Phiên thảo luận đặc biệt cùng ba Hiệu trưởng các Đại học hàng đầu về Mô hình đại học bền vững, cách tiếp cận từ tổng thể đến chi tiết

20 tháng 12 năm 2022

Chuỗi sự kiện Ready for Next 2022 với chủ đề “Sẵn sàng chuyển đổi cho sự phát triển bền vững của cộng đồng” do Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) phối hợp thực hiện với hơn 13 đối tác, cơ sở giáo dục trong và ngoài nước đã diễn ra thành công tốt đẹp với những dấu ấn học thuật đầy tự hào. Trong đó, ba Hiệu trưởng gồm Giáo sư Tiến sĩ Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH, Tiến sĩ Dosoung Philip Choi - Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Handong (Hàn Quốc) và Tiến sĩ Jong Heon Kim - Hiệu trưởng Đại học Kwangwoon (Hàn Quốc) đã có phiên chia sẻ những tiếp cận khác nhau trong quá trình thúc đẩy mô hình phát triển đại học bền vững dưới góc độ nghiên cứu cũng như thực tiễn từ kinh nghiệm của chính đại học mình.

Tiếp cận Đại học bền vững toàn diện từ Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 
Mở đầu phiên thảo luận, Giáo sư Tiến sĩ Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH chia sẻ về mô hình phát triển bền vững mà Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - UEH đã và đang theo đuổi. Trên thực tế, khi đối chiếu với các khía cạnh của một Đại học bền vững, UEH đã thực sự phát triển bền vững trong suốt hơn 46 năm vừa qua. Đặc biệt là thời điểm năm 2020, cơ chế tự chủ của UEH được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho phép tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường phát triển trên nhiều khía cạnh: Đào tạo, nghiên cứu, công bố Quốc tế, hướng đến sự phát triển nhân lực chất lượng cao của thành phố HCM, khu vực ĐBSCL, là đại học trọng điểm quốc gia. Với những bước đi đúng đắn ngay từ đầu, UEH vẫn đang không ngừng phát triển mạnh hơn để hướng đến một tương lai phát triển bền vững bằng việc công bố Chiến lược Đại học Đa ngành và Bền vững vào năm 2021.
“Vì một tương lai bền vững hơn, chúng tôi nhận thấy vai trò của nhà trường trong việc đào tạo những thế hệ người học, viên chức, người lao động hành động vì sự phát triển bền vững, đem văn hóa này ảnh hưởng và lan tỏa tích cực đến cộng đồng. Mô hình phát triển bền vững của chúng tôi đã và đang thực hiện tích hợp tính bền vững vào 02 chức năng cơ bản là Giáo dục, Nghiên cứu; và ba chức năng mở rộng là Quản trị, Vận hành, và Kết nối cộng đồng.” 
Cụ thể Hiệu trưởng UEH đã chia sẻ từng chức năng cơ bản của một Đại học bền vững bao gồm:
1. Quản trị là động cơ thúc đẩy của chuyển đổi hệ thống: Quản trị thể hiện các cam kết và quyết tâm của Ban lãnh đạo nhà trường khi thực hiện các chính sách và sáng kiến bền vững. Cam kết này thể hiện qua cách tiếp cận, phương pháp, giải pháp và cơ chế vận hành của toàn hệ thống, khuyến khích tất cả các thành viên trong nhà trường cùng hành động vì sự bền vững.
2. Giáo dục và đào tạo: Tích hợp và triển khai các mô đun đào tạo Đa ngành và Bền vững vào chương trình đào tạo, kể cả chính quy lẫn ngoại khóa.
3. Nghiên cứu: Thúc đẩy các nghiên cứu đa ngành, liên ngành và xuyên ngành; khuyến  khích các nghiên cứu về phát triển bền vững, 17 SDGs do Liên Hiệp Quốc đưa ra; thực hiện các nghiên cứu gắn với các vấn đề của chính UEH, địa phương, quốc gia; kiến tạo các chương trình, chính sách, cơ chế để chuyển giao các kết quả nghiên cứu đến với cộng đồng. 
4. Cộng đồng: Tái định nghĩa lại khái niệm “Cộng đồng” từ góc độ một đại học bền vững. Khi đó, Cộng đồng chính là toàn bộ các cá nhân, tổ chức (trực thuộc UEH hoặc không thuộc UEH) có cùng chung sứ mạng hành động vì sự phát triển bền vững. Các chương trình kết nối cộng đồng sẽ lấy 05 yếu tố của một Đại học bền vững làm kim chỉ nam để phát triển. Bằng cách này, hành động bền vững sẽ dần lan tỏa đến một cộng đồng rộng lớn. 
5. Vận hành: Xem mỗi cơ sở đào tạo của UEH như một “thành phố thu nhỏ”, tại đó cần giải quyết các vấn đề về phát triển bền vững. Đây là cách để chuyển tải những lý thuyết đào tạo, vai trò của nghiên cứu khoa học, thực hành và giải quyết ngay chính nội tại trường học. Thực hành bền vững ngay tại các cơ sở của UEH, bao gồm không chất thải, carbon giảm phát thải, trường đại học không thuốc lá và cân bằng đa dạng sinh học.
Giáo sư Tiến sĩ Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH chia sẻ về mô hình phát triển đại học bền vững của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Trong bài chia sẻ, ông cũng nhấn mạnh tính ứng dụng của nguyên tắc PDCA (Plan - Do - Check - Act) để có thể cải tiến, tối ưu mỗi ngày nhằm tìm ra mô hình phát triển bền vững phù hợp nhất với đặc thù của mỗi cơ sở giáo dục Đại học.
 
Chuyển đổi số trong giáo dục – Tiếp cận từ trụ cột Đào tạo trong chiến lược phát triển bền vững của Đại học Handong Global
Tiếp theo là bài phát biểu Tiến sĩ Dosoung Philip Choi - Hiệu trưởng Đại học Handong Global với chủ đề “High Touch in the Era of, High-Tech Education” - Những phương pháp giảng dạy, học tập trong kỷ nguyên giáo dục ứng dụng công nghệ cao. 
Ông nhấn mạnh vai trò của công nghệ đối với nền giáo dục hiện đại. Vai trò này thậm chí còn quan trọng hơn trong hoàn cảnh siêu tốc độ, siêu kết nối như hiện nay: “Công nghệ thông tin trong giáo dục Đại học là thật sự cần thiết trong nền giáo dục hiện đại. Giáo dục Đại học đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển kinh tế, văn hóa và con người của một quốc gia. Thế giới không ngừng thay đổi và giáo dục cũng vậy, cần tiếp cận với công nghệ, áp dụng công nghệ vào giảng dạy để đa dạng hóa các mô hình đào tạo giáo dục Đại học là một trong những tiếp cận bền vững”.
 
Có bốn xu hướng tương lai của nền Giáo dục và Đào tạo có thể xác định: Một là, học từ mọi nơi; Hai là, thay thế giảng viên bởi các mô hình tự học; Ba là, kỹ năng giảng dạy phù hợp với xu hướng thay đổi thế giới; Bốn là, sử dụng các mô hình đánh giá một cách chuyên nghiệp, thay vì các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ. 
 
Bằng cách này, người học hoàn toàn có thể thoát khỏi các phương phương pháp học tập truyền thống, gắn với lớp học, với xu hướng học tập mọi lúc tại mọi điểm chạm. Và bằng cách này, người học có thể tiếp cận kiến thức suốt đời (life-long learning) và trở thành những công dân toàn cầu (global learner).
 
Tiến sĩ Dosoung Philip Choi - Hiệu trưởng Đại học Handong Global với chủ đề “High Touch in the Era of, High-Tech Education”
Tích hợp quản trị môi trường vào hoạt động quản trị, vận hành đại học bền vững: Góc nhìn từ Đại học Kwangwoon (Hàn Quốc)
 
Cuối cùng, Tiến sĩ Jong Heon Kim - Hiệu trưởng Đại học Kwangwoon đã chia sẻ về chủ đề “Campus Sustainability of KwangWoon University: Practices and Strategies” mô hình Đại học bền vững tại Đại học KwangWoon với cách tiếp cận tích hợp các vấn đề môi trường trong việc thực thi chính sách, quản lý và hoạt động học thuật của nhà trường. Một là tái sử dụng năng lượng; Hai là sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm; Ba là lắp đặt các trạm sạc cho các phương tiện thân thiện môi trường; Bốn là thu gom rác và hệ thống tái sử dụng; Năm là văn phòng hạn chế sử dụng giấy.
 
Đại học KwangWoon đặt ra câu hỏi làm thế nào để tạo ra một đại học bền vững và thành công. Đại học bền vững là một thách thức bởi vì nó yêu cầu các yếu tố theo sau: Sự đồng thuận tham gia của tất cả các thành viên trong Hội đồng Quản trị nhà trường; Thay đổi các hành vi và phong cách sống của từng cá nhân và Động lực của sự thay đổi này.
 
Tiến sĩ Jong Heon Kim - Hiệu trưởng Đại học Kwangwoon đã chia sẻ về chủ đề “Campus Sustainability of KwangWoon University: Practices and Strategies”
Phát triển đại học bền vững là xu hướng tất yếu, chia sẻ của 03 hiệu trưởng với ba góc nhìn thực tế phát triển đại học bền vững, từ mô hình tổng thể đến các khía cạnh chi tiết đã mở ra thêm nhiều thông tin, nhiều khía cạnh phát triển đại học bền vững đáng tham khảo và học hỏi. Những đóng góp này sẽ là nền tảng vững chắc cho Hội thảo quốc tế “Phát triển đại học bền vững: Cơ hội và Thách thức” – SUDOC những năm tiếp theo, là tiền đề đóng góp cho Diễn đàn quốc tế về Phát triển bền vững dành cho các đại học “International Forum On Sustainability - IFS” trong khu vực, đặc biệt là các nước đang phát triển mà UEH mới thành lập vào tháng 12/2022. Và đóng góp thiết thực cho hành trình phát triển bền vững cho cộng đồng trong tương lai.
 
*SUDOC 2022 là hoạt động trong chuỗi chương trình Ready for Next: Chuỗi chương trình sẵn sàng chuyển đổi bền vững vì cộng đồng và xã hội của UEH diễn ra xuyên suốt từ ngày 4 - 10/12/2022. Với đích đến là những giá trị tích cực dành cho cộng đồng, đây là chuỗi hoạt động đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, chú trọng nối kết các lĩnh vực Công nghệ phục vụ đời sống, Công nghệ hướng tới đô thị thông minh, Công nghệ kết hợp Nghệ thuật, và Bền vững đa lĩnh vực. Các hoạt động phủ sóng từ học thuật, diễn đàn trao đổi, hub kết nối cộng đồng đến các hoạt động truyền cảm hứng nghệ thuật đặc sắc như triển lãm, biểu diễn thời trang, hoà nhạc.
 
Toàn cảnh phiên hội thảo luận Ba Hiệu trưởng với chủ đề: Mô hình đại học bền vững - Cách tiếp cận (Sustainable university models - How to approach).
Tin, ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông, Ban tổ chức Hội thảo SUDOC
Chia sẻ