GS. TS Nguyễn Trọng Hoài: Dạy học trực tuyến sẽ thành xu hướng tất yếu

29 tháng 03 năm 2021

[Báo Giáo dục Online] Việc dạy - học trực tuyến bắt đầu được chú ý, triển khai tại nhiều trường ĐH ở Việt Nam từ đại dịch Covid-19 và xu hướng này đang ngày càng phổ biến hơn, trước yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) đã có những trao đổi xung quanh vấn đề dạy, học trực tuyến trong bối cảnh hiện nay.

Bước đầu thực hiện…

+ PV: Thưa giáo sư, trong các đợt bùng phát dịch Covid-19, trường tổ chức dạy học trực tuyến cho sinh viên có gặp khó khăn nào không?

- GS.TS Nguyễn Trọng Hoài: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM triển khai việc dạy và học trực tuyến đợt thứ nhất từ tháng 3-2020 đến đợt mới nhất là sau Tết Nguyên đán năm nay. Để tiếp cận người học, chuyển tải nội dung của các chương trình đào tạo, trường đã sử dụng các nền tảng trực tuyến từ hệ thống LMS do trường xây dựng, các nền tảng khác như Google Meet, Microsoft Office, Zoom… Cách giảng dạy trực tuyến như vậy cơ bản thích ứng được với bối cảnh giãn cách xã hội, người học và người dạy có thể tiếp cận với nhau để đảm bảo các chương trình đào tạo vẫn diễn ra bình thường. Nhìn chung, hình thức dạy và học trực tuyến tại trường thời gian qua triển khai tốt.

Đối với người dạy không có trở ngại gì nhiều vì đến thời điểm hiện tại, các giảng viên của trường đã quen với việc giảng dạy các môn học trên các nền tảng trực tuyến thông dụng cùng với việc sử dụng hệ thống LMS thường xuyên cho dù có giãn cách hay không giãn cách. Các hoạt động thường tổ chức trên lớp như thảo luận nhóm, tương tác giữa người dạy và người học vẫn diễn ra bình thường khi dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, đối với người học, đặc biệt người học ở các vùng băng thông internet yếu, chập chờn thì cũng gặp khó khăn nhưng số này chiếm tỷ lệ thấp và dần dần người học cũng đã thích nghi với việc học qua nền tảng trực tuyến của mình.

+ Việc đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên qua hình thức giảng dạy này có bị ảnh hưởng gì không, thưa giáo sư?

- Về cơ bản đến thời điểm này, khâu đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên không ảnh hưởng nhiều. Việc giãn cách xã hội thời gian qua chưa đến mức phải thi học phần qua hình thức trực tuyến mặc dù trường đã vận hành thử cách thi này và đã được đa phần sinh viên tham gia thử, ủng hộ. Có nghĩa là trường mới chỉ dạy và học theo kiểu trực tuyến và kết hợp trực tiếp. Vì vậy, cuối môn học, thầy và trò cũng còn cơ hội gặp nhau để trao đổi những vướng mắc trong quá trình dạy trực tuyến và vẫn tổ chức thi trực tiếp như bình thường nên chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo vẫn được đảm bảo.

Xu hướng tất yếu

+ Giáo sư có đồng ý việc dạy học trực tuyến sẽ thành xu hướng tất yếu trong tương lai chứ không chỉ là giải pháp tình thế trước dịch bệnh?

- Dạy và học trực tuyến được triển khai trong các đợt giãn cách xã hội vừa qua không chỉ mang tính tình thế mà còn mang tính xu hướng trong quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, nền tảng giảng dạy trực tuyến phát triển rất nhanh, chưa kể công nghệ AI đang dần được ứng dụng nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục. Xu hướng trên thế giới cũng có những khóa học dạy trực tuyến hoàn toàn nhưng đó là những khóa học cho các đối tượng tham gia học tự nguyện chỉ lấy chứng chỉ.

Dạy trực tuyến có lợi là người học hay người dạy dù ở vùng sâu xa, ở các quốc gia khác nhau, các trường khác nhau có thể tương tác thông qua nền tảng trực tuyến; giảm chi phí đi lại, chi phí mời chuyên gia và học giả quốc tế. Trong bối cảnh bình thường, cần phải tiếp cận phương thức này theo kiểu “blended” tức là vừa “trực tuyến” và vừa “trực tiếp”. Lớp học dạy theo kiểu “blended learning” sẽ có xu hướng chuyển đổi số thực chất khi thay đổi tiếp cận từ lớp học truyền thống sang lớp học đảo ngược (người học sẽ chủ động học trước thông qua nền tảng trực tuyến với các nội dung và quy trình chuẩn bị cơ sở học liệu được cung cấp trên nền tảng trực tuyến). Khi cơ sở học liệu được đưa lên nền tảng trực tuyến, người học có thể học trước, sau đó vào lớp học trực tiếp chỉ để tương tác, thảo luận, giải quyết vấn đề. Trực tuyến sẽ bổ trợ cho giảng dạy trực tiếp, đó mới là xu hướng của chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH.

Muốn làm được điều đó thì cơ sở dữ liệu đào tạo phải được xây dựng mang tính hệ thống theo tiếp cận kết hợp “blended” này. Hiện trường đã từng bước đầu tư cơ sở học liệu mang tính hệ thống để người học có thể tiếp cận theo hình thức trực tuyến. Trong đó, mỗi môn học đều nêu rõ nội dung nào người học có thể học trực tuyến, nội dung nào phải học trực diện với người dạy. Cơ sở học liệu gồm các bài giảng được ghi âm hoặc hình ảnh bài giảng của người dạy được chuẩn bị trước theo đề cương thống nhất của môn học đó.

+ Giáo sư nhận thấy xu hướng dạy và học trực tuyến ở các nước có nền giáo dục tiên tiến đang diễn ra như thế nào?

- Ở các quốc gia phát triển, nền tảng giáo dục theo kiểu “blended” đã hình thành từ 10 năm nay. Những quốc gia châu Á như Singapore, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc) … thì đã có nền tảng dạy theo kiểu “blended” ít nhất 10 năm nay. Còn Việt Nam, với bối cảnh Covid-19, chúng ta mới hiểu giảng dạy trực tuyến theo cách giảng dạy truyền thống, còn theo kiểu “blended” chỉ có một số ít trường. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đang theo đuổi, tiếp cận với bước đầu thử nghiệm và sau đó lan tỏa toàn trường.

+ Trong những năm qua, trường thực hiện việc chuyển đổi số trong giáo dục ĐH như thế nào?

- Trường cũng đã triển khai khá nhiều nội dung. Thứ nhất, cơ sở học liệu, trường đã xây dựng thư viện thông minh, làm cơ sở đăng tải các tài liệu học tập để người học có thể tiếp cận qua các nền tảng trực tuyến. Thứ hai, trường nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng dung lượng băng thông để không bị nghẽn trong quá trình dạy và học trực tuyến. Thứ ba, trường đầu tư trung tâm mô phỏng để người học có thể vào đóng vai, tương tác, thảo luận nhóm sau khi đã học trực tiếp. Thứ tư, trường sẽ thành lập phòng studio hiện đại để người dạy đến ghi âm, ghi hình các bài giảng của mình để đăng tải lên nền tảng trực tuyến.

+ Cụ thể, năm 2021, trường sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược chuyển đổi số ra sao trong công tác đào tạo, giảng dạy, thưa giáo sư?

- Trường đang thực hiện giảng dạy theo chương trình tiên tiến, năm nay sẽ tập trung rà soát lại chương trình này, sẽ xây dựng lại đề cương các môn học theo hướng tiếp cận “blended”. Quá trình này sẽ được tiến hành từng bước và lâu dài.

Trong quá trình chuyển đổi số, sẽ có những khóa huấn luyện cho giảng viên, từ nhiều phía (phía trường, các đối tác, các ĐH liên kết…). Bên cạnh đó, trường cũng sẽ xây dựng cơ sở nền tảng số đánh giá học viên học tập theo phương pháp “blended”, hệ thống hóa các bộ phận thành hệ thống duy nhất để thực hiện quản trị quá trình vận hành trong đó có quá trình dạy và học theo tiếp cận chuyển đổi số. Mục tiêu chung là làm sao có thể quản trị các quá trình dạy và học theo dạng “real time”, tức là trường có thể quan sát một lớp học bất kỳ với một môn học nào đó để biết người học đang tự học cái gì, người dạy đang dạy cái gì; hệ thống này kỳ vọng sẽ đánh giá người học đạt bao nhiêu phần trăm chuẩn đầu ra bài học đó vào thời điểm đó.

+ Xin cảm ơn giáo sư!

Nguồn: Báo Giáo dục Online

Chia sẻ