17 tháng 08 năm 2021
Trước diễn biến của đại dịch Covid-19, Hội nghị đào tạo quốc tế cho khu vực ĐBSCL được tổ chức theo hình thức trực tuyến (online) với sự tham dự của hơn 140 cán bộ, trong đó, có 35 đại biểu đến từ các đơn vị Ủy ban nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu các trường THPT Chuyên tại khu vực ĐBSCL.
Hội nghị diễn ra trực tuyến với sự tham dự của 140 cán bộ
Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước thách thức nguồn nhân lực chất lượng cao
Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước, là khu vực thu hút được nhiều sự quan tâm, đầu tư của quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi hội nhập quốc tế, nhất là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực được đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mở rộng, hợp tác, tiếp cận, trao đổi tri thức, kinh nghiệm với các đối tác quốc tế.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 không chỉ tác động ngắn hạn mà còn lâu dài đối với kinh tế, xã hội và sự phát triển của cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đó là nguy cơ đứt gãy hoạt động giáo dục, đào tạo, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, vốn vẫn là một trong những điểm yếu của vùng.
Ông Nguyễn Quốc Liêm - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ 16 nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 3 nhiệm vụ cụ thể để phát triển kinh tế của tỉnh gồm: (i) Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia; (ii) Phát triển nâng cao nguồn nhân lực; (iii) Phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông, cảng biển, cảng hàng không. Trong đó, nhiệm vụ phát triển nâng cao nguồn nhân lực là quan trọng nhất, đóng vai trò trực tiếp cho sự phát triển kinh tế của tỉnh”.
Trước những yêu cầu của xã hội, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực ĐBSCL trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tài năng Mekong - Đi để trở về: Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển ĐBSCL
Ý thức được trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL, với uy tín và thế mạnh về hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học từ nhiều năm qua, năm 2021, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Đào tạo Quốc tế Mekong đặt tại Phân hiệu Vĩnh Long và ngay sau đó triển khai chương trình Cử nhân Úc - New Zealand với sứ mạng đưa các chương trình đào tạo đại học đạt chuẩn quốc tế từ các đối tác quốc tế uy tín của UEH vào khu vực ĐBSCL. Như vậy, người học sẽ được đào tạo theo định hướng trở thành công dân toàn cầu, sẵn sàng hội nhập, nâng cao chuyên môn và đặc biệt là rèn luyện trình độ tiếng Anh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Chương trình Cử nhân Úc - New Zealand đào tạo người học trở thành công dân toàn cầu với kiến thức nền tảng và trình độ tiếng Anh tiêu chuẩn
Người học được tuyển chọn sẽ tham gia chương trình đào tạo quốc tế giai đoạn 1 tại Phân hiệu Vĩnh Long trong 1,5 năm, và giai đoạn 2 trải nghiệm môi trường học quốc tế 1,5 năm tại các trường Đại học của Úc hoặc New Zealand thuộc top 1,2% Đại học xuất sắc nhất thế giới và nhận bằng Cử nhân của các Trường này. Điểm đặc biệt của chương trình là phương châm kết hợp chương trình quốc tế đã được khẳng định chất lượng gắn với sự am hiểu bản sắc, đặc điểm của khu vực Mekong để các “Tài năng Mekong - Đi để trở về” và khởi nghiệp thành công trên quê hương ĐBSCL.
Tiến sĩ Bùi Quang Hùng - Phó hiệu trưởng UEH chia sẻ: “Ngay từ ý tưởng đến thực hiện chương trình, UEH luôn kiên trì quan điểm đây là trách nhiệm xã hội và nhiệm vụ cần phải thực hiện của UEH trong đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế cho sự phát triển của vùng ĐBSCL, lấy hiệu quả xã hội là cơ sở đánh giá chủ yếu cho sự thành công của chương trình. Do đó, thông qua Hội nghị này, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh mong muốn nhận được sự ủng hộ, phối hợp của lãnh đạo các địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục, các Thầy, Cô lãnh đạo của các trường THPT, các cơ quan, đơn vị tại khu vực ĐBSCL, đồng hành, chia sẻ trách nhiệm, cùng UEH thực hiện chương trình này.”
Đánh giá về chương trình, ông Nguyễn Phương Toàn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang cho biết: “Đây là một chương trình rất nhiều ý nghĩa để tạo cơ hội cho học sinh khu vực ĐBSCL tham gia học tập tại các nước tiên tiến, từ đó đem tri thức để góp phần xây dựng cho quê hương. Sau khi nhận được thông tin chương trình, chúng tôi đã kịp thời gửi đến các trường học trong tỉnh để các em học sinh đăng ký dự tuyển”.
Ông Nguyễn Quốc Liêm - Phó Giám đốc Sở nội vụ tỉnh Bạc Liêu cũng nhấn mạnh: “Sở Nội vụ được tỉnh Bạc Liêu giao nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế toàn tỉnh. Chúng tôi cũng đang tìm nhiều giải pháp và thật sự rất vui mừng vì chương trình đào tạo cử nhân quốc tế của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã đáp ứng một phần rất cần thiết về đào tạo, nâng cao nhân lực cho tỉnh Bạc Liêu. Trong thời gian tới, tỉnh rất mong quý Trường quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ trong việc nâng cao chất lượng nhân lực cho tỉnh.”
Mong muốn hợp tác lâu dài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Kiên Giang, anh Trần Quang Bảo - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang cho biết: “Chương trình Tài năng Mekong rất phù hợp với tỉnh Kiên Giang để tỉnh có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế, đây là một trong 3 nhiệm vụ đột phát của tỉnh đã đặt ra. Kiên Giang sẽ nhanh chóng thông báo cho học sinh vừa tốt nghiệp THPT 2021 để các em có cơ hội tham gia. Đồng thời, tỉnh rất mong nhà trường sẽ phối hợp với Sở Giáo dục của Tỉnh để bồi dưỡng tiếng Anh cho các em để thỏa điều kiện tham gia chương trình Tài năng Mekong. Song song đó, giới thiệu các mô hình đào tạo, học bổng tốt cho Kiên Giang. Và thực hiện ký kết trong thời gian 10 năm để đảm bảo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế, khi các em ra trường tự tin trao đổi với đồng nghiệp, làm việc với cơ quan doanh nghiệp nước ngoài, hội nhập toàn cầu.”
Tích cực hỗ trợ cho thí sinh tham gia Chương trình Tài năng Mekong
Nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của ĐBSCL, trong giai đoạn 2021 - 2025, UEH sẽ triển khai học bổng “Tài năng Mekong 100”, mỗi năm (trong 5 năm) dành 20 suất học bổng tại Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với mức học bổng 100% - 50% - 30% cho giai đoạn học tại Phân hiệu Vĩnh Long, trong đó, phân bổ mỗi tỉnh trong khu vực 01 suất học bổng 100% học phí. Ngoài ra, để thu hút các sinh viên quốc tế đến với ĐBSCL, chương trình còn cấp học bổng cho các sinh viên các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong (Lào, Campuchia, Thái Lan, Myamar) cũng như tăng cường các hoạt động trao đổi đào tạo với sinh viên quốc tế, từng bước đưa Phân hiệu Vĩnh Long nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói chung trở thành cơ sở đào tạo, trao đổi, hợp tác quốc tế của UEH tại khu vực ĐBSCL.
Đồng thời, nhà trường cũng sẽ liên kết với đối tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em sinh viên hoàn thành tốt chương trình đào tạo.
Giáo sư Yi-Chen Lan - Phó hiệu trưởng Đại học Western Sydney cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để du học sinh hoàn thành tốt chương trình
Giáo sư Yi-Chen Lan - Phó hiệu trưởng Đại học Western Sydney, Úc cho biết: “Mekong Talent 100 là một dự án rất ý nghĩa và Đại học Western Sydney rất vinh dự được tham gia dự án, đồng hành với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Tại Đại học Western Sydney, khi các sinh viên tài năng từ khu vực Mekong đến Úc, chúng tôi sẽ hỗ trợ tận tình về chỗ ở dành riêng cho các bạn trong khuôn viên trường, hoặc sắp xếp chỗ ở theo yêu cầu của sinh viên bên ngoài trường. Khi sinh viên tốt nghiệp và trở về quê hương, các bạn có thể đóng góp những kiến thức đã học tại Úc cho khu vực cũng như cho cộng đồng.”
Cựu sinh viên du học tại Úc chia sẻ cảm nhận
Là một trong những cựu sinh viên du học tại Úc (2014 - 2015), anh Phan Chí Cường đang công tác tại tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Xuất phát điểm của tôi có rất nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực và đam mê, tôi đã đạt được những mục tiêu nhất định của mình khi du học tại Úc. Khi lựa chọn quay về quê hương, tôi mong muốn chia sẻ câu chuyện của chính mình để những thế hệ sau biết rằng, đi du học sẽ giúp chúng ta có cơ hội tiếp cận được những phong cách mới, cách làm việc mới, có tầm nhìn cụ thể, thực tế, từ đó giúp chúng ta phát triển toàn diện. Nếu có định hướng và tầm nhìn rõ ràng ngay từ đầu, sau khi hoàn thành khóa du học chúng ta sẽ đứng ở một tầm mới.”
GS. TS Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường UEH phát biểu bế mạc chương trình
Phát biểu bế mạc chương trình, GS. TS Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường UEH nhấn mạnh: “Hôm nay chúng ta ngồi đây, tham gia chương trình với chủ đề “Tài năng Mekong - Đi để trở về” là một hoạt động rất ý nghĩa đối với ĐBSCL, với sự phát triển trong tương lai của khu vực mà Trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh - UEH đã luôn xác định đây là trách nhiệm quan trọng của nhà trường trong sứ mạng hoạt động của mình. Đặc biệt với chương trình này, UEH mong muốn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn quốc tế vì ĐBSCL so với nơi khác chúng ta còn hạn chế nguồn nhân lực chất lượng cao. Hy vọng 3, 4 năm tới, UEH sẽ đóng góp nguồn lực quan trọng này đối với sự phát triển, hội nhập của khu vực. Và trong thời gian tới, nhà trường sẵn sàng ký kết hợp tác với các địa phương để đào tạo Thạc sĩ, Đại học, hoặc các chương trình ngắn hạn về nghiên cứu, tư vấn.”
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh kỷ niệm
Với bề dày 45 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong trong việc triển khai liên kết, hợp tác đào tạo quốc tế. Các đại học Western Sydney (Úc), Victoria Wellington (New Zealand) cũng là 2 đối tác đầu tiên, lâu bền, tin cậy, có uy tín của nhà trường trong quá trình hội nhập, phát triển hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta hoàn toàn tin tưởng về uy tín, chất lượng của chương trình đào tạo quốc tế Mekong của UEH. Cùng với việc thành lập và đi vào hoạt động Phân hiệu của Trường tại tỉnh Vĩnh Long vào tháng 1/2020 với quy mô 500 sinh viên Đại học chính quy, hơn 100 học viên cao học, việc thành lập Trung tâm quốc tế Mekong và triển khai chương trình đào tạo quốc tế Tài năng Mekong trong năm 2021, trong đó có cả cấp học bổng cho sinh viên quốc tế đến từ các nước tiểu vùng sông Mekong là một bước đi quan trọng với mục tiêu trong 2, 3 năm nữa, Vĩnh Long và cụ thể là Phân hiệu UEH tại Vĩnh Long sẽ là một trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, tư vấn, hợp tác và giao lưu văn hóa, là điểm đến của sinh viên, giảng viên, chuyên gia quốc tế với khu vực ĐBSCL nhiều tiềm năng và con người thân thiện.
Thông tin chi tiết về chương trình tại
ĐÂY.
Tin, Ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông
Báo đài đưa tin:
Chia sẻ