Seminar SRS2022 kỳ 2: “Does corruption impact the demand for bank credit? A study of discouraged borrowers in Asian developing countries”.
13 tháng 04 năm 2022
Trong khuôn khổ Chuỗi tọa đàm Khoa học năm 2022, ngày 04/04 vừa qua, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH đã tổ chức Seminar kì 2 (SRS2022) với chủ đề: “Does corruption impact the demand for bank credit? A study of discouraged borrowers in Asian developing countries” dưới sự trình bày của diễn giả: TS. Vũ Thị Lệ Giang. Seminar đã thu hút được gần 30 người tham dự kết hợp online qua Webex và offline tại B1.204 gồm: Ban tổ chức; Giảng viên/viên chức SOB; Giảng viên/viên chức UEH quan tâm; NCS, HV cao học, sinh viên quan tâm.
Trong buổi Seminar, TS. Vũ Thị Lệ Giang đã trình bày tóm tắt nghiên cứu đã được công bố tại chí Finance (AFFI) thuộc Scopus và xếp hạng 2 theo CNRS. Nghiên cứu tập trung tìm hiểu tác động của tham nhũng đến cầu tín dụng ngân hàng. Sử dụng dữ liệu Enterprise Surveys từ World Bank, kết quả nghiên cứu tại các nước đang phát triển ở khu vực Châu Á cho thấy mức độ tham nhũng cao có tương quan đến việc doanh nghiệp tìm đến nguồn vốn vay ngân hàng nhiều hơn. Kết quả này ngược với những gì đã được tìm thấy tại các nước phát triển, rằng tham nhũng cao cản trở việc tiếp cận vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tác động của tham nhũng đến cầu tín dụng ngân hàng phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia. Cùng là các nước đang phát triển nhưng tại các quốc gia có GDP bình quân đầu người cao, tham nhũng cản trở hoạt động đi vay. Còn tại các quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn, dù tham nhũng cao nhưng cầu tín dụng vẫn có khuynh hướng tăng.
Gánh nặng trong các quy định của chính phủ được tìm thấy như một kênh giải thích cho những tác động trái ngược của tham nhũng. Tại những quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn, đồng thời cũng là những quốc gia mà hệ thống luật pháp kém hiệu quả, để vượt qua những phức tạp trong các quy định, doanh nghiệp sử dụng tham nhũng như một công cụ để đạt được mục tiêu với chi phí thấp. Do đó, tham nhũng cao không cản trở hoạt động đi vay. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra tại các nước có hệ thống pháp luật chặt chẽ và hiệu quả. Vì khả năng bị bắt, bị phạt khi tham gia vào các hoạt động tham nhũng sẽ cao hơn.
Nghiên cứu đóng góp những hiểu biết mới về tác động của tham nhũng đến cầu tín dụng ngân hàng. Kết quả cũng mang hàm ý chính sách: phòng chống tham nhũng nên bắt đầu từ việc cải thiện hiệu quả của hệ thống pháp luật đồng thời với phòng chống tham nhũng. Nếu chỉ phòng chống tham nhũng đơn thuần thì chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.
Toàn cảnh Seminar
TS. Hoàng Hải Yến tặng quà lưu niệm cho TS. Vũ Thị Lệ Giang
Diễn giả chụp hình lưu niệm với khách mời
Ban tổ chức chụp hình với diễn giả
Phần trình thú vị đã nhận được rất nhiều câu hỏi trao đổi từ thầy cô tham dự trực tiếp và các học viên tham dự online. PGS.TS Trương Quang Thông nhận xét chi tiết về nghiên cứu và đề xuất một số ý kiến liên quan đến khung lý thuyết về tính hợp lý của các quy định pháp luật, về sự khác biệt trong hệ thống tài chính của các quốc gia,… TS Hoàng Hải Yến đặt câu hỏi trao đổi xung quanh vấn đề vì sao các doanh nghiệp tốt nhưng vẫn sử dụng tham nhũng như một công cụ trong hoạt động đi vay? TS Phạm Thị Anh Thư đề xuất xem xét tác động của thị trường tài chính, hoặc phân loại mức độ phát triển của các quốc gia dựa vào mức vốn hóa thị trường. TS Phan Chung Thủy góp ý xem xét tác động của yếu tố văn hóa từng quốc gia,…
Phần lớn các ý kiến đều đóng góp xây dựng cho nghiên cứu được toàn diện và có sự phát triển hơn trong tương lai. Seminar kết thúc với không khí vui vẻ và thành công lúc 12h cùng ngày. Đây là hoạt động định kỳ thuộc Chuỗi tọa đàm Khoa học của Khoa Ngân hàng năm 2022 theo định hướng phát triển Đại học đa ngành và bền vững của UEH, nhằm cập nhật những kiến thức thị trường và đề ra những giải pháp đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.
Tin ảnh: Khoa Ngân hàng, Trường Kinh Doanh UEH
Chia sẻ