Chuyến công tác của đoàn giảng viên Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing (UEH) tại Đài Loan: Gắn kết quốc tế trong giáo dục Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp
13 tháng 01 năm 2020
Từ ngày 08 đến 13/12/2019, đoàn giảng viên trẻ của Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing (Khoa KDQT - Marketing) đã tham gia chương trình 2019 Asia Teacher Maker Camp tại Đại học Quốc Gia Cao Hùng (NKUST) ở Đài Loan. Chương trình này nằm trong khuôn khổ các hoạt động tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực giáo dục khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Khoa.
- UEH trao đổi hợp tác với Đại học Bournemouth (Vương quốc Anh)
- UEH và các đối tác toàn cầu: Định hướng nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp tiếp cận so sánh để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững (SDG)
- UEH tổ chức hội thảo “Đổi mới và Khởi nghiệp bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của mạng lưới học tập Đông Nam Á (Asean Learning Network - ALN)
Trong nhiều năm qua, Khoa KDQT - Marketing đã có nhiều chương trình và hoạt động tích cực để tạo điều kiện phát huy tinh thần Doanh nhân Đổi mới sáng tạo (Entrepreneurship & Innovation), công dân tích cực toàn cầu cho sinh viên, như các hoạt động Winter Camp và Summer Camp trao đổi sinh viên, học phần Service learning SEEDs với các trường đại học đối tác tại Đài Loan và Thụy Sỹ.
Theo định hướng đổi mới trong dạy và học, các giảng viên trẻ của Khoa KDQT - Marketing đã tham dự tuần lễ 2019 Asia Teacher Maker Camp để giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với các giảng viên xuất sắc trong khu vực châu Á về giảng dạy Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo.
Đoàn giảng viên gồm: TS. Đỗ Thị Hải Ninh, ThS. Lê Anh Huyền Trâm, ThS. Hoàng Ngọc Như Ý, ThS. Trịnh Huỳnh Quang Cảnh, và ThS. Phạm Thanh Thúy Vy. Đây là các giảng viên đang phụ trách các học phần Đổi mới sáng tạo (Innovation), khởi nghiệp và những môn học mới của ngành Quản trị Logistic.
Phần lớn các hoạt động của chương trình diễn ra tại First Innovation Lab thuộc trường NKUST tại Cao Hùng. Mở đầu là phần trình bày về hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của PGS. TS. Yu-Chen Wei (Claire), đặc biệt nhấn mạnh vào việc giáo dục để chuyển đổi từ tư duy và hành động của những người tiêu thụ trở thành một thế hệ Maker thay đổi thế giới bằng những tri thức mới.
Tiếp sau đó, phần chia sẻ về Phương pháp tổ chức giảng dạy Design Thinking của GS. Yu Juh Cheng (Jason) mở ra nhiều góc nhìn thú vị về vai trò của quan sát, thấu cảm và những trải nghiệm sống của người học.
Những hoạt động nhóm và phiên thảo luận cùng các giảng viên đến từ các quốc gia Châu Á là một dịp để khám phá những góc nhìn mới trong hoạt động giảng dạy trong bối cảnh đa văn hóa và địa phương hóa, nhấn mạnh trọng tâm vào việc gắn kết quốc tế.
Bên cạnh đó, đoàn giảng viên được tham gia trải nghiệm mô hình lớp học micro-credit của trường NKUST với tên gọi Maker Workshop, nơi sinh viên được tham gia làm ra sản phẩm của riêng mình, nhằm phát huy sự sáng tạo và năng lực học hỏi đổi mới sáng tạo của bản thân.
Các giảng viên trải nghiệm chế tạo xe năng lượng mặt trời -
Một mô hình mẫu của lớp học Micro-credit: Maker
Trong chương trình này, đoàn giảng viên cũng có dịp tham quan và học hỏi các phòng thí nghiệm và ươm tạo công nghệ cao như Smart Store, Smart Logistics, công nghệ in 3D, Trí thông minh nhân tạo và Công viên khoa học AI-Robots.
Tham quan Smart Logistics - Phòng Lab phát triển hệ thống thông tin và phần mềm quản trị kho vận của NKUST
Trí thông minh nhân tạo - Ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt vào quản lý và nghiên cứu hành vi
ThS. Trịnh Huỳnh Quang Cảnh trải nghiệm công nghệ cảm biến nhận diện và mô phỏng hành động của con người tại Science Park AI-ROBOT (Đài Nam)
Cuối chương trình, đại diện của NKUST cùng các thầy cô cũng thảo luận về các hướng trao đổi sinh viên, các cơ hội học bổng và những hoạt động trao đổi giảng viên nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong khu vực Châu Á.
Sau chương trình này, các giảng viên đã lập các kế hoạch lồng ghép đổi mới sáng tạo (Innovation) vào các môn học trong học kỳ đầu 2020, nhằm chuẩn bị cho các sinh viên tư duy và hiểu biết đáp ứng yêu cầu của thế giới kinh doanh sôi động và sáng tạo. Để làm được điều này, cách tiếp cận môn học và phương pháp giảng cũng được đổi mới để tạo môi trường chủ động hơn cho sinh viên, tăng sự gắn kết của sinh viên với việc học tập.
Theo định hướng của Khoa KDQT - Marketing, môn học Global Business Plan sẽ tiếp tục được phát triển thành một môn học khai mở tinh thần doanh nhân, hướng đến một thế hệ sinh viên tự tin và bản lĩnh kiến tạo cuộc sống của chính mình. Song song đó, các kế hoạch giảng dạy sắp tới cũng sẽ giúp sinh viên tiếp cận được những cập nhật mới nhất về ứng dụng công nghệ cao vào quản trị chuỗi cung ứng, quản trị chuỗi bán lẻ và tối ưu hóa hệ thống, thông qua các hoạt động tham quan, kiến tập, học tập qua tình huống và liên kết nghiên cứu.
Chia sẻ sau chuyến đi, TS. Đỗ Thị Hải Ninh bày tỏ mong muốn sinh viên tại UEH sẽ tiếp cận cách tư duy và phương pháp học tập tiên tiến theo đúng thời đại mà không cần đi du học. Đây chính là điều mà Khoa KDQT - Marketing nói riêng và UEH nói chung đã định hướng và nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa ./.
Tin, ảnh: Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing, Phòng Truyền thông và quan hệ công chúng.
Chia sẻ