Thư mời viết bài tọa đàm "Định hướng, lộ trình và các giải pháp để phát triển các ngành kinh tế có lợi thế, giảm phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam"
18/02/2019 22:15 GMT+7
- THƯ MỜI: Viết bài Hội thảo khoa học "Đổi mới thể chế để phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm: Kinh nghiệm của một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam"
- Thư mời viết bài tham dự hội thảo khoa học quốc gia “Nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển trong bối cảnh cách mạng 4.0 và những đáp ứng của giáo dục đại học Việt Nam”
Kính gửi: Quý Nhà Khoa học.
Chuyển dịch cơ cấu ngành, nhận diện các ngành kinh tế có lợi thế phát triển, giảm phân hóa giàu nghèo và nâng cao chất lượng tăng trưởng, tiến đến phát triển kinh tế bền vững là những mục tiêu lớn được thể hiện trong các quyết sách chiến lược của Đảng và Nhà nước. Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2018 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 đã dự báo tình hình thế giới, khu vực thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức; chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá, lãi suất, rủi ro quốc tế gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và những khó khăn, thách thức lớn. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực lớn. Tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, FTA với EU…) với yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ… mà không còn được hưởng các ưu đãi đặc thù cho giai đoạn chuyển đổi như trước. Báo cáo cũng nhận định nhu cầu cấp bách hiện nay là cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ các quốc gia ngoài các hiệp định đã ký kết. Nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, rà roát, điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển các ngành kinh tế có sức lan tỏa lớn đến các ngành khác và toàn bộ nền kinh tế, cần thiết phải có những nghiên cứu lý luận và thực tiễn chuyên sâu tập trung xây dựng định hướng, lộ trình và các giải pháp để phát triển các ngành kinh tế có lợi thế nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tăng trưởng.
Trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 (KX.01/16-20), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm Khoa học Quốc gia về “Định hướng, lộ trình và các giải pháp để phát triển các ngành kinh tế có lợi thế, giảm phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam”.
I. Mục tiêu của Tọa đàm:
Tọa đàm Khoa học Quốc gia về “Định hướng, lộ trình và các giải pháp để phát triển các ngành kinh tế có lợi thế, giảm phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam” sẽ là một diễn đàn học thuật thảo luận, trao đổi, phân tích chuyên sâu về cơ cấu kinh tế của Việt Nam cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt từ sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, Tọa đàm là diễn đàn để thảo luận và xây dựng định hướng, lộ trình và các giải pháp để phát triển các ngành kinh tế có lợi thế, giảm phân hóa giàu nghèo, chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập và thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước.
II. Nội dung của Tọa đàm:
Những báo cáo khoa học của Tọa đàm tập trung (nhưng không giới hạn) vào các chủ đề chính sau:
1. Nhận diện, phân tích, đánh giá những thành tựu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam;
2. Xu thế chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trên thế giới và ở nước ta;
3. Phân tích chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đặt trọng tâm vào đánh giá tỷ trọng đóng góp của mỗi ngành của Việt Nam trong chuỗi giá trị thế giới;
4. Tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất bình đăng thu nhập, và các vấn đề xã hội, môi trường ở Việt Nam;
5. Vai trò của các nguồn lực bên ngoài đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam;
6. Phân tích, dự báo và nhận diện các ngành kinh tế có lợi thế phát triển, có sức lan tỏa lớn đến các ngành khác và toàn bộ nền kinh tế;
7. Hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế có lợi thế phát triển;
8. Xây dựng định hướng, lộ trình và các giải pháp cho các ngành, các khu vực để phát triển các ngành kinh tế có lợi thế, giảm phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam.
III. Thời gian, địa điểm tổ chức Tọa đàm:
1. Thời gian: dự kiến lúc 13h30, ngày 28 tháng 03 năm 2019 (Thứ Năm).
2. Địa điểm: Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 59C Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, Hồ Chí Minh
IV. Ngôn ngữ, quy định hình thức bài viết, thời hạn và địa chỉ gửi bài Tọa đàm:
1. Ngôn ngữ: Tiếng Việt
2. Quy định hình thức bài viết đăng kỷ yếu hội thảo quốc gia: 3.000 đến 5.000 từ không kể tài liệu tham khảo và phụ lục;
-
Các mục tối thiểu: (1) Tên bài viết; (2) Tên tác giả/ nhóm tác giả và đơn vị công tác; (3) Tóm tắt: 300-500 từ; (4) 2-5 từ khóa; (5) Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu; (6) Kết quả nghiên cứu, thảo luận và hàm ý chính sách; (7) Tài liệu tham khảo; (8) Phụ lục.
-
Tùy theo nội dung và phương pháp nghiên cứu, bài viết có thể gồm các mục khác thích hợp.
-
Định dạng: soft copy (word), phông chữ: Times New Roman, cỡ chữ: 13, dãn dòng: single.
3. Thời hạn nhận bài viết:
- Hạn cuối gửi bài: ngày 15 tháng 3 năm 2019 (Thứ Sáu)
4. Địa chỉ gửi bài:
Tác giả gửi bài viết qua email: hoithao@due.edu.vn. Bài viết được chấp nhận sẽ tiến hành biên tập và đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia có giấy phép xuất bản và mã số ISBN.
Thông tin chi tiết về Hội thảo vui lòng liên hệ: PGS.TS. Nguyễn Phúc Nguyên - Ban Tổ chức Hội thảo (Điện thoại: 0901.908.999, email: nguyennp@due.edu.vn).
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trân trọng kính mời Quý Nhà Khoa học tham dự và viết bài cho Tọa đàm (Vui lòng xem tài liệu đính kèm theo Thư mời này).