Chuyên gia UEH: Việt Nam nên kết hợp tiêm vaccine miễn phí và dịch vụ
21 tháng 06 năm 2021
[Báo VnEpress] Việt Nam nên sớm triển khai cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021, theo tiến sĩ Phạm Khánh Nam.
Tại cuộc họp ngày 18/6, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 cho biết sau khi tiêm vaccine cho các nhóm ưu tiên, đạt đến miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế sẽ khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ.
Đồng tình với đề xuất này, TS Phạm Khánh Nam (Đại học Kinh tế TP HCM) nói vaccine Covid-19 có đặc tính là "hàng hóa bán công", người sử dụng không chỉ phòng ngừa bệnh cho bản thân mà còn giúp cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Vì vậy, chiến lược vaccine của Việt Nam đề ra các nhóm ưu tiên tiêm và miễn phí là đúng đắn.
Tuy nhiên, bên cạnh chương trình tiêm chủng mở rộng, việc cho phép cơ chế tiêm dịch vụ sẽ giúp mở ra nhiều hơn các kênh tiếp cận vaccine và thêm lựa chọn cho người dân, doanh nghiệp.
"Kết hợp giữa tiêm vaccine dịch vụ và miễn phí sẽ kích thích các doanh nghiệp, địa phương tìm kiếm, đa dạng nguồn vaccine. Điều này giúp Việt Nam giải quyết bài toán trước mắt là cần vaccine nhanh, nhiều, và đảm bảo về lâu dài nếu phải tiêm nhắc lại hàng năm", tiến sĩ Nam phân tích.
Ông cho hay "mới đây tôi thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp 600 người ngẫu nhiên tại TP HCM, kết quả 76% đồng ý trả 700.000 đồng cho hai liều vaccine Covid-19".
Tiến sĩ Nam đề xuất Quỹ vaccine hiện nay sẽ dùng để tiêm cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Cùng với đó, cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ nên được khởi động ngay, triển khai cùng lúc với việc tiêm cho các nhóm ưu tiên. "Để sớm có miễn dịch cộng đồng, chúng ta mở tất cả các cửa, kênh nào tiếp cận được vaccine nguồn gốc rõ ràng từ nhà sản xuất vào lúc này đều đáng quý", ông nói.
Tiến sĩ Phạm Khánh Nam (Đại học Kinh tế TP HCM). Ảnh: Nhân vật cung cấp
TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, đề xuất Chính phủ cần hình thành và duy trì hai luồng nhập vaccine từ Nhà nước và tư nhân. Vaccine Nhà nước nhập về sẽ tiêm cho những nhóm dân số được ưu tiên như lực lượng chống dịch, y tế, quân đội, công an, người có bệnh nền, người già, người yếu thế... Vaccine doanh nghiệp nhập về dùng để tiêm cho nhân viên trong đơn vị đó.
Ông Thành lưu ý, cần có cơ chế để các doanh nghiệp không cạnh tranh với Nhà nước trong việc tiếp cận, mua, nhập vaccine. "Nghĩa là luồng vaccine từ Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Đến khi dịch bệnh được đẩy lùi, xã hội bước vào trạng thái bình thường thì Nhà nước sẽ trợ giá một phần để tiêm chủng mở rộng", ông nói.
Ông kỳ vọng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ có những mối quan hệ đặc biệt để mua được vaccine.
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Viện Pasteur TP HCM, ngày 11/5. Ảnh: Hữu Khoa
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia) cũng cho rằng, Nhà nước nên duy trì cả hai hình thức, tiêm miễn phí và dịch vụ, nhưng phải điều tiết, đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận vaccine giữa các nhóm dân số.
Theo TS Thu Anh, trong khi đại dịch đang hoành hành hiện nay, Nhà nước vẫn nên ưu tiên tiêm chủng miễn phí cho người dân, để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. "Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ bao gồm tất các loại vaccine mà Chính phủ có thể mua được", bà nói.
Nữ chuyên gia lo ngại, nếu triển khai tiêm dịch vụ, nguồn vaccine nhập về Việt Nam dồn sang phía các doanh nghiệp tư nhân, lúc đó người nghèo, người yếu thế, vùng sâu, vùng xa không được tiêm. Như vậy, dịch bệnh vẫn sẽ bùng phát và không đảm bảo công bằng. "Khi tiêm dịch vụ thì những người có điều kiện kinh tế sẽ được tiêm loại vaccine khác (có thể tốt hơn) so với những người không có khả năng chi trả hay không? Người tiêm vaccine dịch vụ có được tiêm trước nhóm ưu tiên theo Nghị quyết 21?", bà Thu Anh nêu hàng loạt băn khoăn.
Từ cách tiếp cận trên, TS Thu Anh nói tiêm dịch vụ chỉ phục vụ nhóm dân số đặc biệt, đơn cử như du học sinh, người đi công tác nước ngoài có nhu cầu sử dụng vaccine sớm. "Điều quan trọng là Chính phủ phải tạo cơ chế để vaccine dịch vụ không cạnh tranh với chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm dịch vụ chỉ là một trong các kênh bổ sung cho chiến dịch tiêm chủng cả nước. Như vậy mới đảm bảo công bằng và sớm đạt miễn dịch cộng đồng", nữ chuyên gia nhấn mạnh.
Ngoài ra, TS Thu Anh cho rằng Chính phủ nên huy động các đơn vị tư nhân tham gia vào chương trình tiêm chủng mở rộng và sẽ được Nhà nước trả chi phí. Hiện nay Việt Nam có nhiều đơn vị tiêm chủng với dịch vụ tốt. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực và kiểm soát đảm bảo an toàn.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia). Ảnh: VT
Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam phải tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, tương đương 150 triệu liều. Đến ngày 20/6, cả nước đã tiêm vaccine Covid-19 cho gần 2,4 triệu người; hơn 200.000 người được tiêm mũi 2.
Tác giả: Phạm Khánh Nam - Khoa Kinh tế UEH.
Nguồn: VnExpess