Hướng tới phát triển trung hòa carbon và bền vững, UEH - ISCM tích cực kết nối cùng chính quyền địa phương và các đối tác trong nước và quốc tế
15 tháng 01 năm 2025
Năm 2024, Viện Đô thị Thông minh và Quản lý - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH - ISCM) đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo và nghiên cứu, hợp tác với chính quyền địa phương cùng các đối tác trong nước và quốc tế về hoạch định chính sách, thiết kế và phát triển các thành phố thông minh, bền vững; đồng thời lan tỏa tri thức đến cộng đồng. Những hoạt động này đã khẳng định vai trò của Viện ISCM nói riêng và UEH nói chung trong việc góp phần vào mục tiêu phát triển đô thị và xã hội bền vững tại Việt Nam.
Chuỗi hoạt động Glocal Partnership for Carbon Neutrality 2024
Tổ chức chuỗi hoạt động giáo dục, nghiên cứu, hội thảo… theo chủ đề là một trong những chương trình thường niên của Viện Đô thị Thông minh và Quản lý. Sau thành công của chuỗi sự kiện năm 2023 với chủ đề Carbon Neutrality, năm 2024, ISCM tiếp tục triển khai chuỗi hoạt động quốc tế với chủ đề Glocal Partnership for Carbon Neutrality. “Glocal” chính là việc ứng dụng, tích hợp giữa tư duy liên ngành - xuyên ngành, giải pháp toàn cầu và phương thức tiếp cận “Tư duy toàn cầu - Hành động địa phương” vào từng bối cảnh địa phương cụ thể, thông qua việc hợp tác, đồng sáng tạo với các đối tác trong và ngoài nước.
Trong năm 2024, ISCM đã tiếp tục thực hiện các hoạt động giảng dạy, học thuật, ngoại khóa và các nghiên cứu nhằm đề xuất các giải pháp góp phần thực hiện hóa mục tiêu trung hòa carbon, thúc đẩy và thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững tại các khu vực ở Việt Nam và thế giới, đóng góp vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của đất nước.
Cuộc thi Thiết kế Quốc tế lần 3: Reimagining Cities towards Carbon Neutrality - Nơi tập hợp các đề xuất sáng tạo để biến Bắc Phước Thắng thành một đô thị Trung hòa Carbon
Cùng với sứ mệnh nuôi dưỡng và ươm mầm các giải pháp xây dựng thương hiệu thành phố thông minh và trung hòa Carbon, Cuộc thi Thiết kế Quốc tế lần 3: Reimagining Cities towards Carbon Neutrality đã được tổ chức, tạo ra môi trường quốc tế cởi mở, khuyến khích sinh viên từ nhiều ngành liên quan đến đô thị trên toàn thế giới phát triển các phương án thiết kế, quy hoạch cho khu vực Bắc Phước Thắng trở thành một khu đô thị kiểu mới, bền vững và đặc biệt giảm được phát thải Carbon.
Cuộc thi được công bố và nhận đăng ký tham gia từ tháng 4 năm 2023, thu hút hơn 400 sinh viên đại học đến từ các lĩnh vực Kiến trúc, Thiết kế, Quy hoạch Đô thị và các ngành học khác trên toàn cầu. Thành công của cuộc thi phần lớn nhờ vào sự phối hợp của UEH, Ủy ban Nhân dân TP. Vũng Tàu và các đối tác là các trường đại học, doanh nghiệp quốc tế. Tiếp nối thành công này, Cuộc thi Thiết kế Quốc tế lần 4 hứa hẹn sẽ trở thành một điểm sáng của chuỗi các hoạt động năm 2025, khi tiếp tục liên kết với chính quyền địa phương để cùng tổ chức.
Ông Vũ Hồng Thuấn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũng Tàu tham quan triển lãm cùng các thí sinh thuộc TOP 15 của cuộc thi
Hội thảo Phát triển Thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế
Hội thảo đã báo cáo Đề án “Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế” hướng tới trung hòa carbon do nhóm nghiên cứu UEH thực hiện theo thỏa thuận với UBND Thành phố Vũng Tàu, nhằm mục đích đề xuất chiến lược và lộ trình thực hiện cho thành phố từ nay đến năm 2050. Tại chương trình, các chuyên gia đã đưa ra kết quả nghiên cứu, cũng như các chia sẻ về đa dạng các lĩnh vực, trải dài từ Kiến trúc, Thiết kế, Quy hoạch Đô thị, Cảnh Quan, Kinh tế Đêm, và Truyền thông Hình ảnh thành phố.
Lãnh đạo, đại diện các sở ban ngành, phường xã, cùng các giáo sư, chuyên gia tham dự hội thảo
Hội thảo: “Dự án cải tạo Cảng Khánh Hội: Các yếu tố tạo nên sự thành công”
Ngày 19/09/202419, tại cơ sở B – UEH, Hội thảo: “Dự án cải tạo Cảng Khánh Hội: Các yếu tố tạo nên sự thành công” đã được UEH - ISCM, tổ chức ADEME trực thuộc Bộ Chuyển đổi sinh thái và Liên kết vùng (Pháp) cùng Công ty Terao Asia (Singapore) phối hợp thực hiện. Dự án cải tạo cảng Khánh Hội là một trong những dự án phục vụ nhu cầu và định hướng phát triển của thành phố, môi trường, thương mại, di sản du lịch và cảng. Đây cũng là một trong sáu mục tiêu nằm trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ ký giữa Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh và tổ chức ADEME. Trong đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cam kết tái phát triển cảng Khánh Hội như một phần trong các kế hoạch phát triển chiến lược của hành lang sông Sài Gòn.
Hội thảo đã chia sẻ, thảo luận và đánh giá các yếu tố liên quan đến việc phát triển cảng thông qua việc trình bày, phân tích các yếu tố về kỹ thuật hạ tầng, môi trường, kinh tế - xã hội, tài chính, chính sách liên quan đến việc quy hoạch và phát triển khu vực cảng.
Chuyên gia của ISCM trình bày tại hội thảo cải tạo cầu Khánh Hội
Trại hè Quốc tế Vươn tầm Đô thị 2024 với chủ đề “Tiếp cận Thông minh: Nền tảng Đồng Sáng tạo và Giải pháp Thuận tự nhiên cho Cam Lâm, Khánh Hòa”
Cuối tháng 7/2024, Viện ISCM phối hợp cùng Đại học Handong Global (Hàn Quốc), Đại học Ngurah Rai (Indonesia), Đại học KU Leuven (Bỉ), và Đại học Trieste (Ý), cùng với sự hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), tổ chức Trại hè Quốc tế Vươn tầm Đô thị (Urban Beyond the Urban - UBU) 2024 tại Cam Lâm - Khánh Hòa. Đây là hành trình đi tìm đáp án để giữ gìn mảng xanh hiện hữu và phủ xanh mảng xám ở khu vực giàu tiềm năng này. Chương trình đã nhận được sự quan tâm và gắn bó của gần 30 bạn trẻ đến từ Việt Nam, Hàn quốc và Indonesia, để lại nhiều dấu ấn trên hành trình kết nối tri thức giữa sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Toàn cảnh buổi thuyết trình cuối trại hè với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Ý, Bỉ, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam cùng Ủy ban Nhân dân Cam Lâm
Lan tỏa tri thức, nghiên cứu vì cộng đồng, UEH - ISCM tiếp tục khẳng định vai trò ở lĩnh vực phát triển đô thị thông minh
Xuyên suốt năm 2024, các chuyên gia của Viện Đô thị Thông minh và Quản lý đã được mời tham gia và trình bày các nghiên cứu tại các hội thảo khoa học và diễn đàn liên quan đến thiết kế, phát triển đô thị thông minh và bền vững trong và ngoài nước. Từ các giải pháp quy hoạch, thiết kế đô thị của một khu vực Việt Nam, đến phương hướng hoạch định các chính sách phát triển thông minh, cùng với các chính sách của mình; ISCM nói riêng và UEH nói chung tự hào về sự phát triển không ngừng và ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong việc xây dựng và định hình tương lai đô thị thông minh tại Việt Nam.
Diễn Đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12 tại Cairo, Ai Cập với chủ đề “Nhà là nơi bắt đầu: Hành động địa phương vì các thành phố và cộng đồng bền vững”
Từ ngày 04-08/11/2024, UEH - ISCM đã tham gia chuỗi hoạt động tại Diễn đàn Đô thị Thế giới 12 (World Urban Forum - WUF12) diễn ra ở Cairo, Ai Cập. WUF là sự kiện quốc tế lớn nhất về đô thị, quy tụ các nhà lãnh đạo, chuyên gia và các bên liên quan từ khắp nơi trên thế giới để cùng thảo luận về các vấn đề của đô thị như: tình trạng đô thị hóa nhanh và tác động của nó đối với cộng đồng, thành phố, kinh tế, hay chính sách về biến đổi khí hậu.
Đại diện UEH trong phiên thảo luận Quy hoạch đại đô thị trong kỷ nguyên công nghệ số
Tham gia diễn đàn, TS. Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện Đô thị Thông minh và Quản lý, cùng với các chuyên gia, đại diện cơ quan ban ngành và các tổ chức phi chính phủ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hàn Quốc, Bỉ, Mexico và Nepal đã được mời tham dự hai phiên thảo luận: “Hành động địa phương hướng đến sự phát triển đô thị bền vững” và “Quy hoạch đại đô thị trong kỷ nguyên công nghệ số”. Trong phiên đầu tiên, UEH đã chia sẻ quan điểm về vai trò của quy hoạch trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường, nhấn mạnh tầm quan trọng của nền tảng đồng sáng tạo và sự cần thiết của hợp tác đa ngành và các chính sách hỗ trợ nhằm xây dựng môi trường sống bền vững. Ngoài ra, UEH cũng chia sẻ chiến lược phát triển kinh tế - du lịch - nghệ thuật cộng đồng xã Tam Thanh, tỉnh Quảng Nam, một hoạt động trong khuôn khổ của chương trình “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam”. Tại phiên thứ hai, UEH đề xuất các sáng kiến và chia sẻ các kinh nghiệm áp dụng công nghệ thực tế nhằm tăng cường và thúc đẩy các phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
Diễn đàn Đô thị Việt Nam 2024 với Giải pháp Quy hoạch Bền vững cho Tam Thanh, Tam Kỳ
Nhằm hưởng ứng Ngày Đô thị hóa thế giới và hướng tới chủ đề Kỳ họp thứ 12 của Diễn đàn Đô thị Thế giới đang diễn ra tại Thủ đô Cairo - Ai Cập; ngày 8/11, đại diện nhóm thiết kế của Viện Đô thị Thông minh và Quản lý (ISCM) - ThS. Đặng Thế Hiển đã tham gia chia sẻ tại Diễn đàn Đô thị Việt Nam 2024 do Bộ Xây dựng tổ chức về chủ đề “Lồng ghép Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trong quy hoạch địa phương: Trường hợp của quy trình quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng tại xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ.” Đây là một dự án hợp tác giữa ISCM và UN-Habitat, chính quyền cùng người dân thành phố Tam Kỳ, dưới sự tài trợ của Liên bang Thụy Sĩ.
Đại diện ISCM trình bày bài báo cáo
Hội thảo Khoa học “Các giải pháp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong xây dựng đô thị thông minh”
Chiều ngày 23/10/2024, đại diện UEH - ISCM, TS. Trịnh Tú Anh - Viện trưởng đã có bài chia sẻ với chủ đề “Chuyển đổi số trong xây dựng Đô thị Thông minh tại TP. Hồ Chí Minh” tại Hội thảo Khoa học “Các giải pháp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong xây dựng đô thị thông minh” do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ phối hợp với Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tổ chức, với sự đồng hành từ Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ Các nhà khoa học trẻ TP. Hồ Chí Minh. Bài chia sẻ đưa ra các phân tích về khái niệm nền tảng của Chuyển đổi số, chiến lược phát triển Đô thị thông minh bền vững trong thời đại công nghiệp 4.0. Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia thành công trên thế giới và bối cảnh hiện tại của TP. Hồ Chí Minh, TS. Trịnh Tú Anh và nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp cụ thể dành cho chiến lược phát triển tương lai của thành phố.
TS. Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và Quản lý UEH chia sẻ chuyên đề “Chuyển đổi số và Xây dựng đô thị thông minh tại TP. Hồ Chí Minh: Thực trạng và Giải pháp”
Bên cạnh đó, một số sự kiện khác có thể kể đến bao gồm: Workshop quốc tế Hướng tới Cộng đồng Giao thông Bền vững ở Đông Nam Á (tổ chức bởi ĐH Thammasat Thái Lan, ĐH Trisakti Indonesia) với sự tham gia của ThS. Phạm Nguyễn Hoài; Buổi chia sẻ về chủ đề “Kiến trúc Thụ động - Tái kết nối Con người và Thiên nhiên” ( tổ chức bởi The Too Blue Scientist và Hoà Mình Club) với sự tham gia của TS. Huỳnh Văn Khang; hay sự tham gia của ThS. Trần Thị Quỳnh Mai và ThS. Phạm Nguyễn Hoài ở Khóa học Tận dụng Tiềm năng Du lịch Sinh thái - Văn hóa để Phát triển Kinh tế Địa phương (Eco-cultural Tourism for Local Activation) do UN-Habitat và Trung tâm Đào tạo Quốc tế về Đô thị tổ chức.
Ở mảng giáo dục, ISCM cũng tích cực hợp tác cùng địa phương và các đối tác quốc tế và lồng ghép yếu tố trung hòa carbon vào các đồ án và môn học. Trong đó có thể kể đến môn học Tham quan Đô thị của khóa 48 chương trình Kiến trúc và Thiết kế Đô thị Thông minh với chủ đề Cities on the pioneering path: Innovative steps towards Carbon Neutrality, là cơ hội để các bạn sinh viên tham quan thực tế các công trình công cộng được xây dựng với các đảm bảo yếu tố trung hòa carbon, hay Đồ án Thiết kế cảnh quan có khả năng tự phục hồi của K47 và K48 đặt mục tiêu nghiên cứu và tìm hiểu các giải pháp để tái cấu trúc các hình thái chưa phù hợp của hệ thống cảnh quan tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Sinh viên ISCM tham quan Viện Nghiên cứu và phát triển tri thức số, thuộc khuôn khổ môn học Tham quan Đô thị 2024
Thiết kế cảnh quan có khả năng tự phục hồi của K47 và K48
Năm 2024 là một hành trình mà UEH - ISCM đã không ngừng phát triển, kết nối và hợp tác với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, và các đơn vị giáo dục trong và ngoài nước để cùng hướng tới phát triển bền vững và trung hòa carbon. Năm 2025, đánh dấu chặng đường 5 năm của ISCM, hứa hẹn sẽ là một năm tiếp tục phát huy những mối liên kết này, hình thành một khối đoàn kết để cùng hướng tới một đô thị bền vững trong tương lai.
Tin, ảnh: Viện Đô thị Thông minh và Quản lý
Chia sẻ