Diễn thuyết công cộng “Sustainable development and environment”: Chung tay tìm ra giải pháp để đạt được phát triển bền vững
04 tháng 07 năm 2023
Ngày 21/06/2023 vừa qua, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã kết hợp cùng Đại học Yonsei (Hàn Quốc) tổ chức thành công buổi diễn thuyết công cộng với chủ đề Sustainability and Environment do GS. Tae Yong Jung chia sẻ. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của các giáo sư, chuyên gia, giảng viên và sinh viên UEH.
- [UEH & World Bank] Buổi chia sẻ thông tin: Leveraging data for sustainable development
- ArtTech và phát triển bền vững
- Hội thảo khoa học quốc tế RTD 2024 (Resilience by Technology and Design) chủ đề “For a More Sustainable Mekong Delta - Vì một Đồng bằng sông Cửu Long bền vững hơn” tổ chức tại Phân hiệu Vĩnh Long
Được nhắc đến lần đầu tiên ở báo cáo năm 1987 của Uỷ ban Brundtland, phát triển bền vững là lời giải cho bài toán cân bằng mức độ ưu tiên để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Được xem là “trái tim” của Chương trình Phát triển Bền vững 2030, 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDGs) chính là lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc đến các nước đang phát triển và phát triển cùng chung tay hướng đến yếu tố quan trọng này.
Nhằm mang đến những góc nhìn toàn diện, đầy đủ về phát triển bền vững và thúc đẩy việc phát triển tư duy và hành động bền vững cho cộng đồng, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác cùng Đại học Yonsei (Hàn Quốc) tổ chức buổi diễn thuyết công cộng do GS. Tae Yong Jung trình bày với chủ đề: Sustainable Development and Environment.
Chương trình có sự tham dự của TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH, TS. Park Young June - Hiệu trưởng danh dự Trường Công nghệ và Thiết kế UEH, TS. Trịnh Tú Anh - Viện trưởng, Viện Đô thị Thông minh và Quản lý, TS. Yi Dong Su - Phó Trưởng khoa, Khoa Thiết kế Truyền thông, cùng các giáo sư, chuyên gia, giảng viên và sinh viên đến từ UEH và Đại học Yonsei.
TS. Bùi Quang Hùng phát biểu khai mạc
Góc nhìn của chuyên gia về môi trường và phát triển bền vững
GS. Tae Yong Jung là một chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm về Phát triển bền vững đặc biệt về các lĩnh vực như Trung hòa Carbon, Tăng trưởng xanh,... Ông hiện đang là Giáo sư tại Đại học Yonsei Hàn Quốc, thành viên của International Cooperation Sub-Committee, Presidential Council on Carbon Neutrality and Green Growth, Thành viên Hội đồng Quản trị của Korea International Economic Association. Đồng thời ông cũng là tác giả của hơn 560 bài nghiên cứu, hơn 25 đầu/chương sách và nhiều bài viết nghiên cứu khoa học khác.
Tại buổi diễn thuyết, dựa trên các vấn đề thực tế mà Việt Nam đang phải đối mặt, GS. Tae Yong Jung đã đưa ra các đề xuất và đặc biệt là các điểm cần chú trọng của 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đặc biệt, ông cũng chia sẻ về dự án Zero Waste Campus - một trong những dự án tiêu biểu của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh về hành động bền vững,
GS. Tae Yong Jung trình bày các định nghĩa quan trọng
Một hướng phát triển bền vững phù hợp đang cần được nghiên cứu
Là một nước đang phát triển, Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt với rất nhiều thử thách để có thể hoàn thành mục tiêu hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, khác với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản hay Hoa Kỳ, các vấn đề mà Việt Nam gặp phải hiện tại và tương lai không phải chỉ gói gọn trong lãnh thổ quốc gia, mà còn là các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, thiên tai và môi trường. Do đó, phương pháp giải quyết vấn đề theo hướng trình tự mà các nước trên đã đi theo sẽ không phải là giải pháp toàn diện. Điều này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cho một hướng suy nghĩ mới, một mô hình giải pháp mới dành riêng cho Việt Nam trong thời đại mới này.
Mô hình mới này nên được tập trung vào các nhu cầu hiện hữu, chú trọng bảo vệ môi trường cùng lúc với phát triển kinh tế. Nói cách khác, các hướng tiếp cận tích cực và thực tiễn là cần thiết để đảm bảo được 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường.
GS. Tae Yong Jung chia sẻ về Phát triển Bền vững và Môi trường
Bên cạnh đó, căn cứ vào các số liệu thống kê, những vấn đề xã hội đang ngày càng gia tăng. Covid-19 đã khiến mất cân bằng trong thu nhập trở thành vấn đề toàn cầu. Thế nhưng, đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, bất bình đẳng thu nhập chỉ là một trong những vấn đề nan giải cần phải đối mặt. Các vấn đề khác bao gồm biến đổi khí hậu, thiên tai, sự phụ thuộc nặng nề vào các lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu và khả năng thích ứng thấp.
Nhận thức được về các vấn đề trên, chiến lược hành động quyết liệt và mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu cần được thực hiện một cách nhanh chóng để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, chúng ta cần phải chú ý đến một hướng phát triển mới xoay quanh chất lượng cuộc sống hơn là các chỉ tiêu số lượng. Đây chính là yếu tố quan trọng để đảm bảo được sự nhịp nhàng của phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, xã hội.
Toàn cảnh sự kiện
17 Mục tiêu Phát triển Bền vững Toàn cầu: tương lai mà chúng ta hướng tới
Bên cạnh các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ dành cho các nước đang phát triển, một quá trình liên chính phủ toàn diện và minh bạch dành cho tất cả các bên liên quan, hướng đến thống nhất các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu, Liên Hợp Quốc đã đưa 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững cùng các thỏa thuận liên quan của các nước tham dự Hội nghị Rio +20 của Liên Hợp Quốc vào tháng 6/2012.
GS. Tae Yong Jung nói về 17 Mục tiêu Phát triển Toàn cầu
Trong đó, GS. Tae Yong Jung đã đặc biệt nhắc đến 2 thỏa thuận về đặc điểm mà các kế hoạch hướng đến SDGs nên thỏa mãn. Đầu tiên, các chiến lược được đưa ra này đều phải đặt yếu tố hành động lên hàng đầu, và các hoạt động triển khai đều phải xoay quanh yếu tố này. Một trong những ví dụ cho đặc điểm này chính là Chiến dịch Zero Waste Campus của UEH, hoạt động mà sự tham gia của giảng viên, nhân viên và sinh viên đóng một vai trò không thể thiếu đối với sự thành công cũng như sức ảnh hưởng của chiến dịch. Bên cạnh đó, thỏa thuận cho rằng các chính sách được đưa ra phải dựa vào cơ sở nghiên cứu khoa học cũng là điều cần lưu ý cho các chiến lược bền vững.
17 Mục tiêu Phát triển Bền Vững Toàn cầu (SDGs) giúp thỏa mãn các yêu cầu cần có cho một chiến dịch, là đại diện cho một tương lai mà thế giới mong muốn. Trong đó, 5 mục tiêu đầu tiên được dành để giải quyết các vấn đề cấp thiết trong xã hội, bao gồm nghèo đói, sức khỏe, giáo dục và bình đẳng giới. Những mục tiêu còn lại đề cập đến môi trường, phát triển kinh tế và xoay quanh mối quan hệ hợp tác và kết nối giữa các cộng đồng và các nước.
GS. Tae Yong Jung đã chú trọng đến mục tiêu số 10 về bảo đảm tiêu dùng và sản xuất bền vững. Theo ông, việc sản xuất ra các sản phẩm bền vững và xanh không khó như việc đảm bảo ý thức và nhu cầu của khách hàng về tiêu dùng bền vững. Chính ý nhu cầu này cũng sẽ góp phần lớn trong việc thúc đẩy sản xuất bền vững.
Người tham gia đặt câu hỏi cho GS. Tae Yong Jung
Cuối buổi diễn thuyết, GS. Tae Yong Jung đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ phía khán giả. Ông không chỉ đưa ra câu trả lời chi tiết và toàn diện cho các thắc được nêu lên, mà còn sẵn sàng thảo luận về các vấn đề được đặt ra. Giáo sư cũng tin rằng, Việt Nam sẽ xác định được hướng đi đúng đắn và đưa ra chiến lược phù hợp để hướng đến phát triển bền vững và môi trường.
GS. Tae Yong Jung trả lời các vấn đề được đặt ra
Với những chia sẻ được tổng hợp từ những nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế của GS. Tae Yong Jung, người tham dự đã nắm được rõ hơn những khó khăn hiện hữu mà chiếc lược phát triển bền vững cần phải giải quyết, đi kèm theo đó là các lưu ý và diễn giải quan trọng liên quan đến các hướng giải pháp cho phát triển bền vững, đặc biệt là về 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững Toàn cầu (SDGs). Với những chia sẻ quý báu này, người tham dự hoàn toàn có thể ứng dụng vào việc thiết lập kế hoạch hướng đến phát triển bền vững, cũng như xác định các tiêu chí để đánh giá kết quả đầu ra của kế hoạch này.
Một số hình ảnh khác của sự kiện:
Tin, ảnh: Viện Đô thị thông minh và quản lý
Chia sẻ