PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: "Khó giải phương trình tăng trưởng GDP 2021"

13 tháng 03 năm 2021

(KTSG Online) - Thống kê cho thấy chỉ hơn hai tháng đầu năm 2021 đã có hơn 33.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, chiếm hơn 1/3 so với con số trong cả năm 2020. Sức chịu đựng và sự linh hoạt đã giúp nhiều doanh nghiệp tồn tại và giữ nhịp tăng trưởng GDP ấn tượng trong năm ngoái, nay lại trở thành ẩn số vì sự xuất hiện những biến chủng mới của virus gây dịch bệnh Covid-19.

KTSG Online đã có buổi trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TPHCM về câu chuyện tăng trưởng GDP trong năm 2021.

Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học UEH.

KTSG Online: Theo ông, “biến số” Covid-19 biến chủng mới xuất hiện tại Việt Nam trước thời điểm Tết Âm lịch đã khiến cho “phương trình” tăng trưởng GDP năm nay khó giải như thế nào?

- Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Rất nhiều kịch bản tăng trưởng khả quan được đưa ra hồi đầu năm trong bối cảnh các điều kiện vĩ mô khi đó đang rất tốt, Covid-19 bị đẩy lùi cùng tin tức về vắc xin sẽ được nhập khẩu và tiêm chủng mở rộng, sự dồn nén về nhu cầu do hoạt động kinh tế bị hạn chế trong năm 2020 sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế trong năm 2021. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại với biến chủng mới nguy hiểm hơn trong những ngày sát Tết âm lịch, khiến nền kinh tế bị đẩy vào ngã rẽ bất ngờ thì các dự báo lạc quan trước đó không còn khả thi nữa.

Thay vào đó, “phương trình” tăng trưởng GDP trong năm nay sẽ phụ thuộc vào các biến số chính là khả năng lây lan của Covid-19 và tính hữu hiệu của vắc xin, sức chịu đựng của doanh nghiệp, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và thái độ ứng xử của người dân và doanh nghiệp đối với tính bất định của dịch bệnh.

Gọi là “biến số” vì chúng không nằm trong các tính toán với những giả định như trước đây nữa. Bốn biến số như vậy khiến cho phương trình tăng trưởng GDP trong năm nay sẽ trở nên khó giải hơn rất nhiều.

Nhưng trong bối cảnh bất định vào năm ngoái, GDP vẫn tăng trưởng ấn tượng. Chúng ta có thể tiếp tục hy vọng vào sự linh hoạt của khối doanh nghiệp?

- Năm 2020 Việt Nam ghi nhận nhiều điểm tích cực trong cả chính sách chống dịch, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế tuy chậm lại nhưng không đổ vỡ, ngưng trệ. Nhưng nói rõ hơn, phải nhìn nhận rằng mấu chốt để chúng ta tăng trưởng ấn tượng trong năm ngoái là nhờ vào sức chịu đựng của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân rất linh hoạt. Hầu như họ đều có kế hoạch đối phó với Covid-19 với nhiều kịch bản khác nhau ngay từ sớm, tức họ biết tự mình phải làm gì, chuẩn bị kịch bản gì tốt nhất cho bản thân, thậm chí còn tính toán thêm cho đời sống người lao động, giúp hệ thống không bị đổ vỡ mà còn sẵn sàng tái khởi động bất kỳ lúc nào.

Nhưng đó là năm ngoái, còn trong năm nay họ có “gồng” nổi nữa hay không là một câu hỏi lớn và chưa có câu trả lời cụ thể. Bức tranh kinh tế chung thì ngày càng khó khăn hơn vì thương mại quốc tế chưa thông suốt, chi phí đầu vào thì đắt đỏ hơn. Đây là thách thức rất lớn đối với khối doanh nghiệp.

Tăng trưởng GDP năm ngoái bắt đầu phục hồi từ  tháng 6 nay đối mặt với vấn đề chi phí tăng cao. Nguồn: HSBC.

Nếu nhìn chi tiết hơn thì động lực tăng trưởng đáng kể đến từ nhóm doanh nghiệp FDI. Điều này liệu có “che mờ” đi sự đuối sức vì Covid-19 của các công ty nội, các hộ kinh doanh cá thể và người dân Việt Nam?

Thật ra không phải đến khi Covid-19 bùng lên thì chúng ta mới thấy được khoảng cách lớn giữa doanh nghiệp trong nước so với các doanh nghiệp FDI, vấn đề này đã được các chuyên gia nhắc đến từ lâu. Chỉ có điều, Covid-19 bùng phát càng tô đậm thêm sự lép vế và yếu kém của khu vực kinh tế trong nước mà thôi. Nhưng ở khía cạnh tích cực, đây cũng là một sức ép cũng là một động lực để chúng ta tranh thủ cơ hội thu hẹp khoảng cách này, điều mà từ trước đến nay không làm được vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Thực tế mà nói, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tạo ra nguồn lực bổ sung đáng kể cho khu vực kinh tế trong nước và cho đến nay vẫn giữ vai trò như vậy. Nếu các công ty công nghệ không mang dây chuyền sản xuất, các hãng ô tô không mở nhà máy tại Việt Nam thì sinh viên các khối ngành kỹ thuật khó lòng có cơ hội để tiếp cận với các công nghệ sản xuất hiện đại. Đó là một ví dụ điển hình của những yếu tố tích cực và tính lan toả của khu vực FDI.

Chính phủ Việt Nam ngày nay cũng đang kêu gọi thay đổi mô hình tăng tưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thì Covid 19 đang tạo cơ hội cho sự thay đổi này. Muốn tăng hàm lượng đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghệ thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Chúng ta có thể tin tưởng rằng, với thế hệ lao động mới, được trực tiếp đào tạo và vận hành các quy trình công nghệ tại các doanh nghiệp FDI thì tính lan tỏa từ khu vực kinh tế nước ngoài sẽ lớn hơn.

Bức tranh quốc tế ngày nay cũng thay đổi đáng kể khi hầu như quốc gia nào cũng nhận ra rằng phải thúc đẩy quá trình đa dạng hóa thị trường, tránh “bỏ trứng vào một rổ”. Việt Nam cần phải tranh thủ cơ hội lớn chưa từng có để tham gia sâu hơn vào dòng vốn và chuỗi giá trị toàn cầu.

Xuất khẩu đầu năm vẫn tăng mạnh 23% so với cùng kỳ nhờ máy móc và thiết bị điện tử. Nguồn: HSBC.

Vậy thì doanh nghiệp trong nước sẽ cần những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn năm ngoái?

Thẳng thắng mà nói, Covid-19 đã giúp chúng ta càng khẳng định hơn vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Chính các doanh nghiệp tư nhân là bộ phận giúp “hấp thụ” tốt cú sốc của Covid-19 và xa hơn nữa là giúp nền kinh tế trường tồn. Nhìn sang các tập đoàn nhà nước luôn ỷ lại “bầu sữa” ngân sách, các doanh nghiệp tư nhân xứng đáng nhận được nhiều hỗ trợ.

Nhưng sự hỗ trợ tốt nhất không chỉ đến từ những gói cứu trợ tài chính, vốn chỉ là liều thuốc giảm đau. Về dài hạn, doanh nghiệp cần “thuốc bổ” để tăng sức đề kháng, giúp doanh nghiệp lớn mạnh hơn. Đó chính là câu chuyện về thể chế.

Điều này cũng đã được nhắc đến rất nhiều ở các cuộc toạ đàm, hội thảo, diễn đàn nhưng sự hỗ trợ cần “làm nhiều hơn là nói”. Doanh nghiệp thực sự cần được đối đãi như là những nhà tài trợ cho ngân sách, chứ không phải là người bị gây khó dễ ngay cả câu chuyện đi nộp thuế.

Nhiều người lạc quan rằng có vaccine là mọi thứ sẽ trở lại như bình thường, và kỳ vọng vào mốc thời gian tháng 6. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Chúng ta thường đa số trông chờ vào vaccine, nhưng tôi nghĩ rằng lúc này vaccine mới chỉ là cái “phao” để người ta bấu víu trong mênh mang, vô định. Khi Covid-19 tạo ra những biến thể khác, chủng mạnh hơn khó xử lý hơn thì loài người buộc phải tìm ra vắc xin mới. Nói vậy để thấy rằng chúng ta luôn chạy sau dịch bệnh.

Do đó, người dân và doanh nghiệp cần đối mặt với hiện thực là phải làm quen với việc ra quyết định trong bối cảnh thông tin bị hạn chế, tức chúng có thể thay đổi liên tục. Chẳng hạn như Tết âm lịch vừa rồi, chính dịch bệnh Covid-19 mới quyết định kế hoạch nghỉ Tết của người dân, chứ không phải lịch nghỉ tết của Nhà nước và kế hoạch bản thân mỗi người.

Cũng đừng bao giờ nói rằng: “để hết dịch rồi tính”, mà phải hiểu là dịch không bao giờ hết, nghĩa là phải tính luôn từ bây giờ, sống chung với dịch bệnh. Nếu thái độ ứng xử của người dân và doanh nghiệp lan tỏa theo hướng này, có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Đây cũng chính là một biến số quan trọng trong phương trình tăng trưởng của năm nay.

Vậy theo ông thì một kịch bản tăng trưởng GDP bao nhiêu là khả thi và phù hợp?

Nền kinh tế mất 6 tháng đầu năm để hoạt động cầm chừng thì 6 tháng còn lại phải hoạt động nhanh và mạnh gấp đôi, phụ thuộc vào những biến số khác nhau kể trên. Nhưng chúng ta cũng nên biết rằng một con số cụ thể về tăng trưởng trong bối cảnh có quá nhiều yếu tố bất định là điều không có nhiều ý nghĩa.

Người dân họ chỉ quan tâm đến vấn đề thực tiễn trong cuộc sống như vật giá leo thang, hôm nay có khu nào phải giãn cách xã hội hay không, lãi suất thấp thì đầu tư ở đâu, những lời hứa của chính phủ về xây dựng cầu, đường,… hơn là con số nào đó dễ gây ảo giác và tạo ra sự hão huyền về triển vọng của nền kinh tế.

Thay vào đó, những yếu tố vô hình hơn trong đại dịch như sự đoàn kết, sức chịu đựng, sự cải thiện về mặt kinh tế xã hội thông qua các hình ảnh cụ thể, nên được truyền thông nhiều hơn để tạo tâm lý tích cực chung cho xã hội, từ đó dẫn tới một kịch bản tăng trưởng chung lạc quan hơn.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Kinh tế Sài gòn Online

 

Chia sẻ