SINH HOẠT HỌC THUẬT ĐỊNH KỲ CELGS: Nghiên cứu việc dùng những hình mẫu lý tưởng để truyền cảm hứng cho nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội

31 tháng 03 năm 2023

Vừa qua, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (CELG) tiếp tục tổ chức CELG Seminar tại B1.1001 với chủ đề “Using role models to inspire marginalized groups: A cautionary tale”. Diễn giả trình bày là Giáo sư Finn Tarp, Đại học Copenhagen, nhà khoa học hàng đầu về kinh tế phát triển và chuyên gia tư vấn chính sách cao cấp cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Buổi sinh hoạt có sự tham dự của: PGS.TS. Markus Taussig - Đại học Rutgers (Hoa Kỳ); TS. Lê Văn Chơn; TS.Trần Quang Văn và ThS. Nguyễn Thị Phương Linh - Đại học Quốc gia TP.HCM; PGS.TS. Võ Tất Thắng, TS.Hồ Quốc Thông, TS. Hồ Hoàng Anh, TS. Nguyễn Quang - Khoa Kinh tế; TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung - Khoa Quản lý nhà nước cùng các nghiên cứu sinh, học viên cao học của CELG.    

Nhóm tác giả  sử dụng hình mẫu lý tưởng (role models) là những câu chuyện thành công với nhiều mô hình kinh doanh quy mô hộ gia đình khác nhau. Những câu chuyện thành công này được xây dựng thành các videos công cụ can thiệp. Các hộ thuộc nhóm nghiên cứu được xem video về truyền cảm hứng về những câu chuyện thành công để thúc đẩy các hoạt động kinh tế với kỳ vọng tăng thu nhập của các hộ dân là người dân tộc thiểu số. Mẫu nghiên cứu là khoảng 800 hộ gia đình dân tộc thiểu số ở 3 tỉnh phía bắc Việt Nam (Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên). Các hộ gia đình này được chia thành nhóm các nhóm can thiệp (treatment groups) và nhóm đối chứng (control group). Trong vòng 7 tháng, nhóm nghiên cứu tổ chức khảo sát thu thập dữ liệu trước và sau khi can thiệp, với các biến kết quả là thu nhập, số lượng các hoạt động sản xuất hàng hóa. Nội dung các video trong ba đợt khảo sát lần lượt là: (1) hình mẫu lý tưởng là người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, (2) hình mẫu lý tưởng là người dân tộc Kinh và (3) video giả dược (nhóm này được mời xem một video về lối sống và ẩm thực - không liên quan tới câu chuyện thành công).

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, mặc dù mức độ tham gia của các hộ dân ở cả giai đoạn trước và sau can thiệp rất cao, sự can thiệp bằng video truyền cảm hứng với nhân vật là người Kinh không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hoặc thu nhập của hộ gia đình thiểu số. Nhóm tác giả cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy tác động của câu chuyện truyền cảm hứng với nhân vật là người dân tộc thiểu số. Những hộ gia đình này không tham gia vào các hoạt động nông nghiệp thương mại và chuyển sang nông nghiệp tự cung tự cấp. Kết quả cho thấy rằng, các hình mẫu lý tưởng hay nhân vật truyền cảm hứng (role models) là không đáng tin cậy và do đó làm giảm niềm tin và khiến những người tham gia dân tộc thiểu số được truyền cảm hứng có hành vi ngược lại với thông điệp của video truyền cảm hứng. Nhìn chung, kết quả nghiên cứu đặt ra nghi vấn về khả năng khái quát hóa của các can thiệp bằng hình mẫu lý tưởng (role models) trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa và gia tăng thu nhập của các hộ gia đình dân tộc thiểu số tại miền Bắc Việt Nam.

Phần trình bày của giáo sư Finn Tarp đã thu hút sự quan tâm và ý kiến đóng góp từ các giảng viên và nghiên cứu sinh tham dự để tiếp tục hoàn thiện công trình nghiên cứu. Với tinh thần trao đổi học thuật tích cực, buổi sinh hoạt CELG seminar đầu tiên của năm 2023 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Rất mong nhận được sự quan tâm tham gia từ quý nhà nghiên cứu trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại buổi sinh hoạt học thuật: 

Giáo sư Finn Tarp trình bày bài nghiên cứu

Quý Thầy, Cô và học viên đang lắng nghe bài trình bày

TS. Lê Văn Chơn - Đại học Quốc gia Tp.HCM phát biểu thảo luận

TS. Hồ Hoàng Anh đặt câu hỏi cho diễn giả

Chụp ảnh lưu niệm buổi sinh hoạt học thuật

Tin, ảnh: Phòng Tổng hợp CELG

Chia sẻ