Đại diện UEH tham gia Nhóm Chuyên gia Cấp cao “Beyond GDP” của Liên Hợp Quốc
08 tháng 05 năm 2025
Ngày 7 tháng 5 năm 2025, Liên Hợp Quốc chính thức công bố thành lập Nhóm Chuyên gia Cấp cao độc lập về “Beyond GDP” (Vượt ra ngoài GDP), nhằm xây dựng các thước đo mới phản ánh đầy đủ hơn về phát triển bền vững, bên cạnh chỉ số GDP truyền thống. Sáng kiến này xuất phát từ cam kết của các quốc gia thành viên trong Bản Giao ước vì Tương lai và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Trong đó, PGS.TS. Phạm Khánh Nam – Đại diện UEH chính là một trong 14 thành viên của Nhóm Chuyên gia Cấp cao “Beyond GDP” này.
- Mô hình Project-Based Learning kết nối Doanh nghiệp - Chuyên gia - Nhà trường dành cho sinh viên UEH ngay từ năm nhất
- UEH công bố chỉ số điều kiện tài chính FCI đầu tiên tại Việt Nam
- Khai mạc chuỗi sự kiện Ready For Next 2022: Đại học Kinh tế TP.HCM cùng các đại học, đối tác trong nước, quốc tế tổ chức các hoạt động khoa học, nghệ thuật với chủ đề “Sẵn sàng chuyển đổi cho sự phát triển bền vững của cộng đồng”
Khi thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2015, các Quốc gia Thành viên đã cam kết phát triển các chỉ số đo lường tiến bộ bổ sung cho GDP vào năm 2030. Cam kết này được đưa ra trong bối cảnh nhận thức rằng GDP – mặc dù được sử dụng rộng rãi như một chỉ số thịnh vượng và là cơ sở cho việc xây dựng mục tiêu và xếp hạng quốc gia – vẫn chưa phản ánh đầy đủ các khía cạnh của phát triển bền vững.
Vì vậy, việc thành lập Nhóm Chuyên gia Cấp cao độc lập về “Beyond GDP” của Liên Hợp Quốc chính là sự đáp ứng yêu cầu của các Quốc gia Thành viên trong “Hiệp ước vì Tương lai” (Pact for the Future) và phản ánh một mục tiêu chung mang tính lâu dài.
Phát biểu về sáng kiến này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc - Antonio Guterres nhấn mạnh: “Mỗi ngày, chúng ta đều chứng kiến những hậu quả từ việc thất bại trong cân bằng các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển. Để đạt được tiến bộ như mong đợi, chúng ta cần đo lường điều thực sự quan trọng – sự thịnh vượng của con người và hành tinh. Những thước đo mới có thể giúp định hướng lại chính sách để thúc đẩy phát triển bền vững cho tất cả mọi người.”
Nhóm Chuyên gia Cấp cao “Beyond GDP” bao gồm 14 chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều quốc gia và lĩnh vực, thể hiện sự đa dạng về giới và khu vực địa lý. Đồng Chủ tịch của nhóm là ông Kaushik Basu – cựu Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới và bà Nora Lustig – chuyên gia về bất bình đẳng tại Đại học Tulane, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Thư ký gồm các cán bộ của Vụ Các vấn đề Kinh tế và Xã hội (DESA), Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Văn phòng Điều hành của Tổng Thư ký (EOSG).
Đặc biệt, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự có đại diện trong nhóm là PGS.TS. Phạm Khánh Nam - Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH.
Nhóm Chuyên gia Cấp cao “Beyond GDP” sẽ xây dựng khung khái niệm và danh mục các chỉ số phát triển bền vững có thể áp dụng toàn cầu, phục vụ hoạch định chính sách quốc gia. Ngoài ra, nhóm sẽ cung cấp hướng dẫn về việc triển khai bảng chỉ số để tối đa hóa khả năng ứng dụng, cũng như xác định các ưu tiên trong thu thập dữ liệu và tăng cường năng lực thống kê nhằm vận hành hiệu quả bảng chỉ số và các chỉ tiêu liên quan.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, ông sẽ gửi thư đến tất cả các Quốc gia Thành viên để thông báo về việc bổ nhiệm Nhóm Chuyên gia, đồng thời mời tất cả các phái bộ tại Liên Hợp Quốc tham dự một buổi thông tin dành cho các Quốc gia Thành viên, dự kiến tổ chức vào ngày 13 tháng 5, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Thư ký.
Nhóm Chuyên gia sẽ tiến hành tham vấn chặt chẽ với các Quốc gia Thành viên và các bên liên quan trong suốt quá trình làm việc, đồng thời xem xét các kết quả của Ủy ban Thống kê Liên Hợp Quốc, cũng như kế thừa khung chỉ số toàn cầu cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Kết quả dự kiến sẽ được trình bày tại Phiên họp thứ 80 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, từ đó cung cấp cơ sở cho một tiến trình liên chính phủ tiếp theo.
Như vậy, cùng với sự kiện UEH vừa được Liên hợp quốc bổ nhiệm Phó chủ tịch SDG 11 Hub, sự góp mặt quan trọng của Đại diện UEH lần này là minh chứng cho chiến lược đại học Đa ngành và Bền vững của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam cùng các quốc gia Nam bán cầu (Global South) trong lĩnh vực kinh tế và phát triển bền vững trên trường quốc tế./.
*Xem thông báo của Liên Hợp Quốc tại đây.
THÔNG TIN THÊM:
*Về chiến lược phát triển bền vững của UEH:
Chiến lược phát triển bền vững của UEH được triển khai toàn diện trên 5 trụ cột. Cụ thể:
Đào tạo: UEH duy trì việc học tập suốt đời và nền tảng huấn luyện Glocal thông qua các môn học, khóa học ngắn hạn và dài hạn cho các đối tượng khác nhau để đóng góp cho SDG 4 – Đảm bảo chất lượng giáo dục. Trang bị cho người học khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt, cân bằng và toàn diện. Đồng thời, Nhà trường cũng chú trọng cung cấp những kiến thức nền tảng vững chắc về phát triển bền vững như một môn học bắt buộc của tất cả ngành học, giúp người học không chỉ hiểu mà còn có thể tạo nên thay đổi tích cực cho môi trường, xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững. Trong những năm qua, nhà trường đã mở mới 13 chương trình đào tạo đa ngành đáp ứng xu thế hiện đại và nhu cầu nhân lực cho thế hệ tương lai như: Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện, Kế toán tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, Công nghệ tài chính (Fintech), Công nghệ Marketing (Martech), Kinh doanh số (Digital business), Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI), Kỹ sư Công nghệ Logistic và chuỗi cung ứng (Logtech), An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, ArtTech, Điều khiển thông minh và tự động hóa. Gần 100 hoạt động giáo dục ngoại khóa, cuộc thi, tọa đàm, sự kiện có chủ đề liên quan đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, công nghệ xanh, kinh tế xanh, đại học xanh, kinh tế tuần hoàn, đô thị bền vững,... đã diễn ra.
Nghiên cứu: UEH đã có hơn 500 bài nghiên cứu của giảng viên, viên chức và hàng trăm bài nghiên cứu của sinh viên liên quan đến chủ đề lối sống xanh, kinh tế tuần hoàn,… đóng góp cho các SDG 7 – Năng lượng sạch với giá thành hợp lý, SDG 12 - Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, SDG 13 – Hành động về khí hậu, SDG 14 – Tài nguyên và môi trường biển.
Quản trị: Thực hiện nguyên tắc nhất quán “Dân chủ - Công khai - Công bằng”, mọi thành viên tại UEH đều bình đẳng, được bảo đảm quyền lợi, được tham gia thường xuyên vào việc ra quyết định, thực hiện các chính sách, hoạt động, chương trình. Bên cạnh đó, UEH tích hợp các hoạt động bền vững vào hoạt động quản trị trường học và xây dựng văn hóa xanh như một hoạt động thường ngày góp phần cho SDG 12 – Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, SDG 15 – Tài nguyên và môi trường trên đất liền, SDG 16 – Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ.
Vận hành: Trong quá trình vận hành khuôn viên xanh với dự án UEH Green Campus, đến nay 5 tấn rác thải chôn lấp đã được giảm thiểu nhờ vào việc áp dụng mô hình phân loại rác tại nguồn một các triệt để, góp phần gia tăng vòng đời rác thải và tiêu dùng có trách nhiệm theo SDG 12, 15.
Kết nối cộng đồng: UEH không ngừng kết nối với các tổ chức, cộng đồng quan tâm đến lĩnh vực bền vững để cùng nhau chia sẻ, thảo luận nhằm giải quyết các thách thức về môi trường, trong đó phải kể đến diễn đàn Quốc tế Bền vững (IFS) đóng góp nhiều cho SDG 17 – Hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu.
Để duy trì và phát triển chiến lược đại học bền vững gắn với quốc tế hóa, hàng năm, UEH tiến hành tích hợp 17 SDGs vào mọi hành động của nhà trường. Theo đó, các tiêu chí của một Đại học bền vững từ 3 bảng xếp hạng liên quan gồm QS Sustainability, THE Impact, và UI Green Metrics được nhà trường tổng hợp, phân công tích hợp vào mục tiêu năm của từng đơn vị (OKRs).
*Xem thêm toàn bộ hành động của UEH để hiện thực hóa 17 SDGs tại website.
Tin, ảnh: Ban Truyền thông và Phát triển đối tác
Chia sẻ