UEH và Đại học Western Sydney (Úc) đồng tổ chức Hội thảo: IIE PEER (IIE’s Platform for Education in Emergencies Response) Workshop - Asia - Pacific

20 tháng 09 năm 2019

Ngày 19/9/2019, tại Phòng A.205, Cơ sở 59C Nguyễn Đình Chiểu, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), Viện Đào tạo quốc tế ISB (trực thuộc UEH) đã phối hợp cùng Đại học Western Sydney (Úc) tổ chức Hội thảo “IIE PEER (IIE’s Platform for Education in Emergencies Response) Workshop - Asia - Pacific” với sự góp mặt của rất nhiều diễn giả, các nhà hoạt động xã hội, các nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo IIE PEER nhằm mục đích trao đổi và đưa ra các giải pháp cho con đường theo đuổi học vấn bậc cao của các sinh viên tị nạn thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hội thảo tập trung vào 3 nội dung chính: (1) Làm sao giúp những sinh viên tị nạn tăng cơ hội nhận được học bổng; (2) Thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc theo đuổi học vấn bậc cao hơn trong những hoàn cảnh khó khăn, khẩn cấp; (3) Giao lưu, họp mặt các nhà lãnh đạo chuyên môn, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội để trao đổi về những giải pháp nhằm khuyến khích sự hợp tác của các tổ chức này.

Bà Katherine Miller - Chuyên gia về Giáo dục toàn cầu giới thiệu sơ lược về nội dung và mục đích của buổi hội thảo

Mở đầu hội thảo, bà Katherine Miller - Chuyên gia về Giáo dục toàn cầu đã giới thiệu sơ lược về nội dung và mục đích của buổi hội thảo bằng cách truyền tải những thông điệp và hiểu biết của mình về thực trạng vấn đề tị nạn trên thế giới hiện nay.

Phần chia sẻ của 02 sinh viên tị nạn Myanmar

Sau đó, các diễn giả đã được nghe chia sẻ về những câu chuyện có thật đến từ hai sinh viên tị nạn Myanmar vừa được nhận các suất học bổng hỗ trợ và hiện đang theo học chương trình Cử nhân Kinh doanh của Trường Đại học Western Sydney Úc do Viện Đào tạo Quốc tế ISB phụ trách. Thông qua những chia sẻ thực tế của 2 sinh viên, các diễn giả và khách mời đã phần nào thấu hiểu những câu chuyện của các sinh viên vùng tị nạn và thêm đồng cảm với những số phận khó khăn nhưng luôn khao khát vươn lên, theo đuổi con đường học vấn.

Phần thảo luận và trả lời câu hỏi trong hội thảo

Nối tiếp phần chia sẻ trong hội thảo là phần thảo luận và trả lời các câu hỏi về bối cảnh hóa của vấn đề tị nạn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với sự góp mặt của 3 diễn giả:

  • Bà Mini Zarina Azmin - Trưởng bộ phận Giáo dục, UNHCR Malaysia
  • Bà Oranutt Narapruet - Chuyên gia tư vấn về Phát triển và Con người
  • Ông Themba Lewis - Tổng thư ký, Asia Pacific Refugee Rights Network (APRRN)

Ông Jonathan Lembright - Giám đốc IIE Peer khu vực Đông Nam Á, là người dẫn dắt phần tiếp theo của buổi hội thảo về vấn đề hợp tác, xoay quanh câu hỏi “Làm sao để xây dựng một mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa các trường Đại học, các tổ chức phi chính phủ (NGOs - Nongovernmental Organization) và các tổ chức hỗ trợ vốn?”, cùng sự tham gia của các diễn giả:

  • Ông Nophol Techaphangam - Giám đốc NEXUS Thailand
  • Tiến sĩ Alma Espartinez - Phó chủ tịch bộ phận phụ trách các vấn đề về học thuật, Trường Đại học Holy Angel
  • Bà Oranutt Narapruet - Chuyên gia tư vấn về Phát triển và Con người

Phiên hội thảo tiếp tục với phần bàn luận về vấn đề học bổng cho các sinh viên tị nạn, nhằm “Gia tăng cơ hội nhận học bổng cho các sinh viên, sử dụng nguồn lực tốt hơn và tối đa hóa các tác động”. Đồng thời, “Các phương pháp làm giảm những rào cản của các sinh viên tị nạn trong việc đăng ký các suất học bổng” cũng được đưa ra thảo luận sôi nổi.

Phần trao đổi trong Hội thảo

Hội thảo: IIE PEER (IIE’s Platform for Education in Emergencies Response) Workshop – Asia – Pacific đã mang đến cái nhìn chân thực hơn về thực trạng sinh viên tị nạn trên thế giới, cụ thể là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời đem lại những hiểu biết sâu sắc về cơ hội của các sinh viên và tầm quan trọng trong việc theo đuổi con đường học vấn bậc cao hơn.

Các diễn giả và khách mời làm thủ tục và trao đổi bên lề hội thảo

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Tin, ảnh: ISB, Phòng Truyền thông và Quan hệ công chúng.

 

Chia sẻ