Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH - Những hoạt động nổi bật định hình bản sắc
31 tháng 01 năm 2025
Năm 2024, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (CELG) thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã thực hiện nhiều hoạt động đáng chú ý; không chỉ định hình bản sắc riêng của Trường trong giảng dạy và nghiên cứu; mà còn minh chứng rằng CELG đã không ngừng nỗ lực thực hiện sứ mệnh giáo dục và nghiên cứu của mình. "Nhìn lại 2024: Những hoạt động nổi bật định hình bản sắc UEH - CELG” sẽ điểm lại những hoạt động quan trọng mà CELG đã thực hiện trong suốt một năm qua.
Hệ sinh thái học thuật CELG
Với sự đa dạng của các Khoa/Viện trực thuộc về lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy, CELG hướng tới xây dựng mục tiêu hình thành hệ sinh thái học thuật mang dấu ấn đặc trưng riêng. Từ các thế mạnh truyền thống như kinh tế, luật, quản lý công, chính sách công, tài chính công, tài chính bền vững… cho đến những lĩnh vực mới mẻ và hiện đại như ngôn ngữ Anh, toán ứng dụng, toán kinh tế, toán tài chính, thống kê kinh tế và phân tích rủi ro; chính sự đa dạng này đã củng cố vững chắc ba trụ cột của CELG: Lý thuyết, Công cụ và Thực tiễn. Nhờ đó, CELG không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên phát triển toàn diện trong môi trường học thuật tiên tiến.
Trong hệ sinh thái học thuật tại CELG, vai trò đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và chuyên gia của CELG đóng vai trò quan trọng nhất. CELG không ngừng mở rộng mạng lưới đối tác đa dạng với nhiều tổ chức giáo dục và quốc tế uy tín, giúp củng cố và gia tăng hệ sinh thái học thuật, nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng nghiên cứu về phân tích chính sách và công bố quốc tế. Qua đó, trường không chỉ đóng góp vào sự phát triển của UEH mà còn ảnh hưởng, lan tỏa tới cộng đồng toàn cầu.
Đảm bảo chất lượng đào tạo
Hòa nhập cùng xu hướng vươn tầm quốc tế các chương trình đào tạo của UEH, CELG không ngừng cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm định chương trình đào tạo. Năm 2024, trường đã tiến hành tự đánh giá 03 chương trình đào tạo (CTĐT) theo bộ tiêu chuẩn quốc tế FIBAA (Foundation for International Business Administration Accreditation), gồm chương trình thạc sĩ Quản lý công thuộc Khoa Quản lý Nhà nước, và hai chương trình đại học là Cử nhân Kinh tế - Kinh tế ứng dụng (Khoa Kinh tế) và Cử nhân Ngôn ngữ Anh - Tiếng Anh thương mại (Khoa Ngoại Ngữ).
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo từ bậc đại học đến sau đại học của trường được cũng thiết kế để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhấn mạnh khả năng áp dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế; chú trọng đến yếu tố quốc tế hóa và nâng cao trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên.
Sự chuyển mình của CELG trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và liên tục cải tiến chương trình đào tạo là minh chứng cho tham vọng không chỉ nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên mà còn đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước và vươn ra thế giới.
Hội thảo quốc tế
Hội thảo quốc tế thường niên về Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (ELG) năm 2024, tổ chức bởi CELG đã diễn ra vào ngày 30 và 31 tháng 7 với chủ đề “Tiếp cận chuyển đổi kép: số hóa và biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 250 nhà khoa học, chuyên gia và học giả hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, nhằm thảo luận và chia sẻ kiến thức về các sáng kiến và giải pháp mới để thúc đẩy phát triển bền vững thông qua số hóa và các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
ELG 2024 không chỉ góp phần nâng cao vị thế của UEH trên trường quốc tế mà còn thúc đẩy hệ sinh thái học thuật, tăng cường sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu toàn cầu, và hỗ trợ sự phát triển của các chính sách và giải pháp ứng phó với các thách thức mà các nước đang phát triển đối mặt hiện nay.
Hội thảo quốc tế ELG 2024 của CELG ngày 30 và 31 tháng 07 năm 2024
Hội thảo quốc gia
CELG cũng đã ghi dấu ấn tích cực trong cộng đồng học thuật thông qua việc tổ chức thành công 03 hội thảo khoa học quốc gia. Các hội thảo quốc gia trong năm 2024 không chỉ là diễn đàn trao đổi tri thức giữa những người tham dự mà còn khẳng định thế mạnh học thuật của trường, tăng cường kết nối giữa các học giả trong nước và đóng góp vào sự phát triển cộng đồng.
Một trong những hội thảo nổi bật là "Kinh tế, luật, quản lý và phát triển bền vững dưới tác động của Luật Đất đai 2024" được tổ chức tại Phân hiệu Vĩnh Long - UEH, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học và chuyên gia, phân tích ảnh hưởng của Luật Đất đai mới đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội và quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, hội thảo "Chính sách Tài chính công thích ứng biến đổi khí hậu" cũng đã diễn ra thành công với sự phối hợp giữa CELG, Học viện Tài chính, Viện Chiến lược & Chính sách tài chính và Trường đại học Nha Trang. Hội thảo là một diễn đàn quan trọng để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến mới, nhằm đề xuất các hàm ý chính sách giúp thích ứng với thách thức của biến đổi khí hậu. Khoa Luật của CELG cũng đã thể hiện vai trò chủ động trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học khi tham gia vào hội thảo "Pháp luật ngân hàng và hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế số” được tổ chức tại Trường Đại học Luật - Đại học Huế.
Hội thảo Khoa học Quốc gia “Kinh tế, Luật, quản lý và phát triển bền vững dưới tác động của Luật Đất đai 2024” tại UEH - Phân hiệu Vĩnh Long
Hợp tác quốc tế
Nổi bật trong hoạt động hợp tác quốc tế trong năm qua, CELG dần khẳng định được vai trò trong các hoạt động kết nối, chuyển giao tri thức thông qua các hoạt động, sự kiện, hội thảo, workshop và các khóa huấn luyện với các khách mời tham dự đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Một trong những cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của CELG là Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA). Thỏa thuận này không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế cho sinh viên và giảng viên, mà còn thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về kế toán, tài chính công và thuế.
Bên cạnh đó, chuyến thăm và làm việc của Phó Thị trưởng Rotterdam (Hà Lan), ông Vincent Karremans, đã góp phần củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa CELG và các đối tác quốc tế, mở ra những tiềm năng mới trong việc kết nối và phát triển chiến lược lâu dài. Hội thảo quốc tế "Recent Trends in Language Education and Applied Linguistics", do Khoa Ngoại ngữ tổ chức, là một minh chứng tiêu biểu khác cho các hoạt động hợp tác quốc tế của CELG. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của đông đảo giảng viên và sinh viên từ nhiều quốc gia, tạo cơ hội cập nhật các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và ngôn ngữ học ứng dụng, đồng thời thảo luận về các phương pháp giảng dạy tiên tiến. Ngoài ra, khóa học hè quốc tế với chủ đề "Định giá môi trường bằng Phương pháp Thí nghiệm Lựa chọn Rời rạc (DCE): Chiến lược phát triển bền vững ở Đông Nam Á" là một minh chứng cụ thể cho nỗ lực của CELG trong việc xây dựng và nâng cao năng lực nghiên cứu về môi trường tại khu vực Đông Nam Á. Các hoạt động này không chỉ khẳng định vai trò tiên phong của CELG trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của khu vực và toàn cầu.
Hoạt động hợp tác quốc tế của CELG cũng nổi bật với khả năng tích hợp giữa các lĩnh vực học thuật và kết nối mạng lưới hợp tác quốc tế và trong nước sâu rộng. Nhiều học giả uy tín của thế giới đã đến, trao đổi và làm việc tại CELG như GS. Almash Heshmati (Đại học Jönköping, Thụy Điển); GS. Petr Mariel (Đại học Xứ Basque, Tây Ban Nha); TS. Juergen Meyerhoff (Trường Kinh tế và Luật Berlin, Đức); GS. Sven Anders (Đại học Alberta, Canada) GS. Stephen Greenwood (Portland State University),… Các chuyên gia này đã tham gia làm việc, tư vấn cho giảng viên và nghiên cứu sinh về phương pháp và chủ đề nghiên cứu, cũng như là diễn giả cho các hoạt động khoa học định kỳ và hội thảo quốc tế.
Phó Thị trưởng Rotterdam - Ông Vincent Karremans đã đến thăm Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH)
Khóa học hè quốc tế “Định giá môi trường bằng phương pháp thí nghiệm lựa chọn rời rạc (DCE): Chiến lược phát triển bền vững ở Đông Nam Á”
Hợp tác trong nước
Trong năm 2024, CELG cũng thực hiện nhiều hoạt động hợp tác trong nước, đánh dấu bước tiến vững chắc trong việc thắt chặt mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục và các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu trong nước. Để triển khai và phối hợp hoạt động, CELG ký kết MOU và MOA với 06 tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp để hợp tác chiến lược với CELG như: ký kết hợp tác giữa CELG và Công ty Bất động sản Smartland; cùng CBRE Việt Nam tổ chức chuỗi workshop chuyên sâu về Thẩm định giá và Quản trị tài sản; hợp tác với Liên chi hội đào tạo Bất Động Sản Việt Nam (VNREEA) và tổ chức tọa đàm tiếp cận công nghệ blockchain – một công cụ đang thay đổi cách thức vận hành trong kinh doanh bất động sản; ký kết hợp tác với Công ty TNHH Thẩm định giá Sunvalue, Viện Kinh tế và Công nghệ; Công ty TNHH Thẩm định giá Việt Tín và thực hiện trao học bổng doanh nghiệp tổng trị giá 150 triệu đồng và các tài khoản Smartone cho sinh viên CELG.
Ngoài ra, mối quan hệ hợp tác với Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) trong việc tổ chức Tọa đàm về trí tuệ nhân tạo cũng là một minh chứng cho sự cam kết của CELG trong việc đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và mới. Các mối quan hệ hợp tác này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu tại CELG mà còn thúc đẩy sự phát triển của sinh viên và giảng viên, đồng thời khẳng định cam kết của trường đối với việc cải tiến giáo dục và nghiên cứu ứng dụng, hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị bền vững cho xã hội và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Lễ ký kết MOU hợp tác giữa CELG và VNREEA
Chương trình trao đổi sinh viên quốc tế
CELG đã đạt được những thành tựu nổi bật trong việc thúc đẩy các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, từ đó mở rộng cơ hội học thuật và văn hóa, tăng cường kỹ năng toàn cầu và thắt chặt quan hệ đối tác quốc tế.
Chương trình Giao lưu sinh viên quốc tế Việt Nam - Úc 2024 cùng Đại học Công nghệ Swinburne là một minh chứng cho cam kết của quốc tế hóa chương trình đào tạo. Trong 15 ngày, sinh viên của cả hai trường đã có dịp trải nghiệm và tìm hiểu sâu về môi trường học tập và sinh hoạt của nhau.
Chương trình Giao lưu sinh viên quốc tế Việt Nam - Úc 2024 (Summer Study Tour Program 2024, Đại học Công nghệ Swinburne)
Không dừng lại ở đó, CELG tiếp tục để lại dấu ấn khi tổ chức thành công chương trình Giao lưu Sinh viên Việt Nam - Nhật Bản VJYE 2024. Đặc biệt, sự kiện đã lan tỏa thông điệp về bình đẳng giáo dục khi tích cực hỗ trợ sinh viên khuyết tật. Trong khuôn khổ chương trình, hội thảo với chủ đề “17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc” không chỉ mang lại kiến thức mà còn khơi nguồn cảm hứng cho sinh viên vươn ra thế giới. Ngoài ra, chương trình Trao đổi Sinh viên Việt Nam - Nhật Bản 2024, hợp tác cùng Asia Association of Education and Exchange (AAEE), đã thành công trong việc kết nối học thuật và văn hóa giữa hai quốc gia, mở ra nhiều cơ hội phát triển cá nhân cho các bạn trẻ tham gia.
Chương trình giao lưu sinh viên quốc tế Việt Nam - Japan (VJYE 2024)
Một trong những điểm nhấn cuối năm là việc lần đầu tiên triển khai chương trình học kỳ doanh nghiệp quốc tế. CELG đã đưa 04 sinh viên đến Thái Lan học tập và thực tập trong 3 tháng, đồng thời đón 02 sinh viên Thái Lan đến Việt Nam thực tập. Hoạt động này đánh dấu bước tiến mới trong mô hình trao đổi sinh viên thực tế hai chiều, hứa hẹn sẽ mở rộng hơn trong tương lai.
Những chương trình này đại diện cho sự cam kết của CELG trong việc tạo dựng một môi trường giáo dục toàn cầu, nơi sinh viên có thể phát triển toàn diện và chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường lao động quốc tế. Qua đó, CELG không chỉ nâng cao vị thế của mình trong cộng đồng giáo dục toàn cầu mà còn góp phần vào sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Chuỗi seminar học thuật và các sinh hoạt chuyên môn mang thương hiệu CELG
Trong năm 2024, CELG đã tổ chức một chuỗi với hơn 14 kỳ seminar học thuật đa dạng và chuyên môn sâu. Chuỗi seminar bao gồm một loạt các chủ đề từ "Health economic modelling in diabetes and the role of an international modelling network" do Giáo sư An Duy Tran trình bày, đến các workshop gần đây như "Business of Sustainability and Circular Economy in Vietnam" hợp tác với Đại học Công nghệ Queensland (QUT), cho thấy sự đa dạng trong các vấn đề được thảo luận. Điều này không chỉ nâng cao khả năng học thuật của sinh viên và giảng viên mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc cho các nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Ngoài ra, chương trình học thuật về việc chia sẻ kinh nghiệm đánh giá kết quả học tập sinh viên trong bối cảnh ứng dụng AI tại UEH là một ví dụ điển hình về cách CELG đang đối mặt với những thách thức mới trong giáo dục đại học. Seminar này đã thu hút sự tham gia của nhiều giảng viên và viên chức, thảo luận về những tình huống cụ thể liên quan đến công nghệ AI trong giảng dạy và nghiên cứu.
Workshop "Business of Sustainability and Circular Economy in Vietnam"
Sự thành công của chuỗi seminar này không chỉ là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự tham gia nhiệt tình từ các bên liên quan mà còn phản ánh nỗ lực của CELG trong việc tạo dựng một môi trường học thuật mở, nơi mà kiến thức được lan tỏa không giới hạn và các mối quan hệ học thuật được kết nối không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn vươn ra tầm quốc tế.
Nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên
Trong năm qua, CELG đã nghiệm thu thành công 01 đề tài và đăng ký mới 02 đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ, đăng ký mới 03 đề tài cấp bộ và 08 đề tài cấp trường, thể hiện sự đa dạng trong các lĩnh vực nghiên cứu và mức độ cam kết của trường đối với việc mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học. Về mặt công bố quốc tế, CELG đã đạt được thành tích nổi bật với hơn 45 bài báo được công bố quốc tế thuộc danh mục quy định (ISI/Scopus/ABDC), trong số đó 20% các bài công bố đăng trên tạp chí thuộc nhóm SSCI Q1, SCIE Q1 trong CSDL Web of Science và A* trong CSDL ABDC. Gần 50% trong số đề tài đã công bố liên quan đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), phản ánh sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu tại CELG và các mục tiêu phát triển toàn cầu. 30 lượt giảng viên tham gia hội thảo quốc gia và gần 70 lượt giảng viên có bài tham gia hội thảo quốc tế. Đặc biệt, sinh viên CELG cũng đã tích cực tham gia nghiên cứu với 185 đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải ở các cấp, trong đó có 06 đề tài đạt giải ở cấp bộ và tương đương. Hơn 10 dự án nghiên cứu đã được đăng ký bởi sinh viên, tập trung vào các vấn đề như phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, và các giải pháp môi trường.
CELG đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chứng minh hiệu quả của hệ sinh thái học thuật mà trường đã xây dựng và cam kết hướng đến nghiên cứu khoa học nghiêm túc và chất lượng cao.
Hoạt động đào tạo ngắn hạn của Trung tâm CTELG
Trung tâm đào tạo ngắn hạn về Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (CTELG) cũng đạt được sự thành công vượt bậc trong năm 2024, với việc tăng mạnh số lượng người tham gia các khóa học và mở rộng nội dung đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu hướng của thị trường. Các chương trình như "Thẩm định giá," "Kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp," và "Đào tạo khu vực công" đã thu hút một lượng lớn các chuyên gia và người quan tâm, muốn nâng cao năng lực và kiến thức chuyên môn.
Trung tâm đã không ngừng cập nhật các chương trình đào tạo của mình để phù hợp với xu hướng mới và thực tiễn. Sự cam kết trong việc cung cấp đào tạo chất lượng cao đã giúp CTELG xây dựng được uy tín vững chắc trong cộng đồng và thị trường. Đặc biệt, các chương trình như "Next. Realtor - UEH Professional Property Training" và "UEH training for Public Sectors" không chỉ trang bị kỹ năng chuyên môn mà còn chuẩn bị nền tảng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nước.
Hoạt động vì cộng đồng và hướng đến phát triển bền vững
CELG cũng đã thực hiện nhiều sáng kiến vì cộng đồng và phát triển bền vững, thể hiện cam kết của trường đối với trách nhiệm xã hội và môi trường. Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á tại UEH đã phối hợp cùng Viện Chiến lược và Chính sách - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo về kinh tế tuần hoàn tại khu vực phía Nam. Hội thảo này nhằm mục đích truyền thông và phổ biến kiến thức về kinh tế tuần hoàn, một bước đi thiết yếu hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời, Khoa Quản lý Nhà nước của UEH đã tổ chức chương trình thiện nguyện “Ánh Nắng Mùa Xuân 2024” tại Buôn Ma Thuột. Chương trình này không chỉ cung cấp dịch vụ y tế cho người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn mà còn là một phần của nỗ lực lâu dài của UEH trong việc nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy phát triển bền vững tại các cộng đồng. Bên cạnh đó, học viên lớp thạc sĩ điều hành cao cấp chính sách công cũng tổ chức chuyến nghiên cứu thực tế tại Đồng Tháp để tìm hiểu về cách thức các địa phương triển khai và thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chương trình “Trồng rừng đón sếu” do chương trình Việt Nam - Hà Lan tổ chức vào ngày 17 và 18/08/2024 tại Đồng Tháp là hoạt động thiết thực khác thể hiện cam kết của UEH đối với môi trường. Tham gia trồng hơn 1.000 cây bản địa, các thành viên UEH đã đóng góp vào việc phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên của khu vực.
Những hoạt động này không chỉ củng cố uy tín của UEH trong việc góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam mà còn thể hiện rõ nỗ lực của trường trong việc đào tạo thế hệ sinh viên có ý thức về trách nhiệm xã hội và môi trường.
Chương trình thiện nguyện “Ánh Nắng Mùa Xuân 2024”
Định hình bản sắc CELG
Những hoạt động trong năm 2024 giúp định hình bản sắc của CELG, với một hệ sinh thái học thuật đa dạng và phong phú, nơi ưu tiên hàng đầu là đào tạo và nghiên cứu khoa học xuất sắc. CELG không chỉ cam kết duy trì sự cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn trong chương trình học thuật mà còn tích cực áp dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề thực tế. CELG cũng ghi dấu ấn với khả năng kết nối mạnh mẽ cả trong nước và quốc tế thông qua các mối hợp tác đa dạng với các tổ chức giáo dục và nghiên cứu hàng đầu. Qua các chương trình trao đổi sinh viên, hội thảo quốc tế và dự án hợp tác, trường không chỉ mở rộng tầm nhìn và cơ hội cho cộng đồng học thuật mà còn đóng góp vào việc xây dựng một mạng lưới tri thức toàn cầu; hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.
Tin, ảnh: Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH
Chia sẻ