Tọa đàm “Tăng cường đổi mới dạy và học trong bối cảnh công nghệ số tại UEH”

03 tháng 10 năm 2019

Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, gây tác động sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội của con người ở thế kỷ 21. Điều này đã đặt ra nhiều thách thức và các yêu cầu tất yếu phải xây dựng nền giáo dục 4.0.

Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã tiên phong trong nhiều lĩnh vực đổi mới sáng tạo, trong đó có đào tạo ứng dụng công nghệ, với mục tiêu đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường lao động trong bối cảnh CMCN 4.0. Bên cạnh việc phát triển các ứng dụng công nghệ phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy, UEH cũng tập trung phát triển vào yếu tố con người, đảm bảo tăng cường đổi mới toàn diện, từng bước đưa các thành tựu công nghệ số ứng dụng trực tiếp trong dạy và học ở Giáo dục đại học.

Toàn cảnh Tọa đàm

Trong bối cảnh đó, sáng ngày 03/10/2019, tại Cơ sở 59C Nguyễn Đình Chiểu, Công đoàn Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm Tăng cường đổi mới dạy và học trong bối cảnh Công nghệ số. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giảng viên, cán bộ viên chức UEH với nhiều tham luận chất lượng chuyên môn cao và được biên tập thành Kỷ yếu phục vụ cho Tọa đàm.

ThS. Huỳnh ĐinhThái Linh - Giám đốc Becamex IDC, Chuyên gia đổi mới sáng tạo giáo dục Microsoft trình bày tại Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có ThS. Huỳnh Đinh Thái Linh - Giám đốc Becamex IDC, Chuyên gia đổi mới sáng tạo giáo dục Microsoft; Về phía UEH có GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Bùi Thị Thanh – Phó Chủ tịch Công đoàn trường; cùng với Quý thầy/cô là lãnh đạo các đơn vị Phòng, Ban, Khoa, Viện, Trung tâm thuộc Trường. Tham dự Tọa đàm còn có hơn 170 giảng viên, cán bộ viên chức là công đoàn viên các đơn vị đến nghe báo cáo và trình bày các tham luận.

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp tâm huyết của các tác giả đã có bài tham luận, cũng như công tác tổ chức của Công đoàn UEH. GS. Hoài nhấn mạnh, giáo dục 4.0 có sự thay đổi lớn trong mục tiêu và cách thức đào tạo, chuyển từ truyền thụ kiến thức cho số đông sang khai phá tiềm năng, đồng thời trao quyền sáng tạo cho từng cá nhân. Người thầy sẽ chuyển sang vai trò mới là người thiết kế, xúc tác, truyền lửa, cố vấn và tạo môi trường học tập. Với nội dung học tập được số hóa, người học có một lộ trình học tập riêng và có thể lựa chọn nội dung phù hợp với mục tiêu đào tạo. Đồng thời, hệ thống số hóa cũng cung cấp phản hồi về hiệu quả học tập cùng với gợi ý cho các nội dung học tập tiếp theo. UEH với truyền thống và bề dày lịch sử là trung tâm đào đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực bậc cao cho xã hội, do vậy cũng phải thay đổi toàn diện cả về mô hình, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo để bắt kịp với tốc độ phát triển và hội nhập trong bối cảnh số.

Các báo cáo viên trình bày tham luận tại Tọa đàm

Nội dung các bài viết của Tọa đàm tập trung và các góc nhìn, đó là: (1) Cơ sở vật chất, công nghệ tại UEH nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường đổi mới dạy và học trong bối cảnh phát triển của công nghệ số; (2) Những thành tựu công nghệ số có thể ứng dụng trong dạy và học ở bậc đại học; (3) Kinh nghiệm về vận dụng các kỹ thuật công nghệ số trong dạy và học tại UEH; (4) Yêu cầu từ phía người học đối với việc ứng dụng các thành tựu công nghệ trong dạy và học tại UEH.

Tại Tọa đàm, bên cạnh lắng nghe các tham luận báo cáo của các tác giả, Quý Thầy Cô còn thảo luận, nhận diện những khó khăn thách thức và chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tế giảng dạy trong bối cảnh công nghệ số. Đồng thời, những giải pháp cụ thể về tăng cường ứng dụng công nghệ trong dạy và học cũng được gửi trực tiếp đến Ban đề án “Ứng dụng công nghệ trong kinh tế”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Buổi Tọa đàm là dịp để giảng viên, cán bộ viên chức UEH giao lưu, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học. Từ đó có thể nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục.

Tin, ảnh: Phòng Truyền thông và Quan hệ công chúng.

 

Chia sẻ