Hội thảo khoa học quốc gia: “Kinh tế, luật và chính sách công nghệ số – Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình”

19 tháng 04 năm 2025

Sáng ngày 18/4/2025, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH-CELG) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Kinh tế, Luật và chính sách công nghệ số – Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình” với sự tham gia của hơn 300 khách mời, diễn giả, và người tham dự. Đặc biệt, hội thảo đã thu hút hơn 220 bài tham luận, từ các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức nghề nghiệp trên cả nước; trong đó hơn 60 bài đã được lựa chọn trình bày tại hội thảo. 

Toàn cảnh hội thảo

Về phía Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), Hội thảo có sự tham dự của: GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc UEH; PGS.TS. Nguyễn Phong Nguyên - Phó Trưởng ban thường trực, Ban Nghiên cứu - Phát triển và Gắn kết toàn cầu; ThS. Võ Đức Hoàng Vũ - Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu - Phát triển và Gắn kết toàn cầu; PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (UEH-CELG); TS. Trần Thị Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng CELG; ThS. Huỳnh Thúc Định - Phó Chánh văn phòng phụ trách, Văn phòng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước; TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng khoa Luật; TS. Nguyễn Thị Anh - Phó Trưởng khoa Luật.

Về phía đơn vị đồng tổ chức, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), rất vinh dự đón tiếp: ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng IPS; ông Nguyễn Đức Lam - Cố vấn Chính sách IPS; bà Nguyễn Lan Phương - phụ trách chương trình công nghệ số IPS.
Về phía khách mời, hội thảo vinh dự có sự hiện diện của: bà Phạm Thuý Hạnh - Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; ông Đoàn Kim Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học & Công nghệ Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Sử Đình Thành – Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) cho rằng trong kỷ nguyên chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng, UEH xác định rõ vai trò của mình không chỉ là trung tâm đào tạo, mà còn là đơn vị nghiên cứu học thuật uy tín và đối tác tham vấn chính sách đáng tin cậy. Giám đốc UEH nhấn mạnh hội thảo hôm nay là một phần trong định hướng chiến lược của UEH về “Nghiên cứu vì lợi ích cộng đồng”, đồng thời cũng là hoạt động tiêu biểu hướng đến kỷ niệm 50 năm thành lập Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (1976-2026). GS.TS. Sử Đình Thành cho rằng, với hơn 60 bài tham luận được chọn và 08 phiên thảo luận song song sẽ tạo nên được diễn đàn học thuật thiết thực, đóng góp nhiều giá trị cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. UEH cam kết tiếp tục phát huy vai trò kết nối tri thức, lan tỏa giá trị học thuật, và đồng hành cùng các bên liên quan trong công cuộc xây dựng một tương lai tiến bộ, bao trùm và văn minh hơn.

GS.TS. Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc

Về phía Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng IPS bày tỏ rằng, đây là lần thứ ba IPS phối hợp cùng UEH tổ chức diễn đàn thường niên về chính sách và pháp lý cho công nghệ số và kinh tế số. Sự gia tăng vượt bậc cả về số lượng và chất lượng bài tham luận - với hơn 220 bài đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của giới nghiên cứu đối với các chủ đề cốt lõi như dữ liệu cá nhân, trí tuệ nhân tạo, tài sản số và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn về kinh tế - chính trị, Viện trưởng IPS tin rằng các diễn đàn học thuật thế này chính là nơi định hình lại tư duy chính sách, củng cố niềm tin vào giá trị của tri thức và học thuật. 

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng IPS phát biểu

Tại phiên toàn thể, ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM – đã trình bày về hệ thống chính sách và định hướng phát triển công nghệ số của thành phố. Trong đó, đáng chú ý là chiến lược 1-4-1, gồm: xây dựng một trung tâm Tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; 4 cao: phát triển trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, đô thị thông minh, và khởi nghiệp sáng tạo), khu công nghiệp công nghệ cao, giáo dục chất lượng cao, y tế chất lượng cao và 1 chiến lược: hạ tầng chiến lược trước mắt tập trung hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại và hạ tầng số. Từ thực tiễn của địa phương, ông Thắng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp và các văn bản dưới luật theo hướng “thiết kế để phát triển”, đồng thời cho phép các địa phương tiên phong như TP.HCM được thí điểm các cơ chế quản lý và chính sách đặc thù, nhằm tạo đột phá thực sự trong phát triển công nghệ số, đổi mới sáng tạo và kinh tế tri thức.

Ông Lâm Đình Thắng trình bày chủ đề “Công nghệ số và Đổi mới sáng tạo - Động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị trong kỷ nguyên mới”

Đại diện Văn phòng Chính phủ, bà Phạm Thúy Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật - khẳng định nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ các rào cản thể chế thông qua Nghị định 88/2025/NĐ-CP, mới được ban hành nhằm hướng dẫn triển khai Nghị quyết 193 của Quốc hội. Theo bà Hạnh, nhà nước cần thiết kế khung khổ pháp lý theo hướng linh hoạt, thử nghiệm có kiểm soát, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh và phức tạp như hiện nay. Việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực tư nhân, đặc biệt là trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ, cũng là định hướng được Chính phủ chú trọng trong giai đoạn tới.

Bà Phạm Thúy Hạnh trình bày chủ đề “Chính sách phát triển công nghệ số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

Bà Nguyễn Lan Phương – phụ trách chương trình nghiên cứu công nghệ số, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông – trình bày báo cáo phân tích hệ sinh thái AI tại Việt Nam và đề xuất khung chính sách phát triển và quản trị rủi ro đối với công nghệ này. Hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam gồm năm trụ cột chính: hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, tài chính, thị trường và chính sách. Mặc dù Việt Nam có lợi thế về lực lượng kỹ sư công nghệ, thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh và hệ sinh thái khởi nghiệp khá sôi động, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách lớn về hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, mô hình AI, dữ liệu và các quy định pháp luật cùng các hướng dẫn thực hành liên quan. Đại diện IPS đã đưa ra 10 khuyến nghị hoàn thiện các quy định về dữ liệu, thu hút nhân lực chất lượng cao thông qua các tài trợ nghiên cứu lớn và chấp nhận rủi ro đầu tư, cơ chế định giá cho sản phẩm, dịch vụ AI sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Bà Nguyễn Lan Phương trình bày chủ đề “Chính sách về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam: Cân bằng giữa thúc đẩy phát triển và quản trị rủi ro”

PGS.TS Đỗ Minh Khôi – Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH – đã có phần trình bày chuyên sâu với chủ đề “Chủ nghĩa hiến pháp trong kỷ nguyên số”, mang đến góc nhìn học thuật sâu sắc về cách công nghệ đang tái định hình mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và công dân. Theo PGS.TS Đỗ Minh Khôi, chủ nghĩa hiến pháp hiện đại không chỉ là nền tảng của thiết kế thể chế dân chủ, mà còn là hệ tư tưởng nhằm giới hạn quyền lực và bảo vệ các quyền cơ bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh phụ thuộc và kiểm soát số, các nguyên lý của chủ nghĩa hiến pháp đang đối mặt với thách thức chưa từng có – đặc biệt là từ quyền lực tư nhân đến từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Ông cho rằng, cần tái định hình quá trình “hiến pháp hóa” để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. Điều này bao gồm việc xem xét lại cơ chế phân quyền giữa công và tư, thiết lập các tiêu chuẩn mới về trách nhiệm giải trình trong môi trường số, và tăng cường cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền con người trong không gian mạng.

PGS.TS. Đỗ Minh Khôi trình bày chủ đề “Chủ nghĩa Hiến pháp trong kỷ nguyên số”

Tiếp nối hội thảo là 08 phiên song song thảo luận chuyên sâu về các chủ đề liên quan đến hội thảo, bao gồm:

  • Lĩnh vực công nghệ đổi mới sáng tạo: Các phiên thảo luận tập trung vào ứng dụng AI, blockchain, fintech và chuyển đổi số trong giáo dục, tư pháp, du lịch, và khu vực công. Nổi bật là các phiên về AI, tài sản số, và kinh tế số.
  • Môi trường, phát triển bền vững: Một số nghiên cứu xoay quanh giao dịch tín chỉ carbon, vận tải không phát thải và tác động môi trường của công nghệ số. Nội dung trải rộng từ chính sách đến ESG.
  • Vai trò của bình đẳng giới: Chủ đề về thiên kiến giới trong AI và các đề xuất xây dựng khung pháp lý đảm bảo công bằng giới được trình bày trong phiên dành cho nhà nghiên cứu trẻ.
  • Tài chính và đầu tư: Các phiên đề cập đến fintech, tiền mã hóa, cơ chế sandbox tài chính và pháp lý về giao dịch tài sản số, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và quản lý rủi ro.
  • Kinh tế học hành vi: Tập trung vào hành vi người tiêu dùng trên nền tảng số, vai trò cảm xúc, niềm tin và quyền riêng tư trong quyết định mua sắm và khởi nghiệp số của giới trẻ.
  • Phát triển kinh tế và chính sách công: Bàn luận về chuyển đổi số khu vực công, lãnh đạo số, giao thông thông minh và ứng dụng AI trong hoạch định chính sách công.
  • Luật pháp: Khai thác các vấn đề pháp lý mới như quyền tác giả của AI, bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh mạng xã hội, và quyền riêng tư trong môi trường số.
  • Rủi ro, bất ổn và kinh tế vĩ mô: Các yếu tố rủi ro được phản ánh gián tiếp qua các chủ đề như dữ liệu cá nhân, AI và pháp lý Fintech.

ThS. Nguyễn Văn Được trình bày nghiên cứu thuộc nhóm chủ đề “Kinh tế số và các vấn đề phát triển”

Tác giả trình bày nghiên cứu thuộc nhóm chủ đề “AI và Công lý”

Tác giả trình bày nghiên cứu thuộc nhóm chủ đề “Khung pháp lý về dữ liệu cá nhân và thị trường dữ liệu”

Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế, Luật và chính sách công nghệ số – Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình” đã cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, kiến tạo và thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng và sâu rộng. Những chia sẻ và phân tích từ đại diện các cơ quan trung ương, địa phương và giới nghiên cứu đã khẳng định rằng, công nghệ số không thể phát triển bền vững nếu thiếu một nền tảng chính sách hợp lý, nhất quán và có tầm nhìn dài hạn. Hội thảo lần này không chỉ là một hoạt động học thuật, mà còn là minh chứng rõ nét cho nhu cầu đối thoại chính sách dựa trên khoa học và thực tiễn, từ đó đóng góp thiết thực vào quá trình hoạch định luật pháp, thể chế và chiến lược phát triển quốc gia trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của công nghệ, dữ liệu và đổi mới sáng tạo vì con người.

PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH:

“Năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là một dấu mốc chính trị quan trọng, khẳng định vai trò then chốt và cấp thiết của khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo như những điều kiện tiên quyết, tạo nên thời cơ thuận lợi để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, công nghệ số được xác định là chìa khóa chiến lược giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, xây dựng một nền kinh tế tự cường, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Trong bối cảnh đó, hội thảo “Kinh tế, Luật và Chính sách công nghệ số: Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình” được tổ chức với mục tiêu tạo ra một không gian trao đổi học thuật và thực tiễn về các vấn đề kinh tế, pháp lý, chính sách liên quan đến công nghệ số. Hội thảo đã đóng góp những khuyến nghị chuyên sâu, xuất phát từ cơ sở khoa học và thực tiễn, cho các dự thảo luật và nghị định quan trọng nêu trên.”

Một số hình ảnh khác tại hội thảo: 

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) gặp mặt trước hội thảo

TS. Trần Thị Tuấn Anh - Phó Hiệu trưởng CELG và Chủ trì phiên thảo luận song song chụp hình lưu niệm

Hiệu trưởng CELG và Viện trưởng IPS trao quà lưu niệm cho diễn giả chính của hội thảo

Người tham dự phiên song song “AI và Công lý” chụp hình lưu niệm

Phiên thảo luận song song thuộc nhóm chủ đề “Tài sản số và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát”

Phiên thảo luận song song nhóm chủ đề “Bảo vệ bên yếu thế và quyền sở hữu trí tuệ”

Người tham dự phiên thảo luận song song “Kinh tế số và các định hướng mũi nhọn” chụp hình lưu niệm

Người trình bày phiên song song thuộc nhóm chủ đề “AI và ứng dụng”

Người tham dự phiên song song “Nhà nghiên cứu trẻ với pháp luật về công nghệ số” chụp hình lưu niệm

Toàn thể người tham dự chụp hình cuối hội thảo

Trụ cột: Nghiên cứu, Cộng đồng

Dự án: UEH Connecting

Tin, ảnh: Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH

Cơ quan báo chí đưa tin:

VnExpress: TP HCM cần chính sách dữ liệu rõ ràng để hút đại bàng công nghệ' - Báo VnExpress Kinh doanh

Chia sẻ