Chăm sóc và phát triển sức khỏe tâm thần bền vững: Từ nhận diện đến hành động tại UEH

16 tháng 09 năm 2024

Với định hướng phát triển Đại học đa ngành và bền vững, UEH hiểu rõ tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần đối với hành trình học tập, làm việc trong cuộc sống. Chính vì vậy, Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) đã tổ chức buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực nhận diện và chăm sóc sức khỏe tâm thần” nhằm giúp sinh viên, viên chức UEH trang bị những kiến thức cần thiết cho việc chăm sóc và duy trì sức khỏe tâm thần khỏe mạnh.

Theo số liệu công bố của Bộ Y Tế năm 2023, tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm thần thường gặp chiếm khoảng 15% dân số (tương đương với khoảng 13,5 triệu người) mắc bệnh. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết sau đại dịch COVID-19, tỉ lệ người dân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng.

Thực trạng này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận diện sớm các dấu hiệu về sức khỏe tâm thần và triển khai những biện pháp can thiệp, chăm sóc phù hợp. Hiểu được điều đó, buổi tọa đàm "Nâng cao năng lực nhận diện và chăm sóc sức khỏe tâm thần" đã được tổ chức và diễn ra vào sáng ngày 11/09/2024 với sự góp mặt của Bác sĩ Phạm Minh Triết, Tiến sĩ tại Trường Nghiên Cứu Tâm Lý, Đại học Quốc Gia Australia.

Buổi tọa đàm đã mang những thông tin hữu ích đến gần 900 người học và viên chức UEH làm quen với các khái niệm tâm lý và sức khỏe tâm thần, cũng như hiểu rõ hơn những dấu hiệu cần quan tâm từ giai đoạn khởi phát.

Với sự hướng dẫn của bác sĩ Phạm Minh Triết, người tham dự đã được tiếp cận một cách dễ hiểu thông qua hình ảnh ẩn dụ "đèn giao thông" - giúp phân biệt mức độ báo động từ nhẹ đến nặng. Trong đó đèn xanh đại diện cho trạng thái tâm thần bình thường, thoải mái; đèn vàng cho thấy dấu hiệu cần chậm lại và xem xét lại tình trạng tâm thần của bản thân; còn đèn đỏ thể hiện mức độ cần chú ý, chủ thể cần dừng lại và tìm sự hỗ trợ. Đây là một cách tiếp cận gần gũi, dễ hiểu, giúp nhận diện và chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách hiệu quả.

Ngoài ra, người tham dự còn được cung cấp kiến thức về những biểu hiện của stress, nguyên nhân gây ra stress, và phân biệt hai loại stress: stress tốt (Eustress) và stress xấu (Distress). Các tình huống đời thường như xung đột với bạn cùng phòng, sức khỏe giảm sút, hoặc điểm học không đạt kỳ vọng đều có thể là nguồn gốc gây stress. Tuy nhiên, hiểu rõ về stress giúp người tham dự dễ dàng nhận biết và điều chỉnh cảm xúc của bản thân một cách hiệu quả hơn.

Thông qua các ví dụ thực tế, UEHers đã hiểu sâu hơn về các bệnh tâm lý thường thấy ở người trẻ như rối loạn lo âu, trầm cảm,... cũng như  đưa ra các phương án phòng ngừa, bảo vệ và duy trì sức khỏe tâm lý khỏe mạnh như các bài tập thư giãn: hít thở chậm, kéo giãn cơ,...

Buổi tọa đàm không chỉ mang đến kiến thức hữu ích mà còn là cơ hội để mỗi cá nhân cởi mở hơn trong việc chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp phải những vấn đề về tâm thần. Hy vọng thông qua buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực nhận diện và chăm sóc sức khỏe tâm thần”, UEHers sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một lối sống lành mạnh, cân bằng giữa học tập, làm việc và cuộc sống cá nhân để giữ cho sức khỏe tâm thần luôn ổn định.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Chia sẻ