương trình đào tạo gồm: Chương trình đào tạo Thạc sĩ Chính sách Công; Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý Công; Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý đô thị thông minh và sáng tạo; Chương trình đào tạo Thạc sĩ Kinh tế và quản lý môi trường; Chương trình Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (dành cho hệ Đại học và các chương trình ngắn hạn).

Với tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực, chương trình “UEH Mekong 2030” sẽ được triển khai tại UEH Phân hiệu Vĩnh Long dưới sự phối hợp chỉ đạo, định hướng của Ban lãnh đạo Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL trong việc xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tuyển chọn các ứng viên phù hợp. Đồng thời, huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để triển khai có hiệu quả công tác đào tạo, vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL trong tương lai.

Ra mắt ban chỉ đạo UEH Mekong 2030

Đồng thời, tại tọa đàm, GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH đã chính thức tuyên bố khai giảng Lớp Thạc sĩ Điều hành cao cấp Chính sách công khu vực ĐBSCL với 44 học viên cao học xuất sắc trúng tuyển đến từ 9 tỉnh/thành phố gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang. Trong đó, có 22 học viên đang là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban và tương đương trở lên tại các cơ quan quản lý của đảng, nhà nước, sở, ban, ngành. Điều đó thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm cao của các học viên đối với chất lượng đào tạo của UEH. Thầy nhấn mạnh: Trong quá trình đào tạo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cũng như Phân hiệu Vĩnh Long sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất để các học viên an tâm học tập đạt kết quả cao. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo cao học, các thạc sĩ sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong công tác thực tiễn các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý. Có đủ kiến thức chuyên môn và bản lĩnh vững vàng, tiếp tục đóng góp trí tuệ, công sức của mình để phát triển quê hương ĐBSCL ngày càng giàu đẹp.

GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH tuyên bố khai giảng Lớp Thạc sĩ Điều hành cao cấp Chính sách công khu vực ĐBSCL

Là trường đại học trọng điểm quốc gia, với bề dày gần 47 năm và đang tái cấu trúc để trở thành Đại học đa ngành và phát triển bền vững, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh luôn đặt vai trò của mình trong sự phát triển của đất nước. Do đó, thời gian qua, UEH luôn nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và tư vấn phát triển vùng. Bằng những nỗ lực cùng tiềm lực của chính mình, UEH cam kết sẽ thực hiện có hiệu quả chương trình “UEH Mekong 2030” - xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công của ĐBSCL tầm nhìn 2030.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Một số hình ảnh khác tại tọa đàm:

Tin, ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông

Cơ quan báo chí đưa tin: 

1. Báo Tuổi Trẻ: Chỉ hơn 31% cán bộ ở ĐBSCL có trình độ đại học trở lên

2. Báo Cần Thơ: Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khu vực công cho ĐBSCL

3. Báo Đồng Khởi: Tọa đàm đào tạo nguồn nhân lực khu vực công cho đồng bằng sông Cửu Long

4. Báo Đồng Tháp: Tọa đàm “Nhân lực khu vực công cho đồng bằng sông Cửu Long”

5. Thông tấn xã Việt Nam: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công cho Đồng bằng Sông Cửu Long

6. Báo Hậu Giang: “UEH Mekong 2030” đào tạo nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao cho đồng bằng sông Cửu Long

7. Báo Ấp Bắc: Phát triển nguồn nhân lực khu vực công cho Đồng bằng sông Cửu Long

8. Báo Tuổi Trẻ: UEH ra mắt chương trình “UEH Mekong 2030”

 
Chia sẻ