16 tháng 06 năm 2021
Scott R. Baker là Giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Kellogg và là thành viên nghiên cứu tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER). Nghiên cứu của Giáo sư Scott tập trung vào vấn đề thực nghiệm trong lĩnh vực tài chính và kinh tế vĩ mô. Giáo sư Scott đã xuất bản các bài nghiên cứu của mình trên các tạp chí hàng đầu như: American Economic Review, Quarterly Journal of Economics, Journal of Political Economy, Journal of Financial and Quantitative Analysis. Ông hiện đang tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu liên quan đến các lựa chọn tài chính hộ gia đình và đo lường tiêu dùng, cũng như nghiên cứu về tác động của sự không chắc chắn trong chính sách đối với thị trường tài chính và tăng trưởng. Đặc biệt, cùng với Nick Bloom (Đại học Stanford) và Steven J. Davis (Đại học Chicago, Trường Kinh doanh Booth), Giáo sư Scott là người đã xây dựng nên chỉ số bất ổn chính sách kinh tế - sự bất ổn kinh tế liên quan đến chính sách (Policy Economic Uncertainty – EPU). Chỉ số này được giới truyền thông chú ý từ năm 2011 với hàng trăm tờ báo và các tiêu đề liên quan. Dựa trên chỉ số này, có 25 quốc gia đã nhân rộng để xây dựng chỉ số EPU cho chính quốc gia mình.
Tại buổi tọa đàm, Giáo sư Scott trình bày về hai nghiên cứu nổi bật của ông và cộng sự:
Ở nghiên cứu thứ nhất, Giáo sư Scott và cộng sự đã phát triển phương pháp mới để xem xét mối quan hệ giữa sự bất ổn của chính sách kinh tế đối với biến động giá cổ phiếu cấp công ty, tỷ lệ đầu tư và tăng trưởng việc làm; tổng đầu tư, sản lượng và việc làm. Đó là phương pháp khai thác các thông tin có sẵn từ báo chí - những bài báo đã lưu hành trong nhiều thập kỷ ở hầu hết các quốc gia và trong nhiều thế kỷ ở một số quốc gia. Kết quả nghiên cứu từ dữ liệu cấp công ty cho thấy sự bất ổn chính sách có liên quan đến biến động giá cổ phiếu lớn hơn, giảm đầu tư và việc làm trong các lĩnh vực nhạy cảm với chính sách như: Quốc phòng, chăm sóc sức khỏe, tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng. Ở cấp độ vĩ mô, bất ổn chính sách báo trước sự suy giảm về đầu tư, sản lượng và việc làm ở Hoa Kỳ và 12 nền kinh tế lớn trên thế giới. Bên cạnh chỉ số bất ổn kinh tế toàn cầu, nhóm tác giả còn xây dựng nhiều chỉ số liên quan khác như: Chỉ số biến động thị trường trên bệnh tật, chỉ số cảm xúc nhà đầu tư trên mạng xã hội… Chi tiết những chỉ số này có thể xem thêm tại link: https://www.policyuncertainty.com/
Ở nghiên cứu thứ hai, Giáo sư Scott và cộng sự sử dụng phương pháp tiếp cận thủ công dựa trên con người – đây là phương pháp mất nhiều thời gian và tốn kém nhưng mang lại những giá trị kỳ vọng dựa trên hiểu biết của người tiếp cận. Trong đó, sinh viên với kiến thức của mình sẽ xem xét các bài báo có liên quan vào ngày hôm sau diễn ra sự kiện nhảy vọt của thị trường và viết ra danh mục nguyên nhân của bước nhảy đó, đánh giá ngữ cảnh và mức độ tin cậy của bài báo về nguyên nhân của sự nhảy vọt. Theo nhóm tác giả, một sự nhảy vọt của cổ phiếu được xác định là việc tăng tỷ suất sinh lợi hơn 2,5% so với tuần giao dịch đó (cách tiếp cận này dựa trên kĩ thuật chạy các cửa sổ tính giá trị trung bình – Rolling Window). Bên cạnh đó, giáo sư Scott cũng chỉ xem xét tin tức từ một ấn phẩm duy nhất là “Wall Street Journal”. Kết quả của nghiên cứu cho thấy: Thứ nhất, tin tức về chính sách – chủ yếu liên quan đến chính sách tiền tệ và chi tiêu của chính phủ tạo ra một tỷ lệ bước nhảy tích cực cao hơn so với bước nhảy tiêu cực ở tất cả các quốc gia; thứ hai, những bước nhảy gây ra bởi các sự kiện không liên quan đến chính sách dẫn đến sự biến động của chứng khoán trong tương lai cao hơn, trong khi các bước nhảy gây ra bởi các sự kiện chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ, dẫn đến mức độ biến động thấp hơn; và thứ ba, nghiên cứu cho thấy Hoa Kỳ có ảnh hưởng đặc biệt đến thị trường trên khắp thế giới (từ năm 1980 đến năm 2020, 32% tất cả các bước nhảy vọt trên các thị trường chứng khoán ngoài Hoa Kỳ được kích hoạt bởi tin tức phát ra từ hoặc về Hoa Kỳ), trong khi tin tức từ châu Âu hoặc Trung Quốc (giai đoạn trước năm 1990) có tác động rất ít đến thị trường thế giới dù đây là khu vực chiếm tỷ trọng sản lượng toàn cầu cao.
Sau phần trình bày của Giáo sư Scott, các nhà nghiên cứu đã trao đổi về các định hướng nghiên cứu tiếp theo, chẳng hạn như: Áp dụng phương pháp của Giáo sư Scott để nhận diện bước nhảy của giá dầu, đặt vấn đề về cách thức để xử lý xu hướng tích cực hay tiêu cực của thông tin bài báo…
Một số hình ảnh chụp lại màn hình tại buổi tọa đàm:
ThS. Huỳnh Lưu Đức Toàn – Trợ lý Tổng Biên tập JABES phát biểu chào mừng bài trình bày của Giáo sư Scott R. Baker
Giáo sư Scott R. Baker gửi lời chào đến nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham dự Tọa đàm JST 2021 tháng 5
Giáo sư Scott R. Baker trình bày bài nghiên cứu của ông và cộng sự xoay quanh chủ đề: Các chỉ số bất định (Uncertainty Indexes) và nhận diện những "Bước nhảy" (Jumps) trên thị trường chứng khoán
Đông đảo các nhà nghiên cứu lắng nghe và trao đổi học thuật sôi nổi cùng Giáo sư Scott R. Baker
Ban tổ chức và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học chụp ảnh cùng Giáo sư Scott R. Baker
Thông tin thêm
Tất cả các thông tin mới JABES và các sự kiện nổi bật như Hội thảo khoa học quốc tế ACBES, chuỗi Tọa đàm JST sẽ được cập nhật liên tục trên các kênh thông tin chính thức của JABES như sau:
Tin, ảnh: JABES
Chia sẻ