Hội nghị Kinh tế Môi trường Đông Nam Á: Các phương pháp tiếp cận xuyên ngành hướng tới tính bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống
03 tháng 12 năm 2021
Hội nghị thường niên “Kinh tế Môi trường Đông Nam Á - Các phương pháp tiếp cận xuyên ngành hướng tới tính bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống” do Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida), cùng Trung tâm Môi trường cho phát triển tại Việt Nam (EfD-Vietnam) tổ chức đã diễn ra thành công từ ngày 1 đến ngày 3/12/2021. Đây là diễn đàn để thúc đẩy nghiên cứu về kinh tế môi trường bằng cách sử dụng các phương pháp tiếp cận xuyên ngành để tăng tính bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trước tình hình dịch Covid-19, hội nghị thường niên EEPSEA được tổ chức trên nền tảng trực tuyến Zoom, nhưng vẫn thu hút sự tham dự của gần 450 người tham gia gồm các thuyết trình viên, tham luận viên và diễn giả khách mời từ khắp nơi trên thế giới.
Cân bằng các giới hạn của hành tinh để đảm bảo một nền kinh tế bền vững
Phát biểu khai mạc và chúc mừng hội thảo, GS.TS. Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH và TS. Eren Zink - Bí thư thứ nhất, Cố vấn nghiên cứu, Đại sứ quán Thụy Điển tại Thái Lan đánh giá rất cao vai trò và ý nghĩa của hội thảo đối với kinh tế môi trường.
GS.TS. Sử Đình Thành chia sẻ: “Với mong muốn xây dựng những giá trị bền vững cho xã hội và cộng đồng, chúng tôi vô cùng tự hào khi đồng hành cùng các đối tác tổ chức hội thảo khoa học EEPSEA để tìm kiếm và thúc đẩy nghiên cứu về kinh tế môi trường, gia tăng tính bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tôi tin rằng, hội thảo thường niên EEPSEA sẽ là diễn đàn ý nghĩa cho tất cả các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và chuyên gia khắp nơi trên thế giới. Sự quan tâm và tham dự của đông đảo quý vị chính là động lực để UEH ngày càng nỗ lực trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu theo hướng quốc tế hóa.”
GS.TS. Sử Đình Thành phát biểu khai mạc hội thảo
TS. Eren Zink, đại diện cho Sida phát biểu chào mừng
Tiếp đến là bài phát biểu quan trọng của GS.TS. Arnold Tukker - Đại học Leiden, Hà Lan về chủ đề đầu tư vốn để phát triển nền kinh tế bền vững dưới sự chủ trì của TS. Phạm Khánh Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á.
GS. Tukker cho biết sự cần thiết phải cân bằng giữa việc tôn trọng các ranh giới hành tinh trong khi đáp ứng các mục tiêu kinh tế - xã hội của loài người. Bài trình bày một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của nghiên cứu trong việc hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và các nhà thực hành lựa chọn những chính sách sáng suốt.
Giáo sư Arnold Tukker thảo luận về việc đầu tư vốn cho một nền kinh tế bền vững
Tiếp theo, 3 phiên họp song song đã được tổ chức về các chủ đề khác nhau: phiên 1A - Sức khỏe môi trường, Phiên 1B - Các vấn đề môi trường trên toàn nền kinh tế; Phiên 1C - Các đề xuất nghiên cứu mới.
Các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo
Biến đổi khí hậu là thách thức môi trường cấp bách hàng đầu
Ngày thứ hai của hội nghị bắt đầu với cuộc thảo luận bàn tròn về các chủ đề nghiên cứu tương lai cho Đông Nam Á. Được điều phối bởi TS. Gem Castillo - Viện trưởng Viện Kinh tế và Môi trường Philippines, phiên họp có sự tham gia của các Thành viên Ban điều hành Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) đến từ Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Đây là phiên tương tác, thành viên tham gia có thể đưa ra ý kiến về các vấn đề môi trường, các chủ đề nghiên cứu quan tâm và nội dung muốn tìm hiểu ở các khóa đào tạo trong tương lai của EEPSEA. Kết quả cuộc thăm dò cho thấy, biến đổi khí hậu là thách thức môi trường cấp bách hàng đầu mà toàn cầu phải đối mặt, cùng với các thách thức liên quan khác đối với khu vực như: chất thải và ô nhiễm, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái tài nguyên, và quản lý yếu kém. Bên cạnh đó, hội nghị còn có nhiều chủ đề nghiên cứu lĩnh vực khác như: quản trị, kinh doanh và xã hội. Kết quả cho thấy, sự đa dạng về bối cảnh nghiên cứu cùng đam mê của những người tham gia đã mở ra những chủ đề đầy hứa hẹn cho tương lai.
Ngoài ra, hội nghị còn có 3 phiên song song: Phiên 2A - Quản lý tài nguyên biển; Phiên 2B - Định giá môi trường; Phiên 2C - Các đề xuất nghiên cứu mới.
Kết quả thảo luận về những vấn đề về kinh tế và môi trường tại các quốc gia Đông Nam Á
TS. Hermi Francisco, chủ tọa một phiên thảo luận song song
Trong khuôn khổ chương trình, TS. Phạm Khánh Nam đã công bố thông tin chi tiết và thủ tục đăng ký chương trình tài trợ nghiên cứu của EEPSEA: Seed Grant và Small Research Grant. Các khoản tài trợ này sẽ cung cấp kinh phí hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu ở Đông Nam Á với các dự án nghiên cứu áp dụng công cụ của kinh tế học trong việc phân tích các thách thức môi trường liên quan đến chính sách và các ưu đãi được dành cho những người sử dụng các phương pháp tiếp cận xuyên ngành.
Các vấn đề liên quan đến nhau cần có các giải pháp và nghiên cứu liên ngành
Ngày thứ ba của hội nghị bắt đầu với 3 phiên song song về định giá môi trường, đề xuất nghiên cứu mới và phiên họp của Trung tâm môi trường cho Phát triển Việt Nam (EfD-Việt Nam) về môi trường và phát triển.
GS.TS. Phoebe Koundouri - Đại học Kinh tế và Kinh doanh Athens, Chủ tịch Hiệp hội các nhà Kinh tế Môi trường và Tài nguyên Châu Âu (EAERE) đã có bài phát biểu quan trọng về nghiên cứu liên ngành để tăng trưởng bền vững, dưới sự chủ trì của GS.TS. Arief Yusuf - Viện trưởng Viện Kinh tế và Môi trường (EEI) Indonesia, Giáo sư tại Đại học Padjadjaran, Indonesia. Theo đó, GS.TS. Phoebe Koundouri nhấn mạnh điều quan trọng là phải truyền đạt các kết quả nghiên cứu và thu hút các bên liên quan khác nhau vào quá trình này để khoa học vượt ra khỏi phòng thí nghiệm, từ đó tạo ra các tác động thực tế.
GS. Phoebe Koundouri, chủ tịch EAERE nhấn mạnh về sự cần thiết của các giải pháp và nghiên cứu liên ngành để tăng trưởng bền vững
Tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao giải cho 2 bài báo nghiên cứu xuất sắc gồm: giải thưởng “Sustainability prize” cho bài báo cáo xuất sắc “Sự ưa thích của ngư dân đối với các biện pháp can thiệp rác biển ở Việt Nam” của TS. Bùi Bích Xuân - Đại học Nha Trang, và giải thưởng “Green prize” cho nhà nghiên cứu nữ trẻ tuổi Kiki Amalia Tazkiyah đến từ Đại học Indonesia với bài trình bày “Tín dụng vi mô cho nước và vệ sinh cải thiện phúc lợi hộ gia đình: Một bằng chứng từ Indonesia”.
TS. Phumsith Mahasuweerachai, Viện trưởng Viện Kinh tế và Môi trường Tiểu vùng Hạ lưu Sông Mekong (EEI Lower Mekong Subregion) công bố giải thưởng “Sustainability prize” cho bài báo xuất sắc nhất và “Green prize” cho nhà nghiên cứu nữ trẻ tuổi
Mặc dù được tổ chức hoàn toàn trực tuyến, song hội nghị đã thu hút sự tham gia và quan tâm của rất nhiều chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới. “Hội nghị đã rất thành công khi tạo điều kiện kết nối, trao đổi thông tin và hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, đây cũng là sứ mệnh của EEPSEA trong việc thúc đẩy nghiên cứu xuyên ngành vì sự phát triển và môi trường” - TS. Phạm Khánh Nam phát biểu bế mạc hội nghị.
Các nhà nghiên cứu tại phiên bế mạc
Một số hình ảnh khác:
Tin, Ảnh: Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á, Phòng Marketing - Truyền thông
Chia sẻ