Hội thảo khoa Tài chính: Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam
27 tháng 04 năm 2021
Sự kiện “thiên nga đen” Covid-19 cũng như tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ đã ngẫu nhiên tạo nhiều cơ hội phát triển cho thị trường bảo hiểm Việt Nam. Do đó, việc cấp thiết của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam là đi tìm chiến lược hợp lý nhằm tận dụng được những cơ hội phát triển vào giai đoạn hậu đại dịch. Điều này được kỳ vọng giúp doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra thành quả chung cho toàn ngành cũng như hệ thống tài chính và cả nền kinh tế (Tham luận từ Hội thảo khoa học về thị trường bảo hiểm CVII2021).
Sự kiện “thiên nga đen” Covid-19 cũng như tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ đã ngẫu nhiên tạo nhiều cơ hội phát triển cho thị trường bảo hiểm Việt Nam. Do đó, việc cấp thiết của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam là đi tìm chiến lược hợp lý nhằm tận dụng được những cơ hội phát triển vào giai đoạn hậu đại dịch. Điều này được kỳ vọng giúp doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra thành quả chung cho toàn ngành cũng như hệ thống tài chính và cả nền kinh tế.
Với đặc trưng của một định chế tài chính, ngành bảo hiểm mang tính độc quyền nhóm một cách tự nhiên và có rào cản gia nhập ngành khá cao. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm thường đồng hành làm trụ cột trong tiến trình đưa hệ thống tài chính Việt Nam thành một trung tâm phát triển và có vai trò quan trọng trong khu vực. Trước bối cảnh hậu Covid-19 khi mà những tác động của đại dịch vô tình thúc đẩy động lực phát triển của thị trường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cần đẩy mạnh đầu tư và phát triển thật mạnh mẽ qua hai thành phần quan trọng là nguồn nhân lực và công nghệ - kỹ thuật. Đây là chiến lược hợp lý để doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam có thể nắm bắt lấy cơ hội tăng trưởng khi thị hiếu và nhu cầu của khách hàng thay đổi một cách tích cực sau đại dịch. Chiến lược này cũng đón đầu làn sóng chuyển đổi số trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ ngày càng gia tăng, đồng thời giúp doanh nghiệp bảo hiểm đạt cả hai mục tiêu là tạo sự khác biệt trong sản phẩm và giảm chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh theo mô hình của Michael Porter. Thật vậy, sức mạnh khoa học - công nghệ sẽ mang lại sự cộng hưởng tích cực khi người tiêu dùng trải nghiệm những sản phẩm khác nhau. Bên cạnh đó, kỹ thuật phát triển giúp một ngành có tính chất dịch vụ như bảo hiểm giảm thiểu chi phí bán hàng cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của mỗi doanh nghiệp, của toàn ngành và của nền kinh tế.
Bối cảnh mới
Đại dịch Covid-19 đã vô hình chung làm thay đổi thị hiếu và nhu cầu của khách hàng đối với thị trường bảo hiểm một cách tích cực. Sự thay đổi này là một bước ngoặc quan trọng để doanh nghiệp bảo hiểm tận dụng và tối đa hóa giá trị tăng thêm. Theo mô hình thẻ điểm cân bằng, khách hàng là thành tố chủ chốt mà mỗi doanh nghiệp phải hướng tới để đạt được hiệu quả về tài chính. Để bổ trợ cho chiến thuật vận hành hiệu quả này, đầu tư và phát triển khoa học - công nghệ là một dấu gạch nối hoàn hảo. Bên cạnh yếu tố nguồn nhân lực, việc đẩy mạnh chuyển đổi số giúp doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao hiệu quả hoạt động các thành tố con người và quy trình. Qua đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể tận dụng cơ hội về khách hàng một cách tối ưu nhất, và thành quả tài chính sẽ là điều tất yếu. Đây là động lực tăng trưởng không nhỏ cho thị trường bảo hiểm cũng như các định chế tài chính.
Chiến lược mới
Trong bối cảnh mới, chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp bảo hiểm vào giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 chính là phát triển nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số. Với những cơ hội ngẫu nhiên mà Covid-19 mang lại, chiến lược đầu tư và phát triển vào con người và công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm đạt được hai thành quả: (i) tạo sự khác biệt trong sản phẩm và chi phí tối ưu để cạnh tranh với doanh nghiệp trong ngành; và (ii) nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua bốn thành tố tài chính, khách hàng, quy trình và đào tạo.
Thành quả mới
Sự đồng bộ thực hiện chiến lược đầu tư phát triển nguồn nhân lực và công nghệ trong toàn thị trường bảo hiểm sau giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại sẽ tạo ra một hiệu ứng cộng hưởng tích cực, tạo tiền đề phát triển cho những định chế tài chính khác như ngân hàng và công ty chứng khoán. Với chiến lược hợp lý của mỗi doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng và toàn ngành nói chung, sự quản lý nhà nước một cách phù hợp sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả chiến lược ấy và nhân rộng thành quả đến toàn ngành kinh tế.
Tài liệu tham khảo
- Kaplan, R. S., Norton, D. P., & Horváth, P. (1997). Balanced scorecard. Schäffer-Poeschel.
- Porter, M. E. (1997). Competitive strategy. Measuring business excellence.
Tác giả liên hệ: PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn – Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
Tin, ảnh: Khoa Tài Chính, Phòng Marketing – Truyền thông.
Chia sẻ