Đại học Kinh tế TP.HCM: Dạy những gì người học thật sự cần
13 tháng 05 năm 2021
[Báo Tuổi trẻ] Đào tạo những con người thực học, thực tài, có kiến thức vừa rộng, vừa sâu, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế hóa và cạnh tranh toàn cầu' là chuẩn đầu ra được Trường ĐH Kinh tế TP.HCM xây dựng, áp dụng gần chục năm nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - trưởng phòng đào tạo, nguyên trưởng khoa tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) - cho biết: Từ năm 2013, UEH đã tổng rà soát để tiến hành đổi mới các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chương trình tiên tiến quốc tế.
Lãnh đạo nhà trường khi đó đã nêu rõ phương châm chủ đạo là: "Phải đảm bảo dạy cho người học những kiến thức thật sự cần thiết, bám sát nội dung đào tạo của các trường đại học về kinh tế - kinh doanh hàng đầu trên thế giới".
* Khoa tài chính của trường là đơn vị tham khảo chương trình đào tạo của các trường top 100 thế giới để xây dựng chuẩn đầu ra. Những chương trình đó có nét tương đồng thế nào, thưa ông?
- Một trong những điều chúng tôi tâm đắc nhất ở cách thức xây dựng chương trình của họ nằm ở triết lý đào tạo và chuẩn đầu ra của chương trình.
Họ đặc biệt nhấn mạnh tiêu chí: "có kiến thức vừa rộng vừa sâu".
Rộng để đảm bảo một nền tảng kiến thức tổng quát, sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi ngày càng nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu trước những "cú sốc" xảy ra liên tục, đặc biệt là về công nghệ, đổi mới và sáng tạo.
Sâu là để người học sau khi tốt nghiệp, nắm vững kiến thức chuyên môn để có thể làm việc một cách thuận lợi và hiệu quả trong từng lĩnh vực cụ thể.
* Ông có thể chia sẻ thêm triết lý đào tạo làm nền tảng cho chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo của khoa?
- Được khơi gợi từ những triết lý như vậy, cùng với những trăn trở trong suốt một thời gian dài nghiên cứu, giảng dạy về kinh tế - tài chính cho nhiều thế hệ sinh viên, chúng tôi đã đúc kết triết lý giáo dục để làm nền tảng và định hướng cho chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo là: "đào tạo những con người thật học, thật tài, có kiến thức vừa rộng vừa sâu, có thể đáp ứng linh hoạt các yêu cầu ngày càng khắt khe và đa dạng của một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng trong xu thế quốc tế hóa và cạnh tranh toàn cầu".
Chúng tôi cho rằng người học được phát triển toàn diện ở bậc đào tạo đại học, trong lĩnh vực kinh tế phải hội đủ cả hai yếu tố.
Đó là có kiến thức bao quát, hiểu biết rộng nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội nhưng vẫn có các chuyên môn sâu riêng biệt để tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động và phát triển nghề nghiệp của bản thân.
Chúng tôi kỳ vọng sinh viên của mình khi ra trường phải đáp ứng ngay yêu cầu của thị trường lao động, có công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo với mức thu nhập hợp lý.
Hoặc nếu họ muốn tiếp tục học tập ở bậc cao hơn trong nước hay ngoài nước đều có thể thực hiện một cách dễ dàng mà không gặp bất kỳ một sự khó khăn nào.
Muốn đạt được những mục tiêu này, trong bối cảnh xã hội hóa giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì nguyên tắc "thật học, thật tài" là quan trọng nhất.
* Các tiêu chí "thật học, thật tài, có kiến thức vừa rộng vừa sâu" được nhà trường đánh giá như thế nào?
- Lãnh đạo nhà trường hết sức ủng hộ quan điểm này và tạo rất nhiều điều kiện để chúng tôi từng bước hiện thực hóa triết lý đó. Hội đồng khoa học trường đã bàn bạc, thảo luận rất kỹ trước khi đi đến xem xét, phê duyệt nội dung của từng môn học.
Đặc biệt, nhà trường mạnh dạn đầu tư cho hệ thống giáo trình. Để việc dạy và học đi vào thực chất và hiệu quả, chúng tôi yêu cầu giảng viên sử dụng giáo trình chủ yếu là các sách giáo khoa kinh điển được giảng dạy rộng rãi, phổ biến ở các trường đại học trên thế giới.
Lãnh đạo trường đưa ra nguyên tắc "sinh viên ở các trường nước ngoài học sách gì thì sinh viên UEH học sách đó". Đến nay, hệ thống giáo trình của UEH gần như đã tiệm cận với các trường trên thế giới.
* Gần chục năm qua, nhiều thế hệ sinh viên của khoa tốt nghiệp có chứng minh cho triết lý đào tạo và chuẩn đầu ra đó phù hợp?
- Hằng năm, UEH đều tổ chức hội nghị các nhà tuyển dụng để lắng nghe họ nhận xét, đóng góp cho chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra.
Bên cạnh các ý kiến khách quan và thiết thực để chúng tôi tiếp tục cải tiến thì nhìn chung, họ đánh giá cao năng lực học tập và kiến thức chuyên môn của sinh viên chúng tôi. Họ rất đồng tình và ủng hộ việc chúng tôi xác định đầu ra của trường phải là những con người "thật học, thật tài".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Chia sẻ