UEH tại Mang Thít: Chung tay đổi mới vì sự phát triển bền vững toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
08 tháng 09 năm 2023
Lựa chọn chiến lược Đại học Đa ngành và Bền vững, bên cạnh Đào tạo và Nghiên cứu, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) còn hướng đến sự lan tỏa mạnh mẽ hơn ở cấp độ địa phương với phương châm “Kết nối cộng đồng cùng hành động vì sự phát triển bền vững”. Những nỗ lực của UEH tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua nói chung và công trình ý nghĩa mới đây tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là một minh chứng điển hình cho định hướng này.
- Tọa đàm “Nhân lực khu vực công cho ĐBSCL” và giới thiệu chương trình “UEH Mekong 2030” đào tạo nhân lực khu vực công chất lượng cao tầm nhìn 2030
- Hướng đến Lễ kỷ niệm 05 năm thành lập UEH Vĩnh Long “Hành trình vì một Mekong bền vững”
- Khoa Quản trị - UEH Vĩnh Long: Góp phần Kiến tạo tri thức - Nâng tầm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
Sự hiện diện của UEH tại Đồng bằng sông Cửu Long
Với trách nhiệm của một trường đại học trọng điểm Việt Nam, kể từ khi thành lập từ năm 1976 cho đến giai đoạn chuyển mình trở thành Đại học Đa ngành và Bền vững hôm nay, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã luôn nỗ lực và cam kết mạnh mẽ đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội và giáo dục. Đặc biệt, thông qua chương trình “Kết nối cộng đồng - Lan tỏa tri thức - Hành động bền vững” ra đời từ năm 2020, UEH đã cùng với doanh nghiệp và chính quyền các địa phương tạo ra những giá trị tích cực với tôn chỉ “tư duy toàn cầu, hành động địa phương”, đóng góp cho 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Xác định việc tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao, mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn, phản biện chính sách đóng góp cho sự phát triển vùng ĐBSCL là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển dài hạn và cũng là trách nhiệm vinh dự của mình, năm 2019, UEH đã thành lập Phân hiệu UEH tại tỉnh Vĩnh Long - nơi được xem là tâm điểm của vùng ĐBSCL. Gần 4 năm thành lập, UEH Phân hiệu Vĩnh Long đã dần khẳng định sứ mạng và thương hiệu của UEH, trở thành địa chỉ đào tạo có uy tín, chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực chủ chốt không những cho khu vực ĐBSCL mà còn cả nước. Đến nay, Phân hiệu đã và đang đào tạo hơn 7.500 người học các bậc, hệ. Hơn 10 hội thảo cấp vùng và quốc tế với những nghiên cứu ý nghĩa đóng góp cho sự phát triển của ĐBSCL đã được tổ chức như: Hội thảo quốc tế “Sustainable Mekong Workshop Series (SM)”; Hội thảo “Vai trò của hoạt động Khoa học công nghệ & Đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế ở tỉnh Vĩnh Long trong bối cảnh Cuộc cách mạng 4.0”; “Chính sách thích ứng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long”… Ngoài ra, là nỗ lực thực hiện các hoạt động cộng đồng, phải kể đến như Dự án UEH Global chuyển giao miễn phí Hệ thống học tập trực tuyến đến các trường THCS và THPT; tập huấn, lan tỏa các tri thức về “Thiết kế giảng dạy điện tử”, “Giảng dạy STEM” cho Giảng viên - Giáo viên của hơn 500 trường học tại các tỉnh khu vực ĐBSCL. Mới đây cũng đã tổ chức thành công chương trình Summer Camp gắn kết tuổi trẻ địa phương với cộng đồng trẻ quốc gia và quốc tế.
Nhiều hội thảo cấp vùng và quốc tế với những nghiên cứu ý nghĩa đóng góp cho sự phát triển của ĐBSCL được UEH tổ chức
Hành động địa phương, chung tay đổi mới Mang Thít, vì sự phát triển bền vững toàn vùng
* Phát triển bền vững cần xuất phát từ sự đồng bộ
Huyện Mang Thít, nằm ở phía đông của tỉnh Vĩnh Long, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng, ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào, kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp theo hướng đa canh, thâm canh tăng vụ, sản xuất gốm, gạch ngói. Dưới tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây, kết hợp với việc khai thác nguồn nước của các nước thượng nguồn sông Mêkông đã làm tăng cường tính cực đoan của khí hậu, diễn biến bất thường của mực nước trên sông Mêkông, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền sẽ gây nên hậu quả giảm dần các yếu tố thuận lợi về mặt khí hậu - thời tiết, điều kiện thủy văn - nguồn nước và tăng các nguy cơ tiềm ẩn do tác động của biến đổi khí hậu trong những thập kỷ tới. Chính vì vậy, những rào cản về tự nhiên - kinh tế - xã hội của Mang Thít nói riêng và ĐBSCL nói chung cần có sự chung tay của cả cộng đồng mới có thể được giải quyết phần nào, hướng đến mang lại cuộc sống ổn định hơn cho người dân và nền kinh tế.
Với định hướng mang những tư duy, tri thức toàn cầu để hành động, giải quyết các vấn đề địa phương, UEH đã nỗ lực tiên phong kết nối cộng đồng các doanh nghiệp, tổ chức, sinh viên, cựu sinh viên… với địa phương để cùng hành động giúp Mang Thít ngày một cải thiện những thách thức trong quá trình phát triển, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của ĐBSCL.
Theo đó, từ ngày 30/06 - 25/07/2023, nhà trường đã cũng với các bên liên quan triển khai (i) nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn 7 xã thuộc huyện Mang Thít; (ii) lan tỏa tri thức đổi mới sáng tạo cho địa phương; và (iii) thực hiện các dự án về môi trường với tổng kinh phí ước tính gần 2,31 tỷ đồng. Nguồn kinh phí huy động đến từ các nguồn ngân sách của UEH, huy động từ doanh nghiệp và vốn đối ứng từ chính quyền địa phương.
Lễ khởi công Tuyến đường Dal ấp Hòa Mỹ 2 do UEH hỗ trợ và UBMT Tổ quốc Việt Nam huyện Mang Thít vận động đối ứng ngày 7/9/2023
*Nâng cấp hạ tầng toàn diện tại huyện Mang Thít
Những công trình hạ tầng ý nghĩa đã được triển khai trong thời gian qua phải kể đến như:
- Xây dựng các Tuyến đường đal trên địa bàn huyện Mang Thít (đường bê tông cốt thép) tại: xã Mỹ An với chiều dài 1280m; xã Bình Phước với chiều dài 1333m; xã Hòa Tịnh với chiều dài 1500m; xã Nhơn Phú với chiều dài 300m; xã Mỹ Phước với chiều dài 200m.
- Thực hiện “Gia cố đoạn đường đal ấp Vàm Lịch” tại xã Chánh An - UEH và hỗ trợ nhân lực khắc phục hậu quả sạt lở trên địa bàn 07 xã.
- Xây dựng 01 cây cầu liên xã Hòa Tịnh - Mỹ An phục vụ giao thông.
- Thực hiện các công trình thanh niên “Thắp sáng tuyến đường quê” tại: xã Tân An Hội với chiều dài 1000m; xã Chánh An với chiều dài 1600m; xã Bình Phước chiều dài 1300m.
- Thực hiện các công trình xây dựng mái che tại xã Tân An Hội và xã Hòa Tịnh.
- Hỗ trợ kinh phí xây dựng 01 căn nhà tình nghĩa sau mưa bão cho 01 hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn xã Nhơn Phú.
- Thực hiện công trình Nâng cấp vỉa hè tại xã Tân An Hội.
- Thực hiện công trình sân bóng mini tại xã Bình Phước.
Lễ khánh thành “Công trình xây dựng tuyến đường đal” tại ấp Hòa Mỹ 2, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long
Lễ khánh thành “Công trình xây dựng tuyến đường đal” tại ấp Phước Chí và ấp Phước Tường, xã Bình Phước
Lễ khánh thành Công trình “Giao thông nông thôn” tại ấp Phú Thạnh C, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long
Lễ khánh thành Công trình “Cầu liên xã Hòa Tịnh - Mỹ An” tại ấp Bình Hòa 1, xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long với sự góp mặt của đại diện UEH, lãnh đạo địa phương và Công ty TNHH cung ứng nhân lực Nhân Kiệt
Lễ khởi công công trình “Gia cố đoạn đường đal ấp Vàm Lịch” tại xã Chánh An
Lễ khánh thành công trình thanh niên “Thắp sáng tuyến đường quê” tại xã Tân An Hội
Lễ khánh thành công trình thanh niên Tuyến đường giao thông nông thôn
Hỗ trợ nhân lực khắc phục hậu quả sạt lở trên địa bàn 07 xã
*Lan tỏa tri thức “Đổi mới sáng tạo” cho địa phương
Bên cạnh tích cực cải thiện cơ sở vật chất, trong khuôn khổ Dự án còn diễn ra các hoạt động lan tỏa tri thức với những chủ đề “vì môi trường”, “chuyển đổi số”, “an sinh xã hội”, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trao tặng học bổng đến các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các lớp ôn tập hè, sinh hoạt hè nhằm phục vụ, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con và thanh thiếu nhi địa phương. Cụ thể:
- Chủ đề “tình nguyện vì môi trường” với 9 hoạt động được tổ chức đã thu hút 690 thiếu nhi tham gia các tiết mục, tiểu phẩm kịch và đặc biệt là các gian hàng, trò chơi nhằm giáo dục các em về kiến thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn các em cách phân loại rác và giữ gìn vệ sinh nơi ở của mình, hạn chế rác thải.
- Chủ đề “tình nguyện tham gia chuyển đổi số” đã tổ chức 12 hoạt động về các lớp học kỹ năng tin học cho các em học sinh trung học, hướng dẫn các em về các công cụ như Google Sheet, Google Docx, Google Drive,... tạo điều kiện để các em có thể thực hành từ đó làm quen nhanh chóng với các tiện ích để có thể áp dụng cho công việc và công sống hằng ngày. Những hoạt động này đã thu hút 262 em tham gia.
- Chủ đề “tình nguyện uống nước nhớ nguồn, tham gia đảm bảo an sinh xã hội” với 11 hoạt động ý nghĩa như: đến thăm và trao tặng quà cho các gia đình chính sách trên địa bản 7 xã tại huyện Mang Thít, các hoạt động Uống nước nhớ nguồn, tổ chức đến viếng và thắp hương tại các khu Nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn từng xã,… đã chăm lo cho 61 gia đình chính sách.
- Buổi tập huấn với chuyên đề “Tư duy đổi mới sáng tạo - Hành trang khởi nghiệp cho thế hệ thanh niên” đã cung cấp kiến thức cơ bản và thiết thực nhất về chủ đề khởi nghiệp cho 35 thanh niên tham gia, qua đó tạo bàn đạp cho những nhà khởi nghiệp phát triển.
- Tổ chức các lớp ôn tập, sinh hoạt hè, hướng dẫn kỹ năng mềm cho các em thiếu nhi tại địa bàn 7 xã thuộc huyện Mang Thít với hơn 50 buổi học.
- Trao tặng tổng cộng 115 suất học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Ngày hội “Tình nguyện vì môi trường - Thiếu nhi và môi trường” được tổ chức vào ngày 09/7
Khai giảng lớp ôn tập hè cho các em học sinh tại trường Tiểu học Nhơn Phú A
*Đồng hành cùng các vấn đề môi trường tại địa phương
Hướng đến nâng cao ý thức cho người dân về sự cấp thiết của các vấn đề môi trường vì sự phát triển bền vững, trong khuôn khổ Chiến dịch đã thực hiện 03 công trình phòng chống rác thải nhựa tại Mang Thít. Đồng thời, hỗ trợ nhân lực thực hiện phát quang, dọn dẹp và chăm sóc các tuyến đường hoa dài 63.300m trên khắp 07 xã đóng quân.
Thực hiện các công trình vì môi trường tại địa phương
Có thể khẳng định, những công trình và hoạt động mà UEH xây dựng tại Mang Thít đã mang lại những giá trị vô cùng thiết thực trong việc đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng địa phương, giúp liên kết các vùng với nhau để thuận tiện cho việc di chuyển, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu những rủi ro tai nạn và hỗ trợ nâng cao chất lượng đời sống, dân trí cho bà con địa phương. Nỗ lực của UEH tại huyện Mang Thít nói riêng và ĐBSCL nói chung sẽ là minh chứng điển hình để thu hút sự đầu tư các nguồn lực vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước thông qua những chương trình kết nối các bên liên quan từ doanh nghiệp - nhà trường - địa phương như “Kết nối cộng đồng - Lan tỏa tri thức - Hành động bền vững” mà UEH đang triển khai.
“Chúng tôi cho rằng, hơn ai hết, đại học sẽ là nhân tố trung tâm phù hợp để kết nối các bên liên quan trong xã hội để cùng giải quyết các vấn đề cụ thể, phát sinh liên tục trong quá trình phát triển của địa phương. Mang Thít nói riêng hay ĐBSCL là một trong số những nỗ lực tiên phong của định hướng này, với kỳ vọng rằng sẽ lan tỏa và kết nối được nhiều hơn cộng đồng có cùng chung lý tưởng. Đó là hành động vì một tương lai bền vững” - GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng trường UEH chia sẻ.
GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng trường UEH nhấn mạnh quan điểm phát triển bền vững vì cộng đồng mà Nhà trường luôn theo đuổi
Một số hình ảnh khác về những hoạt động ý nghĩa mà UEH thực hiện tại huyện Mang Thít:
Tin, ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông, Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên
Chia sẻ