Đằng sau chiếc áo tốt nghiệp, tôi là ai?

25 tháng 03 năm 2024

Bốn năm Đại học kết thúc, bao hoài bão, mộng mơ tuổi đôi mươi cũng đành nhường chỗ cho những lựa chọn, những dự định cho tương lai ở phía trước. Gap year, đi làm hay học tiếp, hàng vạn câu hỏi cứ thế quẩn quanh trong đầu của mỗi người. Nhưng, liệu khi ta trả lời được những câu hỏi ấy, ta có đang bước đi trên con đường phù hợp với bản thân mình? Một mùa tốt nghiệp đang đến gần, hãy cùng Phòng chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) giải đáp vấn đề này nhé!

Mông lung hậu tốt nghiệp, đâu là nguyên nhân?

Có nhiều lý do khiến sinh viên cảm thấy mơ hồ, vô định sau khi tốt nghiệp. Những lý do đó là gì? Chúng ta hãy cùng nhau phân tích nhé.

Nỗi sợ vô hình: rào cản thành công của người trẻ.

Sống trong một thời đại đạt được nhiều tiến bộ của nhân loại, người trẻ thường gieo vào lòng mình những áp lực không tên. Định nghĩa về “thành công” hay “thất bại” luôn có một lằn ranh hữu hạn khiến nhiều người không dám bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân. Áp lực đó lại vô tình lớn lên trong quá trình trưởng thành, bởi lẽ giờ đây ta phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, phải tự tạo lập sự nghiệp riêng cho bản thân mà không còn được dựa dẫm vào bất cứ ai. Theo nghiên cứu của APA, một trong những nguyên nhân chính gây ra áp lực cho sinh viên và người trẻ là sự chênh lệch giữa mong đợi cá nhân và thực tế xã hội. Xã hội thường đặt ra áp lực cao đối với việc thành công trong các lĩnh vực như học tập, nghề nghiệp, và cuộc sống cá nhân. Sự mong đợi này có thể bao gồm việc đạt được điểm số cao, có nghề nghiệp thành công và cuộc sống gia đình ổn định. Và, những áp lực đó là “thủ phạm” gây ra nhiều nỗi sợ vô hình hằn sâu trong tâm trí chúng ta, khiến chúng ta thật khó để đưa ra các quyết định hệ trọng trong cuộc đời mình.

Khi quá khứ là xiềng xích kìm hãm tương lai.

Quá khứ mờ nhạt, không có nhiều thành tích nổi bật là nút thắt trong lòng nhiều sinh viên sắp ra trường. Chúng ta tự ti và hoài nghi về khả năng của bản thân, cho nên việc đứng giữa ngã ba đường và phải đưa ra lựa chọn cho tương lai khiến ta chần chừ, lo sợ. Bảng điểm kém nổi trội, thành tích ngoại khóa thưa thớt, thiếu kinh nghiệm thực tiễn - những “tảng đá” này cứ chắn ngang con đường tiến bước tới tương lai của nhiều sinh viên sắp ra trường. Quá khứ không mấy tươi sáng ấy luôn là một chiếc bóng quá lớn mà nhiều sinh viên khó lòng thoát ra, tâm trí họ như bị “giam lỏng” bởi chiếc bóng đó, để rồi họ tự ti, hoài nghi về năng lực của bản thân ở hiện tại và bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá ngay trước mắt.

Sinh viên mơ hồ về tương lai hậu tốt nghiệp  (Nguồn: tutinvaodoi.vn)

Đi làm - học tiếp - gap year, lựa chọn hướng đi nào cho riêng mình?

Gia nhập lực lượng lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

Việc đi làm sau khi có tấm bằng cử nhân là một cơ hội tốt giúp chúng ta áp dụng được những kiến thức mà ta có được khi còn ngồi trên giảng đường Đại học, cũng như tích lũy kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới công việc đa dạng. Hơn nữa, việc ta tự chủ tài chính sau khi vừa tốt nghiệp cũng giảm bớt gánh nặng cho các bậc phụ huynh, hay thậm chí là chúng ta có thể góp phần vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của gia đình. Tuy nhiên, đi làm ngay sau khi tốt nghiệp cũng khiến nhiều sinh viên “vỡ mộng” khi cạnh tranh với nhiều ứng viên có thâm niên trong nghề, bởi các doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển các nhân sự có kinh nghiệm, mà sinh viên thì chỉ mới “nằm lòng” những kiến thức thuần lý thuyết.

Tiếp tục nâng cao trình độ học thuật.

Sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên cũng lựa chọn cho mình việc học tiếp lên cao học. Lựa chọn này giúp học viên có cơ hội tiếp xúc với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực họ theo đuổi, tích luỹ được thêm nhiều kiến thức chuyên sâu, nâng cao. Nhưng, cái giá ta phải trả cho lựa chọn này cũng không hề nhỏ. Những người này sẽ thiếu đi kinh nghiệm thực tiễn và gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian và tài chính. Một số người trẻ lầm tưởng rằng việc học tiếp sau khi tốt nghiệp sẽ giúp họ thăng chức nhanh chóng trong công việc, cũng như có được mức lương đáng mong đợi. Tuy nhiên, việc thăng chức còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thiếu đi những “va chạm” cũng là một bất lợi cho những ai “ôm mộng lớn” cho tương lai sau này. Bởi lẽ, việc học tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, chúng ta chỉ nên học khi việc học thực sự giúp ích cho ta trong một số công việc, cũng như khi ta có thể cân bằng giữa việc học cao học và những hoạt động khác trong cuộc sống.

Dành thời gian “giải lao” trước khi gia nhập thị trường sôi động.

Lựa chọn “gap year” tiềm ẩn cả hai mặt ưu và nhược mà các sinh viên cần phải biết trước khi đưa ra quyết định. Trước hết, việc nghỉ ngơi giúp cho sinh viên có thêm thời gian trau dồi chuyên môn và các kỹ năng cần thiết thông qua việc tham gia các hoạt động tình nguyện, học ngoại ngữ hay có cho mình nhiều dự án cá nhân. Bên cạnh đó, lựa chọn này còn mở ra cánh cửa của những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn. Từ đó, sinh viên sẽ có thêm nhiều góc nhìn và tư duy đa chiều về cuộc sống, cũng như khám phá ra thế mạnh của bản thân mình. Tuy nhiên, những người lựa chọn “gap year” sẽ gặp khó khăn trong việc hội nhập lại thị trường lao động. Trong một báo cáo gần đây của NACAC - một tổ chức thường thực hiện các nghiên cứu về xu hướng giáo dục và việc làm, họ đã chỉ ra rằng 25% trong số những sinh viên tham gia gap year gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập vào thị trường lao động sau khi kết thúc kỳ nghỉ. Hơn nữa, không ai có thể đảm bảo kỳ nghỉ đó sẽ đem lại những kinh nghiệm cũng như trải nghiệm đáng mong đợi. Chính vì thế mà gap year cũng cần phải có một sự chuẩn bị kỹ càng hơn bao giờ hết.

Qua đó, ta có thể thấy lựa chọn nào sau khi tốt nghiệp cũng có ưu điểm và nhược điểm của nó. Không có lựa chọn nào là đúng hay sai, chỉ có lựa chọn phù hợp với mỗi người. Vì thế mà các sinh viên cần xem xét nhiều yếu tố trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Sinh viên nên chú trọng điều gì để gạt bỏ lo âu, tự tin dấn bước?

Lắng nghe chính mình.

Để không lạc lối trước muôn vàn lựa chọn, chúng ta cần phải dành một khoảng thời gian thư giãn, cho bản thân cơ hội để nạp thêm năng lượng. Việc hiểu bản thân mình muốn gì, mình là ai thật sự rất quan trọng khi bắt đầu xây dựng sự nghiệp của riêng mình.  Trước hết, chúng ta phải xác định được lĩnh vực nào là sở trường của bản thân? Liệu ta phù hợp với việc nghiên cứu học thuật hay ứng dụng thực tế? Chỉ khi chúng ta cống hiến đúng với những gì chúng ta giỏi và đam mê, ta mới có thể đón nhận những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống này. Bây giờ, bạn có thể nhắm mắt lại, hít thở thật sâu, và nghĩ về hình ảnh của bạn trong năm năm sau. Đó có phải là công việc bạn yêu thích, là lối sống bạn luôn ao ước? Tất cả chỉ có thể tìm ra được đáp án, khi bạn dành thời gian “lắng” lại giữa những bộn bề ngoài kia để có thể hiểu rõ hơn về bạn.

Lập kế hoạch sớm.

Một trong những giải pháp tốt nhất giúp sinh viên tránh khỏi tình trạng mông lung sau khi tốt nghiệp là thiết lập mục tiêu từ sớm. Một bản kế hoạch chi tiết giống như một kim chỉ nam đưa người trẻ đi đúng hướng, từ đó họ có thể xác định được mình muốn gì và khám phá ra được con đường của bản thân. Nếu bạn chưa biết mình sẽ làm gì trong tương lai, bạn có thể nhờ gia đình, thầy cô hay bạn bè tư vấn. Họ luôn có những góc nhìn khách quan về điểm mạnh và điểm yếu của bạn để giúp bạn xác định được hướng đi cụ thể trong tương lai. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tận dụng cơ hội tham gia các hoạt động hướng nghiệp như UEH Sharing – Career Fair để mở ra những “cánh cửa” mới cho bản thân mình. Song, trên hành trình thực hiện những dự định tương lai cũng có đôi lúc có những yếu tố bất ngờ khiến chúng ta đi lạc hướng, vì thế mà ta cần linh hoạt điều chỉnh lại bản kế hoạch khi cần thiết, để không bị rơi vào vòng lặp “mông lung” thêm một lần nào nữa.

Tin tưởng vào bản thân

Có thể bạn đã từng thất bại rất nhiều lần, đã từng sợ hãi, e ngại trước những cuộc thi, hoạt động, nhưng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại. Dù bốn năm Đại học của bạn có nhạt nhoà hay thăng hoa, thì tất cả những khoảnh khắc ở nơi ấy đều xứng đáng được gói ghém, nâng niu và trân trọng. Mỗi khi yếu lòng, bạn chỉ cần nhớ lại hình ảnh nhiệt huyết khi bạn còn là cô cậu tân sinh viên với bao ước mơ, hoài bão, để bạn vẫn có thể tự hào vì mình đã cố gắng, nỗ lực hơn.

Lắng nghe bản thân (Nguồn: YBOX).

Lời nhắn nhủ

Dù câu trả lời cho câu hỏi “tôi là ai?” sau khi tốt nghiệp Đại học của mỗi người là khác nhau, thì chung quy lại mỗi chúng ta đều sẽ hạnh phúc với lựa chọn của mình. Không ai thành công hơn người khác, cũng không ai thất bại hơn người kia. “Thành” hay “bại” đều do suy nghĩ và nội tâm của ta quyết định. Vì thế hãy can đảm tiến bước về phía trước, dù lựa chọn của bạn có là gì - đi làm, học tiếp hay nghỉ ngơi, tất cả đều là một lựa chọn đúng đắn nếu bạn tin tưởng vào khả năng của chính mình. DSA tin rằng bạn luôn là phiên bản duy nhất của chính mình, và một mai, ở một vị trí nào đó, bạn sẽ thật sự tỏa sáng theo cách riêng của bạn.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Tài liệu tham khảo

Đình. (2023, September 6). Lầm tưởng bằng thạc sĩ giúp lên lương, thăng chức. VnExpress. https://vnexpress.net/lam-tuong-bang-thac-si-giup-len-luong-thang-chuc-4650147.html

Mỹ Ly. (2024, March 2). Nhiều cử nhân xin làm công nhân. Báo Lao động. https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-cu-nhan-xin-lam-cong-nhan-1310107.ldo

Trân Trân. (2023, February 22). Ra trường xong vẫn mơ hồ tương lai, liệu có phải “thất bại”? Vietcetera. Retrieved March 15, 2024, from https://vietcetera.com/amp/vn/ra-truong-xong-van-mo-ho-tuong-lai-lieu-co-phai-that-bai

Chia sẻ