UEH tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế, Luật, Quản lý và Phát triển bền vững dưới tác động của Luật Đất đai 2024” tại UEH – Phân hiệu Vĩnh Long
24 tháng 06 năm 2024
Sáng ngày 21/6/2024, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Kinh tế, Luật, quản lý và phát triển bền vững dưới tác động của Luật Đất đai 2024” tại UEH – Phân hiệu Vĩnh Long. Hội thảo được chuẩn bị bởi Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH (UEH-CELG) và Phân hiệu UEH tại Vĩnh Long (UEH-PHVL). Đây cũng là sự kiện trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 05 năm thành lập UEH - PHVL (04/12/2019 - 04/12/2024).
- Phân hiệu Vĩnh Long - 3 năm khẳng định vị thế và sứ mạng của UEH trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đồng bằng Sông Cửu Long
- UEH-Phân hiệu Vĩnh Long phối hợp với Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long tổ chức lớp tập huấn “Công tác thẩm định và xác định giá đất” năm 2023 tại tỉnh Vĩnh Long.
- UEH tổ chức Hội thảo quốc gia “Ứng dụng công nghệ phát triển chuỗi cung ứng du lịch bền vững” tại Phân hiệu Vĩnh Long
Tham dự hội thảo, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có sự tham dự của: TS. Nguyễn Đắc Nhẫn - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Về phía Lãnh đạo tỉnh, đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có sự tham dự của: Bà Lê Hồng Đào - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long; Ông Nguyễn Văn Ngừng - Chánh án, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long; Ông Dương Minh Chiến - Phó giám đốc, Sở tư pháp tỉnh Vĩnh Long; Ông Phan Thanh Hoàng - Phó Giám đốc, Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long; Ông Trần Chánh Thành - Phó Cục trưởng, Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long; Ông Cao Thanh Sơn - Giám đốc, Sở Tư pháp tỉnh An Giang; Bà Lê Thị Hồng Gấm - Phó Giám đốc, Sở Tài chính Tỉnh Long An,…
Về phía lãnh đạo UEH có sự tham dự của: GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học UEH; TS. Đinh Công Khải - Phó Giám đốc Đại học UEH; PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng UEH-CELG; TS. Trần Thị Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng UEH-CELG; Và Quý Thầy, Cô là Lãnh đạo Khoa, Lãnh đạo Bộ môn thuộc Khoa của UEH-CELG: TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng khoa Luật; PGS.TS. Diệp Gia Luật - Trưởng khoa Tài chính công; TS. Nguyễn Văn Dư - Phó Trưởng Khoa, Khoa QLNN; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vinh - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và tư vấn phát triển vùng, TS. Nguyễn Kim Đức - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và tư vấn phát triển vùng cùng sự tham dự của Ban Giám đốc và Lãnh đạo các đơn vị, giảng viên và sinh viên UEH - PHVL. Hội thảo cũng rất vinh dự nhận được sự quan tâm và tham dự của hơn 120 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu đến từ các Trường Đại học, Cao đẳng, các Ngân hàng, Doanh nghiệp, các Hiệp hội, các Công ty Luật,…
Toàn cảnh buổi hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Sử Đình Thành – Giám đốc Đại học UEH chia sẻ: “Chính sách pháp luật về đất đai đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển quốc gia. Đất đai không chỉ là nơi sinh sống và mối sinh kế của người dân, mà còn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện của đất nước. Chúng ta đã và đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực đất đai và pháp luật liên quan trong thời gian qua. Luật Đất đai ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc gia. Việc xây dựng và hoàn thiện Luật Đất đai phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội là ưu tiên hàng đầu của Nhà nước. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Luật Đất đai năm 2013, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả hơn; bảo đảm an ninh lương thực; phân bổ đất cho sản xuất, phát triển đô thị, quốc phòng, an ninh hợp lý; thị trường bất động sản mở rộng và các giao dịch chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất tăng lên. Tuy nhiên, việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: chưa đầy đủ và bền vững trong việc phát huy nguồn lực đất đai; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và yêu cầu phát triển của đất nước. Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai 2024 thay thế Luật Đất đai 2013 và dự kiến có hiệu lực sớm từ ngày 01/8/2024. Việc thực thi Luật Đất đai sửa đổi nhằm tối ưu hóa quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, đồng thời đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của đất nước. Với sứ mạng “Thực hiện trách nhiệm của UEH trong đào tạo, nghiên cứu, tư vấn, phản biện chính sách, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước”, UEH đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, xây dựng đề án, chiến lược và phản biện các chính sách, góp phần quan trọng vào sự phát triển các vùng trọng điểm quốc gia nói riêng và cả nước nói chung. Để góp phần cho việc triển khai hiệu quả Luật Đất đai sửa đổi và phân tích tác động của nó đến kinh tế, xã hội và quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế, luật, quản lý và phát triển bền vững dưới tác động của Luật Đất đai 2024”. Đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau tìm hiểu và thảo luận về tác động của luật này đến kinh tế, luật pháp, quản lý và phát triển bền vững của đất nước. Chúng ta cần cùng nhau phân tích, nhận định và đưa ra các giải pháp phù hợp để thích ứng và tận dụng tốt nhất những cơ hội và thách thức mà Luật Đất đai 2024 mang lại. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua Hội thảo này, chúng ta sẽ có những đóng góp quý báu để Luật Đất đai 2024 được thực thi hiệu quả, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
GS.TS. Sử Đình Thành – Giám đốc Đại học UEH phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo thu hút sự quan tâm và gửi bài tham luận từ các nhà khoa học, nghiên cứu và chuyên gia liên quan đến chủ đề, tạo ra diễn đàn chia sẻ và trao đổi quan điểm về tác động của Luật Đất đai 2024 đến các lĩnh vực khác nhau, đến sự phát triển kinh tế, xã hội và quản lý nhà nước. Hội thảo đã tiếp nhận báo cáo từ chuyên gia Bộ Tài nguyên và Môi trường và chọn 54 bài viết xuất bản trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết trong Kỷ yếu đã qua quy trình phản biện kín, sẽ là nguồn tài liệu quý giá hỗ trợ nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp Luật Đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước khi Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực.
Hội thảo được tổ chức gồm Phiên tổng thể và 3 phiên thảo luận song song, với các nội dung được chia sẻ như sau:
Tại Phiên tổng thể: Dưới sự chủ trì của TS. Đinh Công Khải - Phó Giám đốc UEH; PGS. TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng UEH - CELG và TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng khoa Luật, UEH - CELG. Tại phiên này, các đại biểu đã nhận được sự chia sẻ của TS. Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường với chủ đề “Quyền thuê trong hợp đồng thuê đất - Một trong những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024”. Tham luận đã đề cập đến những điểm đổi mới nổi bật của Luật Đất đai 2024 phù hợp thực tiễn quản lý và sử dụng đất, có tác động đến nhiều lĩnh vực, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
TS. Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận
Tiếp theo đó, TS. Nguyễn Kim Đức - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng - UEH bàn luận về “Vấn đề đặt ra và giải pháp cho công tác quyết định giá đất cụ thể khi thực hiện Luật Đất đai 2024”. Đây cũng là nội dung mà rất nhiều đại biểu quan tâm, vì nó ảnh hưởng lớn đến các đơn vị và các địa phương và tác động nhiều mặt đến kinh tế - xã hội và nếu theo Luật quy định và các Nghị định, Thông tư dưới luật được quy định cụ thể , rõ ràng, minh bạch thì đây chính là cơ sở để các địa phương sẽ triển khai, thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được chi phối bởi Luật định và từ đó mang lại những tác động tích cực cho quá trình phát triển.
TS. Nguyễn Kim Đức - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng – UEH trình bày tham luận
Phiên tổng thể của Hội thảo
Sau phiên tổng thể, 3 phiên song song diễn ra với các chủ đề đang được quan tâm gồm:
Tại Phiên thảo luận A với sự điều hành của chủ tọa: TS. Dương Kim Thế Nguyên – Trưởng khoa Luật – UEH-CELG; ThS. Thẩm phán Cao Cấp, Ông Nguyễn Văn Ngừng – Chánh án, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long; ThS. Cao Thanh Sơn – Giám đốc, Sở tư pháp tỉnh An Giang, với chủ đề “Luật Đất đai 2024 trong xu hướng phát triển kinh tế xã hội và quản lý nhà nước”, các tham luận quan trọng đã được trình bày gồm (1) “Bảo vệ quyền của chủ thể bị thu hồi quyền sử dụng đất tại Việt Nam - Tiếp cận từ lý thuyết quyền tài sản” do ThS. Võ Phước Long – UEH-CELG trình bày; (2) “Pháp luật về phát triển quỹ đất ở Việt Nam - Những thuận lợi và thách thức” do CN. Lâm Vĩ Khang - Trường Đại học Cần Thơ trình bày; (3) “Giải quyết tranh chấp đất đai bằng phương thức trọng tài thương mại - cơ hội và thách thức trước bối cảnh Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực” do Ông Nguyễn Minh Đăng - Học viện Tòa án trình bày, (4) “Kiểm soát quyền hành pháp bằng tòa án - Khảo sát bản án hành chính sơ thẩm cấp tỉnh về đất đai” do PGS.TS. Đỗ Minh Khôi – UEH-CELG trình bày. Tại phiên A, các đại biểu đã tập trung trao đổi, phân tích các đổi mới, điểm mới, sửa đổi của Luật Đất đai, qua đó có cơ sở dự đoán, đánh giá mức độ hiệu quả trong áp dụng vào thực tiễn, đảm bảo phát triển bền vững quốc gia.
Ban chủ tọa Phiên A
Toàn cảnh thảo luận tại Phiên A
Tại Phiên thảo luận B, chủ tọa PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vinh – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển vùng – UEH cùng PGS.TS. Diệp Gia Luật – Trưởng khoa tài chính công – UEH-CELG đã dẫn dắt thảo luận, tranh luận về “Những cơ hội và thách thức với phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của Luật Đất đai 2024” với các nội dung tham luận: (1) “Chế độ sở hữu đất đai và mục tiêu phát triển bền vững: Nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam” do PGS.TS. Viên Thế Giang - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh trình bày; (2) “Chuẩn hóa hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai làm nền tảng xây dựng đô thị thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh” do ThS. Nguyễn Tấn Vĩnh Nam - Trường Cao đẳng Kiến trúc - Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trình bày; (3) “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trong Luật Đất đai năm 2024” do Bà Trần Thị Ngọc Trinh - Tòa án Nhân dân Quận 3 trình bày và (4) “Thách thức pháp lý khi áp dụng chuỗi khối (Blockchain) trong quản lý đất đai tại Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Hồng Thu, CELG-UEH trình bày. Qua thảo luận, làm rõ những tiềm năng trong áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý đất đai, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất trên cơ sở đảm bảo phát triển bền vững cho khu vực.
Ban chủ tọa Phiên B
Toàn cảnh Phiên B
Tại Phiên thảo luận C, Chủ tọa phiên gồm TS. Nguyễn Đắc Nhẫn – Phó vụ trưởng, Vụ Đất đai, Bộ TN&MT; TS. Trần Thị Tuấn Anh – Phó Hiệu trưởng UEH-CELG và ThS. Phan Thanh Hoàng đã dẫn dắt thảo luận về các vấn đề liên quan đến chủ đề “Kinh tế tài nguyên đất và kinh doanh bất động sản đặt dưới góc độ Luật Đất đai 2024”. Phiên thảo luận đã nêu bật mức độ thực tiễn áp dụng cao của Luật Đất đai 2024 trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và kinh tế gắn liền với tài nguyên đất với các tham luận và thảo luận xoay quanh chủ đề: (1) “Luật Đất đai - Định giá đất với góc nhìn phát triển bền vững cho Việt Nam do ThS. Hoàng Lê Nam Hải - Viện Đô Thị Thông Minh và Quản Lý - UEH trình bày, (2) “Quy định về giá đất trong Luật Đất đai 2024 - Điểm mới và những tác động” do TS. Châu Hoàng Thân -Trường Đại học Cần Thơ trình bày; (3) “Phân lô bán nền- Các tác động từ Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và thách thức đặt ra” do TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị, CELG-UEH trình bày, (4) “Khảo sát các mô hình học sâu trong bài toán dự đoán giá bất động sản” do ThS. Trần Sơn Nam, PHVL-UEH trình bày.
Ban chủ tọa Phiên C
Toàn cảnh Phiên C
Hội thảo quốc gia với chủ đề “Kinh tế, luật, quản lý và phát triển bền vững dưới tác động của Luật Đất đai năm 2024" là diễn đàn khoa học quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, tập trung chia sẻ, trao đổi những quan điểm nghiên cứu mang tính nền tảng, đột phá, những phân tích, lập luận cho sự tác động, ảnh hưởng qua lại của Luật Đất đai mới này đến các lĩnh vực luật khác, đến tốc độ, xu hướng phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả nghiên cứu, trao đổi tại Hội thảo là những đóng góp quan trọng, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
Tin, Ảnh: Phân hiệu Vĩnh Long (Khoa Cơ bản, Khoa Quản trị, Phòng TSTT);
Trường Kinh tế, Luật và QLNN - UEH (Khoa Luật).
Báo, Đài đưa tin về hội thảo.
Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long: Hội thảo khoa học quốc gia: “Kinh tế, luật, quản lý và phát triển bền vững dưới tác động của Luật Đất đai 2024
Báo nhân dân: Hội thảo khoa học quốc gia: “Kinh tế, luật, quản lý và phát triển bền vững dưới tác động của Luật Đất đai 2024
Báo tin tức Thông tấn xã Việt Nam: Tác động của Luật Đất đai 2024 đến kinh tế, luật pháp, quản lý và phát triển bền vững
Báo Vĩnh Long: Kinh tế, luật, quản lý và phát triển bền vững dưới tác động của Luật Đất đai 2024
Chia sẻ