[Dự án nghiên cứu GS4 Infra] Buổi tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng tại huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng
04 tháng 12 năm 2024
Ngày 2/12/2024, đội ngũ dự án "Lồng ghép giới vào các công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng" (GS4Infra) đã phối hợp cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung tổ chức buổi tập huấn với chủ đề “Tăng cường năng lực của cộng đồng tại huyện Cù Lao Dung thông qua việc lồng ghép giới vào các công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai”.
Buổi tập huấn tập trung vào các chuyên đề như giới thiệu về phát triển bền vững và tầm quan trọng của hạ tầng trong sự phát triển cộng đồng; phân tích các thách thức môi trường địa phương, bao gồm xâm nhập mặn, ngập lụt và hạn hán, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quyết định phát triển hạ tầng, đảm bảo các nhóm yếu thế được tiếp cận công bằng; cùng các chiến lược và giải pháp nâng cao khả năng chống chịu môi trường và quản lý tài nguyên nước.
Buổi tập huấn trên tàu với sự tham gia của các đại diện đến từ địa phương
ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy (UEH) và TS.Lý Quốc Đẳng điều phối buổi tập huấn
Điểm nổi bật của buổi tập huấn là việc sử dụng phương pháp thảo luận nhóm chủ động thông qua nhiều bài tập tương tác. Cụ thể, tại bài thảo luận số 1 - bài tập vẽ biểu đồ và chỉ ra các công trình thủy lợi quan trọng tại Cù Lao Dung đã giúp cán bộ địa phương và cộng đồng nhận thức được và đưa ra nhiều thách thức cơ hội liên quan đến các công trình tại địa phương như các cống điều tiết thủy lợi (Cống Sáu Chết), cầu Đại Ngãi, cầu Đại Ngãi 2, các Bến Phà (bến phà Vàm Long Phú, bến phà Đại Ngãi, bến phà Kênh Ba,...), công trình đê biển tả hữu, đường tỉnh và đường quốc lộ. Tại bài thảo luận số 2, bằng việc đóng vai các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong cộng đồng, bao gồm (nhóm người có thu nhập thấp, nhóm dân tộc thiểu sổ, nhóm người cao tuổi, nhóm phụ nữ và trẻ em), các nhóm đã liệt kê các khó khăn liên quan đến việc tiếp cận các công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai, cũng như các các bất cập trong việc thụ hưởng quyền lợi của các cộng đồng này. Với kinh nghiệm thực tế và khách quan, các nhóm đã đề xuất các giải pháp phù hợp để giảm nhẹ hoặc cải thiện các thách thức đang tồn đọng. Bài thảo luận số 3 với mục đích rèn luyện tư duy và kỹ năng ra quyết định trong việc quy hoạch và phân bố nguồn lực. Đề bài yêu cầu các nhóm phân bố một ngân sách cho trước vào các hạng mục công trình thủy lợi khác nhau như đường giao thông, cống, nạo vét kênh mương và xây dựng cầu. Hầu hết các nhóm đều có chung ý kiến nên dành nhiều ngân sách cho việc xây dựng đường giao thông.
Các nhóm bao gồm cán bộ địa phương và người dân cùng nhau thảo luận
Buổi tập huấn đã nhận được sự tham gia tích cực của các đại diện từ chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và người dân. Qua buổi tập huấn, người tham gia đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hạ tầng thủy lợi đối với đời sống cộng đồng. Đồng thời, cộng đồng cũng hiểu rõ hơn về những thách thức đang đối mặt và các giải pháp khả thi. Các bài tập tương tác đã giúp người tham gia rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phân tích giải quyết vấn đề và cùng nhau đóng góp ý kiến xây dựng để hoàn thiện các kế hoạch phát triển hạ tầng địa phương.
Đội ngũ dự án GS4Infra và người tham gia chụp hình kỉ niệm
---------------------
GS4Infra là một dự án liên ngành được tài trợ bởi Chương trình Mekong Think Tank, với mục tiêu hiểu rõ và đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề nhạy cảm về giới phát sinh trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển khu vực công liên quan đến các cơ sở hạ tầng về nước, năng lượng và biến đổi khí hậu, tập trung vào đê chống lũ, kênh tưới tiêu và cống ngăn mặn. Dự án được chủ nhiệm bởi Ths. Nguyễn Thị Thu Thủy (Đại học Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh); TS. Lý Quốc Đẳng - chuyên gia tư vấn về Giới (Trường Đại học Cần Thơ) cùng điều tra viên đến từ đa dạng chuyên ngành khác nhau như Luật, Xã hội học, và Công nghệ Sinh học.
Tin ảnh: Nhóm Dự án GS4Infra
Chia sẻ