Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12 tại Cairo, Ai Cập
12 tháng 11 năm 2024
Từ ngày 4 - 8/11/2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đã tham gia vào chuỗi hoạt động tại Diễn đàn Đô thị Thế giới 12 (World Urban Forum - WUF12) diễn ra ở Cairo, Ai Cập. Sự kiện đã góp phần giới thiệu các thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực đô thị bền vững và mở ra cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục cho UEH.
- Hướng tới phát triển trung hòa carbon và bền vững, UEH - ISCM tích cực kết nối cùng chính quyền địa phương và các đối tác trong nước và quốc tế
- Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (CTD) - Thiết lập nền tảng cho hành trình tương lai
- Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh mang tri thức “Máy tính và Công nghệ ứng dụng” đến Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2023
Diễn đàn Đô thị Thế giới (World Urban Forum - WUF) được Liên hợp quốc thành lập vào năm 2001 và tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu ở thủ đô Nairobi của Kenya vào năm 2002. WUF là sự kiện quốc tế lớn nhất về đô thị, quy tụ các nhà lãnh đạo, chuyên gia và các bên liên quan từ khắp nơi trên thế giới để cùng thảo luận về các vấn đề của đô thị như tình trạng đô thị hóa nhanh và tác động của nó đối với cộng đồng, thành phố, kinh tế, hay chính sách về biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh Lễ khai mạc WUF12
Năm nay, WUF12 được tổ chức với chủ đề “Nhà là nơi bắt đầu: Hành động địa phương vì các thành phố và cộng đồng bền vững” với sự tham gia của hơn 25.000 đại biểu từ 182 quốc gia, trong đó có sự hiện diện của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres và Phó Tổng thư ký kiêm Giám đốc điều hành UN-Habitat Anacláudia Rossbach. Trong khuôn khổ diễn đàn, hơn 600 sự kiện kết nối và các phiên thảo luận tập trung đã được diễn ra với 6 nhóm chủ đề chính: (1) Housing our future: giải pháp cho khủng hoảng nhà ở; (2) Cities and climate crisis: vai trò của thành phố trong ứng phó biến đổi khí hậu ; (3) Stronger together: sức mạnh của hợp tác cùng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); (4) Financing localization and localizing finance: huy động và phân bổ tài chính ở địa phương để đạt được các mục tiêu SDGs; (5) Putting people first in a digital age: kết hợp giữa đô thị hóa và công nghệ số trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống, nhấn mạnh quyền lợi người dân trong quá trình đổi mới công nghệ; (6) The loss of home: tiếp cận địa phương để bảo vệ sinh kế và xây dựng đô thị bền vững.
Tại WUF12, UEH cùng với các trường Đại học lớn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Đại học Sydney (Úc), Đại học Auckland (New Zealand), Đại học Thammasat (Thái Lan), Học viện Công nghệ Bandung (Indonesia), tham gia vào các hoạt động tư vấn giáo dục, trao đổi nghiên cứu, giới thiệu các dự án và sáng kiến về phát triển đô thị tại khu vực Asia-Pacific University Urban Center (ASPAC). Bên cạnh đó, UEH cũng tham gia các buổi trao đổi, chia sẻ góc nhìn về các vấn đề như Chi phí thực hiện đô thị hóa bền vững tại Châu Á; Thực trạng, cơ hội và khó khăn liên quan đến các khu định cư phi chính thức tại Châu Á; Tiềm năng phát triển của các đô thị cấp hai (secondary cities) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
UEH có mặt tại WUF12
Sau sự kiện, mạng lưới ASPAC đã thống nhất tiếp tục hợp tác thực hiện các nghiên cứu về đô thị bền vững, hướng đến SGDs. Các trường đại học khác đến từ Pháp, Hàn Quốc và Israel cũng đã có những thảo luận bước đầu để hợp tác nghiên cứu trong việc áp dụng AI và Digital twin cho sự phát triển của các siêu đô thị. Sự tham gia của UEH tại WUF12 Expo không chỉ nhằm giới thiệu các thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực đô thị bền vững mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục.
Cũng trong diễn đàn này, TS. Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện Đô thị Thông minh và Quản lý, cùng với các chuyên gia, đại diện cơ quan ban ngành và các tổ chức phi chính phủ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Hàn Quốc, Bỉ, Mexico và Nepal, được mời tham dự hai phiên thảo luận: (1) Hành động địa phương hướng đến sự phát triển đô thị bền vững và (2) Quy hoạch đại đô thị trong kỷ nguyên công nghệ số.
- Trong phiên đầu tiên, UEH đã chia sẻ quan điểm về vai trò của quy hoạch trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường, nhấn mạnh tầm quan trọng của nền tảng đồng sáng tạo và sự cần thiết của hợp tác đa ngành và các chính sách hỗ trợ nhằm xây dựng môi trường sống bền vững. Ngoài ra, UEH cũng chia sẻ chiến lược phát triển kinh tế - du lịch - nghệ thuật cộng đồng xã Tam Thanh, tỉnh Quảng Nam là hoạt động nằm trong khuôn khổ của chương trình “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” (dự án ISCB) do Chương trình định cư con người liên hiệp quốc (UN-Habitat) triển khai, mà UEH (đại diện là ISCM) đang thực hiện cho Tam Thanh.
- Phiên thứ hai tập trung trao đổi về tác động của công nghệ số đối với quy hoạch tại các thành phố lớn và siêu đô thị trên Thế giới, trong đó UEH đề xuất các sáng kiến và chia sẻ các kinh nghiệm áp dụng công nghệ thực tế nhằm tăng cường và thúc đẩy phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
TS. Trịnh Tú Anh - Viện trưởng Viện Đô thị Thông minh và Quản lý UEH (ISCM) trình bày trong 02 phiên thảo luận
Việc UEH được mời tham dự WUF12 đánh dấu sự hiện diện lần đầu tiên của một đại học tại Việt Nam tại một hội thảo có quy mô lớn, toàn cầu như WUF, góp phần gia tăng danh tiếng học thuật của UEH với tầm nhìn trở thành đại học đa ngành và bền vững hàng đầu khu vực, phát triển giáo dục và nghiên cứu chất lượng cao, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, góp phần vào xây dựng một xã hội văn minh và bền vững.
Tin, ảnh: Viện Đô thị thông minh và Quản lý (ISCM)
Chia sẻ