Khoa Ngân hàng tổ chức tọa đàm "Kinh tế tài chính Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19"

17 tháng 03 năm 2022

Trong khuôn khổ Chuỗi tọa đàm Khoa học năm 2022, ngày 11/03 vừa qua, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH đã tổ chức tọa đàm "Kinh tế tài chính Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19". Đây là cơ hội để các chuyên gia, giảng viên, học viên cao học và sinh viên Khoa Ngân hàng cùng nhau trao đổi thảo luận nhiều thông tin thời sự bổ ích về tình hình kinh tế tài chính thế giới và Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19, đặc biệt là lĩnh vực tài chính ngân hàng với nhiều cơ hội và thách thức.

Đại dịch Covid-19 đã và đang có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành công nghiệp, tuy nhiên, tác động đến ngành dịch vụ tài chính của Việt Nam vẫn khá hạn chế. Với những biện pháp kịp thời của Chính phủ như giãn, giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41, quyết định của Ngân hàng Nhà nước cho phép điều chỉnh lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã giúp ngăn ngừa “hiệu ứng Domino” như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, vẫn còn những lo ngại tiềm ẩn khi những tác động vốn đang được trì hoãn này diễn ra trong tương lai. Do đó, với mong muốn tìm hiểu và thảo luận về những thông tin quan trọng của thị trường tài chính Việt Nam và thế giới, ngày 11/3/2022, Bộ môn Kinh doanh tiền tệ, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH đã tổ chức tọa đàm “Kinh tế tài chính Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19” tại phòng B1.204, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (279 Nguyễn Tri Phương, Quận 10, TP.HCM). Đây là buổi trao đổi nghiên cứu trực tiếp giữa giảng viên Khoa Ngân hàng UEH với PGS.TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, quý Thầy/Cô Khoa Ngân hàng và hơn 500 học viên cao học cùng sinh viên Khoa Ngân hàng tham dự trực tuyến trên nền tảng Webex.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Hoàng Hải Yến - Trưởng Khoa Ngân hàng đã chào đón sự tham dự của PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, quý Thầy/Cô Khoa Ngân hàng cùng các học viên cao học và sinh viên đã tham dự tọa đàm để cùng chia sẻ những kiến thức hữu ích về ngành kinh tế tài chính Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

TS. Hoàng Hải Yến - Trưởng Khoa Ngân hàng phát biểu khai mạc tọa đàm

Tại tọa đàm, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân đã trình bày một số nét chính về bối cảnh kinh tế xã hội của thế giới và Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời nêu lên một số cơ hội và thách thức của giai đoạn hậu Covid-19. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 5,9% xuống còn 4,4% do tác động của biến thể Omicron đe dọa sự phục hồi kinh tế; giá năng lượng tăng làm gián đoạn nguồn cung đã khiến lạm phát mạnh ở nhiều nước; đồng thời tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra ngày 24/2/2022. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có Chỉ số sản xuất PMI (quản lý sức mua) đạt 54,3 điểm, đứng thứ hai (sau Singapore) tính đến tháng 2/2022 (theo HIS Markit) cho thấy khả năng phục hồi kinh tế có nhiều hứa hẹn thuận lợi.

Để phục hồi kinh tế Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19, Chính phủ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đạt GDP ở mức tăng trưởng 6 - 6,5% và kiểm soát lạm phát dưới 4% như Quốc hội đề ra. Tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bao gồm gói kích thích kinh tế được thông qua và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của quốc tế sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam (phần lớn là các dự án điện và dầu khí), ngành du lịch cũng sẽ giảm sút lượng khách Nga truyền thống. Bên cạnh đó, Phó giáo sư Ngân cũng nhận định, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hoạt động kinh tế, song hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động ổn định, lợi nhuận toàn ngành tăng khoảng 25% trong năm 2021. Qua năm 2022, ngành ngân hàng vẫn có nhiều thuận lợi do khả năng số hóa, dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, tuy nhiên vẫn đối mặt với nhiều thách thức do có độ trễ nhất định về ảnh hưởng của đại dịch đến chất lượng tín dụng, khả năng cho vay và hồi phục của nền kinh tế.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân chia sẻ tại tọa đàm

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các chuyên gia, quý Thầy/Cô và học viên đã cùng nhau trao đổi thảo luận nhiều kiến thức quan trọng như: liên quan đến lãi suất có khả năng tăng cao trong thời gian tới do sức ép của lạm phát và phản ứng của các ngân hàng thương mại; cơ cấu các ngành nghề ở Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ trong giai đoạn 2 năm dịch bệnh Covid-19; những ảnh hưởng tích cực từ đề án chuyển đổi số quốc gia được phê duyệt đến hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam;…

Các giảng viên, học viên, sinh viên Khoa Ngân hàng và PGS.TS. Trần Hoàng Ngân cùng giải đáp những chủ đề tài chính quan trọng

Kết thúc buổi tọa đàm "Kinh tế tài chính Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19", các giảng viên, học viên và sinh viên Khoa Ngân hàng đã có những cập nhật hữu ích về tình hình tài chính của Việt Nam và thế giới hiện nay. Tiếp tục phát huy tinh thần này, Chuỗi tọa đàm Khoa học của Khoa Ngân hàng năm 2022 sẽ được diễn ra định kỳ trong thời gian tới với những thông tin quan trọng và thiết thực.

Quý đại biểu cùng nhau chụp ảnh lưu niệm

Trên hành trình hướng đến Đại học đa ngành và bền vững, Khoa Ngân hàng nói riêng và Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói chung đang không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, tổ chức những hội thảo, tọa đàm khoa học cấp trường/thành phố/quốc gia để cập nhật những kiến thức thị trường và đề ra những giải pháp đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.

Tin, ảnh: Khoa Ngân hàng, Phòng Marketing - Truyền thông

 

Chia sẻ