ShanghaiRanking 2024: Các ngành Tài chính, Kinh tế, Quản trị UEH xếp thứ hạng cao trên thế giới
22 tháng 11 năm 2024
[Báo Thanh Niên] Vượt qua nhiều cái tên lớn ở phương Tây, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là trường duy nhất ở Việt Nam có ngành đào tạo xếp hạng 38 thế giới theo Tổ chức giáo dục ShanghaiRanking Consultancy (Trung Quốc). Đây được xem là thứ hạng cao nhất đến nay của Việt Nam, theo bảng xếp hạng này.
- UEH tăng 200 hạng vào Top 650 thế giới và Top 162 Đại học Bền vững (QS World Ranking Sustainability 2025)
- UEH tiếp tục giữ vững vị trí trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam năm 2015, nằm trong top 1000 trường đào tạo kinh doanh tốt nhất thế giới
- [Báo Tuổi Trẻ] Hai tạp chí khoa học của Việt Nam vào Q1, top 25% tạp chí tốt nhất thế giới
Cơ sở của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tại huyện Bình Chánh, TP.HCM
Nhiều ngành Việt Nam tụt hạng
Tổ chức giáo dục ShanghaiRanking Consultancy (Trung Quốc) hôm 11.11 công bố bảng xếp hạng ĐH thế giới theo lĩnh vực học thuật 2024. Việt Nam có 9 đại diện góp mặt và giảm 3 trường so với 2023. Các ĐH và trường ĐH vào bảng xếp hạng đều là những cái tên cũ là Quốc gia Hà Nội, Y Hà Nội, Duy Tân, Tôn Đức Thắng, Thủ Dầu Một, Nguyễn Tất Thành, Quốc gia TP.HCM và Kinh tế TP.HCM.
Cụ thể, ShanghaiRanking Consultancy xếp hạng 55 ngành ở hơn 1.900 trường trong số 5.000 đơn vị từ 96 quốc gia, vùng lãnh thổ. 55 ngành này được chia thành 5 lĩnh vực là khoa học tự nhiên, kỹ thuật, khoa học sự sống, khoa học y tế, khoa học xã hội. Việt Nam có tổng cộng 19 ngành được xếp hạng trải dài 4 lĩnh vực trong năm nay, tập trung nhiều nhất ở nhóm kỹ thuật.
Trong đó, ĐH Duy Tân, Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Tôn Đức Thắng là những cái tên quen thuộc ở lĩnh vực kỹ thuật, còn ĐH Quốc gia Hà Nội và Kinh tế TP.HCM chiếm lĩnh nhóm khoa học xã hội. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, ĐH Duy Tân cùng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Thủ Dầu Một là những đơn vị được gọi tên, còn nhóm ngành khoa học sức khỏe có mặt ĐH Duy Tân và Trường ĐH Y Hà Nội, Nguyễn Tất Thành.
Về xếp hạng các ngành, tài chính của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua hơn 150 trường để đứng thứ 38 thế giới, tăng 1 bậc so với 2023. Thành tích này cao hơn một số cái tên nổi tiếng toàn cầu như Oxford (hạng 40), California tại Los Angeles (42), Dartmouth, Quốc gia Singapore, Cambridge, Melbourne (cùng nhóm 51-75)... Được biết, ngành tài chính do Trường Kinh doanh của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo, có điểm chuẩn là 26,03 vào năm 2024 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Cũng trong bảng xếp hạng ngành này, ĐH Quốc gia Hà Nội giữ vị trí 151-200 tương tự năm 2023. Lọt vào tốp 200 thế giới còn có ngành y tế công cộng của Y Hà Nội, khoa học và công nghệ thiết bị của ĐH Duy Tân, kỹ thuật dân dụng của Duy Tân và Tôn Đức Thắng, kỹ thuật tài nguyên nước của Duy Tân và Tôn Đức Thắng, kỹ thuật cơ khí của Duy Tân và Tôn Đức Thắng.
Mặt khác, quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là ngành của Việt Nam lần đầu được ra mắt trong bảng xếp hạng thế giới, ở nhóm 301-400.
Sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội đăng ký chuyên ngành bác sĩ nội trú, tháng 9.2024
Song, xu hướng chung của nhiều ngành ở Việt Nam là tụt bậc thậm chí bị loại khỏi bảng xếp hạng của ShanghaiRanking Consultancy. Chẳng hạn, ngành kỹ thuật cơ khí tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân từng đứng thứ 39, 48 thế giới nay xuống nhóm 101-150, 151-200. Còn quản trị khách sạn và du lịch ( ĐH Duy Tân), thú y (Trường ĐH Nông nghiệp Việt Nam), khoa học khí quyển (Trường ĐH Tôn Đức Thắng), khoa học sinh học con người (Trường ĐH Y Hà Nội)... đều bị loại.
Tổng cộng, 25 ngành đào tạo của các trường ĐH Việt Nam đã tụt hạng so với năm 2023 (một ngành có thể có nhiều trường cùng được xếp hạng). Ngoài ra 15 ngành đào tạo của các trường đã bị loại khỏi bảng xếp hạng năm 2024.
Phương pháp xếp hạng ra sao?
Theo ShanghaiRanking Consultancy, tổ chức này sử dụng một loạt các chỉ số học thuật khách quan và dữ liệu từ bên thứ ba để đo lường hiệu quả hoạt động của các trường ĐH ở từng ngành. Bên cạnh 4 nhóm tiêu chí cũ gồm kết quả đầu ra đẳng cấp thế giới, nghiên cứu chất lượng cao, ảnh hưởng của nghiên cứu, hợp tác quốc tế, năm nay bảng xếp hạng thêm một tiêu chí là giảng viên đẳng cấp thế giới.
Cụ thể, nhóm tiêu chí này xem xét trường có bao nhiêu người đoạt giải thưởng học thuật quốc tế, nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều, tổng biên tập các tạp chí khoa học và lãnh đạo những tổ chức học thuật lớn. Để có dữ liệu đánh giá, ShanghaiRanking Consultancy cũng thực hiện một cuộc khảo sát với 1.543 giáo sư từ 100 ĐH hàng đầu thế giới. Và ở mỗi ngành, các tiêu chí xếp hạng sẽ có trọng số riêng, thông cáo nêu.
Các tiêu chí xếp hạng 1.900 ĐH thế giới theo lĩnh vực học thuật 2024
Năm 2024, các ĐH Mỹ dẫn đầu 29 bảng xếp hạng theo ngành với Harvard là đơn vị nổi bật nhất khi đứng đầu 14 ngành. Theo sau đó, MIT (Mỹ) 4 lần giành vị trí số 1 và Thanh Hoa (Trung Quốc) có 3 lần dẫn đầu. Ngoài ra, Princeton, Chicago (Mỹ) và Oxford (Anh) mỗi trường có 2 lĩnh vực đứng đầu thế giới. Nếu tính tổng số lần xuất hiện của tất cả các trường, Mỹ xuất hiện 4.277 lần, sau đó là Trung Quốc (3.278 lần), Anh (1.560 lần).
ShanghaiRanking Consultancy là một trong số các tổ chức xếp hạng ĐH có uy tín, nhiều năm kinh nghiệm và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới bên cạnh bảng xếp hạng của Times Higher Education và QS (Anh). Tổ chức này đảm nhận việc công bố bảng xếp hạng ĐH thế giới từ 2009, nối tiếp di sản của ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Bảng xếp hạng ĐH thế giới theo lĩnh vực học thuật được tổ chức này công bố từ 2017.
Nguồn: Báo Thanh Niên
Chia sẻ