Tọa đàm “Tái cấu trúc các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh hiệu quả - Hướng tới đổi mới sáng tạo”

07 tháng 10 năm 2019

Trước bối cảnh phát triển bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), khi mà các yếu tố đầu vào (lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào) không còn là lợi thế cạnh tranh thì việc quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) mới, xây dựng các mô hình phù hợp với mục tiêu thu hút các dự án lớn, phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo là một nhu cầu hết sức cấp thiết.

Nhiều đề án, dự án được thực hiện với mục tiêu:

(1) Xác định các loại hình cần chuyển đổi cho từng KCN, khu chế xuất (KCX) hiện hữu (chuyển đổi sang KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, hay các khu đô thị, khu dân cư…);

(2) Đề xuất các biện pháp, lộ trình (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn) và các cơ chế chính sách mới nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi một cách nhanh chóng, sáng tạo;

(3) Đề xuất việc xây dựng KCN mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;

(4) Đề xuất cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các KCN, KCX trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM).

Toàn cảnh Tọa đàm 

Với định hướng đó, sáng ngày 04/10/2019, tại Cơ sở 59C Nguyễn Đình Chiểu, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP. HCM phối hợp với UEH tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tái cấu trúc các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. HCM hiệu quả - Hướng tới đổi mới sáng tạo”.

Mục tiêu của Tọa đàm nhằm trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý các KCN, KCX về khung phân tích, cách tiếp cận, hiện trạng và định hướng phát triển các KCN, KCX trên địa bàn TP. HCM.

Ông Đào Xuân Đức - Phó trưởng ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp; GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH đồng chủ trì buổi Tọa đàm

Đến tham dự Tọa đàm có Ông Đào Xuân Đức - Phó trưởng ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp; GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Phó hiệu trưởng UEH; cùng với đại diện của các Sở, Ban, Ngành, các đơn vị nghiên cứu của:  Sở Công thương, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Miền Nam (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Miền Nam (Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển - UEH; cùng với Lãnh đạo của các Công ty phát triển hạ tầng trên địa bàn TP. HCM. 

Các đại biểu tham dự Tọa đàm 

Tại Tọa đàm, đại diện nhóm nghiên cứu của HEPZA và UEH đã trình bày bức tranh tổng quan về thực trạng phát triển của các KCN, KCX trên địa bàn giai đoạn 2007-2018 và một số hạn chế trong quá trình phát triển các KCN, KCX. Dựa trên thực trạng đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khung phân tích chung để lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, và nhà quản lý các KCN, KCX. Các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của các KCN, KCX cũng được đưa ra để trưng cầu và phân tích.

Ông Đào Xuân Đức - Phó trưởng ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Ông Đào Xuân Đức - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho rằng, trước bối cảnh phát triển của cuộc CMCN 4.0, khi mà những yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào… không còn là thế mạnh, đòi hỏi thành phố phải quy hoạch KCN, KCX mới.

Các đại biểu đóng góp ý kiến và trình bày tại Tọa đàm 

Tại Tọa đàm, Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công thương TP. HCM cũng phân tích về những định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ từ nay đến năm 2025; đồng thời nhấn mạnh TP. HCM cần chuyển đổi mô hình mới để thu hút đầu tư, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thuận (đơn vị quản lý khu chế xuất Tân Thuận) cho rằng, tái cấu trúc các KCN, KCX trên địa bàn TP. HCM cần hạn chế những ngành nghề, lĩnh vực thâm lạm dụng lao động, chuyển đổi sang ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, có năng suất lao động, hàm lượng tri thức...

Các đại biểu đóng góp ý kiến và trình bày tại Tọa đàm

Rất nhiều ý kiến, các tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý được đưa ra nhưng phần lớn đều nhấn mạnh: Các KCN, KCX thành phố được hình thành với mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm; du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; đồng thời tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa những vùng ngoại thành. Tuy nhiên, nếu đơn thuần chỉ là các KCN, KCX mà không phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho các doanh nghiệp, nhà ở cho các chuyên gia, đội ngũ công nhân… thì khó phát triển bền vững. Chính vì thế, việc TP. HCM chuyển đổi từng KCN, KCX hiện hữu sang các mô hình KCN hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, công nghiệp - đô thị - dịch vụ là hướng đi đúng đắn, đáp ứng được các nhu cầu phát triển hiện tại trong bối cảnh số.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm 

Buổi Tọa đàm để lại nhiều ấn tượng. Các diễn giả đã trình bày rất cụ thể và chân thực, đi sâu vào hiện trạng và đưa ra các giải pháp cho các KCN, KCX trên địa bàn TP. HCM. Trong thời gian tới, Nhóm nghiên cứu của HEPZA và UEH sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc thảo luận và phỏng vấn sâu hơn các chuyên gia để đưa ra các chiến lược cụ thể, đồng thời lên kế hoạch thực hiện một số giải pháp mà các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý tại Tọa đàm đề xuất. 

Tin, ảnh: Phòng Truyền thông và Quan hệ công chúng.

Chia sẻ