UEH tổ chức thành công khóa học hè quốc tế “Định giá môi trường bằng phương pháp thí nghiệm lựa chọn rời rạc (DCE): Chiến lược phát triển bền vững ở Đông Nam Á”

20 tháng 06 năm 2024

Từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 6 năm 2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức thành công Khóa học hè quốc tế với chủ đề "Định giá môi trường bằng Phương pháp thí nghiệm lựa chọn rời rạc (DCE): Chiến lược phát triển bền vững ở Đông Nam Á". Khóa học được phối hợp tổ chức bởi Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) và trung tâm Môi trường cho Phát triển (EfD) tại Việt Nam.

Để đảm bảo chất lượng tương tác tốt và có trải nghiệm học tập được hiệu quả, UEH đã lựa chọn 30 học viên từ hơn 180 đơn đăng ký tham dự của thành viên đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy sự cần thiết và đánh giá cao về các phương pháp thí nghiệm lựa chọn rời rạc DCE đang rất được các nhà nghiên cứu quan tâm mạnh mẽ.

Khóa học được dẫn dắt bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực: Giáo sư Petr Mariel từ Đại học Xứ Basque (Tây Ban Nha), Tiến sĩ Juergen Meyerhoff từ Trường Kinh tế và Luật Berlin (Đức), và Giáo sư Sven  Anders từ Đại học Alberta (Canada). Với kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, các chuyên gia đã mang đến cho học viên nhữngtrải nghiệm học tập thú vị,  toàn diện và sâu sắc.

Đón tiếp các chuyên gia, phía đại diện UEH có sự góp mặt của PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG); TS. Trần Thị Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; ThS. Huỳnh Thúc Định - Phó Chánh Văn phòng, phụ trách Văn phòng trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH và ThS. Lê Thành Nhân - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA Partnership).

PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng CELG phát biểu tại buổi khai giảng Khóa học hè quốc tế 2024

PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) cho biết: "Khóa học này được tổ chức nhờ sự hỗ trợ của UEH và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) thông qua EEPSEA và EfD-Việt Nam. Các chuyên gia hàng đầu quốc tế đã tình nguyện dành thời gian và chuyên môn mà không nhận bất kỳ khoản thù lao nào, làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa cho những đóng góp của họ, thể hiện tinh thần “Giving to UEH”: Lan tỏa tri thức - Đóng góp cho cộng đồng. Mà giá trị chính là kiến thức, phương pháp hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu tại UEH và cộng đồng Đông Nam Á.”

Qua 10 buổi của chương trình, học viên đã có cơ hội khám phá nền tảng lý thuyết của phương pháp Thí nghiệm lựa chọn rời rạc, các bước thực hành để tiến hành thí nghiệm lựa chọn, các mô hình kinh tế lượng nâng cao, và biết được những hạn chế của phương pháp DCE. Trong khóa học đã được thiết kế Phần mềm mã nguồn mở R với các minh họa trên nền tảng Survey Engine. Đồng thời, chương trình giảng dạy kết hợp một cách hiệu quả giữa lý thuyết, ví dụ và bài tập thực hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng vào thực tế. Học viên tham qua khóa học có nhiều phiên tương tác, thực hành và ứng dụng thực tiễn, tạo không khí học tập hào hứng, thảo luận sôi nổi và đầy tính chia sẻ.

GS.Petr Mariel trả lời câu hỏi của học viên

GS. Sven Anders tích cực tham gia thảo luận với những học viên tham gia khóa học

TS. Juergen Meyerhoff chăm chú lắng nghe các câu hỏi của học viên

Phiên trao đổi - hỏi đáp giữa học viên và các chuyên gia

Cuối khóa học, mỗi học viên sẽ nộp bản ý tưởng nghiên cứu đề xuất, ứng dụng theo phương pháp DCE được trang bị trong khóa học. Yêu cầu này khuyến khích học viên nghiên cứu sâu hơn vào các kiến thức đã học và vận dụng vào các ứng dụng nghiên cứu của mình. Các chuyên gia sẽ đồng hành hỗ trợ phát triển những ý tưởng đề xuất này thành các đề xuất nghiên cứu hoàn chỉnh.

Các học viên bày tỏ sự đánh giá cao và trân trọng đối với cơ hội học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu và đánh giá cao tầm quan trọng thực tiễn của những kỹ năng đã đạt được. Cô Pek Chuen Khee - Đại học Taylor, Malaysia chia sẻ: “Thế giới cần những nhà nghiên cứu sử dụng mô hình hóa lựa chọn và tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các giáo sư Mariel, Meyerhoff và Anders vì chia sẻ những kiến thức và chuyên môn vô giá của mình với tất cả học viên trong Khóa học hè này. Sẽ còn một chặng đường dài để tôi thành thạo kinh tế lượng và cách sử dụng phần mềm R nhưng tôi quyết tâm nỗ lực để hoàn thiện sự hiểu biết của mình về thí nghiệm lựa chọn. Các giáo sư đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều và kính chúc các thầy luôn dồi dào sức khỏe và thành công. Xin cảm ơn UEH, EEPSEA và EfD vì đã cho tôi cơ hội tham gia Khóa học hè đầu tiên của mình.” 

Cô Đào Trần đến từ Viện ISB, UEH chia sẻ: “Khóa học hè đã mang lại cho tôi những kiến thức sâu sắc và sự ứng dụng rộng rãi của các phương pháp DCE. Tôi rất trân trọng cơ hội được học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này và thảo luận về ý tưởng và dự án của chúng tôi. Nhờ những cuộc thảo luận sôi nổi, chúng tôi có thể tiến hành nghiên cứu DCE một cách hiệu quả. Ngoài ra, khóa học hè còn là một môi trường tuyệt vời để chúng tôi trao đổi về các phương pháp thống kê và thực hành thiết kế nghiên cứu, có thể áp dụng vào các dự án hiện tại và tương lai của mình. Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các giáo sư, Ban tổ chức và các nhà nghiên cứu vì những chia sẻ tuyệt vời.” 

PGS.TS. Phạm Khánh Nam trao giấy chứng nhận đóng góp cho các chuyên gia tại buổi bế giảng Khóa học

Khóa học hè về Phương pháp thí nghiệm lựa chọn rời rạc đã trang bị cho người tham gia những công cụ và kiến thức quý báu, góp phần thúc đẩy nghiên cứu và phát triển bền vững ở Đông Nam Á. Sự kiện này không những nâng cao ý thức cộng đồng mà còn khuyến khích sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trẻ, tạo nền tảng cho những nỗ lực nghiên cứu và hành động chính sách trong tương lai.

Ban Tổ chức, các giáo sư và học viên chụp ảnh lưu niệm

Những khoảnh khắc của khóa học của các thầy và học viên:

Tin, ảnh: Trường CELG

Chia sẻ