Chuỗi Tọa Đàm Máy Tính Và Công Nghệ: “Không Đi Một Mình” Tiếp Cận Hơn 39.000 Phụ Huynh, Học Sinh, Cộng Đồng Quan Tâm Theo Dõi Trực Tuyến
22 tháng 06 năm 2023
Ngày 18-19/6/2023 vừa qua, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) chính thức tổ chức Chuỗi Tọa đàm Máy tính và Công nghệ “Không đi một mình” thông qua hình thức livestream trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, cung cấp cái nhìn toàn diện về Kỷ nguyên 5.0 và góc nhìn mới mẻ về Máy tính & Công nghệ ứng dụng. Với 05 chủ đề hấp dẫn, thời thượng phù hợp với các thế hệ GenZ, chuỗi tọa đàm đã tiếp cận 39.000 phụ huynh, học sinh, cộng đồng theo dõi, gần 200 lượt chia sẻ, hơn 900 lượt tương tác trực tuyến.
Kỷ nguyên 5.0 - Kỷ nguyên của một xã hội siêu thông minh là điều sẽ diễn ra và mốc thời gian được xác định rất gần: 2035 hoặc có thể sớm hơn. “Sự lên ngôi của hàng loạt siêu công nghệ” - “Nâng cao tương tác giữa người và máy” - “đặt con người làm trung tâm” chính là những từ khóa “hot” khi đề cập đến giai đoạn này. Bắt nhịp với thời đại, UEH cho rằng: hơn bao giờ hết, các nhà Quản trị, Lãnh đạo trong các lĩnh vực Kinh doanh, Kinh tế, Luật, Quản lý Nhà nước, Dữ liệu, Truyền thông cần hiểu và biết cách ứng dụng Máy tính, Công nghệ vào chuyên môn, nghiệp vụ.
Máy tính và Công nghệ không thể đi một mình mà cần được gắn kết với các lĩnh vực khác nhau theo hướng ứng dụng để đạt được hiệu quả tối ưu về nguồn lực. Đây là động lực để UEH tổ chức Chuỗi Tọa đàm Máy tính và Công nghệ: Không đi một mình với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực. Tọa đàm gồm 5 phiên, mỗi phiên ngắn gọn từ 10-20 phút với các chủ đề:
➢ Phiên 1: Tương lai của chúng ta: Kỷ nguyên Siêu thông minh 5.0
➢ Phiên 2: Chân dung Gen Z phiên bản 5.0: Lực lượng lao động chính của xã hội Siêu thông minh
➢ Phiên 3: “Cái khó” của nhân lực Máy tính và Công nghệ
➢ Phiên 4: Máy tính và Công nghệ: “Không đi một mình”
➢ Phiên 5: Tiếp cận đào tạo Công nghệ của UEH: Từ Đa ngành đến Ứng dụng - Từ Nền tảng đến Xu thế
Phiên 1,2,3: Câu chuyện của xã hội 5.0 và nguồn nhân lực lĩnh vực Máy tính, Công nghệ
Tối ngày 18/6/2023, 3 phiên đầu tiên đã chính thức được lên sóng, thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh, cộng đồng và xã hội, tiếp cận 16.800 lượt theo dõi, gần 100 lượt chia sẻ, 419 lượt tương tác trực tuyến.
Mở đầu Tọa đàm, Ông Vương Bảo Long - Phó Chủ tịch LogiGear Việt Nam đã chia sẻ về khái niệm thời kỳ siêu thông 5.0, tình hình của thế giới và Việt Nam hiện nay cũng như những cơ hội và thách thức đang chờ đón các bạn GenZ. Theo Ông Vương Bảo Long: “Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất ở Đông Nam Á, đặc biệt là trong ngành là thương mại điện tử, fintech, healthtech, edutech. Chúng ta thuộc top mười dân số có sử dụng smartphone và 63% dân số của chúng ta có sử dụng smartphone để mua bán trên không gian mạng. Nếu tính riêng tại ba thành phố lớn: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội thì hơn 75% số người trưởng thành sử dụng smartphone và hơn 83% tỷ lệ hộ gia đình ở Việt Nam có kết nối với Internet. Đó là những điều kiện hạ tầng và kết nối rất cần thiết cho việc thúc đẩy nền kinh tế số đồng thời thúc đẩy xây dựng một xã hội 5.0.”
Ông Vương Bảo Long - Phó Chủ tịch LogiGear Việt Nam trình bày với chủ đề Tương lai của chúng ta: Kỷ nguyên Siêu thông minh 5.0.
Thời đại 5.0 đề cập đến xu hướng tương tác với công nghệ mới, trong đó “đặt con người làm trung tâm”, mọi phát kiến công nghệ sẽ tồn tại bền vững nếu phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Để chuẩn bị tốt và trở thành nhân lực chủ chốt của thời đại 5.0, Gen Z có thể xem xét những kỹ năng, năng lực gì? Ông Bùi Quang Vinh - Chuyên gia Nhân sự đã đưa ra lời khuyên dành cho Genz về 2 nhóm kỹ năng: nhóm kỹ năng mang tính kỹ thuật gắn liền nghiệp vụ và nhóm kỹ năng mềm. “Học lập trình là học cách ứng dụng máy tính cách giải quyết vấn đề với sức mạnh lưu trữ, tính toán vốn có của nó. Học lập trình cũng là cách rèn luyện tư duy logic chặt chẽ, kỹ năng giải quyết vấn đề rất tốt cho người sử dụng. Trong tương lai, công nghệ thông tin và ứng dụng máy tính đều sẽ có mặt bất kể ở đâu, trong bất kỳ công việc nào. Kỹ năng lập trình sẽ dần trở thành kỹ năng thiết yếu, các công việc trong xã hội đều sẽ yêu cầu ứng viên cần có hiểu biết nhất định về lập trình” - Ông Vinh chia sẻ.
Ông Bùi Quang Vinh - Chuyên gia nhân sự trình bày với chủ đề Chân dung Gen Z phiên bản 5.0: Lực lượng lao động chính của xã hội Siêu thông minh.
Sự tiến triển nhanh chóng trong kỷ nguyên công nghệ đã tạo ra những thế khó của nhân lực lĩnh vực Máy tính và Công nghệ. Đặc biệt khi các nhân sự am hiểu kỹ thuật thì ít hiểu về nghiệp vụ và các nhân sự nghiệp vụ thì lại không biết đến công nghệ. Thách thức này chính là một trong những rào cản của quá trình chuyển đổi số trong một tổ chức. Vậy cụ thể đó là những thách thức như thế nào? Liên tục Tọa đàm, cộng đồng đã được lắng nghe những chia sẻ thực tế từ kinh nghiệm của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực thông qua phiên thảo luận “Cái khó” của nhân lực Máy tính và Công nghệ. Dưới sự điều phối của TS. Thái Kim Phụng - Phó Hiệu trưởng, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH và sự tham gia từ các chuyên gia Ông Ngô Văn Toàn – Chủ tịch BTZ Group; TS. Ngô Tấn Vũ Khanh – Tư vấn cấp cao công ty Kaspersky Lab VN; Ông Nguyễn Đức Minh Quân - Giám đốc Trung Tâm Giải Pháp Thông Minh, Công ty FPT IS; Ông Phí Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi, cung cấp bức tranh tổng quan nhân lực Máy tính và Công nghệ cho các bạn học sinh. “Hiện nay thì với sự phát triển vũ bão của công nghệ, nhân lực của Việt Nam nói chung và quốc tế có sự thiếu hụt rất lớn đặc biệt về số lượng và chất lượng. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn sâu về công nghệ và kỹ thuật, những người được đào tạo về máy móc và CNTT cũng cần phải có những kiến thức nhất định liên quan đến lĩnh vực ứng dụng. Đây cũng là một lời khuyên cho các trường đào tạo chúng ta suy nghĩ, cân nhắc và thay đổi chương trình đào tạo để có thể thích ứng với thị trường lao động hiện nay liên quan đến lĩnh vực máy tính công nghệ thông tin.” - TS. Thái Kim Phụng kết luận sau phiên thảo luận.
Các chuyên gia chia sẻ chủ đề “Cái khó” của nhân lực Máy tính và Công nghệ
Học sinh tương tác sôi nổi trên livestream trực tuyến
Phiên 4: Khi các chuyên gia hàng đầu nói về tiếp cận Đa ngành, Liên ngành, Xuyên ngành theo hướng ứng dụng của Máy tính, Công nghệ
Tối ngày 19/6/2023, 2 phiên cuối đã chính thức được lên sóng, thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh, cộng đồng và xã hội, tiếp cận 22.400 lượt theo dõi, gần 100 lượt chia sẻ, 415 lượt tương tác trực tuyến.
Hiểu “Cái khó” của nhân lực Máy tính và Công nghệ và vượt qua ranh giới của một lĩnh vực, Máy tính và Công nghệ giờ đây trở thành điểm giao thoa chung của nhiều lĩnh vực. Không chỉ là khoa học kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ giờ đây là cần được nhấn mạnh từ góc nhìn “khoa học ứng dụng”.
Vậy, tại sao Máy tính, Công nghệ lại không đi một mình? Máy tính, Công nghệ đã và đang có những ứng dụng gì trong Kinh doanh, Kinh tế, Luật, Quản lý nhà nước, Dữ liệu, Đô thị, Thiết kế, Truyền thông?
Phiên thảo luận với chủ đề “Máy tính và Công nghệ: Không đi một mình” đã mở đầu tọa đàm với phần chia sẻ thực tế của các chuyên gia đại diện trng nhiều lĩnh vực: Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc Marketing, Công ty Haravan; Ông Đinh Công Chinh - Vice Director/CIO Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC); TS. Đinh Tiên Minh - Trưởng Bộ môn Marketing, Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing, Trường Kinh doanh UEH; TS. Nguyễn Viết Bằng – Giám đốc chương trình Kinh doanh số, Giảng viên Khoa Quản trị, Trường Kinh doanh UEH; TS. Dương Kim Thế Nguyên - Trưởng Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước; ThS. Phan Hiền – Phó trưởng phụ trách Khoa Công nghệ thông tin kinh doanh, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH; PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh – Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và Tương tác.
Dưới sự điều phối của PGS.TS. Trịnh Thùy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế UEH, phiên chia sẻ đã được diễn ra dưới không khí hào hứng tại hội trường và trên livestream trực tuyến.
Các bạn học sinh đặt câu hỏi trực tuyến cho các diễn giả
Dựa trên nhiều góc độ từ doanh nghiệp, nhà trường, các diễn giả đều cho rằng máy tính và công nghệ hiện nay không còn đi một mình, chúng có thể kết hợp và là cánh tay hỗ trợ đắc lực trong rất nhiều lĩnh vực như: kinh doanh, marketing, luật, nông nghiệp, logistics.., song song đó thị trường cũng đang rất cần những nhân sự vừa am hiểu về công nghệ vừa có nghiệp vụ kinh doanh để có thể hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng định hướng chiến lược dùng công nghệ kiến tạo các giá trị kinh doanh
Cuối phiên chia sẻ, PGS. TS. Trịnh Thùy Anh kết luận: “Có lẽ là chúng ta đang ở trong cuộc cách mạng 4.0 khi mà IoT, Data Analytics cũng như là AI đang chiếm xu thế rất chủ đạo. Và chúng ta cũng đang chuẩn bị cho những bước chân vào cách mạng công nghiệp 5.0. Ở đó, xã hội siêu thông minh sẽ ngày càng phát triển theo định hướng là phát triển bền vững. Trong đó con người là trọng tâm của sự phát triển. Chúng ra sẽ biết cách làm chủ công nghệ, phát triển hài hòa trong các mối quan hệ giữa người và máy. Công nghệ cũng như máy tính không chỉ là một trụ cột để mà chúng ta phát triển mà nó cần phải được cân nhắc cho một mối quan hệ hài hòa. Ở đây là con người, những vấn đề về nghệ thuật, vấn đề về văn hóa xã hội cũng như là thích hợp trong nhiều ngành nghề xuyên ngành và liên ngành. Đây cũng sẽ là những tư tưởng chủ đạo để có giải pháp đổi mới sáng tạo và giải quyết tất cả các vấn đề đặt ra trong một cái nhìn đa chiều và đa phương thức.”
Các chuyên gia chia sẻ về chủ đề “Máy tính và Công nghệ: Không đi một mình”
Phiên 5: Tiếp cận đào tạo Đa ngành, Liên ngành, Xuyên ngành theo hướng ứng dụng của UEH
Tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), “gắn kết tri thức đa lĩnh vực” đã trở thành “từ khóa” quan trọng trọng thời gian gần đây, trong đó đặt trọng tâm vào tính ứng dụng của Công Nghệ, Máy tính với các lĩnh vực Kinh doanh, Kinh tế, Luật, Quản lý nhà nước, Truyền thông, Thiết kế, Dữ liệu, Đô thị. Đầu ra của mô hình này chính là những thế hệ nhân lực “làm chủ công nghệ, tư duy toàn cầu, hành động địa phương”.
Tiếp theo tọa đàm, các bạn học sinh, quý phụ huynh cùng cộng đồng quan tâm đã được lắng nghe phần chia sẻ từ chính những Lãnh đạo của UEH với chủ đề “Tiếp cận đào tạo Công nghệ của UEH: Từ Đa ngành đến Ứng dụng – Từ Nền tảng đến Xu thế.”
Phiên chia sẻ có sự tham dự của PGS.TS. Bùi Thanh Tráng - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; PGS.TS. Trịnh Thùy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế UEH và dưới sự điều phối của TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH.
Mở đầu phiên chia sẻ, TS. Bùi Quang Hùng đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo các trường thành viên về việc ứng dụng công nghệ tại các trường thành viên trong vấn đề thách thức bối cảnh kỷ nguyên siêu thông minh 5.0. Thông qua chia sẻ PGS.TS. Bùi Thanh Tráng; PGS.TS.Phạm Khánh Nam; PGS.TS. Trịnh Thùy Anh, có thể thấy rằng: Trước bối cảnh 5.0, toàn bộ máy của UEH và các Trường thành viên đều có sự chuyển mình sâu sắc. Các chương trình đào tạo tại các trường thành viên UEH được xây dựng đi trước thị trường một bước nhằm tạo ra lực lượng làm chủ được công nghệ và có khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt vào từng lĩnh vực nghiệp vụ đặc trưng như Kinh doanh, Kinh tế, Luật, Quản lý nhà nước, Truyền thông, Thiết kế, Dữ liệu. Các chương trình học mang tính thực hành, ứng dụng với cơ cấu: 30% kiến thức và khoa học cơ bản liên quan; 70% kiến thức ngành, kiến thức thực hành, ứng dụng chuyên sâu và khả năng ứng dụng công nghệ của lĩnh vực.
Lãnh đạo UEH chia sẻ về chủ đề “Tiếp cận đào tạo Công nghệ của UEH: Từ Đa ngành đến Ứng dụng – Từ Nền tảng đến Xu thế”
Chuỗi Tọa đàm "Máy tính và Công nghệ: Không đi một mình" đã chính thức khép lại, tuy nhiên, tọa đàm đã những mở ra nhiều viễn cảnh tương lai về một kỷ nguyên siêu thông minh 5.0, những thách thức đang chờ đón GenZ. Với tư cách là một đại học công lập trọng điểm quốc gia, trong 48 năm qua UEH luôn tiên phong trong đổi mới, thay đổi các chương trình đào tạo, các định hướng nghiên cứu của mình. Trong các chương trình đào tạo và định hướng nghiên cứu UEH luôn có sự tích hợp của các lĩnh vực, các ngành và lấy công nghệ làm trung tâm cho việc ứng dụng để giải quyết những vấn đề thách thức hiện nay.
Đặc biệt ngày 20/6 vừa qua, UEH chính thức triển khai tuyển sinh 3 ngành mới lĩnh vực Máy tính và Công nghệ hướng ứng dụng theo Phương thức thi tốt nghiệp THPTQG 2023 gồm: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính và An toàn thông tin, bên cạnh 51 chương trình đào tạo đã công bố.
Xem lại Livestream Phần 1 gồm các chủ đề: “Tương lai của chúng ta: Kỷ nguyên Siêu thông minh 5.0”; “Chân dung Gen Z phiên bản 5.0: Lực lượng lao động chính của xã hội Siêu thông minh”; “Cái khó” của nhân lực Máy tính và Công nghệ TẠI ĐÂY
Xem lại Livestream Phần 2 gồm các chủ đề: Máy tính và Công nghệ: “Không đi một mình”; Tiếp cận đào tạo Công nghệ của UEH: Từ Đa ngành đến Ứng dụng – Từ Nền tảng đến Xu thế TẠI ĐÂY
Tin, ảnh: Phòng Marketing - Truyền thông, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH.
Chia sẻ