Quan tâm đến sức khỏe tinh thần, sẽ đơn giản hơn khi…

24 tháng 01 năm 2022

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 25% dân số rơi vào tình trạng stress và có sự phổ biến cao trong nhóm các bạn sinh viên. Các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể của số người mắc các hội chứng liên quan đến trầm cảm, chủ yếu là học sinh, sinh viên với 2 nguyên nhân lớn nhất là áp lực học tập và sự kỳ vọng của gia đình. Có thể thấy, sức khỏe tinh thần của sinh viên Việt Nam đang ngày càng báo động bởi những vấn đề tiêu cực, áp lực từ bạn bè, người thân, cuộc sống,... Tuy sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân, nhưng họ lại chưa quan tâm đến vấn đề này một cách đầy đủ. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và học cách quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình nhé!

Theo báo cáo của UNICEF, có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên tại Việt Nam gặp phải các vấn đề về tâm lý, tinh thần nhưng sự can thiệp của y tế cũng như các hỗ trợ cần thiết chỉ tiếp cận được khoảng 20% trong tổng số. Theo một khảo sát được thực hiện trên địa bàn TP. HCM cho thấy rằng, 6% dân số bị mắc chứng trầm cảm và có xu hướng trẻ hóa với sự gia tăng số người mắc trong độ tuổi từ 15 - 27 tuổi. Thực trạng trên cho thấy vấn đề về sức khỏe tinh thần là vô cùng quan trọng và cần được chú trọng hơn, nhất là trong môi trường học đường, nơi các bạn trẻ dành phần lớn thời gian để học tập, trải nghiệm, sinh hoạt.

Những thử thách sinh viên thường phải đối mặt

 

Trở thành sinh viên đã khó, “làm sinh viên” còn khó hơn (Ảnh: Sưu tầm)

Môi trường đại học khác nhiều so với các môi trường học đường trước đó. Đây là môi trường đề cao sự tự do, chủ động và ý thức cá nhân của mỗi bạn sinh viên. Chắc hẳn rằng, rất nhiều sinh viên năm nhất đã từng nuôi trong mình những viễn cảnh rất đẹp rằng sẽ có thêm những người bạn mới ở khắp mọi miền đất nước, nhận được học bổng hằng năm, là một sinh viên tích cực trong các hoạt động, xuất sắc trong học tập,... Tuy nhiên, đối mặt với thực tế, nhiều bạn đã thật sự bị sốc bởi sự đa dạng vùng miền đôi khi lại dẫn đến việc xa cách hơn, việc hòa nhập với mọi người không đơn giản như tưởng tượng,… Theo IPO, Một số khó khăn trong tâm lý có thể xảy ra với sinh viên có thể chia thành 2 vấn đề chính sau đây:

Vấn đề về tập thể, văn hóa và các mối quan hệ

Môi trường đại học đề cao tinh thần tập thể và khả năng tự thích nghi của mỗi người. Tuy nhiên đây không phải là điều dễ dàng với một số bạn sinh viên, họ có thể gặp các vấn đề như:

●       Phân biệt đối xử

●       Mặc cảm về hoàn cảnh gia đình, ngoại hình

●       Các vấn đề về gia đình hay các mối quan hệ trong tập thể

●       Các vấn đề liên quan đến tình dục

●       Các quyết định về việc tham gia các tổ chức, tập thể mới

●       Các cảm xúc trong quá trình học tập và sinh hoạt tại trường: vui buồn, ghen tị, tự ti,...

Trên đây chỉ là một số vấn đề cơ bản trong vô số các chủ đề mà sinh viên có thể gặp phải trong quá trình định hướng và hiểu về chính mình. Với một môi trường hoàn toàn mới, sinh viên rất dễ rơi vào cảm giác mặc cảm trong một môi trường lại có quá nhiều vùng miền khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Đôi khi chính những sự khác biệt này dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử ở một số cá nhân có lối sống không lành mạnh. Từ đó, kéo theo rất nhiều hệ quả ảnh hưởng đến kết quả học tập và sức khỏe tinh thần của các sinh viên.

Vấn đề về sức khỏe tâm lý dựa trên DSM-5 và ICD-10

Ngoài các vấn đề thường gặp trên, sinh viên còn có thể gặp phải những rối loạn tâm lý được chẩn đoán dựa trên DSM-5 (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần) và ICD-10 (Phân loại bệnh quốc tế, sửa đổi lần thứ 10) sau đây:

●       Rối loạn trầm cảm (depressive disorders)

●       Rối loạn lo âu (anxiety disorders)

●       Rối loạn thích nghi (adjustment disorders)

●       Rối loạn ăn uống (feeding and eating disorders)

●       Rối loạn liên quan đến chất gây nghiện (substance-related and addictive disorders)

●       Tự gây thương tích (nonsuicidal self injury)

●       Rối loạn hành vi tự sát (suicidal behavior disorders)

Bên cạnh đó, trong suốt hai năm qua, “nỗi lo về dịch bệnh” đã có những ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần của nhóm đối tượng này. Theo báo Lao động, nhiều sinh viên rơi vào tình trạng trầm cảm trong những đợt điểm đỉnh dịch khiến thành phố phải tạm đóng cửa, cuộc sống sinh hoạt của sinh viên gói gọn trong các căn trọ nhỏ với những nỗi lo về bệnh tật và khoảng cách với gia đình.

Có thể thấy, sức khỏe tinh thần của thanh niên đang ngày càng phải đối mặt với quá nhiều thử thách. Vậy bạn có nằm trong số đó, cảm giác bất lực, ngổn ngang và trống rỗng có đang bủa vây lấy bạn không?

Đôi khi vấn đề này thật khó nói…

Cũng giống như những cơn đau khác, sự tổn thương về khía cạnh tinh thần kéo dài có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến học tập và đời sống của sinh viên. Nhưng tại sao mọi người có vẻ ngần ngại khi được đề nghị đến gặp các chuyên gia  tâm lý hay bác sĩ tâm thần? Có lẽ cụm từ “tâm thần” hay “bệnh tâm thần” đã ảnh hưởng đến suy nghĩ và quyết định của rất nhiều người, họ thường chọn cách im lặng vì không muốn nhận lại ánh mắt dè bỉu, tiêu cực vì cụm từ có vẻ như “bất bình thường” như thế. Nhất là đối với những bạn trẻ, luôn mang trong mình lòng tự tôn to lớn. Và vấn đề nào cũng có hai mặt, khi những tổn thương về tinh thần ngày càng lớn, việc nói ra cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. 

Nhiều điều mình khó nói, biết giải bày cùng ai?

Làm cách nào để các vấn đề tâm lý được cải thiện?

Các vấn đề về tâm lý nên được nhận ra và tìm hiểu, giải quyết một cách sớm nhất, hạn chế sự tích tụ của những tổn thương và học cách chữa lành. Vậy, bạn có thể bắt đầu từ đâu?

Dành thời gian cho chính mình

Yêu thương chính mình là tình yêu quan trọng nhất

Với nhiều người, những khoảng lặng cho chính mình là cần thiết để tự nhìn lại, đánh giá và tự tìm hướng giải quyết. Việc dành thời gian cho chính mình giúp chúng ta cải thiện sự tập trung, tăng khả năng đồng cảm, cải thiện mối quan hệ với chính mình và mọi người,... Đây cũng chính là khoảng thời gian để bạn lắng nghe lại chính mình, từ đó hiểu hơn về bản thân và bình tĩnh đưa ra hướng giải quyết cho chính mình. Vì suy cho cùng, chính bạn mới là người hiểu bạn nhất.

Dù đi xa đến đâu, gia đình vẫn luôn chờ đợi

Người thân luôn là chỗ dựa lớn nhất

Gia đình, bạn bè, người thân chính là những người mà chúng ta dễ dàng chia sẻ nhất. Đó là những người quan tâm, yêu thương chúng ta, hay từng trải qua những vấn đề tương tự mà chúng ta tin tưởng để chia sẻ. Bên cạnh đó, khi chia sẻ, bạn cũng nhận được lời khuyên từ mọi người ở các khía cạnh khác nhau giúp bạn giảm cảm giác áp lực, lạc lõng và có thể tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho mình. Theo trang Sức khỏe cộng đồng, tạp chí TW của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, dựa trên kết quả tổng hợp từ 150 nghiên cứu thực hiện trên 300.000 người, những người có nhiều mối quan hệ và biết cách chia sẻ sẽ có sức khỏe và tuổi thọ cao hơn so với những người khép kín. Việc lắng nghe, chia sẻ, tâm sự không chỉ giúp bạn thoải mái về tinh thần mà còn giúp cải thiện mối quan hệ với mọi người. Vì thế, bạn hãy chủ động chia sẻ, tâm sự, gắn kết với mọi người xung quanh nhé.

Hãy để DSA trở thành người bạn sẻ chia

Hãy để DSA giúp bạn, tưới mát những tâm hồn xanh

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tìm được những người có thể chia sẻ. Hoặc đôi khi, bạn ngại ngùng khi phải chia sẻ với những người thân quen về một vài vấn đề nào đó. Hay đơn giản là những áp lực xuất phát từ trường lớp rất khó được giải quyết bởi các cá nhân bên ngoài. DSA vẫn luôn ở đây để lắng nghe bạn và giúp bạn vượt qua những vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Với đội ngũ tư vấn viên nhiều kinh nghiệm cũng như luôn mong muốn cải thiện môi trường học tập, giúp sinh viên học tập và phát triển tốt hơn, DSA mong rằng sẽ nhận được sự tin tưởng của sinh viên. Để có thể kết nối với các tư vấn viên của DSA, bạn có thể truy cập vào website: https://dsa.ueh.edu.vn/hoat-dong-tu-van/ và điền form đăng ký để được hỗ trợ nhé.

Đội ngũ DSA luôn sẵn sàng chia sẻ cùng bạn trên chặng đường học tập tại UEH

Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi tin nhắn ẩn danh cho DSA thông qua box chat của website. Vì DSA hiểu rằng, mỗi người sẽ có những suy nghĩ khác nhau, mỗi chúng ta cũng có cách bày tỏ và thể hiện khác nhau. Chính vì vậy, DSA mong rằng sự hỗ trợ này có thể giúp cho sinh viên UEH có thể dễ dàng bày tỏ cảm xúc để hạn chế được các vấn đề về sức khỏe tâm lý và học tập thật tốt, có nhiều kỷ niệm đẹp tại UEH.

Với tinh thần hết lòng vì người học, DSA sẽ luôn là chỗ dựa đáng tin cậy cho các bạn sinh viên, vì:

●       DSA mang trong mình sứ mệnh kết nối người học với các nguồn lực trong và ngoài trường được thực hiện bằng sự tận tâm, chia sẻ và chu đáo;

●       DSA đảm bảo tính công bằng cũng như vấn đề bảo mật thông tin cho tất cả người học trong việc chăm sóc và hỗ trợ khi học tập tại trường;

●       DSA luôn mong muốn nhận được sự chia sẻ của người học để có thể tiếp tục hoàn thiện và giúp đỡ các bạn sinh viên nhiều hơn nữa.

Đến đây, DSA hy vọng các  bạn  sinh  viên quan  tâm đến sức khỏe tinh thần của  bản  thân cũng  như  những  người  xung  quanh nhiều hơn, nhận thức và nâng  cao  tầm  quan  trọng  của  sức  khỏe  tinh thần trong cuộc sống, góp  phần  xây  dựng  một  môi  trường  học  tập  lành mạnh và phát triển nhé.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

Chia sẻ