12 sản phẩm đậm chất nghệ thuật, văn hóa, công nghệ và khoa học của sinh viên Khoa Thiết kế Truyền thông, UEH-CTD
29 tháng 12 năm 2023
Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực công nghệ mới trong tương lai, tích hợp toán, công nghệ, quản trị thông minh, đổi mới sáng tạo và truyền cảm hứng nghệ thuật, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (UEH-CTD) đã xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo hiện đại và đổi mới. Đơn cử như vừa qua, sinh viên Khoa Thiết kế Truyền thông của UEH-CTD đã cho ra đời 12 sản phẩm đậm chất nghệ thuật, văn hóa, công nghệ và khoa học thông qua môn học “Dự án 1: Nghệ thuật và Văn hóa”.
Đầu tháng 12/2023, sinh viên năm hai ngành Truyền thông số và Thiết kế đa phương tiện của Khoa Thiết kế Truyền thông đã hoàn thành môn học “Dự án 1: Nghệ thuật và Văn hóa” theo hình thức dự án (Project-Based Learning). Qua môn học này, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức lý thuyết mà còn vận dụng các kỹ năng học được từ các môn nền tảng như “Design thinking”, “Graphic design”, và “Fundamental design” kết hợp với “Phương pháp nghiên cứu khoa học” vào thực tiễn. Điều này giúp các bạn sinh viên nâng cao năng lực sáng tạo, tư duy phản biện và hiểu cách giải quyết vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.
Các sinh viên đã thể hiện sự nỗ lực và sáng tạo của mình khi hoàn thành 12 dự án đậm chất nghệ thuật, công nghệ và khoa học và trưng bày tại sảnh trệt B1 thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn sinh viên UEH. Mỗi dự án mang một ý tưởng đặc biệt, phản ánh sự đa dạng và tài năng trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo. Trong số các dự án nổi bật có “Hồi Phục” - một dự án tái hiện trang phục Việt cổ, “Board game nhập Văn Kí”, “Đố vui lì xì”, “Hang Trong Inspiration”. Ngoài ra còn có “SẬP App”, “Thêu thùa thơ thẩn”, “Người miền biển chất”, “HiLands”, “Cải Chi Hong Bích”, “Bóng bóng bi bi”, “Thanh âm cồng chiêng” và cuối cùng là “Vibeat”. Mỗi dự án không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà còn góp phần thay đổi cách tiếp cận và lan tỏa giá trị văn hoá của các loại hình nghệ thuật, di sản văn hoá của Việt Nam tới giới trẻ hiện nay.
- “Hồi Phục” Việt cổ Phục: dự án có ý tưởng tái khám phá và phục hồi Việt Cổ Phục, trang phục truyền thống của Việt Nam, thông qua việc tổ chức các booth triển lãm để giáo dục công chúng. Dự án đặc biệt tập trung vào áo Nhật Bình, một loại trang phục truyền thống, và đã thiết kế các bao lì xì (phong bao mừng tuổi) với hình ảnh của loại áo này. Điều này không chỉ giúp quảng bá văn hóa dân gian Việt Nam mà còn nâng cao nhận thức về giá trị lịch sử và văn hóa của Việt Cổ Phục, đặc biệt trong bối cảnh áo dài hiện đại ngày càng trở nên phổ biến và thay thế Việt Cổ Phục.
Booth trưng bày sản phẩm ““Hồi Phục” Việt cổ Phục
- Board game Nhập Văn Kí: Bộ bài "Nhập Văn Kí" gồm 12 lá bài, mỗi lá đại diện cho một nhân vật nổi tiếng từ các tác phẩm văn học Việt Nam đương đại như Chí Phèo, Mỵ Châu, Lão Hạc,... Các nhân vật này được chọn từ những tác phẩm tiêu biểu và đa dạng thể loại. Mỗi nhân vật trong bộ bài có vai trò và chức năng riêng, phản ánh trung thực tính cách và hoàn cảnh của họ trong tác phẩm. Bộ bài không chỉ là trò chơi giải trí mà còn là công cụ giáo dục giúp người chơi hiểu sâu hơn về văn học Việt Nam thông qua việc nhập vai. Người chơi sẽ tham gia vào các phe Thiện, Ác hoặc phe thứ ba với nhiệm vụ giành chiến thắng cho phe của mình.
Dự án Board game Nhập Văn Kí
- Đố Vui Lì Xì - Game kết hợp Zalo Pay: Trò chơi này sẽ được tích hợp vào nền tảng ZaloPay và nhắm đến mọi người dùng của dịch vụ này. "Đố vui lì xì" là một trò chơi giải trí với các câu hỏi trắc nghiệm xoay quanh văn hóa lì xì, nhằm mang đến cho người chơi những trải nghiệm vừa vui vẻ, vừa giáo dục, qua đó kết nối mọi người lại với nhau thông qua công nghệ số.
Poster dự án Đố Vui Lì Xì Tết 2024
Video Dự án 1 - Nghệ thuật và Văn hóa [Đố Vui Lì Xì]
- Hang Trong Inspiration: lần đầu tiên đưa tranh Hàng Trống vào streetwear, họ hy vọng sẽ làm cho tranh Hàng Trống trở nên phổ biến hơn với lớp trẻ hiện đại. Thành công của dự án không chỉ đến từ việc tạo ra sản phẩm thu hút và đẹp mắt, mà còn ở việc làm cho tranh Hàng Trống trở nên gần gũi hơn với phong cách sống hiện đại và trẻ trung.
Dự án Hang Trong Inspiration
- SẬP App - Chơi Sập Sài Gòn: Ứng dụng này được thiết kế để mang lại trải nghiệm "chất bản địa" cho du khách quốc tế, giúp họ tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống vui vẻ nhưng an toàn tại TP.HCM với sự hướng dẫn của người trẻ địa phương.
- Thêu Thùa Thơ Thẩn: Mục tiêu của dự án là hiện đại hóa nghệ thuật thêu tay, làm cho nó phù hợp hơn với nhu cầu và thẩm mỹ hiện đại. Nhóm đã tạo một kênh TikTok để chia sẻ các hướng dẫn làm sản phẩm thêu đơn giản và hiện đại. Họ cũng đã tổ chức một workshop thực hành thêu kẹp tóc offline tại sảnh B1 của UEH, thu hút sự tham gia của nhiều sinh viên và nhận được phản hồi tích cực.
- [Người Miền Biển Chất] Kéo vợ - phong tục hay hủ tục?: Dự án này bao gồm một phim ngắn "cây nhà lá vườn" sản xuất bởi nhóm, cùng với một triển lãm ảnh online, nhằm giúp người xem hiểu sâu hơn về phong tục này và văn hóa hôn lễ của người H'mông vùng Tây Bắc. Mục tiêu của dự án là khai sáng và thay đổi quan điểm của xã hội hiện đại về một trong những truyền thống văn hóa thiểu số quan trọng của Việt Nam.
Video clip giới thiệu Dự án 1: Nghệ thuật và văn hóa [Người Miền Biển Chất]
- HiLands: Chiến dịch quảng bá văn hoá Tây Nguyên bằng cách ứng dụng cách điệu hoạ tiết một số dân tộc Tây Nguyên vào đời sống hàng ngày thông qua việc kết hợp cùng với thương hiệu cà phê Highlands. Nhóm đã thiết kế bao bì sản phẩm và ra mắt bộ merchandise với hình ảnh họa tiết Tây Nguyên kết hợp với phong cách hiện đại. Qua đó, dự án HiLands mong muốn đưa văn hóa Tây Nguyên trở nên gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
Các sản phẩm của dự án HiLands
- Cải Chi Hong Bích: Cải lương, một bộ phận không thể thiếu trong di sản văn hóa dân tộc Việt Nam với lịch sử phát triển hơn 100 năm, đang đối mặt với thách thức từ các hình thức giải trí hiện đại. Để khắc phục điều này, nhóm đã tiến hành nghiên cứu sở thích giải trí của Gen Z và tạo ra Bộ stickers Cải lương có diện mạo hiện đại, cùng với bộ tranh Biography/Infographic triển lãm. Mục tiêu của dự án là làm cho Cải lương trở thành một hình thức giải trí được ưa chuộng và mãi được gìn giữ qua các thế hệ.
Các ấn phẩm của dự án “Cải Chi Hong Bích”
- Bóng Bóng Bi Bi: Bộ board game "Hành Trình Thần Tiên" lấy cảm hứng từ các câu chuyện cổ tích Việt Nam, nơi người chơi sẽ hóa thân thành nhân vật trong các câu chuyện và tham gia vào hành trình đầy màu sắc và văn hóa đến cung điện.
Bộ board game "Hành Trình Thần Tiên"
- Thanh Âm Cồng Chiêng: Nhóm đã tạo ra một bộ bài Tây 52 lá và một chiếc túi tote, cả hai đều được thiết kế với họa tiết văn hóa và con người Tây Nguyên, kết hợp với công nghệ AR. Mục tiêu của dự án là mang đến một hình ảnh gần gũi và thu hút về văn hóa Cồng chiêng cho giới trẻ, giúp họ nhận thức được giá trị văn hóa truyền thống và khích lệ sự quan tâm, bảo tồn văn hóa này trong cuộc sống hàng ngày.
Bộ bài Thanh Âm Cồng Chiêng
Video clip giới thiệu Dự án 1: Nghệ thuật và văn hóa [Thanh Âm Cồng Chiêng]
- ViBeat: ViBeat là một tựa game di động dạng Rhythm-matching, cho phép người chơi khám phá và trải nghiệm âm nhạc truyền thống thông qua các bài nhạc giao thoa giữa thể loại cổ truyền Việt và các thể loại nhạc đương đại như pop, rock, EDM. Mục tiêu của dự án là tạo ra một làn sóng mới cho âm nhạc truyền thống, pha trộn với các loại nhạc cụ hiện đại, phù hợp với xu hướng của giới trẻ.
Video clip giới thiệu Dự án 1: Nghệ thuật và văn hóa [Vibeat]
Hành trình không chỉ là những bài học, mà là một chặng đường khám phá đầy ý nghĩa thế giới sáng tạo, nơi sinh viên trở thành những người nghệ sĩ và nhà nghiên cứu đích thực:
Sinh viên Khóa 48 - Hạnh Như, thành viên Dự án "Nhập Văn Kí" chia sẻ: "Em nghĩ Dự án nghệ thuật và văn hoá là một môn học rất ý nghĩa khi chúng em có thể tạo ra một sản phẩm có giá trị tinh thần rất lớn để bảo tồn truyền thống văn hoá dân tộc. Môn học giúp chúng em được trải nghiệm thực tế quy trình từ lên ý tưởng, sản xuất ra sản phẩm thực tế đến thử nghiệm sản phẩm, thu thập đánh giá từ người dùng. Ở bước thử nghiệm sản phẩm, chúng em còn được Trường và Khoa tạo điều kiện để dựng booth truyền thông ở sảnh, em cảm thấy rất vui khi có thể truyền thông với các bạn sản phẩm mà mình làm ra và buổi hôm ấy cũng giúp em thu được nhiều phản hồi tích cực để có thể thực hiện sản phẩm một cách tốt nhất. Mỗi giai đoạn em đều học được khá nhiều kiến thức và đề tài này có thể sử dụng trong thực tế nên em thấy đây là một trải nghiệm đáng nhớ của em trên giảng đường Đại học."
Sinh viên Khóa 48 - Ly Na, thành viên Dự án “Đố Vui Lì Xì - Game kết hợp ZaloPay” chia sẻ: "Môn học này giúp chúng em hiểu hơn cách thực hiện một dự án trong đó vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học, là một cách tiếp cận rất khác bởi trước giờ tụi em chỉ học thực hành các dự án là chủ yếu. Tụi em đã có cơ hội được học hỏi được rất nhiều, từ cách viết abstract đến cách thực hành phỏng vấn sâu với nhiều bạn - những bước đầu cơ bản cho một bài nghiên cứu. Ngoài ra, tụi em cũng được củng cố thêm những kỹ năng liên quan như thiết kế đồ họa, thiết kế giao diện người dùng, in ấn sản phẩm,... Bên cạnh đó, môn học giúp chúng em cọ sát với các vấn đề về văn hoá một cách thực tiễn, gợi mở khả năng sáng tạo của chúng em khi vận dụng sự phát triển của công nghệ để giải quyết một vấn đề về văn hoá - đó là điểm thú vị của môn học này."
Kết thúc quá trình học tập và sáng tạo, sinh viên Khóa 48 của Khoa Thiết kế Truyền thông, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đã để lại dấu ấn đậm nét qua 12 sản phẩm cuối khóa, phản ánh sự giao thoa tinh tế giữa nghệ thuật, công nghệ và khoa học. Mỗi dự án, từ "Hồi Phục" Việt cổ Phục đến "ViBeat", không chỉ thể hiện sự sáng tạo vượt trội mà còn là minh chứng cho khả năng kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa và công nghệ. Các dự án này không chỉ là sản phẩm của việc vận dụng những môn học trên giảng đường đại học mà còn là kết quả của sự nỗ lực, đam mê và tình yêu với nghệ thuật, thiết kế, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc, thông qua cách tiếp cận mới theo hướng công nghệ.
Tin, ảnh: Khoa Thiết kế Truyền thông
Chia sẻ