Arttech Fusion 2024 (ATF24): Khi các công nghệ mới nhất giao thoa nghệ thuật tạo giá trị cho cuộc sống
04 tháng 11 năm 2024
Từ ngày 22 đến ngày 24/10 vừa qua, ngày hội lớn của cộng đồng công nghệ nghệ thuật sáng tạo mang tên ArtTech Fusion đã diễn ra thành công tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH). Các công nghệ mới nhất như NFT, trí tuệ nhân tạo, chiến lược thiết kế hậu kỹ thuật số, ngôn ngữ lập trình trực quan, tương tác thời gian thực,... giao thoa với nghệ thuật tạo nên giá trị cho tương lai bền vững cũng chính thức được giải mã!
Dấu ấn chuỗi hoạt động ArtTech Fusion 2024
Chuỗi hoạt động quốc tế ArtTech Fusion 2024 (ATF24) với chủ đề “New ArtTech For Future Generations” (ArtTech - Sự kết hợp mới cho thế hệ tương lai vì sự bền vững) do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với 15 trường đại học thế giới tổ chức. Diễn ra từ ngày 22 - 24/10/2024, chương trình đã thu hút hơn 4.500 người tham dự, gồm chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nghệ sĩ, chính quyền, giảng viên và sinh viên đam mê lĩnh vực ArtTech trong và ngoài nước.
Những phiên tham luận đặc biệt giải mã sự kết hợp ArtTech cho tương lai bền vững
Blockchain và thương mại hóa nghệ thuật: Giải mã chu kỳ bong bóng
NFT trong vài năm trở lại đây đã trở thành thành xu hướng gây bão trên toàn cầu! NFT là viết tắt của từ Non-fungible token (nghĩa là mã thông báo không thể thay thế). Về cơ bản, NFT là một loại tài sản kỹ thuật số được lưu trữ trên blockchain và đó có thể là một tác phẩm nghệ thuật, một bài hát, một đoạn video hay một trò chơi điện tử,... Điều đặc biệt là mỗi NFT đều chỉ có duy nhất một mã định danh và là tài sản riêng thuộc về một chủ sở hữu. Hiện nay, các NFT thường được người dùng tiến hành giao dịch bằng tiền số và đôi khi có thể thay thế bằng USD.
Blockchain và NFT đã mở ra một chương mới cho ngành công nghiệp nghệ thuật “tỷ đô”, cho phép các nghệ sĩ tiếp cận trực tiếp với người hâm mộ, loại bỏ các trung gian và tăng tính minh bạch trong giao dịch. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thị trường NFT cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tính bền vững và giá trị thực của các tác phẩm số này.
Trong bài tham luận của mình, GS. Alvaro Barbosa và GS. Daniel Farinha (Đại học Saint Joseph, Macau) đã trình bày những xu hướng phát triển mới nhất dựa trên Công nghệ Blockchain ứng dụng trao đổi tác phẩm nghệ thuật thương mại NFT. NFT đã trải qua chu kỳ khuếch đại (dựa trên mô hình Gartner), các diễn giả thảo luận và tìm câu trả lời cho xu hướng này liệu đang ở giai đoạn “Kỳ vọng thổi phồng”, “Vực sâu của sự Hoài nghi” hay “Đỉnh cao của Năng suất”?
Trong giai đoạn đầu, NFT đã thu hút sự chú ý đáng kể với những thương vụ trị giá hàng triệu đô la, tạo nên cơn sốt trên thị trường. Tuy nhiên, sau đó, sự hoài nghi bắt đầu xuất hiện khi nhiều người đặt câu hỏi về tính hợp pháp và giá trị nội tại của NFT. Hiện tại, thị trường đang dần ổn định và bước vào giai đoạn trưởng thành.
Trong bài tham luận, các Giáo sư đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể về các dự án NFT tiêu biểu trong lĩnh vực nghệ thuật như Bored Ape Yacht Club, phân tích những thành công và hạn chế của chúng, đồng thời, các ứng dụng tiềm năng của NFT trong việc quản lý bản quyền, chứng nhận sở hữu tác phẩm và tài liệu pháp lý cũng được thảo luận. Ngoài ra, những vấn đề về mặt pháp lý và đạo đức xoay quanh NFT, như tính năng tạo ra cấp phép tự động, tình trạng đầu cơ và làm giả trên thị trường, những thách thức và cơ hội mà NFT đặt ra cho ngành công nghiệp sáng tạo và giới nghệ thuật trong tương lai cũng được phân tích kỹ lưỡng.
GS. Alvaro Barbosa và GS. Daniel Farinha (Đại học Saint Joseph, Macau) trình bày những xu hướng phát triển mới nhất dựa trên Công nghệ Blockchain ứng dụng trao đổi tác phẩm nghệ thuật thương mại NFT
Chiến lược thiết kế Hậu kỹ thuật số trong Nghệ thuật truyền thông
GS. Martin Kaltenbrunner (Đại học Arts Linz, Áo) đã mang đến một góc nhìn thấu đáo và đầy tham vọng về tương lai của nghệ thuật truyền thông trong kỷ nguyên hậu kỹ thuật số. Xem xét cách các phương pháp thiết kế hiện đại, sau giai đoạn kỹ thuật số bùng nổ, được áp dụng trong sáng tạo và nghệ thuật tại Áo như thế nào? Song song đó, GS. Kaltenbrunner giới thiệu khái niệm "thiết kế hậu kỹ thuật số" (postdigital design), một cách tiếp cận mới trong việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật truyền thông kết hợp giữa công nghệ số và kỹ thuật thủ công truyền thống. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa sự tinh tế của các phương pháp thủ công và sức mạnh của công cụ kỹ thuật số trong quá trình sáng tạo. Một phần quan trọng của bài thuyết trình sẽ tập trung vào vai trò của "vật thể hữu hình" (tangible objects) trong nghệ thuật truyền thông hậu kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, GS. Kaltenbrunner còn chia sẻ về cách các vật thể vật lý có thể được tích hợp với công nghệ tương tác để tạo ra trải nghiệm đa giác quan cho người xem. Ông sử dụng các ví dụ từ các dự án nghệ thuật tiêu biểu của mình, chẳng hạn như Reactable, để minh họa tiềm năng của cách tiếp cận này.
GS. Martin Kaltenbrunner (Đại học Arts Linz, Áo) đã mang đến một góc nhìn thấu đáo và đầy tham vọng về tương lai của nghệ thuật truyền thông trong kỷ nguyên hậu kỹ thuật số
Nghệ thuật kỹ thuật số - Bí ẩn về hiệu ứng giao thoa giữa trí tuệ nhân tạo và nghệ thuật
Trong phần tham luận của mình, GS. Carsten Baumgarth (Đức) giải mã bí ẩn đằng sau sự giao thoa giữa trí tuệ nhân tạo và nghệ thuật, từ đó đưa ra những nhận định về tác động của AI trong nghệ thuật kỹ thuật số. The Art Infusion Effect - Hiệu ứng Nghệ thuật Lan tỏa là một khái niệm gần như kinh điển trong thiết kế sản phẩm, tiếp thị và quản lý thương hiệu. Hiệu ứng này đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu thực nghiệm, chỉ ra rằng việc tích hợp nghệ thuật vào thiết kế sản phẩm, bao bì, quảng cáo,... sẽ tự động dẫn đến đánh giá tích cực hơn về sản phẩm hoặc thương hiệu. Tuy nhiên, ngày nay, nghệ thuật ngày càng được tạo ra một cách kỹ thuật số và trong một số trường hợp, hoàn toàn bởi Trí tuệ Nhân tạo (AI).
Bài tham luận của GS. Carsten Baumgarth trình bày những kết quả mới nhất từ một loạt các nghiên cứu về tác động của nghệ thuật AI đối với đánh giá sản phẩm và thương hiệu. Liệu nghệ thuật do AI tạo ra có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa tương tự như nghệ thuật truyền thống? Liệu người tiêu dùng có phản ứng khác nhau với các sản phẩm và thương hiệu sử dụng nghệ thuật AI so với nghệ thuật do con người tạo ra?
GS. Carsten Baumgarth (Đức) giải mã bí ẩn đằng sau sự giao thoa giữa trí tuệ nhân tạo và nghệ thuật, từ đó đưa ra những nhận định về tác động của AI trong nghệ thuật kỹ thuật số
Định hình tương lai: Ươm mầm những nhà sáng tạo liên ngành tiên phong trong lĩnh vực Công nghệ Nghệ thuật
GS. Zhiyong Fu (Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc) vạch ra định hướng tương lai trong việc ươm mầm và đào tạo thế hệ các nhà sáng tạo liên ngành tiên phong trong lĩnh vực công nghệ nghệ thuật. Giáo sư chia sẻ những kinh nghiệm sâu sắc về việc đào tạo nhân tài đa ngành, có khả năng đổi mới sáng tạo thông qua giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ. Với bề dày kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, Giáo sư Fu tập trung vào ba lĩnh vực chính gồm: (1) xây dựng hệ thống giáo dục nghệ thuật - công nghệ đa ngành, (2) tích hợp thực hành sáng tạo vào các khóa học xây dựng năng lực đổi mới của trường đại học, và (3) kết hợp thiết kế với nghiên cứu tương lai để hình thành định hướng chuyên môn xuyên ngành. Bài tham luận mang đến góc nhìn toàn diện về mô hình đào tạo tài năng đổi mới sáng tạo đa ngành dựa trên sự kết hợp giữa giáo dục liên ngành, thực hành sáng tạo và nghiên cứu tương lai trong lĩnh vực thiết kế. Đây là nguồn cảm hứng và bài học hữu ích cho các tổ chức giáo dục Đại học trong việc nuôi dưỡng thế hệ nhân tài mới, sẵn sàng đương đầu với những thách thức về bền vững toàn cầu.
GS. Zhiyong Fu (Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc) nêu định hướng tương lai trong việc ươm mầm và đào tạo thế hệ các nhà sáng tạo liên ngành tiên phong trong lĩnh vực công nghệ nghệ thuật
Hợp tác xây dựng cộng đồng ArtTech hướng đến giải quyết những vấn đề bền vững
PGS. Trịnh Thùy Anh (UEH) cùng các giáo sư, chuyên gia quốc tế gồm GS. Andrea Giansanti (Ý), GS. Filipa Martins (Macao), GS. Martin Kaltenbrunner (Áo) thảo luận về sự cần thiết để hợp tác xây dựng một cộng đồng ArtTech hướng đến giải quyết các vấn đề bền vững. Nội dung xoay quanh cách thức cộng đồng ArtTech tại Việt Nam đang hợp tác để phát triển các giải pháp công nghệ nghệ thuật nhằm giải quyết các vấn đề bền vững tại địa phương. Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật tại Ý, Macao để xây dựng cộng đồng ArtTech, đồng thời hướng đến các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức về bền vững.
PGS. Trịnh Thùy Anh (UEH) cùng các giáo sư, chuyên gia quốc tế gồm GS. Andrea Giansanti (Ý), GS. Filipa Martins (Macao), GS. Martin Kaltenbrunner (Áo) thảo luận về sự cần thiết của hợp tác để xây dựng một cộng đồng ArtTech hướng đến giải quyết các vấn đề bền vững
Chuỗi thảo luận, workshop chuyên sâu về công nghệ và nghệ thuật
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra thành công 10 phiên thảo luận đặc biệt (special session) với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về ứng dụng ArtTech trong nước và quốc tế như: GS. Andrea Giansanti (Viện Công nghệ và Thiết kế Pantheon, Ý), TS. Nurul Hanim Romainoor (Đại học Sains Malaysia), PGS. Alexandre Lobo (Đại học Saint Joseph, Macao), GS. Filipa Martins (Đại học Saint Joseph, Macao), TS. Nguyễn Quỳnh Như (Quỳnh Paris), Giám tuyển Ace Lê - Giám đốc Sáng lập, Lân Tinh Foundation, Ông Đông Hồ - Giám đốc Fomalia XR Studio, cùng nhiều chuyên gia từ các đơn vị nghệ thuật, truyền thông, công nghệ như Samsung Việt Nam, Harper's Bazaar Vietnam, Art Republik,…
Các phiên thảo luận tập trung vào những chủ đề nóng như định hướng chiến lược ứng dụng ArtTech trong các lĩnh vực sáng tạo, vấn đề đạo đức và bản quyền trong sáng tạo từ AI, xu hướng nghệ thuật số trong bảo tồn văn hóa, xây dựng thị trường nghệ thuật bền vững, ứng dụng ArtTech tại các thành phố thông minh, cách dẫn dắt câu chuyện (storytelling) trong thiết kế game, thực tế ảo và ứng dụng công nghệ tương tác, AI và mô hình ảo trong ngành thời trang, sự sáng tạo trong nghệ thuật và thiết kế trải nghiệm người dùng. Các chuyên gia khác cũng bàn luận về cách tiếp cận bền vững cho thị trường nghệ thuật trong bối cảnh ứng dụng công nghệ ngày càng mở rộng.
TS. Trịnh Tú Anh (UEH) trình bày tại phiên thảo luận đặc biệt về chủ đề: “ArtTech & Smart Cities”
GS. Andrea Giansanti (Viện Công nghệ và Thiết kế Pantheon, Ý), Ông Lê Gia Phong (Đồng sáng lập Công ty Future Eyes), TS. Irina Shchemeleva (Đại học Habour Space, Tây Ban Nha); Bà Maria Quero (Arts University Bournemouth), Ông Nguyễn Khoa Mỹ - Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ công chúng Việt Nam (VNPR) trao đổi tại phiên thảo luận về “AI Creativity: Ethical Dilemmas and Copyright Challenges”
Diễn giả chụp hình lưu niệm tại phiên thảo luận đặc biệt về "A sustainable art market: opportunities & challenges"
Chuỗi workshops mở ra nhiều hướng tiếp cận mới mẻ và thú vị trong việc tập trung vào những ứng dụng công nghệ vào thiết kế thời trang, khai thác cảm hứng văn hóa bản địa trong thiết kế truyền thông, đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra âm thanh đô thị, khám phá hình thức kể chuyện kỹ thuật số tương tác và nghệ thuật tương tác...
Workshop: Wishing tree and interactive art mở ra nhiều hướng tiếp cận mới mẻ và thú vị về ứng dụng công nghệ
Chuỗi 05 phiên thảo luận song song (parallel session) với 22 bài báo nghiên cứu đa dạng chủ đề: ArtTech - Xu hướng và ứng dụng tiềm năng trên toàn cầu; Trải nghiệm ArtTech; ArtTech lấy con người làm trung tâm và những tác động xã hội; ArtTech hướng đến giải quyết những vấn đề liên quan đến bền vững; ArtTech hướng đến giáo dục bền vững.
Các chuyên gia, tác giả bài báo nghiên cứu trình bày tại phiên thảo luận song song
Chia sẻ lan tỏa tri thức toàn cầu với ấn phẩm sách "Fusing Art and Technology: Co-Creating Futures for New Generations" tập hợp những nội dung chia sẻ của diễn giả từ những bài tham luận chính, phiên thảo luận đặc biệt tại ATF24, và các bài nghiên cứu của các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Sách dự kiến được phát hành vào tháng 03/2025 bởi nhà xuất bản IGI Global (Hoa Kỳ).
Chuỗi triển lãm đa sắc màu đưa người xem vào một thế giới rực rỡ sắc màu với những không gian văn hoá đa dạng
Không gian "UEH & Saigon Culture" minh hoạ Sài Gòn dưới góc nhìn của các UEHers. Tại đây, vẻ đẹp đầy chất văn hoá của Sài Gòn hiện lên qua hình ảnh của những món ăn quen thuộc như bánh mì, cơm tấm, bánh cuốn, bia Sài Gòn, những quán cà phê nhỏ góc vỉa hè, và con người Việt Nam. Những địa danh nổi tiếng Sài Gòn, nhịp sống Sài Gòn, người Sài Gòn và tư duy đặc trưng rất Sài Gòn được phác họa qua những lát cắt của thời gian theo hành trình lịch sử phát triển của Sài Gòn.
Sinh viên trải nghiệm và quét ứng dụng Instagram để xem các tác phẩm nghệ thuật tích hợp thực tế ảo tăng cường tại Triển lãm "UEH & Saigon Culture" - Bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật tích hợp AR của SV Khoa Thiết kế Truyền thông Khóa 48 thực hiện
Nét đẹp của con người và cuộc sống Việt Nam còn được thể hiện một cách lung linh qua tác phẩm thực tế ảo (VR) đầy màu sắc của nghệ sĩ Minh Hằng. Người xem được hòa mình vào không gian thiên nhiên tươi đẹp, nơi con người và thiên nhiên sống hòa hợp, phản ánh niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn. Những tác phẩm này không chỉ đơn thuần là nghệ thuật mà còn là những câu chuyện sâu sắc và đầy cảm xúc, khơi gợi niềm tự hào về quê hương.
Người tham gia trải nghiệm triển lãm Tranh VR
Không chỉ dừng lại ở tôn vinh văn hóa Việt Nam, ATF24 còn quy tụ những tác phẩm nghệ thuật từ sinh viên của các trường trên toàn cầu như Thái Lan, Ma Cao, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Mỗi bộ sưu tập là một câu chuyện văn hóa độc đáo dưới góc nhìn của các bạn sinh viên, mở ra cơ hội giao lưu và học hỏi, giúp người xem nhận thức rõ hơn về sự đa dạng và tươi đẹp của thế giới.
Người xem theo dõi các tác phẩm nghệ thuật từ sinh viên của các trường Thái Lan, Ma Cao, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc
Bộ sưu tập "Dream Weaving for Thousands Years" tái hiện chiều dài lịch sử và kết nối của Con đường Tơ lụa. Với sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại như projector và Leap Motion, tác phẩm tạo ra một trải nghiệm thị giác và tương tác độc đáo, nhắc nhở người xem về vai trò quan trọng của các địa điểm lịch sử trong giao lưu văn hóa và thương mại.
Triển lãm"Dream Weaving for Thousands Years" tái hiện chiều dài lịch sử và kết nối của Con đường Tơ lụa
Triển lãm trải nghiệm âm thanh đắm chìm "OTTO Sonics" vang lên những âm thanh kỳ diệu, đưa người xem vào một cuộc hành trình huyền bí. Âm thanh của gió, sóng biển và lửa bập bùng hòa quyện, tạo nên một bản giao hưởng kết nối con người với thiên nhiên.
Giảng viên, sinh viên trải nghiệm triển lãm trải nghiệm âm thanh đắm chìm "OTTO Sonics"
Sinh viên thăm quan triển lãm NFT từ Đại học Saint Joseph (Macau) tại Cơ sở A và B
Triển lãm chatbot AI thông minh mang tên Lexy. Lexy không chỉ là một công cụ tìm kiếm mà còn là biểu tượng cho sự hòa quyện giữa con người và công nghệ, đặt ra những câu hỏi thú vị về ranh giới giữa sáng tạo của con người và trí tuệ máy.
Đêm nghệ thuật ấn tượng
Đêm biểu diễn nghệ thuật tương tác (Tangible Performance) ấn tượng, nơi giai điệu du dương của piano, âm nhạc hữu hình từ bàn điều khiển cảm biến hòa quyện với những bộ trang phục màu sắc, tạo nên không gian công nghệ và nghệ thuật sống động. Với sự sáng tạo và đổi mới, các nghệ sĩ đã trình bày những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân thông qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến như Reactable để tạo nên giai điệu âm nhạc hữu hình. Hiệu ứng tương tác tạo bởi touchdesigner - ngôn ngữ lập trình trực quan giúp tạo nên những hiệu ứng ánh sáng và hình ảnh ấn tượng, kết hợp nhuần nhuyễn cùng với âm thanh và vũ đạo. Điểm nhấn đặc biệt là sự xuất hiện của các màn trình diễn tương tác thời gian thực (live performance real-time), nơi nghệ sĩ sẽ sáng tạo và biểu diễn trực tiếp trước mắt khán giả. Mỗi khoảnh khắc đều là duy nhất và không thể lặp lại, tạo nên sự kết nối mạnh mẽ giữa người biểu diễn và người thưởng thức. Mỗi màn trình diễn là một câu chuyện độc đáo, khơi dậy cảm xúc và truyền cảm hứng cho người xem.
Màn trình diễn thời trang kết hợp hiệu ứng tương tác Touchdesigner đã khắc họa hành trình phát triển của trái đất trong cuộc đối đầu giữa công nghệ và thiên nhiên
Màn trình diễn LEXY AI Fashion Show minh họa cách công nghệ có thể biến đổi thời trang, nâng cao chất lượng sống và định hình tương lai
Nghệ sĩ Enrique Tomás (Áo) trình diễn tiết mục Birth - Sự khởi sinh - Khám phá nguồn cội vũ trụ và hành trình tiến hóa
GS. Martin Kaltenbrunner (Áo) trình diễn tiết mục Mysterious - Reactable - Những bí ẩn của các dải thiên hà và lời kể về câu chuyện của những vì sao với âm nhạc hữu hình
Nghệ sĩ Datu Arellano (Philippines) sử dụng nhạc cụ điện tử và hai vũ công Miniphantom, Vinh Quang mang đến tác phẩm Reborn - Wonderpole - Sự tái sinh của trái đất và những nguồn năng lượng tích cực
ATF24 chính là nỗ lực lan tỏa sức mạnh của công nghệ trong việc khai thác và làm rõ quyền năng của nghệ thuật, trong việc kết nối con người và thúc đẩy sự sáng tạo hướng tới một tương lai tươi sáng, bền vững hơn.
15 trường đại học đối tác quốc tế đồng tổ chức chuỗi chương trình:
Đóng góp vào thành công của chương trình, Ban Tổ Chức ATF24 xin gửi lời tri ân sâu sắc đến Quý nhà tài trợ và Quý đơn vị bảo trợ: Nhà tài trợ kim cương Samsung, Nhà tài trợ Vàng Chicilon, và đơn vị bảo trợ truyền thông Đài truyền hình TP.HCM (HTV), Lân Tinh Foundation; cùng các Nhà tài trợ Bạc: Unigons, NTK Quỳnh Paris, NTK Ada Anh Trương, NTK Phan Huân Bin, NTK Phan Bá Tài, NTK Trần Thị Yến, NTK Đỗ Phan Trà My, NTK Đặng Ngọc Vân Anh, ATIM Law Firm, Học viện Thương hiệu Kim Cương, Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt nam, và Nhà huấn luyện người mẫu Trịnh Thị Vân Anh; Nhà tài trợ Đồng: VB Studio, Kya Jewel, Nguyen's Art Garden, Công ty cổ phần Giao nhận toàn cầu Richfield, và Công ty TNHH Công nghiệp Brother Vietnam. |
Một số hình ảnh khác tại ATF2024:
GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc chuỗi ATF24
Diễn giả và người tham dự chụp hình lưu niệm kết thúc phiên tham luận chính về “Post Digital Design: Strategies for Media Art”
Diễn giả và người tham dự chụp hình lưu niệm kết thúc phiên thảo luận đặc biệt "ArtTech Revolution in the Entertainment and Cultural Heritage"
Sinh viên thích thú với Robot trình chiếu thông tin về ATF24
Đông đảo sinh viên tham gia các hoạt động của chuỗi chương trình
Đại diện BTC và các đại biểu quốc tế tham gia chụp hình lưu niệm cuối chương trình
Sinh viên chụp hình lưu niệm khi tham quan các triển lãm tại ATF24
Lãnh đạo nhà trường cùng đại biểu tham dự đêm biểu diễn nghệ thuật Tangible Performance
Ban tổ chức ATF24 chụp hình lưu niệm đêm biểu diễn nghệ thuật Tangible Performance
Tin, ảnh: Ban tổ chức ATF24, Ban Truyền thông và Phát triển đối tác
Cơ quan báo chí đưa tin:
1. Báo Nhân Dân: ArtTech Fusion 2024, nơi giao thoa nghệ thuật tạo giá trị cho cuộc sống
2. Cổng thông tin điện tử TP.HCM: Khai mạc chuỗi Arttech Fusion 2024 - ATF24
3. Cổng thông tin Bộ Ngoại giao: Khai mạc chuỗi Arttech Fusion 2024 – ATF24
4. Quân đội Nhân dân: Xây dựng cộng đồng công nghệ - nghệ thuật định hướng sáng tạo cho thế hệ trẻ
5. Tạp chí Môi trường đô thị số: ArtTech Fusion: Khi các Công nghệ mới nhất giao thoa nghệ thuật tạo giá trị cuộc sống
6. Thế giới giải trí: ArtTech Fusion: Khi các Công nghệ mới nhất giao thoa nghệ thuật tạo giá trị cuộc sống
7. Báo mới: ArtTech Fusion 2024, nơi giao thoa nghệ thuật tạo giá trị cho cuộc sống
8. Đài tiếng nói Việt Nam: 12 trường đại học trên thế giới tổ chức ArtTech Fusion 2024 tại TP.HCM
9. Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM: Khoảng 4.500 người tham dự chuỗi hoạt động quốc tế ArtTech Fusion 2024
10. Tạp chí điện tử Thương hiệu và Công luận: Khai mạc chuỗi hoạt động quốc tế ArtTech Fusion 2024
11. Đài truyền hình TP.HCM: Chuỗi hoạt động về nghệ thuật - công nghệ không thể bỏ qua tại ArtTech Fusion 2024
12. Chuyên trang ELTime: ArtTech Fusion: Khi các Công nghệ mới nhất giao thoa nghệ thuật tạo giá trị cuộc sống
13. Báo mới: ArtTech Fusion 2024, nơi giao thoa nghệ thuật tạo giá trị cho cuộc sống
14. Báo Phụ nữ: 11 trường đại học quốc tế đồng tổ chức chuỗi sự kiện ArtTech Fusion 2024
15. Báo Giáo dục và Thời đại: Đại học Kinh tế TPHCM khai mạc ArtTech Fusion 2024
16. Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống: ATF24: Công nghệ giao thoa nghệ thuật tạo giá trị cuộc sống
17. Tạp chí Du lịch: Hợp tác, sáng tạo, tích hợp công nghệ và nghệ thuật hướng tới Tương lai bền vững
18. Tạp chí Khoa học phổ thông: Hơn 30 hoạt động học thuật, triển lãm, nghệ thuật tại ArtTech Fusion 2024
19. VietNam News: University of Economics HCM City hosts international ArtTech Fusion event
20. Báo mới: Đại học Kinh tế TPHCM khai mạc ArtTech Fusion 2024
21. Tạp chí Doanh nghiệp hội nhập: Khi công nghệ mới và nghệ thuật đương đại giao thoa tạo nên giá trị cho cuộc sống
Chia sẻ