Nâng cao năng lực tư duy hệ thống và kỹ năng sáng tạo từ chuyên gia Richard Moore với chuỗi workshop “Creative Problem Solving Ideas (CPS)” và “Leveraging Integrated Brand Thinking with AI”
29 tháng 04 năm 2025
Trong hành trình lan tỏa và nâng cao tri thức về sáng tạo ý tưởng trong tư duy thương hiệu tích hợp (Integrated Brand Thinking - IBT), từ ngày 25 đến 26/4/2025, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã tổ chức chuỗi workshop “Creative Problem Solving Ideas (CPS)” và “Leveraging Integrated Brand Thinking with AI” với sự tham gia chia sẻ đến từ chuyên gia Richard Moore. Sự kiện đã diễn ra thành công khi xây dựng không gian giao lưu kiến thức và ý tưởng sáng tạo dành cho giảng viên, viên chức, sinh viên và cựu sinh viên UEH qua các nội dung chuyên sâu và bài tập thực hành kích thích sự sáng tạo.
- “Vai trò quan trọng của trường đại học, viện nghiên cứu trong phát triển Thành phố thông minh"
- Hội thảo khoa học “Phương pháp giải quyết vấn đề trong quản trị tổ chức”
- Special Training Workshop “Bền vững và thay đổi - Các nghiên cứu quản trị hậu COVID-19”: Hoạt động học thuật từ Hội thảo quốc tế ACBES 2023
Đón đầu xu hướng toàn cầu hóa và sự đổi mới nhanh chóng của công nghệ, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng mở rộng không gian học tập và chia sẻ tri thức, mang đến các hoạt động chia sẻ nhằm tạo điều kiện cho UEHers, cựu sinh viên và học viên sau đại học có môi trường học tập và trao đổi cởi mở. Cùng sự hỗ trợ nhiệt tình đến từ Ông Richard Moore - Nhà sáng lập Công ty TNHH Richard Moore Associates và Bà Vũ Thu Vân - Giám đốc điều hành, Chuyên gia thương hiệu của công ty - đơn vị đồng hành cùng nhiều thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển bản sắc nhận diện thương hiệu một cách toàn diện; ngày 25 và 26/04/2025, UEH đã tổ chức chuỗi workshop “Creative Problem Solving Ideas (CPS)” và “Leveraging Integrated Brand Thinking with AI”. Đây là sự kiện nằm trong Chuỗi hội thảo Tư duy thương hiệu “Integrated Brand Thinking” hướng đến nâng cao năng lực tư duy hệ thống và khả năng sáng tạo cho cộng đồng giảng viên, viên chức, sinh viên và cựu sinh viên UEH, đồng thời là cơ hội để mở rộng mạng lưới hợp tác học thuật giữa UEH cùng chuyên gia quốc tế.
Workshop “Creative Problem Solving Ideas (CPS): Ứng dụng tư duy sáng tạo để giải quyết vấn đề trong xây dựng chiến lược, marketing, truyền thông đơn vị” dành cho giảng viên và viên chức UEH
Ngày 25/4/2025, Workshop “Creative Problem Solving Ideas (CPS)” đã mang đến cho cộng đồng giảng viên và viên chức UEH góc nhìn và cách tiếp cận mới khi ứng dụng tư duy sáng tạo để giải quyết vấn đề trong xây dựng chiến lược, marketing, truyền thông và hoạt động đơn vị. Thông qua nội dung chia sẻ và các phần thực hành nhóm, giảng viên và viên chức UEH đã có cơ hội tiếp cận và áp dụng các mô hình tư duy thiết kế, từ đó làm cơ sở để tìm ra giải pháp sáng tạo, ứng dụng tại đơn vị.
Toàn cảnh buổi workshop Creative Problem Solving Ideas (CPS)
Với sự đồng hành và dẫn dắt của Ông Richard Moore và Bà Vũ Thu Vân, buổi workshop đã trở thành một không gian sáng tạo, kết nối tri thức và khơi mở tư duy. Ông Richard Moore đã mang đến góc nhìn sâu sắc khi trình bày về bản chất của sự sáng tạo cũng như cách tiếp cận để giải quyết vấn đề theo hướng đa chiều và đổi mới. Qua đó, giảng viên và viên chức UEH không chỉ hiểu rõ cách đặt vấn đề một cách hiệu quả để kích thích ý tưởng mà còn trải nghiệm thêm về tư duy phân tán - hội tụ thông qua bài tập thực hành, chia sẻ và chọn lọc các ý tưởng nổi bật. Trong dịp này, giảng viên và viên chức UEH cũng đã có cơ hội tiếp cận gần hơn với mô hình “POINT-A” - công cụ hiệu quả giúp xác định điểm mạnh, điểm yếu cần cải thiện của một vấn đề giúp đề xuất hướng phát triển phù hợp. Đồng thời, phương pháp phân tầng (Laddering) cũng được giới thiệu như một cách tiếp cận hiệu quả và đào sâu vấn đề cần làm rõ hơn.
Ông Richard Moore chia sẻ về tư duy sáng tạo trong buổi workshop
Bà Vũ Thu Vân đồng dẫn dắt tại buổi workshop
Giảng viên, viên chức UEH hào hứng tham gia các bài tập thực hành, chia sẻ và trao đổi các ý tưởng sáng tạo
Không gian thảo luận và trao đổi sôi nổi tại buổi workshop
Chia sẻ tại buổi workshop, Ông Richard Moore nhấn mạnh rằng mọi ý tưởng đều cần được ươm mầm và nuôi dưỡng để phát triển thành những giải pháp sáng tạo mang tính thực tiễn. Với tinh thần “Yes, and not Yes, but” - một nguyên tắc quan trọng trong tư duy sáng tạo và làm việc nhóm - ông khuyến khích cách phản hồi tích cực, tiếp cận cũng như mở rộng ý tưởng thay vì phủ định nhằm tạo nên dòng chảy sáng tạo liên tục và thúc đẩy tinh thần đóng góp trong tập thể.
Workshop “Leveraging Integrated Brand Thinking With AI: Tận dụng tư duy thương hiệu tích hợp cùng trí tuệ nhân tạo AI” dành cho sinh viên và cựu sinh viên UEH
Chiều ngày 26/04/2025, Workshop “Leveraging Integrated Brand Thinking With AI” tiếp tục diễn ra thành công với sự tham gia đông đảo của các sinh viên, học viên và cựu sinh viên UEH với sự quan tâm đặc biệt đến các lĩnh vực như Marketing, Truyền thông số và Thiết kế đa phương tiện.
Toàn cảnh buổi workshop “Leveraging Integrated Brand Thinking With AI”
Thông qua chương trình, người tham gia đã nhìn được bức tranh tổng quan của thương hiệu và cách mà Tư duy Thương hiệu Tích hợp (IBT) được ứng dụng. Ở phần đầu, Ông Richard đã phân tích sự phát triển của tư duy thương hiệu qua các thập niên và các mô hình khác nhau được doanh nghiệp sử dụng để nổi bật trên thị trường: từ mô hình nhận diện doanh nghiệp (50s), tính cách thương hiệu (60s), chiếm lĩnh tâm phần (70s), đến mô hình cảm xúc, phong cách sống, (80s), mô hình văn hóa, số hóa (90s), và cuối cùng là mô hình mục đích xã hội, đồng sáng tạo, cá nhân (2000s).
Phần chia sẻ của Ông Richard Moore
Tiếp đó, Ông Richard chia sẻ về các nội dung cốt lõi của IBT và hướng dẫn triển khai IBT vào thực tế: từ giai đoạn nghiên cứu, phân tích, sáng tạo ý tưởng đến quy trình truyền thông tích hợp. Diễn giả chia sẻ: Khi xây dựng thương hiệu, sinh viên nên áp dụng cách tiếp cận tích hợp, thấu hiểu bản sắc cốt lõi trước, sau đó thiết kế trải nghiệm khách hàng nhất quán. Thay vì chỉ tập trung logo hay nhận diện bên ngoài, IBT khuyến khích kết hợp cả yếu tố nội bộ (văn hóa, tính cách) và bên ngoài (trải nghiệm, tương tác).
Đến phần hai của chương trình, diễn giả đã chia sẻ góc nhìn đa chiều về các giai đoạn phát triển của AI và cách ứng dụng công nghệ vào quá trình phát triển thương hiệu. Từ nghiên cứu, phân tích dữ liệu khách hàng đến đánh giá, phân tích, tạo nội dung tự động và ứng dụng vào hệ thống bán lẻ. Ông nhấn mạnh, để vượt trội và giữ được việc làm, con người cần phải học cách định hướng, đánh giá và hướng dẫn AI, xác định nhiệm vụ và có chiến lược sử dụng AI chọn lọc, làm chủ gu thẩm mỹ, kể truyện và dẫn dắt người khác, ông chia sẻ “Tầm nhìn sáng tạo không thể bị thay thế, chỉ có việc thực thi là có thể”.
Sau phần trình bày, tương tác giữa diễn giả và người tham gia đã diễn ra sôi nổi, mang đến nhiều câu chuyện thực tế và kinh nghiệm ứng dụng IBT và AI trong xây dựng thương hiệu cũng như giúp việc học tập và làm việc trở nên sáng tạo và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các thảo luận liên quan đến quyền riêng tư và các quy định pháp luật liên quan, tính sáng tạo trong IBT cũng nhận được nhiều quan tâm và thảo luận.
Trao đổi tích cực từ sinh viên, học viên và cựu sinh viên UEH quan tâm đến các lĩnh vực như Marketing, Truyền thông số và Thiết kế đa phương tiện
Workshop “Leveraging Integrated Brand Thinking with AI” không chỉ giúp người tham dự nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tận dụng tư duy thương hiệu tích hợp với AI mà còn mang lại những công cụ hữu ích để giải những bài toán về thương hiệu trong học tập và quá trình làm việc tương lai.
Ảnh chụp hình lưu niệm cùng các bạn sinh viên
Chuỗi workshop “Creative Problem Solving Ideas (CPS)” và “Leveraging Integrated Brand Thinking with AI” đã khép lại với nhiều dấu ấn thành công, mang đến cho cộng đồng giảng viên, viên chức, sinh viên và cựu sinh viên UEH những kiến thức giá trị và góc nhìn mới mẻ về tư duy thương hiệu trong bối cảnh đổi mới của xã hội. Không chỉ dừng lại ở buổi chia sẻ lý thuyết, chương trình đã mở ra không gian đối thoại và giao lưu cởi mở cùng các bài tập thực hành thú vị, nơi người tham dự cùng tham gia và khai thác các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Trong tương lai, cùng với tầm nhìn vượt trội và nỗ lực định vị thương hiệu “đa ngành”, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình nâng cao năng lực, tư duy sáng tạo một cách toàn diện và sâu rộng.
Trụ cột: Đào tạo, Quản trị, Cộng đồng
Dự án: UEH Connecting
Tin, ảnh: Ban Truyền thông và Phát triển đối tác, Ban Chăm sóc người học
Chia sẻ