Thời trang secondhand: Xu hướng xanh hay “bình mới rượu cũ” ?

18 tháng 05 năm 2024

Xu hướng thời trang secondhand đang trở thành một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp thời trang hiện nay. Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như "thời trang tái chế", "thời trang tái sử dụng" hay "thời trang vintage", xu hướng này có không ít ý kiến trái chiều khi cho rằng thời trang secondhand không thực sự xanh đến thế. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng DSA tìm hiểu xem đây có thật sự là xu hướng xanh hay chỉ là “bình mới rượu cũ” nhé.

Tại sao thời trang secondhand trở thành xu hướng?

Giảm thiểu tác động đến môi trường

Theo Metagent, thời trang secondhand là các sản phẩm thời trang đã qua sử dụng, từ quần áo đến phụ kiện như giày dép, túi xách, hoặc trang sức, được bán lại sau khi đã có chủ sở hữu trước đó sử dụng.

Trong thời đại thời trang hiện nay, xu hướng hướng tới bền vững đang thay đổi cách mọi người tiêu dùng và tiếp cận thời trang, điều này đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thị trường quần áo second-hand (hoặc vintage). Việc chia sẻ thông điệp về việc mua sắm thông minh và giảm thiểu lượng rác thải có thể lan rộng và tạo ra một cộng đồng người tiêu dùng có ý thức hơn về tác động của họ đối với môi trường. Vì thế, việc buôn bán và sử dụng lại quần áo cũ đã trở thành một giải pháp được giới trẻ đánh giá cao và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Bằng cách tái sử dụng những món đồ đã có, người tiêu dùng có thể tiết kiệm chi phí, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ của một sản phẩm và giảm thiểu tác động môi trường (Nguồn: iHeart)

Tính cá nhân hóa và phong cách riêng

Thời trang secondhand thường bao gồm những món đồ độc đáo và không lặp lại, từ các thập kỷ trước đến các bộ sưu tập hiện đại. Điều này cho phép người mặc thể hiện phong cách riêng của họ một cách độc đáo và cá nhân hơn, so với việc mua những món đồ trong bộ sưu tập mới từ các cửa hàng thời trang lớn. Do đó, việc săn tìm các phụ kiện thời trang-từ-chục-năm-trước đã trở thành một sở thích và thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Một chiếc quần vintage của thương hiệu Jean Paul Gaultier ra mắt năm 1997 nhưng vẫn còn mới qua 26 năm. (Nguồn: Diễn đàn của hội liên hiệp Thanh Niên Việt Nam)

Giá cả phải chăng

Khách hàng có thể mua món hời nhờ săn quần áo secondhand. (Nguồn ảnh: suno.vn)

Các mẫu hàng hiệu, dù chỉ được sử dụng qua một hoặc hai lần hoặc là hàng trưng bày trong cửa hàng thanh lý, thường được bán với mức giá cực kỳ hấp dẫn, tạo ra một cơ hội tuyệt vời cho người mua. Ngoài ra, mức giá của các sản phẩm secondhand thường chỉ từ vài chục đến một-hai trăm nghìn đồng, vô cùng phù hợp với túi tiền của giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, những người muốn có một tủ đồ đa dạng mà không cần phải chi trả quá nhiều chi phí.

Thời trang Secondhand và câu chuyện "Bình cũ rượu mới"

Mặc dù có lợi ích bảo vệ môi trường và giảm lượng rác thải, nhưng thuật ngữ “Second-hand” cũng dẫn đến các lựa chọn không phải lúc nào cũng bền vững như:

Tiêu thụ không cần thiết

Một số người mua sắm thời trang Secondhand có thể bị cuốn hút bởi giá rẻ của các sản phẩm mà họ không cần hoặc không thực sự sử dụng. Điều này thường xảy ra khi giá của các mặt hàng second-hand thấp hơn nhiều so với giá của các sản phẩm mới tương tự. Sự hấp dẫn của giá thấp có thể dẫn đến hành vi mua sắm không cần thiết và thậm chí là mua sắm cảm hứng. Vì thế, sẽ tốt hơn nếu bạn mua một món đồ đã qua sử dụng và mặc nó 1.000 lần theo nhiều cách khác nhau hơn là chỉ mua đồ vì giá hời rồi xếp xó góc tủ.

Vệ sinh và an toàn sức khỏe

Theo Cleanipedia, Quần áo second-hand có thể chứa nhiều nguy cơ về sức khỏe nếu không được xử lý và vệ sinh đúng cách. Bởi trước khi đến tay người tiêu dùng, các sản phẩm này đều được đóng trong các bao kiện, chuyển qua nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Do quá trình vận chuyển trong một thời gian dài nên có thể nhiều loại vi khuẩn có điều kiện sinh sôi, phát triển. Nếu không được giặt sạch kỹ lưỡng, chúng có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng da hoặc các bệnh truyền nhiễm khác. Rận, rệp hoặc bọ chét có thể ẩn náu trong quần áo second-hand.

Việc sử dụng đồ secondhand có những lợi ích như giảm thiểu tác động đến môi trường, tiết kiệm chi phí, và có cơ hội thể hiện phong cách cá nhân một cách độc đáo. Tuy nhiên, xu hướng thời trang này cũng dễ khiến chúng ta gián tiếp tác động tiêu cực lên môi trường nếu không thực sự hiểu và mua sắm đúng cách. Thời trang secondhand - Thời trang xanh hay bình mới rượu cũ phụ thuộc vào thái độ và hành vi mua sắm, sử dụng của chính chúng ta. DSA mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn các khía cạnh của xu hướng thời trang, từ đó đưa ra những quyết định mua sắm phù hợp.

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA)

Tài liệu tham khảo

Metagent (27/06/2023). Tại Sao Bạn Nên Yêu Thích Thời Trang Secondhand ? https://metagent.vn/tin-tuc/bai-viet/thoi-trang-secondhand-210

VTV Online ( 27/05/2023). Mặt tối của thời trang nhanh https://vtv.vn/kinh-te/mat-toi-cua-thoi-trang-nhanh-20230527115456044.htm

Minh Châu ( 22/04/2023). Second-hand: Giải pháp mang tên thời trang xanh, Octo. Học không khó? Đến Octo.! https://octo.vn/-bai-viet-second-hand-giai-phap-mang-ten-thoi-trang-xanh.html

Hirschlag, A. (2019, November 7). Can Secondhand Shopping Dent Fast Fashion's Environmental Damage? Scientific American. https://www.scientificamerican.com/article/can-secondhand-shopping-dent-fast-fashions-environmental-damage/

Nguyễn Thu Hằng. Đồ Secondhand xu hướng của giới trẻ. V-ZINE. https://vtv.vn/doi-song/do-secondhand-xu-huong-moi-cua-gioi-tre-20220113185408079.htm

Cleanipedia (28/7/2021). Mặc đồ 2hand có sao không? Cần lưu ý gì khi sử dụng? https://www.cleanipedia.com/vn/giat-la/nhung-hiem-hoa-tu-viec-su-dung-do-2hand-va-3-cach-phong-tranh.html

Chia sẻ