Tháng hành động vì An toàn thực phẩm 2025
15 tháng 04 năm 2025
Từ ngày 15/4/2025 đến 15/5/2025, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) tham gia chiến dịch Tháng hành động vì An toàn thực phẩm với chủ đề: “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Chiến dịch giúp nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn, chế biến, và sử dụng thực phẩm một cách chủ động và có trách nhiệm. Không chỉ đơn thuần là việc ăn uống hằng ngày, an toàn thực phẩm còn là một phần thiết yếu trong hành trình sống khỏe, sống tích cực và xây dựng một môi trường học đường khỏe mạnh và bền vững.
- UEH thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025 và 2025 - 2030
- Chính thức khai mạc UEH Sharing & Giving - Career Fair 2025: Mở rộng hành trình kết nối cộng đồng, lan tỏa tri thức và hành động bền vững
- 14 Sáng kiến UEH 2021 - Bước chuyển mình từ phát triển đến hành động bền vững (Phần 3)
Nguy hiểm luôn rình rập gõ cửa khi ta chủ quan với thực phẩm
Với lịch học và làm việc dày đặc, chúng ta đôi khi buộc phải ăn nhanh, ăn vội. Tuy nhiên, chính những bữa ăn đó lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu lựa chọn thực phẩm không đảm bảo.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 600 triệu người (tương đương gần 1/10 dân số thế giới) mắc bệnh do ăn phải thực phẩm không an toàn. Trong đó, gần 420.000 người tử vong, phần lớn là trẻ em và người trẻ tuổi. Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm với hàng nghìn ca nhập viện.
Để giảm thiểu nguy cơ này, WHO đã khuyến nghị 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm mà mỗi người cần ghi nhớ và áp dụng:
- Chọn thực phẩm an toàn: Ưu tiên thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc. Rau, quả ăn sống cần được rửa kỹ, ngâm bằng nước sạch và nên gọt vỏ trước khi ăn.
- Nấu chín kỹ thức ăn: Bảo đảm thực phẩm đạt ít nhất 70°C ở tâm điểm.
- Ăn ngay sau khi nấu: Càng để lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao.
- Bảo quản đúng cách thực phẩm đã nấu: Nếu để quá 5 giờ, cần giữ nóng >60°C hoặc lạnh <10°C.
- Nấu lại thức ăn thật kỹ trước khi dùng lại, nhất là nếu để lâu.
- Tránh ô nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và chín, không dùng chung dao, thớt hoặc bề mặt chế biến.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến và sau khi bị gián đoạn công việc. Nếu có vết thương, cần che kín.
- Giữ sạch khu vực và dụng cụ chế biến: Khăn lau, thớt, dao… cần được vệ sinh thường xuyên.
- Che đậy thực phẩm đúng cách để tránh côn trùng, bụi bẩn.
- Sử dụng nước sạch an toàn để nấu ăn, pha chế, làm đá uống.
Sự cẩn trọng trong từng lựa chọn thực phẩm không chỉ là hành động bảo vệ sức khỏe cá nhân, mà còn là biểu hiện của lối sống có trách nhiệm và ý thức cộng đồng. Mỗi thói quen tốt chính là một bước tiến vững chắc trong việc phòng ngừa bệnh tật.
Chọn đúng thực phẩm – Chọn một cơ thể khỏe mạnh
Khi bạn sống trong một môi trường mà thức ăn nhanh luôn hiện hữu, từ hàng quán gần trường đến các app giao đồ ăn tiện lợi, việc duy trì một chế độ ăn sạch và lành mạnh thật sự là một thử thách. Thế nhưng, đôi khi chỉ cần những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo nên khác biệt lớn.
Hãy bắt đầu từ việc ưu tiên nước lọc hoặc trà thảo mộc thay vì nước ngọt có ga. Thay vì sử dụng carbs tinh chế như bánh mì trắng, bánh ngọt hay pizza, bạn có thể chuyển sang các loại ngũ cốc nguyên hạt để cung cấp năng lượng bền vững hơn. Nếu có điều kiện, hãy dành thời gian nấu ăn tại nhà. Điều này không chỉ kiểm soát được nguyên liệu, mà còn giúp bạn hiểu rõ hơn về những gì mình đang đưa vào cơ thể.
Bên cạnh đó, hạn chế các món chiên rán, nhiều dầu mỡ, và ưu tiên trái cây tươi theo mùa thay vì nước ép đóng chai nhiều đường. Việc giảm tiêu thụ thịt đỏ và các loại thịt chế biến sẵn (vốn có hàm lượng muối cao), đồng thời tăng cường protein lành mạnh từ trứng, đậu phụ, cá và các loại hạt… cũng là một phần quan trọng trong hành trình ăn uống sạch và sống khỏe mỗi ngày.
Sinh viên UEH tự chuẩn bị bữa ăn, hợp khẩu vị, đủ dưỡng chất
Cách nhận biết các thực phẩm sạch:
- Nguồn gốc rõ ràng và chứng nhận an toàn: Khi mua thực phẩm nên kiểm tra bao bì sản phẩm để xem có các chứng nhận hay không. Nếu không có thông tin về chứng nhận an toàn, có thể tìm đến các cửa hàng hoặc cơ sở uy tín để lựa chọn thực phẩm.
- Quan sát màu sắc, hình dáng và kích cỡ: Thực phẩm sạch thường có màu sắc tự nhiên, không quá bóng bẩy hay đồng đều. Rau củ có thể không đều về kích thước nhưng tươi và không có dấu hiệu phun thuốc. Trái cây sạch thường màu nhẹ, có thể hơi thâm hoặc không hoàn hảo – đó là dấu hiệu của sản phẩm không qua xử lý hóa học.
- Cảm nhận khi sờ, ngửi và nếm: Một mẹo đơn giản khác để nhận biết thực phẩm sạch là dựa vào cảm giác khi sờ, ngửi và nếm. Rau sạch thường giòn, không mềm nhũn hay quá ướt. Trái cây sạch có thể hơi sần, không bóng bẩy. Thịt và cá sạch không có mùi hôi lạ; khi nấu lên có mùi thơm tự nhiên, màu sắc tươi và không bị đổi màu.
- Không có dư lượng hóa chất: Dù rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến, nhưng vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn dư lượng hóa chất nếu chúng được sử dụng trong quá trình trồng trọt hay bảo quản. Do vậy, để giảm thiểu rủi ro khi mua phải thực phẩm có hóa chất này, chúng ta nên mua thực phẩm có chứng nhận hữu cơ hoặc an toàn thực phẩm.
- Lựa chọn nơi mua hàng uy tín: Mua thực phẩm từ những cửa hàng, siêu thị hay chợ uy tín, chuyên cung cấp thực phẩm sạch là một cách giúp đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, tại một số chợ truyền thống, nếu chúng ta chọn đúng người bán thì cũng có thể mua được những thực phẩm sạch. Tuy nhiên, hãy luôn hỏi rõ về quy trình sản xuất và bảo quản của các sản phẩm nhé.
- Thực phẩm chế biến sẵn, cẩn thận với phụ gia: Những thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, thực phẩm ăn liền có hàm lượng muối cao và bảo quản bằng phụ gia. Hạn chế tiêu thụ các sản phẩm chế biến sẵn, thay vào đó hãy lựa chọn thực phẩm tươi sống và tự chế biến tại nhà.
- Kiểm tra hạn sử dụng và điều kiện bảo quản: Thực phẩm sạch thường có thời hạn sử dụng ngắn hơn so với thực phẩm có chứa chất bảo quản. Luôn kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm và bảo quản đúng cách để đảm bảo thực phẩm vẫn giữ được độ tươi ngon và an toàn.
Sinh viên UEH lựa chọn các khu vực căn tin vệ sinh sạch sẽ làm điểm ăn uống
Gợi ý bạn các thực phẩm tốt cho tiêu hóa, làn da và sức khỏe tinh thần:
- Ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, yến mạch, diêm mạch…): giàu chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa, phòng ngừa táo bón.
- Quả bơ: giàu vitamin E và C, giúp bảo vệ da khỏi oxy hóa, dưỡng ẩm tự nhiên.
- Cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ…): chứa omega-3, hỗ trợ tim mạch và giảm căng thẳng.
- Trái cây tươi (chuối, cam, táo, nho…): cung cấp vitamin C, tăng đề kháng, làm sáng da.
- Sữa chua: bổ sung lợi khuẩn, cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
- Socola đen: giàu flavonoid giúp làm dịu hệ thần kinh, cải thiện tâm trạng.
- Khoai lang: chứa beta-carotene, bảo vệ da, hỗ trợ hệ tiêu hóa.
- Rau củ quả tươi (cà chua, bông cải, ớt chuông…): giàu vitamin A, C, chống viêm, làm sáng da.
- Các loại hạt (óc chó, hạnh nhân, hướng dương…): giàu dưỡng chất tốt cho não bộ và cảm xúc, nên ăn điều độ.
Tháp dinh dưỡng hợp lý cho người trưởng thành. Nguồn: Bộ y tế (Viện dinh dưỡng)
Vệ sinh cá nhân
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ là hành động đơn giản nhưng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc phòng ngừa các bệnh truyền qua thực phẩm. Báo cáo của Centers for Disease Control and Prevention – CDC (2022) cho thấy, rửa tay bằng xà phòng có thể giảm tới 40% nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy và giảm tới 21% nguy cơ nhiễm trùng hô hấp cấp.
Việc giữ tay sạch, không dùng tay bẩn trực tiếp chạm vào đồ ăn, giữ vệ sinh vật dụng cá nhân và khu vực ăn uống là những hành động cần thiết nên được thực hành hàng ngày. Các dấu hiệu như nổi mẩn da, rối loạn tiêu hóa, hay cảm giác mệt mỏi thường xuyên có thể là biểu hiện ban đầu của sự nhiễm khuẩn bắt nguồn từ thiếu vệ sinh cá nhân.
Hãy rửa tay đúng cách với các bước đơn giản:
Quy trình rửa tay 6 bước của Bộ Y tế. Nguồn: Vinmec
Không chỉ phòng bệnh, duy trì vệ sinh cá nhân còn là cách để mỗi chúng ta góp phần xây dựng môi trường tại UEH an toàn, bền vững và văn minh hơn.
Không gian sinh hoạt chung sạch sẽ, văn minh tại Ký túc xá UEH
Đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mỗi chúng ta, từ việc rửa tay, chọn món, đến xây dựng không gian sống sạch sẽ. Đây là cách để mỗi UEHer không chỉ sống khỏe, mà còn truyền cảm hứng sống tích cực đến những người xung quanh.
#ChangemakerCommunity: “UEH Community of Sustainable Changemakers and Art Inspirers” – “UEH – cộng đồng của những người truyền cảm hứng nghệ thuật và dẫn đầu sự thay đổi vì sự phát triển bền vững”
Tìm hiểu thêm tại https://go.ueh.edu.vn/05trucotchienluocUEH
Trụ cột: #Cộng đồng
Tin, ảnh: Ban Chăm sóc người học UEH
Tài liệu tham khảo
World Health Organization. (2024). Food safety. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/food-safety
Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế. (2025). 10 nguyên tắc vàng của WHO về vệ sinh an toàn thực phẩm. https://vfa.gov.vn/truyen-thong/10-nguyen-tac-vang-cua-who-ve-ve-sinh-an-toan-thuc-pham.html
Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế. (2025). Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn năm 2025. https://vfa.gov.vn/phong-ngua-ngo-doc-thuc-pham/bao-dam-an-toan-thuc-pham-phong-ngua-ngo-doc-thuc-pham-va-benh-truyen-qua-thuc-pham-tren-dia-ban-nam-2025.html
Centers for Disease Control and Prevention (CDC). (2022). Handwashing: Clean Hands Save Lives. https://www.cdc.gov/handwashing
Chia sẻ